Niệm ân Cha Mẹ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Dù chỉ là một cơn mưa, mưa thật mỏng vào một chiều cuối hạ, phất nhẹ qua khung cửa sổ của hiên phòng, như những giọt sương sớm vướng mình trên những chiếc lá non èo uột, nhưng cũng đã đủ xua tan đi sự ngột ngạt của những ngày dài nóng rít, và dường như ai ai cũng thở ra nhẹ nhõm!


Mọi vật trở nên xanh tươi, rạng rỡ… Hàng cây phờ phạc bên kia trường, hôm qua tưởng chừng không gượng nổi, mà hôm nay vươn mình đứng dậy, cười nói xôn xao với gió chiều lồng lộng!

Ôi, sự sống thật mầu nhiệm biết bao khi muôn vật giao thoa chan hòa kỳ diệu! Phải chăng tất cả đã, đang sống nương tựa vào nhau và sẽ niệm ân nhau mãi mãi. Đó là niềm hưng phấn, là nguồn sống, là sự khích lệ lớn lao của nhân sinh, vũ trụ, vạn hữu.

Muôn vật luôn vậy và kiếp người cũng thế. Sự tồn tại, thịnh suy, được mất, khóc cười… của chúng ta, của muôn loài, muôn sự, muôn vật trong cuộc đời này luôn nương tựa vào nhau. Nhưng rồi có những lúc chỉ vì sự đổi thay chuyển biến, ta tưởng chừng mất đi tất cả niềm tin đối với nhau. Ta cảm thấy lẻ loi, cô đơn cùng cực trong những nỗi đau thầm lặng, hay vật vã kêu thương, oán trách nhau, để rồi hành hạ lẫn nhau không cùng tận! Những lúc ấy ta cần nhớ nghĩ đến nhau thật nhiều, để mà thương yêu nhau, niệm ân nhau…

Và rồi nắng lên, trời xanh, mây trắng, gió thanh, chim hót líu lo như chào đón bình minh đang hiện hữu.

Ôi ban mai tinh khôi làm sao ấy! Những giọt sương lấp lánh trên đám cỏ non xanh ngát. Bức tranh thiên nhiên đẹp vô ngần. Sự sống sinh động hài hòa quanh ta, làm cho ta cũng mỉm cười, hòa nhịp, và nghe trong lắng lạ thường… Ta lại niệm ân nhau với tất cả lòng biết ơn sâu sắc! Ta niệm ân Tam bảo, ân Trời - Đất, ân Tổ quốc, ân Ông Bà, Cha Mẹ, những bậc Thầy tâm linh chơn chánh, niệm ân Thầy bạn, ân người thân kẻ oán, và niệm ân với tất cả muôn loài trong quá khứ, hiện tại và vị lai… Chắc hẳn, không phải ai cũng tán đồng với ta một cách dễ dàng như thế. Ta niệm ân Tam bảo vì chính Ba ngôi báu này đã khai mở tâm trí cho ta để ta biết đâu lành đâu dữ, đâu chánh đâu tà… để trở nên người nhân hậu và hữu dụng đối với tự thân, gia đình, xã hội và tổ quốc. Ta niệm ân nhân loại trên trái đất này đã chở che, đùm bọc cho ta từ khi ta được thai nghén cho đến khi chào đời.

Và ta niệm ân cha mẹ đã nuôi ta khôn lớn bằng tình thương vô bờ bến, như ca dao đã ví:
“Công Cha như núi Thái sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Và trong tiết trời tháng bảy này, tôi xin kể ra đây một vài kỉ niệm nhỏ của tôi, như một sự niệm ân đối với cha mẹ của mình khi mùa Vu lan Báo hiếu trở về.

