Bổ sung và đính chính hành trạng của một số Thiền sư trong sách Long Đọi Sơn Tự Xưa Và Nay

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Vừa qua, nhân viếng thăm chùa Đọi tại Hà Nam, chúng tôi được thầy trụ trì tặng cho tập sách Long Đọi Sơn tự xưa và nay. Sách này do một nhóm tác giả biên soạn, tư liệu do Đại đức Thích Thanh Vũ cung cấp. Nội dung sách chia làm bảy phần, trong đó, chúng tôi chú ý nhất là phần thứ tư Long đọi sơn tự và các vị sư trụ trì. Phần đó có ghi lại sơ lược tiểu sử 10 vị sư trụ trì qua tư liệu quyển thiền phả còn bảo lưu.

Nói là thiền phả chứ thật ra đó là Khoa cúng tổ mà chúng tôi được thầy trụ trì cho xem. Chùa còn được 10 khoa cúng, đóng thành 2 tập. Mỗi tổ có khoa cúng riêng. Thông thường, các chùa tổ thường có khoa tổng cúng các đời trụ trì, ít thấy chùa nào còn giữ nguyên từng khoa cúng. Có thể chùa Đọi chưa kịp viết khoa tổng các tổ mà chỉ lưu lại biệt khoa.

Đọc sơ qua tiểu sử bốn vị tổ đầu tiên, chúng tôi nhận thấy các tác giả đưa ra niên đại quá sớm. Các thiền sư thuộc dòng Lâm Tế tại chùa không thể có niên đại sống vào thời Mạc được. Theo tên pháp húy của các sư như Hải Triều, Tịch Khoan, Chiếu Tính, Phổ Minh, chúng tôi nhận thấy họ thuộc về kệ phái của thiền sư Trí Bản Đột Không, Trung Quốc.

Truy nguyên tông phái, chúng ta biết vào thời Lê Trung Hưng, tổ sư Chuyết Công, phái Lâm Tế sang truyền đạo tại Đại Việt. Năm 1633, sư cùng với đệ tử Minh Hành đến thành Thăng Long. Sau đó, sư về Kinh Bắc trùng hưng chùa Phật Tích, xây dựng chùa Bút Tháp. Sư có nhiều đệ tử nổi tiếng, trong đó có hai cao đệ là Minh Hành và Minh Lương lập ra hai chi. Thiền sư Minh Lương sang Phù Lãng xây dựng chùa Vĩnh Phúc. Thiền sư Chân Nguyên từ Yên Tử sang Phù Lãng cầu giới và được tổ Minh Lương khai ngộ, sau trở lại trụ trì chùa Long Động. Từ đó, sư hoằng truyền giáo hóa, tiếp dẫn hậu lai, lập nên một tông Long Động lẫy lừng. Năm Chân Nguyên 80 tuổi, Như Trừng mới từ kinh đô lên thẳng Yên Tử yết kiến. Sau khi liễu ngộ, sư Như Trừng trở về thành Thăng Long, kiến lập nên ngôi chùa, đặt tên là Liên Tông, mở viện Ly Trần đào tạo học trò. Sau này, ngôi chùa trở thành tổ đình nổi tiếng tại Bắc Hà. Do đó, sư Hải Triều không thể sống vào niên đại nhà Mạc được. Ngay cả tổ Chuyết Công đến Đông Đô nằm trong giai đoạn Lê Trung Hưng, thì sao những hậu duệ của tổ lại sống trước tổ?

Theo Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ của Phúc Điền, thiền sư Hải Triều Tự Tại lúc đầu đến chùa Liên Tông học đạo với tổ Bảo Sơn Tính Dược. Sau khi ngộ đạo mới về chùa Đọi trụ trì, kiến lập tòng lâm, phát triển thiền phái. Do đó, chùa Đọi thuộc về tông Lâm Tế, phái Liên Tông.

