Lục đạo thần quang

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Dưới bóng râm của cây phượng tím trong sân trường Đại học, hai sinh viên, một nam, một nữ đang giúp nhau ôn bài.



Dưới bóng râm của cây phượng tím trong sân trường Đại học, hai sinh viên, một nam, một nữ đang giúp nhau ôn bài. Bỗng nhiên, người nữ ngước nhìn đôi chim sẻ ríu rít trên cành cao, gương mặt nàng chợt ủ dột. Người nam nhận ra ngay, lên tiếng hỏi:

- Sao vậy?

- Ơ... A ...

- Đừng trả lời theo kiểu tiểu thuyết là “bụi bay vào mắt” nhé!

Người nữ biết không thể giấu bạn nhưng nàng sẽ không nói rõ điều bất an trong lòng mà sẽ chỉ chia sẻ cảm nghĩ, biết đâu bạn nàng sẽ mở cho nàng một lối đi. Nghĩ thế, nàng thở mạnh một hơi dài rồi nói bâng quơ:

- Em không nhớ đã đọc ở đâu câu Tổ Lâm Tế nói rằng “Lục đạo thần quang chưa từng bao giờ vắng mặt”. Anh hiểu câu đó thế nào?

Biết bạn sẽ vòng vo nên người nam liền giải thích:

- Anh nghĩ Tổ nói Lục đạo là Lục căn đó.
- Lục căn là sáu cửa ải của đầu mối tạo nghiệp sao lại là lục đạo được?

Không biết nàng thực sự không hiểu hay muốn đào sâu điều gì, người nam cứ giữ tâm an nhiên trả lời:

- Thiện còn chứa ác, có còn hàm không thì sao lục căn lại chẳng thể là lục đạo? Có lúc nào mắt, tai, mũi, lưỡi, khẩu, ý rời khỏi ta không? Cảnh hiện ra là mắt thấy, tiếng vọng lên là tai nghe, hương thoảng tới là mũi ngửi... và cảm thọ khởi lên sau khi thấy, nghe, ngửi... là vì ta để căn qua lăng kính phân biệt mới kết luận đẹp xấu, hay dở. Nếu khi ta thấy, nghe, ngửi, mà chỉ nhận biết đơn thuần bản chất đối tượng thì ta sẽ không bị đồng hóa với đối tượng.

Nàng thở dài:

- Làm sao khi đối cảnh mà tâm không động được?

- Ấy, lẽ đạo dễ mà khó là ở ngay chỗ đó. Sở dĩ chúng ta đối cảnh động tâm là vì ta quen huân tập như thế rồi nên tâm thức lúc nào cũng sẵn sàng khởi niệm phân biệt. Muốn tâm thức đi chỗ khác chơi để lục căn ghi nhận được thuần khiết bản chất đối tượng thì chúng ta phải tập, phải sửa những thói quen đã bám rễ đó. Tu là sửa. Dễ hay khó tùy thuộc công lực và quyết tâm của người muốn sửa.

- Tâm thức vốn vô hình, sửa đã khó, anh lại bảo hắn đi chỗ khác chơi là đi đâu? Tâm thức tuy vô hình nhưng có đó, vì nếu không có, ai làm việc phân biệt? Nếu ta sửa thành công, nghĩa là tâm thức sẽ thất nghiệp, thì nó đi đâu?

Chàng thong thả gấp sách lại. Học gì nỗi nữa với cô bạn rắc rối thế này! Nàng tưởng chàng bí. Nhưng không, chàng điềm tĩnh phản công:

- Anh chàng tâm thức này rất tội! Khi đã thất nghiệp rồi là lập tức vô gia cư. Đúng thế, anh chàng không còn chỗ trụ, bèn tự biến mình, nhẹ như tơ, thoắt một sát-na, tâm thức biến mất; hay nói khác đi, khi căn làm chủ được mình để chỉ nhận chân bản chất đối tượng thì thức hòa vào mênh mông, bát ngát, thức không còn hiện hữu trong thời gian, không gian nữa! Những gì có mặt trong không gian, thời gian thì còn quẩn quanh với sinh diệt; ngược lại cái đã thoát ra ngoài không gian, thời gian mới có thể hùng tráng đi ngang ba cõi mà không bị Mất-Còn, Sinh-Tử trói buộc.

Nàng cúi đầu, trầm ngâm. Chàng bồi thêm để mong kéo nàng ra khỏi “điều gì đó” đang khiến nàng phiền não. Chàng chỉ lên chùm phượng tím ngay trước mặt, hoa và lá đang lay động trước gió và gió ấy đang làm rơi dăm cánh hoa tàn:

- Này, em nhìn xem, gió đang làm rụng hoa, rơi lá nhưng cây phượng thì vẫn hiên ngang, lẫm liệt thế này, cây phượng đâu có rơi, đâu có chết vì nó biết nguồn nhựa xanh tươi đang luân lưu trong tự thân. Dẫu cho đến khi nào thân mục, rễ khô, cây phượng cũng có chết đâu! Cây phượng lại thành đất và đất lại nuôi cây mà! Thân tứ đại của ta cũng không khác. Khi ta an trú được trong tự thể bất sinh bất diệt của mình như cây phượng thì ta cũng an nhiên nhìn vui buồn, thành bại, xấu đẹp, giàu nghèo trôi qua, như cây phượng đang nhìn hoa rơi, lá rụng mà nó vẫn vui vẻ, an nhiên cho chúng ta bóng mát. Em thua cây phượng hả???

