Phạm Công Thiện hiu hắt quê hương bến cỏ hồng

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ở đây, trên đồi cao vắng vẻ, vào mỗi chiều tôi vẫn thường ra đứng nhìn mặt trời khuất dần nơi các rặng núi phía xa, rồi chạnh lòng nhớ đến những người thân đã đến rồi ra đi không bao giờ về thăm lại ngọn đồi cao này.

Tất nhiên, trong đó hình bóng của anh Phạm Công Thiện, một thanh niên tài hoa vừa mới từ giã Sài Gòn về đây suốt ngày tự nhốt mình trong một căn phòng đầy sách cùng những câu thơ mà anh đã từng sáng tác ở đây, vào những đêm dài heo hút hay những chiều buồn lê thê, lúc nào cũng sống lại đậm đà trong kí ức xa xôi của tôi:

Hồi chuông chùa vọng luân hồi
Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương
Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bạt gió hai đường âm u.

Hay hai câu mà gần như những ai đã từng đọc thơ Phạm Công Thiện thì đều thuộc nằm lòng:

Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông

Nhà thơ Quách Tấn, người mà Phạm Công Thiện đã từng phát biểu là: “Một Phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những thơ mộng của Phật giáo vào cuộc đời trầm lặng của mình”, một hôm có nói với tôi rằng, tại sao Phạm Công Thiện không viết là mưa sáng mà lại mưa chiều? Không về sớm mà lại về muộn và khi trở về lại ngọn đồi cao ấy không xảy ra vào thứ Hai, thứ Năm hoặc thứ Sáu mà lại xảy ra vào chiều thứ Bảy, tức là buổi chiều cuối tuần và điều quan trọng nữa, cây khế không phải đang trổ bông mà đã trổ hết bông.

Nghĩa là tất cả đều lê thê heo hút, tất cả đều vắng vẻ và dường như ta cũng còn nghe được cái tịch liêu trong hai câu thơ trên.Và rồi Quách Tấn còn nói thêm với tôi là, nếu ở thời hiện tại có cái gọi là thơ Thiền thì chắc chắn đó phải là hai câu thơ Thiền hay nhất ở thời hiện đại.

Phạm Công Thiện rời đồi cao chùa Hải Đức (Nha Trang) đến nay đã gần nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ với biết bao thăng trầm, nói theo ngôn ngữ của Phạm Công Thiện thì nửa thế kỷ đầy “tan hoang dâu biển” không chỉ dâu biển đối với quê hương đất nước và thế giới mà còn đối với riêng cá nhân Phạm Công Thiện nữa. Nhưng chỉ có cái duy nhất không thay đổi với anh, theo tôi đó là cái tịch liêu, cái hoang vắng trong đời sống cô độc của anh. Dù anh sống ở đâu, dưới hình thức nào thì cái hoang vắng, tịch liêu của những buổi chiều vàng vọt ấy vẫn cứ bám riết lấy cuộc đời anh như bài thơ có tên là Một buổi chiều nào đó ở California trong tập thơ Trên tất cả đỉnh cao là lặng im vừa được xuất bản tại Việt Nam.

I

Một gian phòng nhỏ một buổi chiều
Một người tựa cửa đứng buồn thiu
Một cô gái nhỏ băng qua phố
Một tiếng chim xa lọt xuống đèo

II

Một gian phòng nhỏ một buổi chiều
Một người tựa cửa đứng đìu hiu
Một người lặng lẽ băng qua phố
Một kẻ xa buồn lén ngó theo

III

Một gian phòng tối một buổi chiều
Không người tựa cửa đứng đìu hiu
Không ai bước nhẹ băng qua phố
Không tiếng bông khô rụng xuống đèo.

Bài thơ có ba đoạn, mỗi đoạn có bốn câu. Tám câu đầu ta thấy có tám chữ Một nghĩa là một buổi chiều và một gian phòng nhỏ, trong gian phòng nhỏ đó có “một người tựa cửa đứng buồn thiu”. Tác giả không cho biết là người đang tựa cửa đứng buồn thiu đó có thấy “một cô gái nhỏ băng qua phố” và có nghe “một tiếng chim xa lọt xuống đèo” hay không? Nhưng đến đoạn hai của bài thơ thì có khác đôi chút, vẫn có “một người lặng lẽ băng qua phố” nhưng không biết người đó là đàn ông hay đàn bà, thanh niên hay con gái, nhưng lần này thì bài thơ cho biết có “một kẻ xa buồn lén ngó theo”.

