Từ Hàm Long đến Bồ Đề

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ngày xưa, vào những năm 60, cách đây nửa thế kỷ, có thể gọi là ngày xưa được rồi - dân mình rất ít người được đi học, nhất là ở xứ “mùa Đông thiếu áo Hè thời thiếu ăn”, nhất là con em ở những vùng xa thành phố, như Huế chẳng hạn. Những người ở các làng quê như Thuận An, Lăng Cô, Sịa…

 

Em thân mến,

Em muốn biết ngày xưa Phật giáo mình có trường dạy riêng cho học sinh Phật tử giống như các trường của Thiên chúa giáo hay không... chị thật không rành; nhưng chị có thể khẳng định với em là Phật giáo miền Trung của mình có trường Tư thục Trung học và Tiểu học Bồ Đề. Trường không chỉ dành riêng cho Phật tử, không có đọc Kinh hay niệm Phật trước giờ học như các trường của các tôn giáo khác nhưng có giờ giáo lý. Chị và các bạn chị đã từng dạy trường Hàm Long, trường Bồ Đề ở Huế và chị cũng đã có dạy trường Bồ Đề ở Qui Nhơn (Bình Định) vào những năm 70 nữa.

Ngày xưa, vào những năm 60, cách đây nửa thế kỷ, có thể gọi là ngày xưa được rồi - dân mình rất ít người được đi học, nhất là ở xứ “mùa Đông thiếu áo Hè thời thiếu ăn”, nhất là con em ở những vùng xa thành phố, như Huế chẳng hạn. Những người ở các làng quê như Thuận An, Lăng Cô, Sịa… muốn lên Huế học phải ở nhà bà con tại thành phố… Nghe vài người bạn kể lại, có khi họ phải gánh hàng ra chợ, dọn hàng cho người bà con xong rồi mới về đi học. Do đó, việc học khó khăn vô cùng, nhưng không ngăn cản được lòng hiếu học của tuổi trẻ. Đó là chưa nói, không phải ai cũng được tự do vào học các trường trung học công lập, vì phải dự thi tuyển vào lớp 6.

Chị không biết chi tiết về các trường Trung học Tư thục, nhưng chị nghĩ rằng các trường đó đã giúp phương tiện cho sự nghiệp giáo dục tuổi trẻ hiếu học rất nhiều, chứ nếu không hằng năm có hằng trăm học sinh không được tiếp tục học lên bậc Trung học vì thi rớt kỳ thi vào Đệ Thất (lớp Sáu bây giờ) trong đó Phật giáo mình cũng đóng vai trò quan trọng với hệ thống trung học tư thục Bồ Đề và cả trường Hàm Long của chùa Bảo Quốc ở Huế nữa.

Phật giáo mình cũng có cả trường Đại học nữa, đó là trường Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn. Tuy nhiên đến sau năm 1975 (từ 75 đến 95) thì tất cả các trường tư thục đều phải giải thể, chỉ còn các trường công lập hoạt động mà thôi - nghĩa là do nhà nước quản lý chứ không có một ngôi trường nào do tư nhân quản lý cả. Đến sau 1995 thì trong nước đã có thay đổi, cởi mở hơn nên đã xuất hiện những trường tư thục cả Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học và cả Đại học nữa. Trước 75 có trường Nam riêng (toàn nam sinh) trường Nữ riêng (toàn nữ sinh) nhưng sau 75 tất cả các trường đều có cả nam sinh lẫn nữ sinh (trường mixte).

Trở lại với chuyện dạy học của chị ở Hàm Long và Bồ Đề.