Cúng Long sơn đệ nhất tổ khoa không biết năm sinh của tổ. Sách ghi: “Muội niên xuất thế, hứa đa công hạnh dĩ trang nghiêm; Tân Tỵ thu y chích lý tây qui vu chân tế 昧年出世許多功行以莊嚴辛巳收依隻履西皈于真際” nghĩa là muội niên ra đời, nhiều công hạnh để trang nghiêm, năm Tân Tỵ thu y quảy dép về tây với chân tế. Như thế, sư viên tịch phải là năm Tân Tỵ, chứ không phải năm sinh như sách đưa ra. Có thể các tác giả hiểu nhầm. Năm Tân Tỵ theo niên biểu là các năm 1641, 1701, 1761, 1821. Năm 1641 thì quá lớn, năm 1701 thì không hợp lí, năm 1821 thì quá nhỏ. Năm 1701 không thể là năm tịch của sư Hải Triều được? Bởi vì, Hải Triều là đệ tử của Tính Dược, mà năm sinh của sư Tính Dược cũng niên đại sống trong giai đoạn đó nên không thể là năm tịch của sư Hải Triều. Năm 1761 là năm viên tịch thì hợp lí hơn. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ cho biết sư thọ 66 tuổi, suy ra năm sinh 1706. Sách cho biết sư họ Nguyễn, người Giáp Ba, Đội Sơn. Sư được tôn xưng là tổ “Khai sơn” hoặc “Khai phái” Lâm Tế tại bản tự.

Tổ đời thứ hai là thiền sư Tịch Khoan Nhân Trí. Bài vị trong Long Hoa hội tháp đề: “Nam mô Hiển Tông tháp Long Sơn đệ nhị phụng thiệu hoằng long hiển tông tăng chánh tự Tịch Khoan Đức Oai Nhân Trí thiền sư thiền tọa hạ. Sinh ư Quí Sửu niên, quán tại Đội Sơn xã Tam Giáp thôn Nguyễn tộc. Tốt ư Mậu Tuất niên thập nhất nguyệt thập tứ nhật lương thời thọ chung”. Các tác giả cho sư Tịch Khoan sinh năm Quí Sửu là năm 1616, tịch năm Mậu Tuất (1658). Như thế, niên đại quá lớn không đúng trên thực tế. Năm Quí Sửu phải là năm 1733, Mậu Tuất là năm 1778, thọ 46 tuổi.

Theo đường thỉnh thứ nhất trong Cúng Long Sơn đệ nhị khoa cho biết năm 13 tuổi, sư qui y với tổ Hải Triều, 19 tuổi xuất gia, 33 tuổi phụng mệnh hoàng ân hưng long tổ giáo, tức sư được triều đình ban chức Tăng chánh, năm 46 tuổi mới viên tịch. Đường thỉnh thứ ba trong Cúng long sơn đệ nhị khoa cho biết sư sinh ngày mồng 4 tháng 8 năm Quí Sửu, tịch giờ Sửu, ngày 14 tháng 11 năm Mậu Tuất.

Đời thứ ba là thiền sư Chiếu Tính Đức Hạnh. Bài vị văn bia tháp cho biết: “Nam mô Thiệu Tông tháp Long Sơn đệ tam liên đăng tục diệm, quang tiền diệu hậu tự Chiếu Tính Đức Hạnh thiền sư hóa thân bồ tát thiền tọa hạ. Nguyên mệnh sinh ư kỷ tị niên tam nguyệt nhị thập cửu nhật Mão thời sinh. Tốt ư Quí Sửu niên tam nguyệt nhị thập nhị nhật thìn thời diệt độ”. Sách cho sư “xuất gia đến chùa năm Kỷ Tị (1629) - viên tịch ngày 22-3 không rõ năm”. Viết như thế chỉ đọc khoa cúng tổ mà không biết bài vị văn bia ghi rõ năm sinh, năm mất. Năm Kỷ Tỵ phải là năm 1749, tịch năm Quí Sửu (1793), thọ 45 tuổi.