Nhưng đến bốn câu cuối của đoạn ba thì lại hoàn toàn khác, vẫn có “một gian phòng” nhưng đó là “gian phòng tối”. Trong gian phòng tối đó, tất nhiên “không có người đứng tựa cửa đìu hiu” và cũng không có người nào “bước nhẹ băng qua phố” và chẳng có bất cứ một “tiếng bông khô (nào) rụng xuống đèo” cả. Nghĩa là càng cuối bài thơ thì càng xa xôi heo hút càng tịch liêu vắng vẻ.

Dù ở California hay bất cứ nơi nào trên mặt đất này thì đời sống của con người cũng chẳng có gì khác nhau, cũng chỉ lặp đi lặp lại từng ấy chuyện. Trong tác phẩm Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, Phạm Công Thiện viết:

“…hai người gặp nhau, yêu thương nhau, sống chung với nhau rồi chết. Tất cả bài thơ của đời người đã được viết ra từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Rồi cũng có một căn nhà nào đó, rồi cũng có một gian phòng nào đó…” Rồi cũng có một đoạn văn buồn hiu hắt của Céline “Rồi thì chúng ta sống ở đây, lại cô độc nữa. Tất cả đều quá chậm chạp, lê thê nặng nề, quá buồn… Rồi thì tôi sẽ già. Rồi thì sau đó sẽ xong, sẽ hết. Bao nhiêu người đã đi vào phòng tôi. Họ nói nhiều điều. Họ không nói gì đáng nói cho tôi cả. Rồi họ bỏ đi. Họ trở nên già nua, khốn khổ và chậm chạp, mỗi người trong góc bể chân trời nào đó nơi địa đầu thế giới”.

Tôi nghĩ, Phạm Công Thiện khi  viết câu trên có thể là viết cho chính mình mà cũng có thể cho tất cả những con người đã, đang và sẽ đến trên mặt đất buồn hiu này.

Những người đời thường của chúng ta mỗi khi cảm thấy cô độc vẫn thường trốn tránh nó bằng cách lao vào những cuộc vui hay tìm đến những nơi đông người để mong bớt đi phần nào nỗi cô độc, nhưng với Phạm Công Thiện (hay tất cả những nghệ sĩ sáng tác chân chính khác) thì ngược lại càng ở giữa đám đông bao nhiêu thì nỗi cô độc của họ càng lớn mạnh bấy nhiêu. Đối với họ, cuộc đời lúc nào cũng giống như buổi chợ chiều:

Phố phường xe rầm rộ
Tôi đứng yên một chỗ
Lũ lượt đời cuộn trôi
Thoáng chốc thiên cổ rồi
(Chợ Chiều)

Trong tác phẩm Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney (Nobel Văn chương năm 1995) Phạm Công Thiện viết:

“Một nhà thơ đúng nghĩa là kẻ có khả năng làm sống dậy cả một vũ trụ, cả một thế giới ba động chung quanh một củ khoai tầm thường qua những luống khoai tây tầm thường, Seamus Heaney có thể làm bừng dậy bao nhiêu thế hệ đã trôi qua trên mặt đất, lòng kiên nhẫn sắt son của con người đối với đất đai làng mạc quê hương, tiếng động thổ ngơi, truyền thống thôn quê âm u, nhịp đẩy của đời sống, sức hút của cái chết, cả một triều sóng dậy của lịch sử kinh qua luống khoai bùn lầy”.

Và trong một tác phẩm khác, Phạm Công Thiện cũng viết:

“Thơ đúng nghĩa là thơ, đều không có ý nghĩa gì hết mà vẫn không vô nghĩa. Bài thơ không nói gì hết, vì mỗi bài thơ là một sự hiện diện linh thiêng, làm bùng vỡ lên một sự trống vắng bao la như “núi vắng không thấy người”, mỗi một nhịp thơ khai mở cả một thế giới bừng dậy, như một cái bông xương rồng bé nhỏ lất phất trong gió sa mạc”.

Cũng giống như Seamus Heaney chỉ có một củ khoai tây, Phạm Công Thiện cũng vậy, chỉ có một cây khế trổ bông trên một ngọn đồi vắng vẻ trong một buổi chiều âm u nào đó của quê hương, vậy mà cái hoang vắng, cái tịch liêu của những buổi chiều xa xôi ấy vẫn đeo đuổi và ám ảnh anh trên khắp nẻo đường của thế giới như chính anh đã xác nhận:

“Nó buồn buồn nhớ lại những khu phố hoang liêu vào những buổi chiều vàng vọt trên khắp mặt đất mà nó bước qua”.

Hay hai câu thơ trong Ngày sinh của rắn cũng buồn hiu hắt như vậy:

Về đâu thương những con đường
Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa

Bởi thế, ta chẳng lấy gì làm lạ khi Phạm Công Thiện cho rằng, dù sống dưới hình thức nào thì anh vẫn nghĩ rằng suốt đời mình vẫn là một tu sĩ sống cô độc trong một tu viện:

“Dù sao đi nữa, dù sống thế nào đi nữa, cả đời nó, nó vẫn chỉ là một tu sĩ, dù với bất cứ hình thức đổi thay nào, với bất cứ hoàn cảnh nào, nó vẫn là một ông thầy tu… Tu viện là cả vũ trụ này”.

