Trói buộc

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Chúng ta thường nghe câu: “Si là gốc tội lỗi, Huệ là gốc hạnh lành”. Mặt khác chúng ta cũng nghe “Tham, Sân, Si là ba chất độc của tâm”; có phải vì Si mà chúng ta nổi tham sân? Thế nhưng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể nhận diện được Tham, Sân, mà không biết Si là gì; do vậy, các cách tu tập đều chỉ cách “diệt trừ” Tham Sân....

 

Kính thưa quí vị và các bạn,

Không những hàng phàm phu tục tử như chúng ta mà cả những bậc Thánh giả (như Tôn giả Đề-bà-đạt-đa lúc chứng A-la-hán rồi) trong thời đức Phật còn tại thế cũng không thoát ra được Tham, ham làm giáo chủ, ham giành Tăng đoàn của đức Phật đến nỗi phạm tội 3, 4 lần mưu hại Phật. Tục truyền rằng vì tội nặng như vậy nên Đề-bà-đạt-đa bị chôn sống (đất trụt xuống kéo theo tôn giả). Hiện nay chỗ đó vẫn còn, vùng đất này không có một loại cây cối gì có thể mọc lên được (ở trong khuôn viên Bồ Đề Đạo tràng). Như vậy đủ thấy lòng Tham vi tế và độc hại biết chừng nào! Bởi vậy nên mới có câu nói: “Tham giận không trừ mà đòi chứng quả thì cũng giống như nấu cát mà đòi thành cơm, rót nước vào cái chén thủng đáy mà mong cho đầy vậy”. Người ta gọi ba độc Tham Sân Si là ăn trộm, giặc cướp và gông cùm xiềng xích, v.v… Vì những thứ đó đã lấy đi của chúng ta những phẩm chất đạo đức, niềm an lạc nội tâm; đã làm ô nhiễm tâm chúng ta, đã đem lại phiền não, trói chặt chúng ta vào vòng triền phược, v.v… Đó là lý do mà đề bài ghi là “Trói buộc”.

Người Huynh trưởng GĐPT nói riêng, những nhà giáo dục tuổi trẻ Phật giáo nói chung, luôn nhấn mạnh và nhắc nhở cho các em của mình phải tỉnh thức canh chừng những tên trộm cướp này, những trói buộc vô hình vô tướng này, đừng để chúng xâm nhập vào tâm chúng ta, cướp đi những đức tính và mang lại những phiền não làm ô nhiễm Tâm. Xin mời quí vị và các bạn theo dõi buổi hội luận bỏ túi giữa các Huynh trưởng quen thuộc A, B, C về vấn đề “tu tập đối trị Tham Sân Si” và xin được chỉ giáo.

