Tiếng vọng chùa xưa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mai này tôi bỏ quên tôi/ Bỏ trăng bỏ gió, chao ôi... bỏ chùa/ Đem thân đi với giang hồ/ Cây đa bến cội con đò khác đưa


Thẳm sâu trong tâm thức tôi một tiếng chuông chùa, vang vọng mãi từ ngàn xưa đến mai sau... Tiếng chuông sớm đầu năm đánh thức bà con dậy đón chào năm mới. Tiếng chuông mỗi chiều ba mươi se lại cái bùi ngùi khói lam. Tiếng chuông những hôm rằm tròn xoe ông trăng với lời niệm kinh cầu nguyện.

Chùa làng - với tôi đó là sự trở về ấm áp và an nhiên. Ở đó, tuổi thơ tôi lớn lên bằng những tiếng hát lời ca mà các anh chị đã dạy. Những câu kinh dù không hiểu gì nhưng khi niệm lên vẫn cảm thấy được che chở. Đức Phật, Ngài ngồi ở trên kia tỏa vầng hào quang sáng soi xuống thế. Con quì dưới chân đảnh lễ như cái hiếu đạo vẫn thường hằng dành cho tổ tiên cha mẹ. Và đức Phật chính là một người cha thương đàn con chúng sanh.

Mái chùa quê tôi nằm ở đầu làng. Ông tôi kể lại cái ngày mới hòa bình, bà con trong làng góp tre chẻ lạt bện tranh dựng lên mái chùa. Trong tấm ảnh còn lưu giữ thì chùa chỉ là một căn nhà đơn sơ, xung quanh là các tấm phên tre đan được phủ đất trộn phân trâu. Người nhà quê cũng thật khéo trong cái nghệ thuật xây dựng, không chỉ ngôi chùa mà hầu hết các nhà đều dựng vách bằng cách đó. Lấy phân trâu trộn với bùn sẽ làm cho đất khi khô không bị nứt nẻ. Bức vách phơi qua hai ba nắng sẽ lên một màu lam rất nhuần nhã thanh tịnh, để lâu màu nó vẫn không bị thay đổi. Mái chùa thì lợp bằng tranh bện, thứ tranh này phải lên ngược trên nguồn chọn loại đót vừa già vừa dài bứt về. Bện tranh cũng đòi hỏi phải cẩn trọng chứ không đến khi ngọn tranh khô thì nó dột nước xuống nhà. Cột hiên cũng là tre, gộp ba cây lại thành một cái trụ chống lấy mái hiên èo oặt. Vậy là cả ngôi chùa toàn tranh tre nứa lá, nhìn vào thấy một màu đất lam hiền hòa bình dị quê mùa.

Phía trước chùa là một “Quan Âm Các” đứng uy nghi. Làng tôi tự hào có được bức tượng Phật Quan Âm bằng đồng cao hơn người lớn dễ đến nửa thước. Bức tượng đã lâu nên màu đồng bị nước phủ thời gian làm cho đen bóng cả lên. Rồi đạn pháo chiến tranh cũng làm cho áo Ngài bị hỏng nhiều chỗ. Lũ ong tò vò đua nhau chui vào các lỗ thủng làm tổ trong bức tượng, chắc chúng cũng biết rằng trong lòng Đức Quán Thế là nơi an toàn và ấm áp nhất. Ngày nhỏ có lần đi lễ Phật, thế rồi an nhiên nằm dưới chân bức tượng và ngủ quên đến gần sáng mới tỉnh dậy chạy một mạch về nhà.

Trong mái chùa tranh tre nứa lá ngày ấy, thế hệ những đoàn sinh đầu tiên sau hòa bình đã lớn lên. Cha tôi kể lại cái ngày đó còn nghèo khó, đến chùa chỉ với lòng thành tâm chứ cũng không có đồng phục áo lam quần soọc như bây giờ. Thế nhưng không câu nệ chuyện ăn mặc, lứa đoàn sinh nam nữ như cha tôi ngày ấy vẫn hôm sớm lên chùa sinh hoạt, niệm Phật.

Cái mõ được đẽo từ gốc mít già khi đánh lên nghe tiếng ấm áp lắm. Gỗ được chọn làm mõ phải là loại mít già khối to. Trước hết phải đẽo xung quanh thành hình bầu dục, sau đó đục một lỗ hỏng xuyên qua như cái ống để khoét lớp ruột bên trong. Để tiếng kêu của mõ vang hơn thì phải xẻ ngang một cái rãnh tạo ra cái hàm. Mõ cũng là một dụng cụ phát ra âm thanh nên dĩ tất có cấu trúc giống miệng động vật. Tiếng mõ ấm hay không cũng tùy vào độ khéo tay của người thợ. Cần thiết nhất trong nghề đẽo mõ là phải nhẫn nại và chú tâm. Cái mõ chùa tôi được một người trong làng có tay nghề đẽo cho, từ cái ngày mới làm lại chùa đến giờ tiếng kêu càng hay hơn.