Đời thứ tư là đại sư Phổ Minh Chấn Đức. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ ghi lại đơn sơ như sau: “Sư họ Lương, người Thiêm Viên, tỉnh Hưng Yên. Sư đồng tử xuất gia, nghe một biết mười, giới luật tinh nghiêm, trùng tu tự vũ, thọ 73 tuổi. Một hôm, sư gọi thượng tọa: “Ta nay đến lúc qui tây, phó pháp cho ông, thiệu  đăng Phật tổ”. Ngày 21 tháng 5 năm Mậu Tuất thị tịch, sơn môn hỏa táng xây tháp, tạo tượng phụng thờ”. Niên đại của nhà sư này, chúng tôi dựa theo Đội Sơn tự chung được đúc năm Gia Long thứ 15 (1816) do thiền sư Phổ Minh hội tập thiện nam tín nữ. Sư Phổ Minh chính là người soạn văn chuông và viết chữ để khắc vào quả chuông. Do đó, chúng tôi cho sư tịch năm Mậu Tuất tức năm 1838, thọ 73 tuổi, suy ra năm sinh là năm Bính Tuất (1766). Sách cho năm Bính Tuất sư xuất gia, cho năm Bính Tuất là năm 1646. Chúng tôi nhận thấy như thế là sai lạc, không đúng.

Đời thứ năm là thiền sư Chiếu Thường. Bài vị trong lòng tháp ghi: “Nam mô bản sư Từ Hòa tháp ân tứ đao điệp ma ha tỳ khiêu tự Chiếu Thường Tại Tại hòa thượng nhục thân bồ tát. Canh Tý niên thập nguyệt thập tam nhật tuất thời xuất thế. Canh tý niên tam nguyệt nhị thập ngũ nhật thân thời phú chúc. Đăng truyền Mậu Tuất tải, Sắc tứ Ất Mùi khoa”. Theo Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ cho biết sư họ Tạ, người Đội Lĩnh. Thuở nhỏ xuất gia với thiền sư Phổ Minh Chấn Đức, chùa Đọi. Sau đó, sư tham phương cầu học với tổ Từ Niệm Tịch Chiếu, chùa Hoa Lâm-Khê Hồi. Đoạn đối thoại được ghi lại như sau: “Một hôm, sư nghe tổ sư Từ Niệm, chùa Khê Hồi môn đình cao ngất, đức hóa hưng thịnh, bèn đến đỉnh lễ. Tổ hỏi: “Phật ra đời thuyết pháp, tổ sư từ tây đến vì sự nghiệp gì?” Sư trả lời: “Mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng soi sáng ban đêm, ngày đêm sáu thời thường an lành”. Lại hỏi: “Ông trước khi sinh từ phương nào đến, sau khi chết đi về đâu?” Sư trả lời: “Sinh theo nhân quả mà đi, chết theo nhân quả mà mất, đã không sinh tử thì nghiệp không theo nhau”. Tổ bảo: “Ta một một hỏi, ông một một trả lời, như trong kinh nói, như trong giáo thi hành, điều kị tâm khẩu trái nhau”. Sư lĩnh chỉ”. Vì thế, sư được tổ an lập pháp danh là Chiếu Thường. Có thể sư xuất gia với thiền sư Phổ Minh Chấn Đức thì có pháp danh ở chữ “Thông” theo kệ phái, nhưng sư chỉ dùng tên tự Chiếu Thường của tổ Từ Niệm ban cho. Năm 1816, tổ Từ Niệm viên tịch, sư kế đăng trụ trì đời thứ hai của chùa Khê Hồi nên được sơn môn suy cử thành tổ đệ nhị. Theo văn bia Trùng Tu Công Đức Bi Ký tại chùa Khê Hồi cho biết năm Minh Mệnh Canh Thìn (1820), thiền sư làm mới Khánh ngọc. Năm Giáp Thân (1824) thiền sư cho san khắc các kinh sách như Truy Môn Cảnh Huấn, Minh Ty Tướng Công, Văn Thù Chỉ Nam, Tây Phương Công Cứ. Năm Bính Tuất (1826), ngài làm mới hành lang hai bên. Năm Ất Mùi (1835), thiền sư được vào Huế dự khoa thi tuyển tăng, ngài được ban giới đao độ điệp, làm rạng ngời thiền tăng Thường Tín. Năm Mậu Tuất (1838) thiền sư cho trùng tu thiêu hương, tiền đường, tạo lập tổ đường.

