Ý nghĩa lạy sáu phương

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Đức Phật, Ngài đã đoạn tận khổ đau bằng phương pháp thực nghiệm tự thân. Điều này đã minh chứng rõ trong kinh Ưu-bà-tắc giới.

Bài kinh nhấn mạnh tinh thần tức tục tức chơn, chơn tục viên dung, được thể hiện qua cách lễ lạy sáu phương của thanh niên Thiện Sanh, cầu mong thần linh ban phước, ban ân. Qua đó Ngài không phủ nhận sáu cách lạy trên, vì nó không trái với tục đế. Nhưng Ngài đã chuyển biến tư tưởng quan niệm này thành chánh kiến, Chánh pháp.

Vậy để hiểu rõ hơn về ý nghĩa lạy sáu phương đức Phật đã dạy Thiện Sanh qua bài kinh Phật thuyết Thiện Sanh tử.

Mở đầu bài kinh với một khung cảnh thật sôi động và lạ mắt. Đó là cứ vào mỗi buổi sáng tinh sương Thiện Sanh thức dậy tắm gội sạch sẽ, y phục chỉnh tề, tay cầm lá Câu Xá còn tươi, hướng về phía cửa thành đến bên bờ sông, cung kính chắp tay lễ bái sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ theo như lời thân phụ trăng trối trước lúc lâm chung. Trên đường vào thành Vương-xá khất thực, đức Phật thấy chàng thanh niên ở trên đường lớn đang hành lễ với nghi thức thật kỳ lạ, bèn đến gần hỏi vì sao chàng phải làm như thế? Ngài nghe xong những lời Thiện Sanh kể lại như trên liền nói: “Rất tốt! Con trung thực phụng hành theo lời cha con trăng trối trước lúc lâm chung; nhưng con làm như thế, lại không đúng với ý chân chính của cha con”. Nói xong đức Phật giải thích sự tương quan mật thiết về ý nghĩa lễ bái sáu phương:

“Bố thí là phương Đông
Trì giới là phương Nam
Nhẫn nhục là phương Tây
Tinh tấn là phương Bắc
Thiền định là phương Dưới
Trí tuệ là phương Trên”

Ngài lại dạy: “Đạo Phật cũng có thuyết lạy sáu phương, đó là sáu pháp Ba-la-mật. Nếu hàng Phật tử thường xuyên thực tập thì sẽ gặt hái cho mình nhiều kết quả tốt lành. Nhưng nếu thực nghiệm không đúng cách, chỉ lễ lạy trên hình thức thì không mang lại kết quả an vui hạnh phúc”.

Đức Phật dạy về ý nghĩa lễ bái sáu phương như sau:

1. Phương Đông cần được hiểu là cha mẹ:

Có năm điều người con phải phụng dưỡng cha mẹ.

- Con cái phải nuôi dưỡng cha mẹ khi cha mẹ tuổi già, sức yếu.
- Giữ gìn gia phong danh dự gia đình, nhớ ơn sanh dưỡng mong lo báo đáp.
- Bảo vệ tài sản khi cha mẹ thừa tự.
- Lo tang lễ cẩn thận, đầy đủ, chu đáo khi cha mẹ qua đời.
- Giới thiệu và hướng dẫn cha mẹ tu tập theo con đường chánh kiến.

Đáp lại, cha mẹ cũng có năm điều nuôi dạy, chăm sóc giáo dục và thương yêu con cái.

- Khuyên răn, ngăn chặn con làm điều ác.
- Dạy con làm các việc thiện.
- Giúp con gây dựng cơ nghiệp.
- Khi con khôn lớn lo việc cưới xin cho con.
- Đem tiền của thừa tự cung cấp cho con đúng thời.

Cha mẹ đối với con cái lúc nào cũng thương yêu chăm sóc từng miếng cơm, manh áo, từ khi sinh ra cho đến ngày khôn lớn, không ngại gì khó khăn, vất vả “con dù lớn vẫn là con của mẹ”. Tấm lòng của mẹ cha sâu tợ biển trời, cao hơn núi Thái, không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết được:

“Công ơn cha mẹ tựa biển trời
Làm sao báo hiếu hỡi người ơi?
Nếu chưa báo hiếu đừng bất hiếu
Bất hiếu làm ta khổ suốt đời”.

Vậy chúng ta là những người con, phải biết hiếu thuận chăm lo phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi đã xế chiều. Trong kinh Phân Biệt, đức Phật dạy: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn mới thành Phật, toàn là nhờ công ơn của cha mẹ ta. Vậy nên, người mới học đạo không thể không tinh tấn hiếu đạo với cha mẹ”. Qua tấm gương báo hiếu của chính đức Phật như nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn thực hành, noi theo hạnh nguyện của Người. Đây cũng là phương pháp căn bản của luân thường đạo lý, là nền tảng cốt lõi và cũng là tinh hoa của mọi nền văn hóa ưu việt, nhất là đối với người Đông Nam Á nói chung và người Việt Nam ta nói riêng.

