Bài học từ ngụ ngôn xưa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Nhiều bài học về tiền thân của đức Phật được nói đến qua hình thức các truyện thần thoại và ngụ ngôn, một số chắc chắn đã được lưu truyền lâu đời trước thời đức Phật. Lúc đầu, các truyện này có vẻ xa lạ với tư tưởng hiện đại, nhưng khi chúng được bảo vệ như các thánh vật, các chân lý thâm diệu, một số truyện ngụ ngôn này mới được nhắc lại ở đây. 

 

Ngày xưa xưa lắm, tại một nước nọ có phong tục rất kỳ lạ, họ đem bỏ tất cả các cụ già vào chốn rừng núi xa xôi nơi không ai có thể lai vãng đến được. Một hiền nhân nọ thấy rằng thật rất khó có thể chấp nhận phong tục bất nhân này đối với trường hợp người cha già quí kính của mình. Vì vậy, vị hiền nhân nọ liền xây một cái hang bí mật ngầm dưới đất để giấu người cha và kín đáo chăm sóc.

Một hôm, bỗng có một vị thần xuất hiện trước mặt nhà vua và đưa ra những câu hỏi thật rắc rối. Vị thần còn cho biết nếu nhà vua không trả lời được một cách thỏa đáng thì đất nước của nhà vua sẽ bị tiêu diệt cấp thời. Câu hỏi đầu tiên như vầy: “Đây là hai con rắn, hãy trả lời cho ta biết con nào là con đực và con nào là con cái.”

Nhà vua và tất cả quan chức vô cùng bối rối vì không một ai trong hoàng cung có đủ khả năng trả lời câu hỏi. Vì vậy, nhà vua đã khẩn trương ban chiếu chỉ hứa sẽ trọng thưởng cho bất cứ ai trong vương quốc giải đáp được câu hỏi phức tạp này. Vị hiền nhân liền đến chỗ cất giấu người cha và trình bày câu chuyện. Cụ già đáp: “Đó là câu hỏi dễ, này nhé hãy đặt hai con rắn vào một bức thảm mềm. Con nào động đậy là con đực, con nào nằm yên là con cái”. Vị hiền nhân đem câu trả lời này đến trình vua và được vua khen thưởng.

Thế rồi vị Thần lại đặt những câu hỏi nan giải khác khiến nhà vua và các cận thần của ngài vẫn không sao trả lời được. Dĩ nhiên những câu hỏi này lại được vị hiền nhân kín đáo tham vấn cha già và luôn luôn nhận được sự giải đáp chính xác. 

Đây là một số câu hỏi và những giải đáp giữa nhà vua và vị Thần đang đe dọa. “Ai là người trong khi đang ngủ được gọi là người đã tỉnh thức,và ai là người đã tỉnh thức lại được gọi là kẻ đang ngủ”. Câu trả lời như vầy: “Đó là người đang tu tập đạo giác ngộ. Vị ấy là người tỉnh thức khi so sánh với người mê-không biết chân lý giải thoát giác ngộ. Nhưng khi so sánh với người đã hoàn toàn chứng ngộ, kiến tánh thì vị đó coi như là kẻ vẫn còn đang mê ngủ.”

 “Bằng cách nào để có thể cân được một con voi to?” Câu trả lời: “Đưa voi lên một chiếc ghe, kéo một đường dây làm dấu để biết ghe rút xuống mực nước sâu bao nhiêu, sau đó chất đá đầy vào cùng chiếc ghe đó cho đến khi nó rút xuống mực nước tương tự và cân riêng từng viên đá”.

Câu nói này có ý nghĩa gì: “Một tách đầy nước có thể nhiều hơn nước trong biển cả, vì sao?” Đây là câu trả lời: “Một tách nước đầy trong tâm thái tĩnh lạc và nhân ái đem dâng cho cha mẹ hay một bệnh nhân nào đó được công đức vô song bất diệt, còn nước trong đại dương tuy nhiều nhưng một ngày nào đó cũng sẽ khô cạn, theo qui luật vô thường của vạn pháp.”

Lại một câu hỏi khó nữa: “Một người sắp chết đói, suy sút còn xương da than trách phận mình rằng trên cõi đời này liệu có ai thống khổ hơn anh ta không?” Câu trả lời: “Có một hạng người trên thế gian này vốn có bản tính ích kỷ, tham dục, độc ác, không có đức tin ba kho tàng Phật Pháp Tăng, không biết cúng dường Tam bảo, không biết phụng dưỡng cha mẹ và các vị thầy của họ. Tâm thức vị đó không những trầm luân thống khổ hơn nhiều mà còn bị đọa lạc vào các cảnh giới của ngạ quỉ nơi mà người đó mãi mãi chịu đau khổ vì đói khát.” 

Câu hỏi “Đây là một phiến gỗ, làm sao biết đầu nào là gốc của cây?” Trả lời: “Thả nổi phiến gỗ trên nước, đầu nào chìm xuống một ít đó là đầu gần rễ nhất.”

 Câu hỏi: “Đây là hai con ngựa, làm sao biết được ngựa nào là mẹ, ngựa nào là con?” Trả lời: “Hãy cho chúng ăn cỏ. Ngựa mẹ sẽ đẩy cỏ về phía con của nó.”

 Những lời giải đáp chính xác các câu hỏi hắc búa này đã làm cho vị Thần rất hài lòng và biến mất sau làn khói trầm hương thơm ngát. Nhà vua vô cùng hân hoan, tán thưởng công đức vị hiền nhân. Khi vua phát hiện ra rằng các câu trả lời minh triết đó đều do một vị cha già chỉ bảo, cụ già mà đứa con hiếu thảo đã bí mật cất giấu. Từ đó, nhà vua liền ban lệnh rút lại luật phế bỏ các người già biệt trú trên núi rừng và từ đây các cụ bô lão tuổi già phải được đối xử tử tế và nhân hậu. ■ 

(Trích dịch theo phần lessons from ancient fables  trong The Buddha and his opening up the treasury of Truth của Buddhism Promoting Foundation. Tokyo-Japan)

Nguồn: Tập san Pháp Luân 26, tr.85, 2006