Năm 1992, nhờ được hỗ trợ từ bà con ở nước ngoài, mái chùa tranh được dỡ bỏ để xây dựng kiên cố. Ngày khánh thành ngôi bổn tự có mời được một tăng đoàn về chứng minh. Cái phan vải vàng treo trên ngọn tre thỏng xuống rồi bay lất phất trong gió. Cái phan có những dòng chữ Hán của Hòa thượng viết. Trước đó, ông nội tôi đã lên phố mua một ít đồng tiền xu cũ, đem về chùi sạch. Đến hôm làm lễ hạ phan thì tất cả số đồng xu được đặt lên mâm xôi. Sau bài kệ, Hòa thượng vốc lấy những đồng xu và ném cho bà con nhặt. Cùng với những đồng xu, mảnh phan xẻ làm dây đeo cổ cho mấy đứa con nít khỏi bị gió máy.

Về sau, quí Thầy Cô ở Sài Gòn có dâng tặng chùa một cái đại hồng chung lớn thay thế cái chuông cũ. Ngày rước chuông, cả làng đến xem và nghe bác chủ lễ đánh hồi đầu tiên. Cái chuông cao bằng thằng bé tôi mười tuổi lúc ấy, màu vàng óng của thứ đồng mới lột khỏi khuôn và mài nhẵn. Tiếng đại hồng chung vang to từ đầu làng đến cuối thôn và còn vang sang các làng khác. Bác chủ lễ mừng quá khăn gói lên nằm ở chùa để sáng thức dậy gióng một hồi thức tỉnh bà con.

Càng ngày, đoàn sinh thêm đông, sân chùa những tối ba mươi hay hôm rằm đều ca hát nhảy múa. Rồi các anh chị lớn dạy Phật pháp, các bậc mở mắt – chân cứng – cánh mềm... cứ thế mà học lên. Giờ đây, lũ trẻ chúng tôi đã được cha mẹ cắt cho khổ vải làm áo lam và quần soọc xanh. Oanh nữ mang ríp với dây chéo “H” tượng trưng cho chữ “Hỷ”. Oanh Nam thì đeo dây chéo “X” tượng trưng cho chữ “Xả”. Trên ngực đính một huy hiệu hoa sen tám cánh và bảng tên. Các chị ngành thiếu khéo tay xếp vải thành những mẩu nhỏ cỡ ngón tay, rồi dùng chỉ trắng thêu lên mấy chữ “GĐPT Phúc Lộc”. Đeo hoa sen và bảng tên lên bỗng thấy thích được đến chùa.

Những dịp Khánh Đản chùa có tổ chức cắm trại văn nghệ. Vu lan báo hiếu thì làm lễ bông hồng cài áo. Có những cánh hoa hồng nơ xanh hạnh phúc và cũng có những cánh hoa trắng nơ trắng thiếu may mắn. Làng tôi đa số đều theo đạo Phật nên công việc đồng áng cũng chịu sự chi phối của hoạt động tín ngưỡng. Lễ Phật đản thường trùng vào dịp gieo sạ vụ lúa hè thu, vậy là có năm bà con thống nhất để sau lễ mới xuống đồng gieo mạ. Ai cũng vui vẻ đồng ý và vụ mùa năm đó bội thu, âu cũng là nhờ ân đức của ngài Bổn sư.

Nhớ về chùa xưa, trong tôi chợt thắp lên mấy câu thơ của Trần Trọng Ánh, một người anh trưởng trong GĐPT.

Chiều
Thinh không tiếng chuông chùa trầm lắng
Nghe lòng mình xao xuyến nỗi cô liêu
Ngập ngừng trong hoang vắng khói lam chiều
Bên xóm nhỏ đèn nhà ai chợt sáng.

Làn khói hương mỗi chiều thu như cứ lan tỏa đi theo tiếng đại hồng chung nặng chở lòng từ bi nhân ái. Chúng tôi như đàn cá phóng sanh năm xưa, cứ trôi theo những dòng suối ra biển đời. Nhiều khi sóng to gió lớn, lại niệm danh hiệu đức Quán Thế để được che chở.

Có một con thuyền xa bến bờ quê. Chiều nay vẳng nghe tiếng chuông chợt giăng cánh buồm tim trở về.

Nguyên Quy
[Tập san Pháp Luân - số 53, tr.86, 2008]