Vui chay ngày xuân

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cứ mỗi độ Xuân sắp về, anh em huynh đệ chúng tôi phần đông đi học xa hay làm việc khắp nơi đều trở về thăm chùa tổ, chúc thọ Hòa thượng Bổn sư. Đó cũng là cơ hội để chúng tôi gặp lại nhau vừa hàn huyên đủ chuyện gần xa vừa thao tác chưng bày sái tịnh trong và ngoài chùa để đón mừng năm mới.


Đặc biệt năm nay, trong tiệc Trà đạo Tất Niên cuối năm, sư Ông đề nghị chúng tôi mỗi người hãy kể một câu chuyện đạo góp nhặt từ xa gọi là chuyện vui chay ngày Xuân, câu chuyện sao cho có duyên dáng đạo vị gây tỉnh thức lòng người, nhất là các tiểu tăng sơ cơ còn bấp bênh đạo hạnh như chúng tôi cần phải hé mở cho thấy diệu ý của mình.

Sư Ông đề nghị, thay vì tình nguyện kể, mỗi thầy hay mỗi chú hay điệu đều tự tuyên số của mình theo thứ tự. Khi bắt thăm ai trúng số mình thì người đó phải đứng lên coi như giảng sư tuyên thuyết.

Chú ý! Chú ý! Người đầu tiên thăm số… số 30. Vậy là thầy Minh Phúc may mắn trúng số của mình khai giáo đầu tiên.

Thầy kể câu chuyện: “Rơi khỏi thuyền Bát-nhã”. Thưa Đại chúng, người học Phật đều biết “Bát-nhã Phật mẫu” là Mẹ của chư Phật, có nghĩa là muốn được giác ngộ thành Phật thì phải có trí tuệ Bát-nhã. Bát-nhã được ví như con thuyền chở chúng sinh vượt biển khổ luân hồi sanh tử qua bờ kia Niết-bàn giải thoát. Câu chuyện tiểu tăng nọ lúc chưa vào chùa tu còn là sinh viên Vạn Hạnh, vì mùi đạo chưa thấm nên mùi tình bao la. Giống như hành giả còn sơ cơ, còn ngã ái cùng mình nên lo sợ không dám bước xuống thuyền Bát-nhã vì ngỡ là thuyền không đáy. Sau nhờ bậc trí tuệ - nữ thánh hóa thân - xô đại xuống dòng sông Bát-nhã mới bừng tỉnh cơn mê. Anh chàng mà tôi kể tuy đa tình nhưng đầy dũng khí nhẫn nhục quyết chinh phục trái tim người đẹp. Anh thổ lộ với bạn bè: “Tan học, tôi theo nàng với tâm chánh niệm; lòng không nghĩ phải trái, miệng không nói lợi hại. Ba tháng liền như vậy. Các bạn có biết không? Nàng chỉ ban cho “cái nhìn”. Ba tháng tiếp theo tôi vẫn theo nàng khi tan trường. Lòng không nghĩ phải trái, miệng không nói lợi hại. Các bạn có biết tôi được gì không? Nàng ban cho “nụ cười”. Rồi việc gì xảy ra trong thời gian tiếp theo. Các bạn nôn nóng câu trả lời. Ba tháng trôi qua nữa. Tôi vẫn chánh niệm lòng không nghĩ phải trái, miệng không nói lợi hại được nàng mời vào nhà. Tôi mừng như được tặng hoa phấn khởi bước vào bên trong, thì một cô gái khác bước ra được giới thiệu là chị, chính là người tình đầu phản bội của tôi xuất hiện. Tôi bối rối liền kiếu từ ra về, vẫn giữ nụ cười trên môi: “Lòng không nghĩ phải trái, miệng không nói lợi hại”.

Các bạn có biết nữ thánh đó là ai không – chính là người đẹp phản bội – vị Bồ-tát hóa thân; còn hành giả xuất cách bị rơi khỏi thuyền Bát-nhã chính là Minh Phúc này đây. A-di-đà Phật… Nhiều tiếng vỗ tay khúc khích cười vui.

Bây giờ thăm lại tiếp tục số… số 8. Sau nhiều tràng pháo tay thầy Minh Nhã kể câu chuyện: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Thuở còn để chóp hành điệu tôi và chú Minh Hải cãi nhau về câu chuyện nghĩa trang biết đi. Một hôm tôi đưa ẩn dụ: Chúng ta đã từng là đao phủ sát hại biết bao con vật. Thật là trớ trêu khi con vật tự nhiên chết, người ta chôn ngay xuống đất. Nhưng khi con vật chết tức tưởi bằng con dao của đồ tể nó lại được chôn ngay trong bao tử của chúng ta. Thế nên bao tử chúng ta đều là những “nghĩa trang” và con người là những “nghĩa trang” biết đi, thật là buồn cười, dù bao tử kích thước quá nhỏ nó vẫn có khả năng “chôn” được trong quãng đời 60 năm khoảng 200.000 sinh vật. Ý muốn nói 200.000 sinh vật được “chôn” trong bao tử nhỏ xíu khoảng 60 năm. Bao tử của con người cũng như của hai đứa chúng ta quả là bãi tha ma lớn nhất thế giới.

