Ca dao Phật đản

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

CA DAO PHẬT ĐẢN

Trong kỹ thuật tổ chức sự kiện, khẩu hiệu cho sự kiện luôn luôn là một yếu tố. Khẩu hiệu được dùng để quảng bá sự kiện, cổ động sự kiện, được treo mắc trên đường phố và tại nơi tổ chức sự kiện, được lồng vào và thường là nội dung chính của các video clip thông tin cổ động sự kiện.


Theo truyền thống một số quốc gia, các khẩu hiệu của sự kiện được đọc lên vào cuối bài diễn văn chính của sự kiện.

Các sự kiện Phật giáo được tổ chức trong thập niên 1960, 1970 ở miền Nam cũng đều có những khẩu hiệu sự kiện. Lễ Phật Đản tại Sài Gòn trước đây được tổ chức tại chùa Ấn Quang, trụ sở Trung ương Giáo hội bấy giờ ở miền Nam, ngoài khẩu hiệu chính là “Kính Mừng Phật Đản”, còn có các khẩu hiệu khác được treo quanh lễ đài như “Đức Phật là hiện thân của từ bi, trí tuệ và hùng lực”, “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, v.v…

Tuy nhiên, đối với các lễ hội dân gian, điều cần lưu ý là còn có những “khẩu hiệu” tồn tại dưới hình thức ca dao. Có thể kể đến Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương với câu:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”

Khẩu hiệu sự kiện dưới dạng ca dao là điều mà Phật giáo chúng ta đang thiếu.

Ca dao sự kiện không chỉ là khẩu hiệu, là “slogan” của sự kiện, mà nó còn là một dạng văn học của sự kiện, văn học dân gian, văn học trong lòng quần chúng rộng rãi.

Ca dao sự kiện là một dạng thức tồn tại của văn học. Sự kiện có thể chưa tới, có thể đã qua, nhưng đọc, nhớ đến những câu ca dao sự kiện, thì sự kiện lại được hình thành trong tâm trí mọi người vào một khoảnh khắc.

Làm sao để có những câu ca dao Phật đản? Điều này trước hết trông cậy vào những nhà thơ Phật giáo. Ca dao thì chủ yếu phải là lục bát, để dễ thuộc, dễ nhớ. Tất nhiên là một dạng văn học dân gian, ca dao Phật đản phải hay, phải đẹp, dễ đi vào lòng người.

Có thể tổ chức một cuộc thi sáng tác, hay một cuộc vận động sáng tác ca dao Phật đản. Với những tác phẩm có được, Phật giáo Việt Nam đưa ngay vào các cuộc lễ Phật đản, dùng để treo mắc cổ động, trang trí dưới dạng thư pháp, cách điệu tại các địa điểm hành lễ, chùa chiền, trên xe hoa hay trên đường phố… Sử dụng như vậy, các câu lục bát chỉ mới là khẩu hiệu sự kiện chưa phải là ca dao sự kiện. Chỉ khi nào khẩu hiệu sự kiện đi vào lòng người, tồn tại như một tác phẩm văn học dân gian, thì khi đó, yêu cầu về ca dao sự kiện mới đạt được.

Ca dao sự kiện phải chú ý đến mục tiêu nhắc nhớ sự kiện. Chẳng hạn,  có thể như:
“Tháng tư đức Phật ra đời
Đất trời an lạc, người người hân hoan”
Nếu được cụ thể như “mồng mười tháng ba” thì càng tốt hơn nữa.

CÂU ĐỐI PHẬT ĐẢN

Trong dịp lễ Phật Đản, Phật giáo chúng ta đã có những khẩu hiệu sự kiện dưới dạng câu đối. Đây là một nét đẹp của lễ hội Phật Đản, theo truyền thống văn minh Đông phương. Có thể kể đến những câu như:
“Bảy bước sen vàng nâng gót ngọc
Mười phương thế giới đón Như Lai”
“Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành
Vua Tịnh Phạn phúc sanh con thảo”


Vai trò tích cực của những câu đối như vậy đối với lễ Phật Đản là rõ ràng. Phật giáo chúng ta cần nhiều câu đối như thế hơn nữa, càng ngắn càng tốt, mỗi vế có thể 5 chữ, cũng để dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đọc, khi giữa người đọc và khẩu hiệu sự kiện phải tiếp xúc nhanh, như trình bày trên xe hoa, treo mắc trên đường phố đối với người đi xe…

Về mặt lý thuyết, câu đối vẫn có thể trở thành ca dao, nếu nó cấu tạo bằng một thể thơ (như 5 chữ, 7 chữ). Để câu đối Phật đản trở thành ca dao, yêu cầu cũng là ngắn, hay, đẹp.

Phật giáo có nhiều sự kiện, cả sự kiện định kỳ lẫn sự kiện đột xuất và bao giờ  khẩu hiệu sự kiện, ca dao sự kiện cũng đều rất cần thiết. Chẳng hạn, Vu Lan có ca dao Vu Lan, cung nghinh chiêm bái xá lợi thì có ca dao về xá lợi…

Một số kinh Phật cũng đã được các nhà thơ “thi hóa”, “diễn ca”, có thể chọn những câu hay để làm khẩu hiệu các sự kiện Phật giáo, để từ đó “ca dao hóa” khẩu hiệu để trở thành ca dao sự kiện Phật giáo.

Phước Cường
[Tập san Pháp Luân - số 74, tr74, 2010]