Có một lần, tôi bị một mụt nhọt thật lớn ở trên bàn chân phải. Mụt sưng đỏ ối. Mẹ tôi xít xoa ôm tôi vào lòng và an ủi khi tôi đau nhức rên la. Cha tôi đứng ngồi không yên. Ông tìm đủ loại thuốc lá cây và hạt liên tử, rồi nhai và đắp lên để làm mưng mủ.

Nhưng ngày qua ngày mà cái mụt nhọt quái ác kia vẫn không biến mất. Thế rồi tết đến, vì náo nức mà tôi quên đi cái mụt nhọt. Khi cha mẹ tôi chăm chút nồi bánh tét với ánh lửa bập bùng thì chúng tôi chỉ quấn quýt mãi với quần áo mới, và đôi lúc cãi cọ nhau về những món đồi chơi!

Nhưng rồi đến sáng mồng một, khi các anh em chúng tôi ai cũng đi thăm bà con, cô bác để được chúc lành và được lì xì, thì tôi không thể bước được nửa bước. Tôi cố nén mà nước mắt cứ tuôn dài. Cuối cùng đứa em trai kế tôi (Quyên) đã “phát tâm Bồ-tát” tình nguyện cõng tôi đến thăm nhà Bác. Và trưa hôm ấy, cha tôi thương quá nên đã quyết định hút mủ cho cái chân của tôi.

Tôi vẫn còn nhớ khá rõ là cha đã dùng miệng của mình để hút hết mủ nơi cái mụt nhọt ấy. Còn mẹ ôm tôi để tôi bớt hoảng sợ. Mẹ bảo, “Có mẹ ngồi bên con đây, không sao cả.” Tôi thấy đau, nhưng chỉ trong phút chốc là có thể vui cười líu lo, và chỉ biết nói “Con cảm ơn cha. Con cảm ơn mẹ”, rồi cò nhắc chạy ra sân ngay. Ở đó, anh em chúng tôi đang chờ dẫn tôi đi chơi tết và ăn bánh mức. Tôi quên cả, miệng cha ngậm đầy máu mủ tanh hôi mà không hề ái ngại, chỉ thấy tôi hết khổ, được vui là bớt đi phiền muộn.

Ôi “Tình cha ấm áp như vầng Thái dương”.

Sau này, tôi đọc được câu chuyện về vua A-xà-thế, tôi không cầm được nước mắt khi câu chuyện quá thương tâm. A-xà-thế đã giam cha mình vào ngục tối, bỏ đói cho đến chết. Khi cha ông gần chết thì ông nghe mẹ mình (Hoàng hậu Vi-đề-hi) kể lại: khi còn nhỏ, ngón tay A-xà-thế mọc mụt nhọt, thường đau nhức và khóc la. Để con bớt đau, vua Tần-bà-sa-la nhiều lần ngậm mụt nhọt trong miệng, và rồi khi mụt nhọt vở, ông đã hút cả máu mủ vào trong. Nghe xong, A-xà-thế ân hận, gào khóc, chạy vào ngục để cứu cha, nhưng đã quá muộn! Câu chuyện ở đây đầy nước mắt và thương tâm. Người cha hết mực thương con, đã hy sinh tất cả vì con; ngược lại, người con lại nhẫn tâm bất hiếu đối với cha mẹ của mình.

Hai câu chuyện này nói lên ân cha nghĩa mẹ không bờ bến. Dù hai người cha khác thời đại, khác chủng tộc, quốc gia nhưng tình thương và đức hy sinh đối với con cái không khác biệt. Như nước ở đại dương, chỗ nào cũng thuần một vị mặn; và máu, máu nào cũng đỏ như nhau. Hẳn trong chúng ta ai cũng ngậm ngùi về hai câu chuyện tình cha ở trên. Và tôi thương khóc cho cả vua Tần-bà-sa-la và thái tử A-xà-thế. Điều đã khiến chúng ta suy niệm thật nhiều.