Sư tuy trụ trì tại chùa Khê Hồi nhưng vẫn về lo chùa tổ Đọi Sơn. Lúc thiền sư Phổ Minh Chấn Đức trụ thế, sư thường hay về Đọi nên Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ có ghi chép: “Tâm táng được ba năm, sư trở lại chùa Diên Linh phụng hầu tiền tổ. Tổ hỏi: “Ông tham vấn khắp tri thức, đắc chỉ câu thoại đầu nào”. Sư trả lời: “Được câu cuối sau”. Tổ bảo: “Làm sao được câu cuối sau”. Sư trả lời: “Một loạt ánh sáng không cuối sau”. Tổ bảo: “Lành thay, bắt trộm nên thấy tang vật, giết người nên thấy máu. Ông cũng như vậy, ta cũng như vậy”.

Năm 1838, sư Phổ Minh viên tịch, sư kế đăng trụ trì chùa Đọi nên bài vị trong lòng tháp ghi “Đăng truyền Mậu Tuất tải” tức năm Mậu Tuất (1838) được truyền đăng. Sư viên tịch giờ Thân, ngày 25 tháng 3 năm Canh Tý (1840), thọ 60 tuổi. Sư trụ trì chùa chỉ được 2 năm nên chưa có điều kiện trùng tu. Do đó, trước khi viên tịch, sư gọi đệ tử Thanh Tùng lại dặn dò việc chùa cảnh.

Chúng tôi nhận thấy tập sách trên ghi lại hành trạng của sư một cách đơn sơ và sai sót nhiều. Các tác giả cho sư trùng tu chùa, đúc tượng Di Lặc, khánh đồng, tăng xá… Có thể các tác giả chỉ dựa vào truyền thuyết mà không đọc hệ thống văn bia tại bản tự. Sách lại cho sư trụ trì chùa Thọ, chùa Đa Bảo. Thực ra, sư chính là đệ nhị tổ chùa Khê Hồi và có các đệ tử như Từ Đạt (Phổ Đạt) đệ tam tổ chùa Khê Hồi, trước trụ trì chùa Pháp Quang, La Phù (chùa có tục danh là chùa Thọ) sau trở thành sơn môn Thọ. Vị đệ tử thứ hai là thiền sư Bảo Liên Phổ Thiền, đệ nhất tổ chùa Đa Bảo, sau trở thành tổ khai phái sơn môn Đa Bảo. Vì thế, sơn môn Đọi có quan hệ mật thiết với sơn môn Đa Bảo, Khê Hồi, Thọ nên trong sơn môn có câu: “Nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba Khê Hồi”.

Sư Chiếu Thường có ở thường trực chùa Đọi như sách ghi hay không thì chúng ta chưa chắc, nhưng dựa vào các thư tịch còn lại, chúng tôi cho rằng sư học đạo rồi kế đăng chùa Khê Hồi nên sư ở đây nhiều hơn. Sư chính là người trùng tu lại chùa Khê Hồi, khắc ván in các bộ kinh sách như Minh Ty, Tây phương công cứ, Văn Thù chỉ nam, Phóng Quang Bát Nhã, Truy môn cảnh huấn…hiện nay ván khắc vẫn còn bảo tồn tại chùa Khê Hồi. Trong quá trình tìm đọc các bản kinh sách xưa, chúng tôi còn được biết sư đứng in Phật Tổ tam kinh tại chùa Bằng (Bình Vọng), Tam giáo nhất nguyên thuyết tại chùa Khê Hồi.

Theo Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ ghi: “Truyền xuống đời thứ 6 đại sư Phổ Đoan Thanh Tùng, họ Tạ, người Đội Lĩnh, là cháu của tổ sư. Năm 18 tuổi, sư xuất gia. Lúc đầu, sư theo hòa thượng Phúc Điền học tập, đắc pháp với hòa thượng Từ Hòa. Từ khi kế đăng đến nay, sư xây dựng các tòa phạm vũ, tạo tượng, đúc chuông, in kinh điển, làm mới nhà tổ hai tòa, rộng rãi trang nghiêm, vượt qua kiểu xưa. Tăng đạo hướng hóa làm cho phát triển”. Bản hành trạng này viết ra lúc đó sư Thanh Tùng chưa mất, vì sách in có sự đóng góp của sư, nhờ đó mà chúng tôi tìm ra được niên đại của bản in.

Theo văn bia trên tháp Từ Thuận cho biết về niên đại của thiền sư. Sư sinh giờ Tuất ngày 11 tháng 9 năm Giáp Dần, viên tịch ngày 22 tháng 8 năm Bính Dần, thọ 73 tuổi. Dựa theo các văn bia còn lại, chúng tôi cho sư sinh năm Giáp Dần tức năm 1794, tịch năm Bính Dần tức năm 1866.