A: Hôm nay chúng ta nói về ba Độc phải không?
B: Phải rồi, và cách đối trị Tham Sân.
C: Mình nghe nói Tham thì nhiều vô số kể, nghĩa là không thể nói hết được nên không thể diệt trừ đuợc phải không các bạn?
A: Nhiều thì nhiều nhưng mỗi người chỉ có thể “sở hữu” một ít thôi chứ, cũng như giày dép, quần áo vô số kể nhưng bạn đâu thể sở hữu hết được.☺
B: Đúng vậy, tham thì có vô số, tham tinh thần, tham vật chất; bất cứ lãnh vực nào trong đời sống cũng đều hiện hữu ý Tham trong đó! Cho nên chỉ nhận diện nó thôi cũng đủ khó khăn rồi.☺
C: Phải rồi, nghĩ cho cùng, trộm cướp, giết người, chiến tranh, v.v… cũng đều do ý Tham gây ra cả; cho nên mình khởi lên ý Tham là có tội rồi phải không các bạn? Làm sao mà diệt trừ được đây?
A: người ta nói: không thể dùng cái gì để diệt trừ ý Tham được vì Tham có sẵn trong mỗi con ngưòi - mỗi chúng sanh thì đúng hơn vì loài vật cũng có tham, vậy - con nít mới sinh cũng đã tham rồi: tham ăn , tham uống, tham ấm, vì nó đã biết đói, biết khát, biết lạnh, v.v…
B: đã vậy, Tham vô hình vô tướng, không biết nó trốn nơi nào và lúc nào xuất hiện mà khi nó xuất hiện thì nó phát tác rất nhanh, hiếm có ai đè nén, khống chế lòng tham được.
C: Mình không hiểu! Nói vậy sao được. Như vậy chẳng lẽ anh chị em mình luôn sống trong sự tham lam, không thể nào thoát ra được à?
A: Vậy thì không phải, người ta nói không thể đối trị, dứt trừ có nghĩa là không thể dùng những phương pháp thông thường; người ta khuyên mình phải biết sợ, phải đề phòng tâm Tham, phải có ý ngăn chặn. Lấy ví dụ một người ăn trộm đang rình trước nhà người ta, bỗng nghe có tiếng chó sủa, hay tiếng chân người từ xa đi lại, v.v… Người ăn trộm sợ bị bại lộ rồi bị bắt, bị ở tù nên rút lui, không rình nhà người ta nữa.
B: Lấy ví dụ người ăn trộm là cái tham đang còn thô thiển, ngoài ra còn những cái tham vi tế lắm như tham công đức, tham phước đức, tham danh tiếng, tham học Kinh, tham đi chùa cũng đều là Tham cả đó nha!☺
C: Mình nghĩ có lẽ cho đến khi chết cũng vẫn còn tham. [tham vãng sanh Cực lạc ☺] Như vậy mình phải tu tập như thế nào?
A: Đức Phật dạy: để đối trị với Tham, chúng ta phải sống giản dị, ít muốn, biết đủ (thiểu dục, tri túc); nếu chúng ta ít muốn (người ta muốn 100 mình chỉ muốn 10 tức là coi như chúng ta đã diệt được 90 “cục Tham” so với người ta rồi!)
B: Thật vậy đó, so với người xưa, chúng ta bây giờ có nhiều Tham lắm vì đời sống văn minh đem lại nhiều tiện nghi cả vật chất lẫn tinh thần, do vậy “khối Tham” càng ngày càng to, càng khó diệt trừ, dập tắt, khuất phục.
C: Phải! Phải! Ngày xưa người ta sống với đèn dầu trong nhà, với trăng, sao, ngoài đường không trở ngại gì cả, ngày nay chúng ta sống đời văn minh, cái gì cũng có điện, không có điện liền chịu không nổi, than van, bực bội… Giả thử một ngày kia nguồn điện bị cắt mất không biết chúng ta còn duy trì đời sống được không!☺☺!!
A: Bạn đi xa đề rồi! Mình trở lại với sự đối trị cái Tham nha: muốn đối trị cái Tham chúng ta cần soi rọi lại Tâm mình, xem những nhu cầu, những mong cầu của chúng ta có chính đáng hay không; cái gì “xa xỉ” thì bỏ bớt đi, khi mong cầu ít đi thì “cục Tham” nhỏ lại, dễ đối trị hơn.
B: Đúng vậy đó! Cho nên người ta nói: dù là 5 giới, 10 giới hay mấy trăm giới cũng đều suy từ 5 giới căn bản là Sát, Đạo, Dâm, Vọng, Tửu, mà tất cả 5 giới này đều do Tham mà ra: giết người cướp của, dâm tà, nói dối và uống rượu, tất cả chỉ do lòng THAM vô lượng đó thôi!☺
C: Thì ra “Tham là đầu mối của mọi tội lỗi” phải không các bạn? Mà tai hại thay không ai trong loài người mà không tham cả.☺
A: Bạn nói không sai chút nào bởi vì cõi này là Dục giới mà, ai không Tham đâu có sinh vào cõi này được!☺
B: Như vậy chúng ta có thể đi qua Sân được rồi hở các bạn? Nếu cái Tham khó đối trị một thì cái Sân còn khó đối trị gấp 10 lần!
C: Tại sao vậy? Cái tham thì vô hình vô tướng chứ cái Sân hiện rõ quá rồi: đỏ mặt, tía tai, có khi còn la lối om sòm nữa.☺
A: Tại vì cái giận (Sân) do cái Tham mà ra - Tham mà không thỏa mãn thì nổi Sân, cho nên, nếu chúng ta có thói quen quán chiếu, soi rọi Tâm mình thì biết được nguyên nhân của Sân (Giận): đó là không vừa lòng, không thoả mãn. Sân là giận, mà giận ai? Giận cái gì? Thôi thì giận đủ thứ: giận người, giận việc, giận thời tiết, giận con vật, giận đồ vật và có khi giận cả bản thân mình nữa!☺☺
B: Vậy mới nói Sân còn khó đối trị hơn Tham. Muốn đối trị nó, phải tu hạnh hỷ xả, nói đơn giản là phải tập tha thứ bao dung, phải nghĩ đến người khác trước. Phải hoan hỷ, đừng cố chấp, đừng thành kiến, biết thông cảm, chia sẻ với tha nhân; chính những đức tính này tự nó có thể hóa giải các cơn giận.
C: Mình rõ rồi, với hiểu biết và thương yêu, chúng ta sẽ đẩy lui cơn giận rất dễ dàng vì “khi thương trái ấu cũng tròn” mà “khi ghét thì bồn hòn cũng méo” do vậy giận dữ là do không hiểu, không thương; nếu đã hiểu đã thông cảm thì đâu còn giận nữa.☺
A: Trong thực tập Thiền có dạy: khi nhận biết cơn giận sắp nổi lên, mình đọc bài kệ:

Cơn giận làm tôi xấu,
Biết vậy tôi mỉm cười
Tâm chánh niệm an trú
Trong hiểu biết, thương yêu

B: Đúng vậy, Sân là chất độc nguy hiểm nhất trong 3 Độc, là đầu mối sinh bệnh cho Thân, là con đường đi đến địa ngục của Tâm, là ác pháp đưa đến làm tổn hại người khác và dẫn đến hận thù, chém giết tội lỗi…
C: Chứ sao nữa! Nên đức Phật mới nói: “Một niệm Sân khởi lên đốt cháy cả rừng công đức”.
A: Mình nghĩ buổi hội luận bỏ túi của chúng mình hôm nay đến đây cũng tạm đầy đủ, chúng mình cũng được nhiều lợi ích. Xin tạm biệt các bạn và nhớ cùng nhau thực hành đối trị Tham Sân nha!
B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm minh
Tập san Pháp Luân - số 77, tr28, 2011]