Chàng bất chợt cao giọng khi hỏi như thế vì chàng quyết tâm quật ngã giặc phiền não đang tấn công nàng. Quả nhiên, đang nghe chàng “từ bi thuyết pháp”, bỗng nhiên bị giáng một đòn như ngài Huệ Khả đi cầu đạo, bị Tổ Đạt Ma quát lớn “Đem cái tâm bất an của ngươi ra đây ta an cho” là lập tức ngộ đạo ngay. Tiếc thay, chàng không là Tổ Đạt Ma và nàng cũng không phải Huệ Khả nên câu hỏi gay gắt của chàng chỉ đủ làm nàng giật mình. Và tệ hại hơn, sau khi giật mình, nó còn như lời mắng mỏ, chạm vào vết thương đang mưng mủ. Đau quá, nàng òa lên khóc!

Chẳng những không là Tổ Đạt Ma, chàng còn mù tịt không dỗ dành nên cứ ngồi thừ ra, nhìn nàng khóc! Ấy thế mà lạ thay, chàng không cảm thấy bứt rứt chút nào, chỉ lặng lẽ nhìn. Còn nàng thì khóc như lâu lắm chưa được khóc, đôi vai rung rung theo từng nhịp thổn thức, nước mắt nước mũi tèm lem khiến nàng luôn nâng vạt áo lên chấm chấm, lau lau...

Cứ thế, chàng ngồi nhìn. Và nàng ngồi khóc.

Chàng là người nhìn. Và nàng là đối tượng bị nhìn.

Dẫu nàng là bạn, nhưng chàng không bị bi thương của nàng cuốn hút. Chàng chỉ đang ghi nhận thực thể trước mắt là nàng đang ngồi khóc. Thế thôi! Đây là Pháp Chiếu Kiến kỳ diệu của Bồ-tát Quán Thế Âm, an trú trong thiền tập trước ngoại cảnh...

Tình thế bất thần đảo ngược.

Khi nhận ra ánh sáng tươi vui đang lan tỏa trên tóc, trên mắt, trên trán, trên cả toàn thân chàng, nàng chợt im bặt, ngừng khóc.

Và bây giờ nàng ngồi nhìn chàng.

Như con đò chao đảo giữa bão táp đại dương vừa tìm về tới bến sông êm, nàng từ tốn, từng bước thấy mình.

Nàng nhìn niềm đau đang dày xéo tâm can như đang nhìn kẻ lạ. Nàng và niềm đau là hai biệt thể. Niềm đau không làm nàng đau được nữa vì nàng không hòa mình làm một với nó như dăm phút trước đây. Niềm đau chỉ còn là vật bị nàng quán chiếu. Nàng đang nhìn rõ mặt mũi nó như nhìn những con múa rối trình diễn. Nó là diễn viên, nàng là khán giả. Tuồng này dứt sẽ tới tuồng khác. Khán giả này ra về, khán giả khác sẽ đến. Đến và Đi nối tiếp không ngừng, nên nói Đến mà không nơi đến; nói Đi mà không nơi đi, chỉ có CÁI THẤY đến, đi, là vẫn đó.

Với nhãn căn, chỉ mở mắt ra là lập tức thấy cảnh vật quanh ta, có hoa là thấy hoa, có bướm là thấy bướm, không cần vận dụng một suy nghĩ quanh co nào. Chính vì sự kiện “tất nhiên” như thế nên ta thường lầm tưởng cái ta thấy là do nhờ con mắt của thân tứ đại; nhưng không phải, vì khi ta ngưng thở, thân còn nằm đó với đầy đủ tay chân mắt mũi nhưng mắt không thấy được nữa. Vậy “cái thấy tất nhiên” kia không phải do con mắt của thân tứ đại mà có thì cái thấy đó từ đâu?

Quán chiếu tới đây, nàng cực kỳ xúc động. Nếu cái thấy không do nhục nhãn mà thấy thì cái nghe cũng không do nhục nhĩ mà nghe, vậy chúng là gì? Từ đâu? Phải chăng chúng đã TỰ CÓ nên không sinh diệt theo thân tứ đại? Vì tự có nên chúng chẳng từ đâu đến cũng chẳng sẽ về đâu. Chúng vĩnh hằng và Vĩnh Hằng là sự sống luôn luôn có mặt trong tự thân ta.

Còn gì nghi ngờ nữa, cái không sinh không diệt, không đến không đi, không trong không ngoài, không sạch không dơ... lại luôn hiện hữu trong suốt lưu ly không là PHẬT TÁNH thì là gì?

Lòng nàng chợt òa vỡ sự mầu nhiệm của Bản Thể Chân Như.

Sự chứng nghiệm này quá lớn lao, vượt qua sức chịu đựng của nàng. Nàng lay vai chàng, lay thật mạnh bằng hết sức của mình để hấp tấp hỏi:

- Anh! Cái gì đây? Em đang cảm thấy cái gì đây?

Trong khi chàng im lặng mỉm cười thì nàng vội vã kể hết, kể tỉ mỉ suốt chặng quán chiếu vừa qua. Hình như chặng đường đó chỉ có mấy phút, mấy giây hay là đã trôi suốt kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai của nàng?

Lòng họ hướng về Đạo, nghĩ về nhau thành khẩn quá, tới mức Tâm vừa Truyền Tâm mà họ không hay. Họ chỉ cảm thấy vô cùng hân hoan, cất tiếng cười trong vắt như thủy tinh khi hồi chuông rung báo giờ vào lớp rộn rã vang khắp sân trường.

Niềm đau nào mà không tan theo????

Diệu Trân
[Tập san Pháp Luân - số 21, tr.67, 2006]