2. Phương Nam cần được hiểu là Sư trưởng: (Thầy giáo).

Năm điều các học trò cần phải phụng dưỡng các bậc thầy.

- Khi thầy đến phải đứng dậy cung kính vái chào.
- Hầu hạ thầy chu đáo, không để thầy phiền làm ảnh hưởng sức khỏe
- Giúp đỡ và phục vụ khi thầy cần.
- Chú tâm học hỏi nghề nghiệp.
- Hăng hái học tập, siêng năng tinh tấn.

Đáp lại, người thầy cũng có năm bổn phận dạy cho học trò.

- Cung cấp kiến thức chuyên môn.
- Giúp học trò thấy rõ hướng đi tự thân trong xã hội.
- Giúp học trò chọn nghề nghiệp thích hợp với khả năng.
- Tạo điều kiện cho học trò có nơi làm việc khi rời khỏi ghế nhà trường.
- Khen học trò trước mặt các bạn bè quen thuộc.

Người thầy luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo, thầy như cây cổ thụ to lớn, bóng mát tỏa khắp, che chở cho những mầm non đang vươn mình nẩy lộc. Thầy tận tụy dạy dỗ, thương yêu học trò, luôn mong muốn cho học trò mình sau này trở thành người có ích cho xã hội. Với ân đức đó người học trò phải hết lòng cung kính, phụng dưỡng thầy “kính thầy mới được làm thầy”. Thật là thực tiễn khi Thế Tôn khéo léo đưa ra phương hướng giáo dục giữa thầy và trò như thế. Bởi ở thế gian đạo đức là yếu tố rất quan trọng, nó thể hiện nhân cách, phẩm chất của con người, sau đó mới nói đến vấn đề tài trí. Một con người hoàn thiện ở thế gian, tài đức phải song toàn; muốn được như vậy phải nương vào thầy, báo đáp công ơn thầy.

“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.

3. Phương Tây cần được hiểu là vợ chồng:

Người chồng đối với vợ có năm điều cần phải giữ.

- Phải kính trọng, biết chiều thuận vợ theo lời khuyên hợp lý, không nên có thái độ coi thường.
- Để ý săn sóc vợ trong việc ăn mặc.
- Tùy thuận sắm sửa đồ tư trang cho vợ.
- Tín cẩn giao phó quyền hành, tiền bạc, nhà cửa cho vợ.
- Trung thành với vợ, không nên ngoại tình.

Đáp lại, người vợ đối với chồng cũng có năm điều phải làm.

- Chồng đi làm về phải niềm nở đón chào.
- Làm tròn bổn phận của người vợ, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, lo sẵn cơm nước đợi chồng về cùng ăn.
- Khéo léo giữ gìn tài sản của chồng, không được cất giấu riêng tư.
- Ban đêm đợi chồng đi ngủ rồi, kiểm soát đồ đạt rồi mới đi ngủ sau.
- Trung thành với chồng, không được ngoại tình, lúc chồng nổi giận phải nhẹ nhàng giải thích không nên cãi lại.

Trên đây là những lời dạy tóm tắt tiêu biểu giữa vợ và chồng, tất nhiên là còn rất nhiều vấn đề lo cho nhau hơn thế nữa. Vợ chồng đồng cam cộng khổ, cùng chung sức xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Thật vậy, khi vợ chồng hòa thuận thì làm bất kỳ một công việc gì cũng dễ dàng đi đến thành công, tiếng cười luôn được cất lên trong căn nhà nhỏ tràn đầy hạnh phúc. Đó cũng là nhờ vào bản chất cần cù chịu thương, chịu khó tận tụy lo cho chồng, cho con của người phụ nữ Đông phương mà từ ngàn xưa đến nay vẫn không thay đổi. Đức Phật khi dạy về bổn phận vợ chồng, Ngài đã sử dụng khoa tâm lý một cách thiện xảo, những lời giáo huấn ấy rất phù hợp với tinh thần người dân Á Đông.

4. Phương Bắc cần được hiểu là bạn bè:

Bạn bè đối xử với bạn bè theo năm cách.

- Đối với bạn phải hết lòng giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn về vật chất lẫn tinh thần.
- Nói những lời chân thật, không nên đem chuyện xấu của bạn cho người khác biết.
- Luôn làm điều lợi ích đối với bạn.
- Hòa đồng chia sẻ với bạn trong mọi hoàn cảnh.
- Sống chân thật không lợi dụng lòng tốt của bạn.

Đáp lại năm cách trên người bạn cũng phải có năm điều để tỏ lòng thương mến bạn mình.

- Che chở nhắc nhỡ nếu bạn phóng túng, lung lạc.
- Bảo vệ tài sản nếu bạn dùng không đúng chỗ.
- Làm chỗ nương tựa khi bạn gặp nguy hiểm.
- Không tránh xa khi bạn gặp khó khăn.
- Kính trọng tất cả những người thân trong gia đình của bạn.