Hồi mới ra trường Đại học Sư Phạm (ĐHSP) Huế, năm 1961 tụi chị, 3 anh chị em Huynh trưởng GĐPT: anh Hồ Viết Đốc (HTR. GĐPT Ba La Mật), chị Võ Thị Nhàn (GĐPT An Lạc) và chị (GĐPT Từ Đàm). Cả 3 anh chị đều là ban viên Ban hướng dẫn Thừa Thiên Huế xung phong dạy tự nguyện (nghĩa là dạy mà không lãnh lương như các giáo viên khác đó em) cho trường Hàm Long, lúc đó thầy Nguyên Hồng làm Hiệu trưởng, rồi sau là thầy Thiện Hạnh. Anh Đốc dạy Toán, chị Nhàn dạy Sinh Vật, còn chị dạy Lý Hóa. Hồi đó, Hàm Long chưa có cấp 3 nên lớp lớn nhất là lớp 9. Anh Nguyễn Khắc Từ, anh Nguyễn Sĩ Thiều cũng có dạy ở đó nữa. Học sinh Hàm Long phần nhiều là các chú Sa di, còn lại là học sinh con em các nhà ở gần chùa hay các bác Phật tử, rất ngoan, lễ phép, hiền lành và chăm học, có em thuộc loại xuất sắc nữa. Chị nghe kể khi đó thầy Mạnh Thát cũng đang học ở đây - chỉ mới học lớp 7 nhưng đã thông minh, xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt về Pháp văn nên đã được cô Piat, giáo sư người Pháp đang dạy ở trường ĐHSP Huế, tình nguyện lên tận chùa Báo Quốc dạy tiếng Pháp cho Thầy mỗi sáng Chủ nhật. Sau này chị được hân hạnh quen biết Thầy mới hỏi lại việc này và được Thầy xác nhận nên bây giờ mới kể cho em nghe đây. Chị dạy trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế 4 buổi sáng: thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu, thứ Bảy và dạy tại Hàm Long 2 buổi sáng thứ Ba và thứ Năm, còn các buổi chiều chị dạy học sinh thực hành tại phòng thí nghiệm trường Đồng Khánh (dạy các lớp Đệ Tam Đệ Nhị... ban A và B - tức Khoa học và Toán) và chị phụ trách phòng thí nghiệm Lý Hóa của trường. Vì vậy, thỉnh thoảng chị cũng đem các dụng cụ Vật lý và các hóa chất vào lớp 9 trường Hàm Long cho các em học sinh xem, tập sử dụng, v.v… Có em làm được các lực kế, hoặc lắp ráp các mạch điện một chiều… lớp học rất vui và tình thầy trò (có thể nói tình chị em thì đúng hơn vì học sinh Hàm Long kêu chị bằng “chị” như trong GĐPT, trong lớp có mấy em là đoàn sinh GĐPT) càng thắm thiết. Mặc dù thời gian dạy ở trường Hàm Long không dài lắm, vì chị có gia đình, về quê chồng (Qui Nhơn) nhưng mấy chục năm sau gặp lại vài em học sinh cũ ở Hàm Long ngày xưa, chị em vẫn thân thiết, đặc biệt là các em đã trở thành nhà giáo, đồng nghiệp với chị - gặp nhau trong những kỳ chấm thi, v.v…