Nhưng “những khu phố hoang liêu”, “những buổi chiều vàng vọt trên khắp mặt đất”, những “lê thê phố cũ”, những “nghe buồn hè xưa” thì đã tác động đến tâm hồn của Phạm Công Thiện như thế nào? Nghĩa là đưa anh vào ngõ cụt hay mở ra nhưng chân trời mênh mông cao rộng? Đây là lời giải đáp của chính Phạm Công Thiện:

“Năm tàn tháng tận, nhưng với lòng trong sạch, tính trong sáng, tâm thức bình lặng trên những đỉnh cao của đời sống linh hiện thì chẳng có gì tàn và chẳng có gì tận. Mỗi giây phút hiện tại là sự bừng vỡ cọ xát bắn lửa giữa hai thiên thu vĩnh cửu. Mỗi giây phút hiện tại là sự cọ xát mãnh liệt giữa vô số tỉ triệu ngàn năm trước và vô số tỉ triệu ngàn năm sau. Mỗi thoáng chốc mong manh của hiện tại như tơ trời mà vẫn đủ thu phối lại tất cả tuyệt đỉnh của quá khứ và của tương lai, rồi bừng nở thành cái bông bìm bìm trong đám rêu xanh”.

Phạm Công Thiện có dịch một bài thơ có nhan đề là Seuls Comprennent Les Fous (Chỉ những người điên mới hiểu được) của nhà thơ Pháp Pierre Emmanuel. Trong bài thơ, Pierre Emmanuel cứ băn khoăn thắc mắc tự hỏi tại sao vĩnh cửu lại xanh màu lá cây? (Pourquoi verte, l’éternité?). Dù thắc mắc như vậy, nhưng cuối cùng Pierre Emmanuel cũng tìm được câu trả lời cho chính mình:

“Kẻ nào chưa cảm thấy trong lòng mình ru khẽ lên những chiếc lá đầu mùa, thì không bao giờ biết được vĩnh cửu”. (Qui n’a senti en lui crier – Les premières feuilles des arbres – Ne sait rien de L’éternité.)

Vào một ngày cuối năm, nghĩa là lúc đất trời đang ở trong giây phút giao mùa, Phạm Công Thiện cũng chợt thấy lòng mình “ru khẽ lên những chiếc là đầu mùa”, anh bèn làm một chuyến hành hương trong tâm tưởng của mình về lại nơi chốn mà anh tin chắc là có “màu xanh vĩnh cửu”:

“Năm tàn tháng tận, những ngày cuối năm, trời lạnh se se và ánh nắng vùng thị tứ Los Angeles ràng rạng vàng tươi trong suốt như cách đây trên 2500 năm khi Người-đến-như-thế (Tathàgata) đang ngồi một mình lặng lẽ trong phòng vùng thị tứ Vaisàli hay những thành phố khác như Sràvasti tuyệt đẹp ngày xưa của Ấn Độ, một thị tứ mà trước kia ra đi, đứng trên đỉnh đồi ngó lại, đức Phật đã nói lời giã biệt đầy xúc động thầm kín: “Ồ, Vaisàli, đây là cuối cùng ta nhìn mi.”

Hình ảnh ấy của đức Phật đã để lại bài học gì cho chúng ta trong cuộc hành trình đi về lại nơi chốn vĩnh cửu? Phạm Công Thiện viết tiếp:

“Hình ảnh Đức Phật đứng trên đồi cao quay lại nhìn Vaisàli một lần cuối cùng giống như hình ảnh của một đời người. Mỗi cái nhìn là thiên thu vĩnh biệt, mỗi bước chân là trùng khơi vạn lí, mỗi giây phút trôi qua là tất cả thời gian và không gian biến mất” nhưng không hề gì vì Phạm Công Thiện cũng như tất cả những nghệ sĩ lớn trên mặt đất phù du này đều tin tưởng một cách mãnh liệt rằng, có một nơi chốn thiên thu vạn đại để những kẻ lữ hành chúng ta trở về:

“Hình ảnh của người đi và lân la đứng trên đồi nhìn lại cũng chính là hình ảnh bất hủ của thi sĩ Đức - Rilke: “Dù mình có làm gì đi nữa trên cõi đời này thì mình vẫn có dáng dấp của kẻ lên đường.”

