Tính khoa học trong Duy thức - Phần 3

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times



HỆ THỐNG NGỮ TỐ KṚT, THỨC BIẾN: NGÃ VÀ PHÁP

Chương thứ nhất trong Thành duy thức luận là chương nói về Ngã  và Pháp, được  Thế Thân cô đọng bằng thi kệ (gātha) và đại sư Huyền Tráng dịch giải bằng Hoa ngữ. Toàn bộ thi kệ này ta có thể đọc từ bản Việt dịch  của thầy Tuệ Sỹ - Thành duy thức luận – dịch phẩm ấy được cho là một giáo trình căn bản và bao quát toàn bộ cơ cấu của Duy thức học và trong đấy đã đào sâu nhiều khía cạnh về triết học, nhất là khía cạnh ngôn ngữ học với vài trích dẫn từ Pāṇini để chứng minh cho cách dụng ngữ của Thế Thân, tức là cách dụng ngữ trong Phật giáo như thế nào đối với tất cả hiện tượng và hiện thể của chúng.

Như ta nói, Ngã là sinh khí, là cái làm nên cuộc sống (đến độ triết học Ấn Độ gọi nó là bản thân hay tự tính của sự vật). Thế nhưng, khi ý thích hay dục vọng phát sinh, thì nhu cầu sống đã không dừng lại ở chỗ “tri túc” hoặc “thiểu dục”. Nó bành trướng qua nhiều lĩnh vực và cuối cùng là con người hủy hoại đồng loại, môi trường, vật loại và tự hủy mình - làm nên các chuỗi xoắn nghiệp trong nhiều đời nhiều kiếp.

Hệ thống ngữ tố kṛt

Tuy ta không biết và không thấy Thế Thân chỉ ra nguyên nhân do đâu mà “hữu chủng chủng tương chuyển”, nghĩa là ba cõi do đâu mà động và vì sao mà “thức biến” hay “tâm động”. Nhưng ta biết rằng, cái gọi là Ngã và Pháp, thuần túy là do “thức biến”. Trong Phạn ngữ học, thì hệ thống ngữ tố kṛt, đóng một vai trò vô cùng trọng yếu, hầu như nó chiếm đến 1/10 tác phẩm của Pāṇini. Căn tố kṛt là căn tố quan trọng bậc nhất trong hệ thống ngôn ngữ của Phạn văn và là chất liệu “xây nên tòa lâu đài của Phật giáo”  - Nghiệp.

Học giả J. DevaSighn nói: “Các hình thái kṛt gắn cùng phạm trù ngữ cán danh từ. Những ngữ cán này được mô tả dưới nguyên tắc 3193 đến 3476. Chúng có thể trực dẫn các vĩ ngữ biến tố danh từ. Hoặc từ đó mà các ngữ cán vị từ có thể được thể hiện; những căn tố giống cái và taddhita-các từ phái sinh có thể được hình thành từ các thân danh từ như thế bằng phụ tố. Chúng cũng có thể tham gia vào những hình thái hợp thành từ-danh từ nữa. Việc sử dụng một vài từ phái sinh thuộc về kṛt được giới hạn qua các ngữ đoạn như sau: śaknoti bhoktum (nó/anh ấy có thể ăn) [3465]; pṛṣṭhataḥ kṛtvā (sau khi đã đẩy anh ấy sang một bên)[3461]; gāyam gāyam rañjayati  (anh ấy chiêu đãi bằng cách hát liên tục) [814]; cauraṅkāram ākrośati (anh ta hét lên, kẻ trộm! kẻ trộm!) [3425]; cūrṇapeṣam pinaṣti  (anh ta nghiền nó thành bụi) [3435], v.v... Những thân danh từ này được xử lý như là avyayas (những từ bất biến) [1139-40]”. (Pāniṇi: His Description of Sanskrit by Jag Deva Singh / p. 30-32).