Vào Qui Nhơn (xin thuyên chuyển vào Qui Nhơn cuối năm 66), chị dạy tại trường Nữ Trung Học Qui Nhơn là chính, ngoài ra chị còn dạy 2 trường Tư thục là Bồ Đề và Trinh Vương (một trường Nữ Trung học của Thiên Chúa giáo); do vậy chị không những được quý Thầy, quý Sư Cô, Sư Bà… của mình thương mến mà cũng được cả mấy bà Soeur (nữ tu Thiên Chúa giáo) yêu quý nữa; có lẽ vì vậy sau 75 chị bị lên án là “người của Liên minh tôn giáo” - vì không có ai dạy cả hai trường của hai tôn giáo như chị, không ai vừa “thân” với các Thượng tọa, Ni sư, vừa thân với các nữ tu Catholique như chị. Trở lại với trường Bồ Đề (Qui Nhơn), nhìn chung học sinh không được kỷ luật bằng Hàm Long ở Huế; vả lại chị quen dạy nữ sinh; bây giờ vào những lớp mà hầu hết là nam sinh - chỉ có vài bàn đầu là nữ sinh - nên thấy hơi lạ. Tuy nhiên, chị có lợi thế là dạy các lớp thi (lớp 11 và 12 ban A và B; hồi đó còn thi cả Tú tài I và Tú tài II) và Lý Hóa là môn mà các học sinh ban A và ban B đều phải thi cả viết lẫn vấn đáp nên không thể học lơ là được và mặc dù dạy trường tư nhưng chị yêu cầu rất cao, làm bài tập ở nhà, kiểm tra ở lớp (cả kiểm tra viết và kiểm tra miệng ngay đầu giờ, bắt chép phạt nếu không học bài, làm bài, v.v…); chị cho phép và khuyến khích học sinh đặt câu hỏi về bất cứ thắc mắc gì về Vật lý và Hóa học trong chương trình lớp 10, 11 cũng như những điều chưa hiểu trong bài giảng của chị, viết vào tờ giấy để lên bàn, chị sẽ giải đáp và giờ học sau sẽ trả lại; lúc đầu trên bàn chị có thể nói là cả đống giấy! Chị rất mất thì giờ phân loại và trả lời chung cho rất nhiều học sinh cùng có một thắc mắc, nhất là về Hóa, các gốc hóa học [acid, bazơ, muối (sulfat, carbonat, nitrat, v.v…)] và sau khi trả lời chị bắt phải học thuộc những điều đã biết để chị hỏi lại… Dần dần, những tờ giấy thắc mắc ít lại và hết hẳn, chị rất mừng là nhờ vậy chị ôn tập được rất nhiều những lỗ hổng trong kiến thức tổng quát của học sinh về Hóa học và Vật lý. Chị rất thích thú thấy rằng sự tận tâm của thầy cô giáo đối với học sinh là lời thuyết phục hữu hiệu nhất và cũng là kỷ luật cao nhất có thể áp dụng ngay cả đối với những học sinh bướng bỉnh nhất. Chị chưa bao giờ nạt nộ, “lên giọng” với bất cứ học sinh nào, nhưng sau này các em cho biết giờ của chị họ sợ nhất là lúc chị dò bài cũ và đặt câu hỏi khi đang giảng bài mới. Nhờ “cứng rắn” nên học sinh mới chịu học, chịu ghép mình vào nề nếp của lớp học và môn học… Cũng có em học giỏi, thi đậu vào các trường Đại học ở Sài Gòn, Cần Thơ, v.v… Có lần chị nhận được thư của một nam sinh trường Bồ Đề gởi cho chị từ quân trường Thủ Đức, em ấy nói lời cảm ơn chị đã đưa em ấy vào kỷ luật tự giác. Nên bây giờ vào quân trường trong giai đoạn thử thách, phải “nhắm mắt tuân lệnh” cấp trên, em ấy thấy rất thoải mái, không cảm thấy nhục nhã hay “không chịu đựng được” như vài người bạn của em, rất đau khổ… Thư rất cảm động đến từ một cựu học sinh trường Bồ Đề làm chị bất giác cảm thấy công của mình, tấm lòng của mình đã bỏ ra thật là xứng đáng. Sau này qua đến đất Mỹ chị vẫn còn được gặp lại nhiều em học sinh Bồ Đề nam cũng như nữ rất thành công trong việc học cũng như trong nghề nghiệp hiện tại, chị cảm thấy thật hạnh phúc. Nếu trường Hàm Long ngày xưa ở Huế những năm 60 có thầy Mạnh Thát “thông minh phát tiết từ thời ấu thơ”, bây giờ là một đại học sĩ trong giới trí thức Phật giáo Việt Nam, một tu sĩ Phật giáo nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới Phật giáo cũng kính phục, người đã được cử làm Trưởng ban tổ chức đại lễ Phật Đản lịch sử VESAK 2008… thì cũng có thể nói rằng Trường Bồ Đề nói riêng, các trường Phật giáo nói chung đã đóng góp phần mình rất đắc lực vào sự nghiệp giáo dục tuổi trẻ Miền Nam Việt Nam. Đặc biệt là về hạnh kiểm, học sinh Bồ Đề nói riêng, học sinh Qui Nhơn nói chung, chưa bị mang tiếng “đánh Thầy giáo” trong khi trước 75 có một thí sinh Tú tài II giết một giám khảo (anh Trần Vinh Anh) và sau 75 ở Thủ Đức cũng có một học sinh giết thầy giáo trong mùa thi, vì ông này không cho em quay cóp… Thật đau lòng dù những hiện tượng trên chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh” chứ không phải phổ biến và người Việt Nam dù ở trong nước hay đã ra nước ngoài đều sống xứng đáng với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc mình.

Em thân mến,

Chị đã kể cho em nghe nhiều kỷ niệm về thời đi dạy của mình, về những học sinh ưu tú, ngoan hiền, chăm chỉ cũng có, những con “ngựa chứng trong sân trường” cũng có, những học sinh đầy tình nghĩa thật quá cảm động và cả những học sinh không màng đến tình bằng hữu, nghĩa thầy trò… xã hội học sinh đông đảo, đa dạng, đủ loại tính khí, đủ loại tâm lý, nhưng người thầy/cô giáo không phải chỉ tuyên dương, thương mến, ca ngợi những học sinh ngoan hiền giỏi, thành đạt mà bỏ quên những em học sinh yếu kém, ngang bướng, khó dạy, thất bại trên đường đời, v.v… đâu em. Người thầy/cô giáo, nhất là khi họ còn là một huynh trưởng GĐPT thì họ sẽ thương yêu tất cả, với tình cảm bao dung không phân biệt như người cha, người mẹ, người anh người chị… thương yêu con em của mình.

Thư đã dài, tạm dừng ở đây nha! Thương chúc em và gia đình an lạc.

Tâm Minh
Tập san Pháp Luân - số 76, tr17, 2011]