Thiền sư Phổ Đoan Thanh Tùng (1794-1866) có công rất lớn đối với ngôi chùa Đọi. Theo Trùng Tu công đức bi ký/Tự Đức thập tam niên tạo cho biết, tăng Tạ Kim Đoan pháp danh Thanh Tùng hiệu Từ Nghiêm trụ trì Long Đội sơn Diên Linh đại thiền tự xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội, vào năm Canh Tý thừa di chúc của bản sư tổ đời thứ năm là Chiếu Thường Tại Tại hòa thượng được hoàng triều ban giới đao độ điệp dặn dò đại lao trùng tu tự vũ, trang sóc Phật tượng. Sau khi bản sư viên tịch, Sư cùng đại sư Bảo Đảnh hội tập các bậc kì túc trong sơn môn, lục đình tập phúc cưu công trùng tu thượng điện tiền đường kinh diên, tổ đường, tăng đường tăng xá, lầu chuông, thập điện đồ cơ linh phủ, khánh đá, khánh đồng, làm bốn vị Bồ-tát, thập bát la hán, tứ thiên vương, diệm khẩu quỉ vương tiêu diện đại sĩ, hai pho thiện hữu ác hữu bằng đá, kim cương bát bộ, đúc tượng Phật Di Lặc bằng đồng. Theo Trùng tân Long Đội sơn tự ký kị bi ký lập Tự Đức 17 do tứ nhâm thìn khoa tiến sỹ hưng an đề đốc Đông tác Nguyễn Chí Hiên soạn cho biết công việc khắc ván in kinh tại chùa. Sư đứng in các bộ như kinh Vạn Phật, kinh Di Đà, kinh Dược Sư, kinh Tăng Nhất A Hàm, Thiền lâm bảo huấn, Đỉnh tâm đà la ni kinh, Hộ pháp luận, Chư kinh nhật tụng, Âm chất văn. Những bộ này hiện còn lưu hành trong tủ sách các chùa.

Trong sách Long Đọi sơn tự xưa và nay nhầm khi cho các Phật sự đó của thiền sư Chiếu Thường. Sư Chiếu Thường chỉ trụ trì chùa trong hai năm nên chưa có thời gian làm các Phật sự trên nên di chúc lại cho sư Phổ Đoan Thanh Tùng. Lúc này, Đọi Sơn trở thành một tòng lâm của Phật giáo Bắc kỳ. Nơi đây, mỗi năm thường mở trường hạ để chư tăng an cư trong ba tháng.

Vị trụ trì đời thứ 7 là thiền sư Bảo Thụ. Theo bài vị trong lòng văn bia tháp Đồng Văn cho biết: “Nam mô Long Sơn đệ thất Đồng Văn tháp hỉ xã khiêm cung ma ha tỳ khiêu tự Bảo Thụ Hi Hi lạc đức thiền sư thiền tọa hạ”. Sư sinh năm Quí Mùi (1823). Cúng tổ khoa cho sư thọ 80 tuổi, suy ra năm viên tịch là năm 1900.

Theo văn bia Động đồ bi ký lập năm Tự Đức 34 (1881) cho biết tháng 6 năm Đinh Sửu (1877) thiền sư Bảo Thụ cùng Lục đình đứng ra sửa thập điện động đồ ở hai bên tiền đường. Đây là một Phật sự do sư đứng ra hội tập. Hiện chưa rõ về hành trạng sư.

Vị trụ trì đời thứ 8 là thiền sư Thông Quyền. Khoa cúng tổ ghi tên ngài như sau: “Nam mô Từ Viên tháp Long sơn đệ bát tổ ma ha tỳ khiêu giới tự Thông Quyền Thích Chiêu Chiêu nhẫn nhục thiền sư…”. Sư sinh năm Kỷ Hợi (1839), xuất gia năm Mậu Thân (1848) với tổ Phổ Đoan Thanh Tùng, huynh đệ với sư Bảo Thụ. Sư có tài luyện được linh phù để trừ ma, chữa bệnh tà. Không biết sư viên tịch năm nào.