Như vậy, hệ thống căn tố kṛt làm phát sinh các thân danh-tính từ: karma, kāraṇa, kṛtya, kāriya, kāraka, kāmya… như thấy trong Tam thập tụng của Thế Thân. Và cũng vậy, từ pra√vṛt, ta có: vipāka (dị thục), manyanākhya (tính tư duy) và vijñaptir viṣaya (thông điệp về đối tác), nhất là thuật ngữ upacāra sẽ được ta liên hệ tích cực hơn so với các dẫn giải của từ điển Phạn – Hòa, kể cả các giới học thuật về phạm vi này. Ta thấy cách biến chuyển của thức được hậu tố -kṛt tác khởi và thức kéo theo hay biến hóa thành ba hình thái: dị thục (cách phân lớp để cấu thành sản phẩm), tư lương (tính tư duy) và liễu biệt cảnh thức (thông điệp loại biệt về đối tượng bằng ngôn ngữ). Ở đây liễu biệt cảnh là một thành viên tối yếu trong ba thành viên được sinh ra từ sự chuyển biến của thức. Bởi vì, nếu không được thông báo bằng ngôn ngữ, thì đối tượng chỉ là những hình ảnh chết cứng, chồng chập mơ hồ với nhau; chính nhờ sự thông báo này mà ta biết đối tượng tương tợ hay có vẻ ngoại tại với những nội dung toàn hảo, được tách lớp của chúng – ngôn ngữ. Tuy nhiên, vạn hữu là nội hay ngoại, thì phải nhờ đến sự chiết xuất của tư lương. Do vậy, Pāniṇi nói: “vĩ tố x này hình thành từ gốc y nào đó” (Pāniṇi: His Description of Sanskrit by Jag Deva Singh / p. 40). Vĩ tố x này, nghĩa là ta muốn nhắm đến sự chi phối của hệ thống duyên tố kṛt với đuôi biến cách -āra trong upacāra như sẽ cho dưới đây.

Cơ sở cấu trúc của kệ tụng thứ nhất

Kệ tụng thứ nhất:

āmadharmopacāro hi vividho yaḥ pravartate 
vijñānapariṅāme’sau pariṅāmaḥ sa ca tridhā 
vipāko manyanākhyaś ca vijñapatir viṣayasya ca

Sự giả thác như là Ngã và Pháp tiến hành thực sự đa dạng. Nó tiến hành y trên sự biến thái của thức. Sự biến thái này có ba dạng: dị thục, tư duy và sự thông tri đối tượng. (Tuệ Sỹ, Thành Duy Thức Luận. Chương 1 / Ngã và Pháp, tr.66). Qua kệ tụng đầu tiên này, những liên hệ cú pháp là cái mà chúng ta cần thảo luận. Sự thảo luận của chúng ta sẽ quy chiếu trên hệ chi phối của duyên tố kṛt, được xét như là nhân đưa đến ba hình thái phân biệt vọng tưởng như truyền thống Phật giáo cho phép y trên những gì được gọi là: dị thục, tư lương và liễu biệt cảnh. Một hành động pra√vṛt được ba tác thể thực hiện: ātma, dharma và upacāra (thành một khối số ít duy nhất) thực hiện, và pra√vṛt hóa thân trong ātma, dharma và upacāra; như thế cả ba trở thành dòng hiện nghiệp của chúng ta với những đường nét khắc họa khổ đau cho ba cõi. Do vậy, đại sư Huyền Tráng dịch là tương chuyển để và sẽ nói đến thức a-lại-da sau này. Trên thực tế, đây là các mấu chốt ngôn ngữ học vậy.

Trong mọi diễn giải về câu kệ đầu tiên nổi tiếng của tôn giả Thế Thân, nói chung, người ta chỉ lý giải trên cơ sở triết học, xét như là quan điểm của Thế Thân hay chính xác hơn là quan điểm ấy y cứ trên những gì Phật dạy về Ngã và Pháp như ta thường biết với tính lịch sử của nó. Thậm chí ngay cả Thánh An Huệ, cũng thuần túy cho ta biết về phần đối trị về ngã và pháp như thế nào mà chính chúng là hình thái khác của phiền não và sở tri chướng, còn những liên hệ về ngôn cú thì ta chưa được đề cập đến. An Huệ nói:

“Luận bản Duy thức tam thập tụng được tạo ra với mục đích làm nguyên lý đạt đến nhân và pháp vô ngã mà trong hai luận điểm này thường mang đến những sai biệt mông lung, nếu không muốn nói là các quan điểm theo chiều hướng đảo điên. Hơn thế, (luận bản được tạo ra), nhằm loại trừ phiền não và sở tri chướng bằng nhân và pháp vô ngã. Thật vậy, cái ngã kiến như thế có nguồn gốc từ những phiền não, tham ái khắc nghiệt và sự minh giải nhân vô ngã như là phần đối trị vốn diệt được tất cả phiền não của thân kiến ngay trong khi người ta hướng đến sự diệt trừ. Cũng vậy, từ sự nhận thức về pháp vô ngã như là phần đối trị sở tri chướng, khiến cho người ta loại trừ được nó. Chính sự trừ diệt phiền não và sở tri chướng ấy, cũng có nghĩa là đắc chứng giải thoát và nhất thiết trí. Thật vậy, các loại phiền não là chướng ngại vật cho việc đạt đến giải thoát, thế nên, trong các trạng thái loại trừ chúng, sự giải thoát được người ta tiếp cận. Sở tri chướng là một tiến trình vô tri không nhiễm ô có liên hệ trong mọi đối tượng được nhận thức. Dưới mọi tác dụng còn sót lại trong [địa hạt] của sở tri chướng mà chúng là những gì khiến cho sự nhận thức từ nơi đó không thể liên tục khởi sinh nhằm chứng đắc nhất thiết trí. Nói đúng ra, ở đây, [các luận điểm] không thể hiểu theo cái cách mà Nhân và Pháp vốn bị bám dính vào cảnh giới đánh giá của cảnh giới tự tâm. Thế nên, sở thành của luận bản này có mục đích là đưa vào trong biểu thức theo hiệu quả của nó qua kiến giải về pháp và nhân vô ngã. Hoặc nói theo bản chất thì, cái thức và sự phân biệt cũng chính là hai cái thức mà bao giờ chúng vẫn là những gì được mọi người tưởng tượng ra. Cái thức cũng như sự phân biệt chỉ thuần là lập ngôn theo thế tục, nó không có bất cứ ý nghĩa tối thắng nào cả. Do vậy, sở thành của luận bản mà mục đích của nó là đưa vào trong cái người ta sẽ đạt tới có sự lập ngôn tuyệt hảo cho hai hành tướng vừa nêu”.