Nói đến đây thì bỗng chú Minh Hải - năm đó tôi còn học cấp 1 - khóc thét lên ôm bụng sợ hãi, miệng liên tiếp mắng nhiếc tôi là kẻ ác ngôn, bịa chuyện, kẻ làm rung sợ người khác, đồ yêu tinh, đồ quỷ sứ trá hình… Tôi mỉm cười chạy theo vỗ về chú điệu bé xíu ngây thơ. Mãi thời gian lâu sau, chú lên cấp 2, hình như chú đã hiểu phần nào sự phản kháng thiếu trí tuệ của mình sau khi nghe thầy giáo thọ giảng giải rằng chú đã may mắn được học bài pháp bất hại chúng sinh mà thầy Minh Nhã đã phát Bồ-đề tâm phương tiện bố thí. Đó là một ẩn dụ (kệ của ngài Minh Đăng Quang):
“Thân ta thì muốn cho an
Mà thân kẻ khác lại toan xéo giày
Lòng ta muốn tránh nạn tai
Lại cùng kẻ yếu ra oai dữ dằn…”

Chú Minh Hải cũng được thầy giáo thọ khuyến hóa thêm: Đức Phật có dạy, người nào lấy mắt dữ mà ngó người phát tâm Bồ-đề sẽ bị quả báo không có mắt. Dùng miệng dữ mà chê người phát tâm Bồ-đề, sẽ bị quả báo không có lưỡi. Như ai chấp nhứt thiên lệch lẽ Không mà cho là phải, chê bai người tu vạn hạnh mà cho là quấy, kẻ ấy sẽ bị đọa địa ngục, nhiều đến cả trăm ngàn kiếp. Tại sao vậy? Là vì dứt mất hột giống Phật. Tràng pháo tay lại vang lên tán thán câu chuyện…

Cuộc thi không có giải thưởng lại tiếp tục... thăm số 45. Chú Tâm Không bẽn lẽn đứng lên: A-di-đà Phật, con còn nhỏ xin kể câu chuyện đã học được trong sách. Câu chuyện “Phải biết quý trọng của đàn-na tín thí”.

Vào thời Phật. Một hôm hoàng hậu của vua Udyana dâng cúng cho chư Tăng 500 bộ y. Ngài Anan tiếp nhận với tâm hết sức hoan hỷ. Nhưng nhà vua thì muốn biết Anan sẽ sử dụng 500 bộ y mới đó bằng cách nào.

Ngài Anan trả lời: Thưa Đại Vương, các bộ y của nhiều sư đã cũ rách, tôi sẽ phân phát những bộ y mới này dâng lên họ.

Nhà vua lại hỏi: Vậy thì Ngài sẽ làm gì với 500 bộ y cũ đó?

Thưa Đại Vương, chúng tôi sẽ sử dụng làm khăn trải giường.

Nhà vua lại hỏi: Ngài sẽ làm gì khi những tấm trải giường đó cũ thêm?

Thưa Đại Vương, chúng tôi sẽ làm bao gối.

Nhà vua lại hỏi tiếp: Rồi Ngài sẽ làm gì nữa khi các bao gối đó càng cũ hơn nữa?

Thưa Đại Vương, chúng tôi dùng để trải xuống nền nhà để làm giẻ lau.

Nhà vua hỏi thêm: Rồi khi những tấm giẻ lau đó cũ mèm Ngài sẽ làm gì?

Thưa Đại Vương, chúng tôi dùng làm chổi quét sàn.

Nhà vua vẫn truy vấn: Vậy khi những chổi quét đó quá cũ nát, Ngài định sử dụng làm gì?

Thưa Đại Vương, chúng tôi sẽ xé vụn tất cả ra từng mảnh nhỏ, trộn với bùn để trát lên làm tường tịnh xá.

Câu chuyện đối đáp kết thúc. Có lẽ nhà vua muốn có một cuộc đấu pháp lý thú mà cũng để đo cái tâm nguyện bình tĩnh nhẫn nhục của bậc đa văn như thế nào. Bài học giúp cho ta biết cẩn trọng khi thọ hưởng vật dụng của đàn-na tín thí dù nó chỉ tạm thời.

Nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng…

Thích Hạnh Thiền
[Tập san Pháp Luân - số 78, tr88, 2011]