Mặc dù tất cả ngày tháng đều kéo nhau đi mất, nhưng thi sĩ Nhật - Basho: “Những ngày và những tháng đều là kẻ lữ hành của thiên thu, và những năm tháng trôi qua thì cũng thế”. Tất cả đều đi mất, nhưng không hẳn là đi mất biệt luôn, vì sự lên đường bỏ đi ở đây là đi về với Thiên Thu Vạn Đại, vì thế sự trôi chảy liên tục và sự giã biệt liên tiếp kia chỉ là sự trở về Nhất pháp giới Đại Tổng Tướng Pháp Môn Thể (Đại Thừa Khởi Tín Luận). Tiếng kêu của bầy ngựa vào thời Mã Minh Bồ-tát cách đây 2000 năm cũng là tiếng kêu của bầy ngựa ngày hôm nay trên những cánh đồng hoang khắp thế giới”.

Đọc đoạn trên của Phạm Công Thiện khiến tôi lại liên tưởng đến câu sau đây của Trịnh Xuân Thuận, nhà thiên văn lỗi lạc của Việt Nam và thế giới đương đại:

“Chúng ta là sản phẩm của những hạt bụi trên các vì sao cũng là anh em muôn thuở với cỏ cây hoa lá. Với việc chúng ta thở, chúng ta có liên hệ với vạn vật trên thế gian. Khi một cơ thể chết đi và tan rã, những nguyên tử của cơ thể đó sẽ thoát ra môi trường và xâm nhập vào các cơ thể khác. Cơ thể chúng ta đang chứa một tỷ nguyên tử của cây Bồ-đề nơi đức Phật đã thành đạo.”

Nhưng nếu các nhà khoa học đã phải miệt mài trong phòng thí nghiệm từ ngày này sang ngày khác, thậm chí từ năm này sang năm khác thì mới khám phá ra rằng “chúng ta là hạt bụi trên các vì sao” hay “chúng ta là anh em với cỏ cây hoa lá” và đặc biệt là “cơ thể của chúng ta đang chứa đựng khoảng một tỷ nguyên tử của cây Bồ-đề nơi đức Phật đã thành đạo”, thì với Phạm Công Thiện: “Thi sĩ cũng giống như một tu sĩ tự nhốt mình trong tu viện để nhóm lửa tâm thức, đốt cháy tập khí và cặn bã của ngôn ngữ loài người và giải thoát mở rộng khai thông tất cả những tinh lực khủng khiếp đọng lại trong âm thanh vũ trụ”,và trong một đoạn khác anh lại viết: “Thi nhân chính là kẻ khẩn hoang, khai khẩn, phá hoang, làm vỡ đất, tung bắn nước nguồn, tồn dưỡng tinh thần thổ ngơi, hậu trạch cho sự lưu trú thơ mộng của loài người trên mặt đất”.

Chính vì “tự nhốt mình trong tu viện” hay giống như người nông dân “khẩn hoang, khai hoang, vỡ đất, làm tung bắn nước nguồn” nên tất nhiên cũng chỉ có thiền sư và thi nhân mới nhận ra được cái thơ mộng tuyệt vời này, những thơ mộng mà ta có thể tin chắc là những kẻ đầu óc thực dụng của thời đại ngày nay không bao giờ có thể thấy được:

“Những người không biết chữ ở tận rừng rú hoang vu cũng phải đọc từng lá cây ngọn cỏ, từng dấu vết chân voi, từng vết mây dưới chân đèo, từng hơi gió thoảng qua trên suối vắng. Đọc không phải chỉ là đọc chữ, một người chỉ biết đọc chữ vẫn chỉ là người đọc chữ. Trong mỗi chữ tầm thường nhất vẫn phảng phất một âm thanh nào đó, và trong một âm thanh nhẹ nhàng nhất vẫn còn run rẩy một sự im lặng nào đó. Mỗi một chữ, một tiếng, một lời mở ra một thế giới đang thành hình và một thế giới đang sụp đổ”.

Chú Thích:
1. Tuyển tập thơ Quách Tấn, tr.516-517. NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2006
2. Trang 36, NXB Trần Thi tại Mỹ 1998.
3. Trang 61-62, xuất bản tại Mỹ năm 1996
4. Triết lý Việt Nam về sự vượt biên, tr.215, xuất bản tại Mỹ năm 1995.
5. Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu… trang 96
6. Sđd tr.216
7. Sđd tr.216
8. Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng, tr.164 NXB Phương Đông TP.HCM 2009
9. Sđd.tr.166
10. Đối Thoại Giữa Khoa Học Và Phật Giáo của Mathieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận, B.s Hồ Hữu Huân dịch, tr.67. NXB Phương Đông TP.HCM năm 2009.
11. Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu… tr.71
12. Khơi Mạch Nguồn Thơ, tr.64
13. Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu… tr.70&71

Thích Pước An(còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 82, tr81, 2011]