Tuy nhiên, một mắt xích quan trọng trong đoạn kệ ấy, chính là những liên hệ giữa kāraka hay kṛt với ātma và dharma, tức upacāra.  Những liên hệ ngôn ngữ học này phải được đề cập đến, bởi vì tính logic của nghiệp tồn tại bằng hình thái ngôn ngữ và hình ảnh, chính xác là vikalpa. Vậy những liên hệ kāraka là gì? Và tại sao upacāra lại tồn tại bên trước pra-vṛt (pravartate – tương chuyển) xét như là một loại động từ phản thân? Và cuối cùng là vì sao mà đại sư Huyền Tráng qua tiểu cú đầu của đoạn kệ trên có vẻ như Ngài đã dịch thành hai tiểu cú:  1/ do giả thuyết Ngã Pháp, 2/ hữu chủng chủng tương chuyển. Ta gọi đoạn dịch này có vẻ như là hai tiểu cú, vì giả thuyết có vai trò động từ và Ngã - Pháp làm nhiệm vụ danh cách, nghĩa là “vì Ngã và Pháp là giả thuyết”, “cho nên có nhiều chủng loại [của Ngã và Pháp] cùng nhau chuyển biến”. Trong Phạn bản thì đấy chỉ có một tiểu cú, động từ pravartate nói lên hành vi của khối liên kết āmadharmopacāro mà khối này có tính chất vividho. Sự ngộ nhận về giả thuyết tương quan đến tương chuyển ở tiếng Hoa – có vẻ như là hai động từ làm nên hai tiểu cú, vốn phải xảy ra, cho dù người dịch quan sát nó dưới bất cứ góc độ nào - người nói bản ngữ là tiếng Hoa. Và đây là vấn đề của chúng ta trong bài viết này ở phương diện ngôn ngữ, trước khi nói đến tính vật lý trong Duy thức học như trước đây đã đề cập.

Những liên hệ cú pháp của kāraka

Như ta biết trong tiểu cú: āmadharmopacāro hi vividho yaḥ pravartate   thì   āmadharmopacāro và vividho là chủ ngữ của câu; vividho là tính từ bổ nghĩa cho āmadharmopacāro, cũng làm nhiệm vụ chủ cách; do vậy Huyền Tráng dịch là hữu chủng chủng, nghĩa là āmadharmopacāro có hình thái đa dạng hay có tính đa dạng. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức văn phạm phổ thông, cái quan trọng chính là upacāra; một ngữ cảnh thoát thai từ kṛt và đã được dịch là giả thác (Tuệ Sỹ), giả thuyết (Huyền Tráng), v.v… Trên phương diện cú pháp thì duyên tố kāraka rơi vào hai trường hợp, đó là hữu-kāraka và phi- kāraka. Những liên hệ về hữu-kāraka được Pāniṇi miêu tả trong nguyên tắc 1423 như sau:
kārake
“kārake” ity adhikāro veditavyaḥ | yad ita ūrdhvam anukramiṣyāmaḥ “kārake” ity evaṃ tad veditavyam.

Nguyên tắc này nói lên các giải thích sai biệt, bởi vì (1), nó là một adhikāra [nguyên tắc chỉ đạo, quyền chi phối]; (2) Pāniṇi đặt kārake ở định vị cách (S: saptamī. E: locative); và (3) kāraka là một thuật ngữ kỹ thuật (saṃjñā). Có thể có ba cách lý giải về nguyên tắc này:

(1) Kārake là nguyên tắc chỉ đạo (adhikāra), nhờ thế mà kāraka được giới thiệu.
(2) Kārake cho biết một điều kiện nghĩa (meaning condition).
(3) Kārake thao tác như là một hạn định từ (viśeṣana), giới hạn lãnh vực của thuật ngữ apādāna (E: ablative, ly cách / nguyên ủy cách) – [một sự vật làm nhân cho sự vật khác phát sinh].