Về tình thương của mẹ tôi cũng không sao kể xiết. Tôi chỉ kể ra một vài kỉ niệm nhỏ. Tôi nhớ có lần về thăm nhà, rồi tôi bị ốm nặng, sốt rất cao, tưởng chừng không qua khỏi. Lần ấy ở tại Cam Ranh. Sau khi thoát chết tôi phải nằm bệnh gần hơn một tuần, chỉ uống toàn nước cháo mặn và phải ướp đá khắp người. Cha mẹ tôi quay quắt như đứt từng khúc ruột khi thấy tôi xanh xao vàng vỏ và không ăn uống được gì.

Ban đêm tôi nằm thoi thói, không chợp mắt ngủ được. Mẹ tôi thức thâu đêm với tôi. Còn cha tôi vì bệnh vừa mới dứt nên mẹ tôi không để cha tôi trực đêm. Thế rồi một đêm, mẹ tôi vì kiệt sức nên ngủ thiếp đi. Tôi thấy thương mẹ và khóc nấc lên. Mẹ tôi choàng tỉnh, hốt hoảng lo sợ, ôm chầm lấy tôi, vổ về, tưởng rằng tôi có mệnh hệ gì, “Mẹ đây, mẹ đây mà. Con thấy trong người thế nào?” Mẹ tôi thảng thốt gọi cha tôi, làm cả nhà lo lắng không yên. Và thế là từ lúc ấy cho đến ngày tôi bình phục, mẹ luôn sát cạnh bên tôi. 

Ôi, “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình…”

Một lần khác tôi về thăm quê. Sáng sớm hôm ấy, mẹ tôi dậy thật sớm để lo mọi việc trong ngày. Trời mưa tầm tả, mưa ở miền Trung. Nơi gia đình tôi ở là Quảng Ngãi. Mưa như trút nước, không ngớt. Mẹ tôi sợ trễ nãi mọi việc nếu phải đợi cho tạnh mưa. Vò nước nằm ở sân sau nhà, mẹ tôi muốn lấy nước để vo gạo. Tôi bèn nói: “Mẹ ạ, để con mang vào cho mẹ”. Mẹ tôi từ chối: “Không, không… Con muốn thì lên nhà trên lấy nón lá và áo mưa xuống cho mẹ”. Tôi dạ và đi ngay. Nhưng vừa xuống tới nơi thì mẹ tôi đã ướt sũng cả người. Ì ạch bên lu nước với đôi tay gầy guộc. Tôi thảng thốt và xúc động dâng trào. Tôi trách mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ lại làm thế?” Mẹ tôi ngọt ngào bảo: “Vì mẹ sợ con sẽ bị ướt và nhiễm lạnh.” Thì ra mẹ nghĩ đến tôi mà quên cả chính mình.

Đó là một vài kỉ niệm nhỏ mà tôi kể ra như là một sự niệm ân về Cha Mẹ của mình, để nhắc nhở tôi làm con phải luôn nhớ đến bổn phận đối với ân đức dưỡng dục của hai đấng sinh thành. Trong kinh Phật từng khuyên chúng ta hãy phụng dưỡng cha mẹ. Đừng làm đau lòng mẹ và tủi hổ cho cha. Đó gọi là phần nào đền đáp thâm ân trong muôn một của cha mẹ.

Hôm nay mùa Vu lan trể về, những hình ảnh năm xưa lại hiện khởi trong tâm trí một cách rõ nét. Tôi biết khó có thể diễn tả được tất cả những hình ảnh ấy bằng ngữ ngôn cuộc đời, cũng không thể nói lên được công ơn của Mẹ Cha bằng những dòng chữ hạn hữu này. Công ơn cha mẹ nói làm sao cho hết được! Đây chỉ là những dòng đơn sơ, như một đoá hoa hồng tri ân nhỏ bé mà người con phương xa muốn dâng lên hai đấng sinh thành trong mùa Báo hiếu.

Đồng Anh
[Tập san Pháp Luân - số 65, tr73, 2009]