Vị tổ thứ 9 là thiền sư Phúc Hựu thích Khoan Hòa (1858-1929). Chúng tôi không bổ sung tư liệu gì. Đời thứ 10 là thiền sư Thông Trà. Theo Cúng tổ khoa cho biết sư sinh giờ Tuất ngày 2 tháng 8 năm Mậu Dần (1878). 16 tuổi, sư xuất gia đầu thiền tại chùa Đọi. Năm 20 tuổi, sư thụ giới Thanh Văn. Sư viên tịch giờ Thân ngày 4 tháng Giêng năm Ất Dậu (1945).

Trên đây là phần đính chính cùng bổ sung thêm một số tư liệu về 10 vị trụ trì chùa Đọi. Bảy vị tổ đầu nhờ có tư liệu Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ cùng một số văn bia tại bản tự mà chúng tôi bổ sung nhiều cứ liệu quan trọng. Ba vị tổ sau dựa vào khoa cúng tổ để đính chính một số thông tin. Có thể các tác giả của tập sách chưa hiểu biết về dòng thiền Lâm Tế tại miền Bắc nên suy đoán một số niên đại của các thiền sư chùa Đọi vượt qua thời đại mà dòng thiền truyền vào Đại Việt. Cách đọc khoa cúng ở một số chỗ còn hiểu sai, nên việc xác định niên đại không chính xác. Do đó, công việc đính chính và bổ sung một số thông tin là điều hợp lý, giúp trang thiền phả bằng tiếng Việt đạt đến độ chính xác cao, mở ra cách nhìn về dòng thiền Lâm Tế phát triển tại Hà Nam, tiêu biểu là sơn môn Đọi.

Chú Thích:
1. Nhiều tác giả, Long Đọi sơn tự xưa và nay, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2005
2. Mục chùa Đọi, bản lưu tại tủ sách Pháp Đăng.
3. Cúng tổ khoa 供祖科, tờ 1a2-1a4. bản lưu tại chùa Đọi – Hà Nam.
4. Long Đọi sơn tự xưa và nay, tr. 67.
5. Bài vị bằng đá ghi lại như trên trong Long Hoa hội tháp.
6. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ cũng đồng quan niệm cho sư 19 tuổi cạo tóc xuất gia.
7. Theo Cúng tổ khoa bao gồm 10 khoa, khoa cúng này là khoa thứ hai.
8. Long Đọi sơn tự xưa và nay, tr. 68.
9. Phúc Điền trong Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ cũng đồng quan niệm cho sư thọ 45 tuổi. Lại cho biết sư  họ Lâm, người thôn Trung, Đội Sơn, niên thiếu xuất gia.
10. Tờ 35b10-36a4. Bản lưu tủ sách Pháp Đăng.
11. Chuông đúc năm Gia Long 15 (1816), thác bản Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 32726/abcd.
12. Theo bài vị trong lòng tháp Từ Hòa. Ngôi tháp này nằm trong vườn tháp chùa Đọi – Hà Nam.
13. Từ Niệm Tịch Chiếu (1746-1816) họ Đỗ, quê làng Nghi Dương, huyện Thượng Phúc. Xuất gia với tổ Từ Phong Hải Quýnh, sau về trụ trì chùa Hoa Lâm. Sư được tôn xưng đệ nhất tổ chùa Hoa Lâm, tổ khai phái Lâm Tế tại bản tự.
14. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ của hòa thượng Phúc Điền, tờ 36a8 – 36b2. Bản lưu tủ sách Pháp Đăng.
15. Thác bản viện nghiên cứu Hán Nôm.
16. Tờ 36b8 – 37a1. Bản lưu tủ sách Pháp Đăng.
17. Tờ 37a, bản lưu tủ sách Pháp Đăng.
18. Thác bản viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 32738/39.
19. Long Đọi sơn tự xưa và nay không biết năm sinh của sư, cho sư đến chùa năm Kỷ Hợi (1838). Viên tịch ngày 25 tháng 10 năm Mậu Thân (1908). Đây có thể nhầm vì cách hiểu khoa cúng tổ còn lệch lạc.

Ngô Quốc Trưởng
Tập san Pháp Luân - số 77, tr87, 2011]