Trên cách lý giải như vậy, các nhà chú giải có các quan điểm về kāraka (công cụ đưa đến hành vi cụ thể, được sở thị bằng một vị từ -kriyā -hetu hoặc -nimitta. W. Monier) như sau:

(1) kāraka là một thuật ngữ kỹ thuật chỉ cho sự vật làm nên hành vi liên hệ đến nghĩa ngữ nguyên của nó.
(2) Thuật ngữ kāraka chỉ có thể biểu thị sáu phạm trù của ly cách (do, từ, bằng, trên, dưới…).
(3) Mỗi một phạm trù trong sáu phạm trù kāraka vẫn cần được thuật ngữ kāraka chỉ định. (Theo The aṣṭādhyāy ī of Pāniṇi by R. N. Sharma).

Ngôn ngữ tạo nên tư duy và ngược lại

Như ta thấy, sự thao tác và vận hành “cách tiếp cận Ngã và Pháp” là sự thao tác và vận hành của ngôn ngữ (Huyền Tráng dịch upacāra là giả thuyết, tức ngôn ngữ hay thi thiết bằng ngôn ngữ;  thầy Tuệ Sỹ dịch viṣaya là sự thông tri đối tượng, tức ngôn ngữ hay sự thông tin bằng biểu ngôn, tức ngôn ngữ học miêu tả, còn thầy Lê Mạnh Thát dịch vikalpa là cấu trúc ngôn ngữ). Do vậy, ngôn ngữ tạo nên tư duy và ngược lại. Hình thái này cho biết rằng, tối hậu của “giả thuyết” cũng chỉ do viṣaya mà thôi. Cũng do vậy, mà viṣayasya với nhiệm vụ sở hữu cách hàm dung nhiệm vụ ly cách – thông tin từ đối tượng – ly cách này, cho ta biết rằng, mọi đối tượng sở hữu chỉ là những hình ảnh được phóng rọi lên “tấm gương tâm”, nói cách khác, mọi hình ảnh chỉ là dòng tương tục của tâm mà thôi. Và viṣaya nhận lấy mọi hình ảnh ấy như là một hình thái “tái cấu trúc” của liễu biệt cảnh. Liễu biệt cảnh sẽ giới hạn những cách tái sinh của chúng ta theo các khuynh hướng của guṇa và vṛdhi.

Thế thì Nghiệp chính là pravṛt và ngược lại. Nghiệp, một hình thái khác của vô thủy đảo điên với các hướng lực đa chiều của nó.

Biến trình của đoạn kệ đầu tiên sẽ phải còn quan sát theo một cách nào đó của hệ thống ngôn ngữ miêu tả Pāniṇi. Và chỉ có cách quan sát như thế, ta mới cảm thụ được, có thể cho là toàn bộ những gì được Thế Thân giảng dạy. Tuy nhiên, đây chỉ là một tư kiến, nếu nó bị cho là “đảo kiến”, thì ít ra, nó cũng đề nghị đến một vấn đề, đó là ta hãy còn đôi chút kém yếu trong địa hạt ngôn ngữ kéo theo địa hạt thuyết pháp, và thuyết pháp được xem như là trọng tâm của Phật giáo qua quá trình giáo hóa chúng sinh (tôi vẫn nhớ là, khi học kinh Lăng-già với thầy Nguyên Giác, pháp được thầy định nghĩa là ngôn ngữ. Ý nghĩa đó, giờ tôi mới cảm-hiểu được đôi phần). Lời đề nghị này còn kéo theo, những lý thuyết về dịch thuật và cách quan sát một đoạn kệ nào đó của chư tổ sư trên Phạn bản, theo cách thức của ngôn ngữ học và nhất là hệ thống văn pháp của Pāniṇi. 

Và, sau hết lời đề nghị này là, nếu như, ai đó khi đọc Thánh kinh Cựu Ước bằng tiếng Do Thái hay Tân Ước bằng tiếng Hy-Lạp, thì cái gọi là “khởi thủy là ngôn ngữ và ngôn ngữ có cùng Thượng đế”, thì cái ngôn ngữ ấy, theo Thế Thân, chính xác là theo Phật giáo, nó chỉ là danh ngôn tập khí. Nó là biến trình của sở hữu và ly cách trong hệ thống ngữ năng văn pháp phổ quát của loài người mà thôi. (còn tiếp)

Pháp Hiền cư sỹ
Tập san Pháp Luân - số 76, tr64, 2011]