Trong cuộc sống, chúng ta cần có những người bạn để giúp đỡ, chia sẻ nhau lúc khó khăn, vui buồn, hoạn nạn. Nhưng không phải ai cũng gặp được bạn tốt, bạn hiền đôi lúc cũng chính vì những người bạn đó đưa ta đến con đường tù tội. Sống ở trên đời không ai mà không có bạn, nhưng tìm cho mình một người bạn tri kỷ thì quả thật không dễ chút nào. Nếu ta có phước duyên may mắn thì sẽ được kết bạn với những người thiện tri thức, còn ngược lại… Vì vậy, trong kinh Pháp Cú, phẩm Hiền Trí, đức Phật dạy:

“Chớ thân với bạn ác
Chớ thân kẻ tiểu nhân
Hãy thân người bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân”.

5. Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ:

Năm điều vị chủ nhân đối xử với tôi tớ.

- Sai làm những việc vừa với khả năng sức lực của họ.
- Lo cho họ ăn mặc đầy đủ, đúng thời phải trả lương.
- Cho họ có thời gian nghỉ ngơi, đừng ép làm việc quá sức.
- Có thức ăn ngon đem chia bớt cho họ cùng ăn.
- Lo thuốc thang, chăm sóc khi họ đau ốm.

Đáp lại, tôi tớ phải có lòng trung thành đối với chủ nhân theo năm điều.

- Thức dậy trước chủ nhân.
- Đi ngủ sau chủ nhân.
- Tự bằng lòng với các vật mà chủ nhân đã cho.
- Siêng năng chăm chỉ làm việc hết sức mình.
- Nên khen ngợi chủ nhân, không được đem chuyện xấu trong nhà chủ nhân ra ngoài nói cho mọi người biết.

Những lời dạy về mối quan hệ chủ tớ trên rất bổ ích. Nếu đôi bên đều giữ gìn được như thế, thì giữa chủ và tớ sẽ có một sự gắn bó chẳng khác gì ruột thịt và sẽ không có sự kỳ thị xung đột xảy ra.

6. Phương Trên cần được hiểu là Sa-môn, Bà-la-môn và Thánh nhân:

Năm điều Phật tử đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn và Thánh nhân.

- Có lòng từ trong hành động về thân.
- Có lòng từ trong hành động về lời nói.
- Có lòng từ trong hành động về ý.
- Khi thấy các vị ấy đến cung kính mở cửa đón chào.
- Cúng dường các vật dụng mà các vị ấy cần.

Đáp lại, các vị Sa-môn, Bà-la-môn và Thánh nhân phải có lòng thương tưởng các Phật tử theo năm cách.

- Khuyên họ không làm các điều ác.
- Đem lòng từ bi thương yêu họ.
- Dạy họ những điều chưa biết.
- Làm cho họ thanh tịnh những điều đã được nghe.
- Chỉ bày cho họ tu tập để đi đến con đường giải thoát.

Đức Phật dạy đây là mối liên hệ thiêng liêng đáng được tôn kính. Phật tử là những người hộ trì Tam bảo, chu cấp cho các vị Sa-môn những nhu cầu vật chất tối thiểu như, y áo, thuốc men, giường chiếu và thực phẩm v.v... để biểu lộ lòng thương yêu, kính trọng chân thành. Các Phật tử hộ trì Sa-môn có nghĩa là hộ trì Chánh pháp, mong muốn Chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian, Chánh pháp tồn tại thì cuộc sống thêm phần an lạc. Ngược lại, các vị Sa-môn phải làm tốt bổn phận của mình, luôn giữ gìn giới hạnh thanh tịnh trang nghiêm, “giữ gìn chánh niệm trong từng phút giây là chỉ dạy cho người”. Sau đó đem những lời giáo huấn của đức Phật dạy cho các hàng Phật tử tu tập, để họ có được đời sống an vui hạnh phúc khi đến với đạo.

“Tỳ-kheo dầu được ít
Không khinh điều mình được
Sống thanh tịnh không nhác
Chư thiên khen vị này”.
(Pháp Cú 366)

Qua những lời dạy trên của đức Phật về ý nghĩa lễ bái sáu phương đã khiến cho thanh niên Thiện Sanh hiểu rõ hơn về ý nghĩa lễ lạy này. Ngoài ra Ngài còn dạy Thiện Sanh: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống các thứ rượu làm say mê. Đây là năm giới vậy. Đức Phật lại chỉ dạy chàng phải nỗ lực làm việc, siêng năng kiếm tiền, giữ gìn tiền tài đã kiếm được, không tham lam, không dùng vì lợi ích cá nhân, không lãng phí. Và khuyên chàng chia tiền mình làm ra thành bốn phần:

Một phần dùng cho sinh hoạt trong gia đình.
Một phần dùng cho sự nghiệp phát triển.
Một phần giúp đỡ những người nghèo khó.
Phần còn lại để dành phòng bị lúc hoạn nạn xảy ra.

Thiện Sanh cung kính nghe lời chỉ dạy của đức Phật xong, liền thỉnh cầu Ngài nhận mình làm đệ tử trọn đời quy y Tam bảo và theo cách chỉ dẫn đó để lễ lạy sáu phương.

Thụy Khuê
[Tập san Pháp Luân - số 4, tr.]