Chuyện “bỏ qua” xem ra còn... khó!

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một hôm tôi có dịp đi vào mấy sạp hàng bán áo quần may sẵn của khu chợ thị trấn để mua vài chiếc áo thun, bỗng nghe tiếng hai người đàn bà cãi nhau, người đi chợ bu quanh khá đông - Tôi tò mò dừng lại nghe.


Chị áo xanh mua của bà áo tím một bộ đồ trẻ em cỡ 6 tuổi cho đứa con trai mặc đi dự lễ phát thưởng cuối năm vào buổi sáng. Chiều mang ra đổi lại vì hơi chật so với con của chị, nhưng đã lỡ cho con “mặc tạm” trong buổi sáng - chiều mới đem ra đổi được! Bà áo tím dứt khoát không chịu, to tiếng sỉ nhục chị áo xanh. Chị áo xanh nổi giận nguyền rủa bà áo tím. Cả hai không ai chịu thua ai! Bà con góp ý hòa giải để tránh một cuộc ẩu đả có thể xảy ra. Chị áo xanh xếp bộ áo quần bỏ vào xách tay - vừa đi vừa hét to vào hàng bà áo tím: “Tôi ‘nhịn’ bà vì bà lớn tuổi, bà là quân ăn cướp...”. Bà áo tím trợn mắt:  “Tao ‘tha’ cho mày - tao ‘bỏ qua’ cho mày - đồ mạt rệp!”

Trong một quán café tôi cũng đã nghe hai chàng trai choai choai gây gổ suýt choảng nhau vì vài câu nói đùa, nhưng nhờ có người chủ quán “anh chị” can ngăn. Cậu tóc dài chỉ vào mặt cậu tóc ngắn: “Tao ‘bỏ qua’ cho mày, nếu không tao cho mày một trận”. Cậu tóc ngắn hằn học, “Tao cũng ‘bỏ qua’ cho mày/ tao ‘tha thứ’ cho mày / tao sẽ ‘tính sổ’ với mày sau!”

Mới đây thôi, một người bạn xóm giềng của tôi cũng vừa đến thăm - hơn một giờ ông ta đã than thở, kể lể, tỏ ra giận dữ về câu nói, thái độ mà ông cho là vô lễ, bất hiếu của cậu con trai (và vợ của cậu ta) với ông trong thời gian qua. Nét mặt ông hầm hầm, giọng nói còn đặc sệt sự oán hận: “Tôi đã ‘bỏ qua’ cho chúng/ tôi ‘tha thứ’ chúng/ tôi ‘xả’ hết mọi chuyện để cho chúng tự suy nghĩ...”.

Chị áo xanh đã biết “nhịn” rồi, còn nói thêm “quân ăn cướp”; Bà áo tím đã biết “tha/ bỏ qua” rồi, còn bồi thêm “quân mạt rệp”; Cậu tóc dài đã sớm “bỏ qua” nhưng còn đèo theo lời hăm dọa sẽ “cho mày một trận”; Cậu tóc ngắn cũng đã biết “tha thứ” tuy vậy vẫn còn  hy vọng “tính sổ” trong tương lai... Và người đàn ông xóm giềng của tôi - tuy nghe ông nói sẽ “bỏ qua/ tha thứ/ xả” - nhưng nhìn dáng vẻ ấm ức, giọng nói chưa nguôi cơn giận - tôi khó lòng tin được ông sẽ “bỏ qua” những lỗi lầm của cậu con trai một cách thật lòng.

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta chắc cũng đã nghe nhiều hơn thế hai chữ “bỏ qua/ tha thứ/ buông xả” - nhưng sau giây phút “bỏ qua” ngắn ngủi ấy - là một chuỗi dài của sự giận dỗi, thù ghét, ray rứt dai dẳng.

Hai người đàn bà ở sạp hàng bán áo quần chưa thật tình hiểu nhau - trong lòng cả hai chưa nẩy sinh chút cảm thông, chút tình thương yêu chia sẻ nào. Họ chỉ nghĩ tới quyền lợi/ chấp vào định kiến của riêng mình mà thôi. Nếu bà áo tím chịu tưởng nghĩ đến cảnh đứa con trai nhỏ thiếu thốn áo quần đi học vì cha mẹ không dư dả gì, phải tằn tiện mua cho con một bộ đồ mới để đi lãnh thưởng vui vẻ với bạn bè (và sau này mặc đi học nữa) - thì đã vui vẻ cho chị áo xanh đổi lại với một sự “thương lượng” hợp tình. Chị áo xanh, nếu biết mình có lỗi (dù chỉ cho con “mặc tạm” một buổi/ trả chậm) - nghĩ bà áo tím đã luống tuổi (đáng tuổi mẹ, cô dì của mình) còn “cong lưng” ra làm hằng ngày ở chợ để kiếm sống - mà dùng lời thân tình bày tỏ hoàn cảnh - thì chắc rằng cả hai sẽ không “tốn nhiều hơi sức” và thời gian để nguyền rủa nhau! (Và sau đó, đều sẽ được vui vẻ/ thoải mái...). Hai cậu con trai trong quán café đều có chung bản tính dễ nóng giận - háo thắng, học đòi, thiếu kinh nghiệm sống của những gia đình chưa làm gương tốt trong việc giáo dục con cháu (vì nhiều nguyên nhân). Đây là một sự “bỏ qua/ tha thứ” như một ngòi nổ chậm, rất nguy hiểm cho bản thân cả hai, cho gia đình và cả cho xã hội nữa! Những vụ thanh toán, chém giết nhau vì một “bất hòa nhỏ” trước đó được tạm “bỏ qua” - đã bùng nổ còn nguy hiểm gấp bội - nếu cả hai không có ý thức tự rèn luyện bên cạnh sự giám sát, khuyến dạy thường xuyên của các bậc phụ huynh! Còn “ông bạn xóm giềng” của tôi đây, tuy đã luống tuổi nhưng lòng “chấp” vẫn còn lớn - chỉ vì một lời nói sơ ý, bất cẩn của con mà khổ đau, tức giận lâu dài! Nên tuy đã nghĩ đến “bỏ qua/ tha thứ/ xả” - mà vẫn không “xả” được - tạo thêm sự khổ tâm cho bản thân mình và cho con mình!

Người dân mình có từ “bỏ qua” rất hay - thể hiện rõ phẩm chất bao dung, độ lượng rất cần thiết cho mọi người trong mọi hoàn cảnh - nhưng bên cạnh sự “bỏ qua” tốt đẹp ấy - cần có các điều kiện cần và đủ mới tạo được sự an vui cho mình cho người! - Trong đạo Phật luôn đề cao Bốn tâm lớn (Tứ vô lượng tâm) cho người con Phật tự rèn luyện, tu dưỡng trước khi bước vào Đạo để cầu giải thoát, an lạc miên viễn: Đó là Tâm từ - bi - hỷ - xả. Đoạn đường tiến đến “xả” cần thiết phải qua “tâm từ” - Có được tình thương yêu trong sáng, hồn nhiên, chân chính rồi thì mới qua được “tâm bi” một cách trung thực, đúng nghĩa, đúng pháp. Tâm từ bi thường “đi chung” vì khi trong lòng phát sinh tình yêu thương rộng lớn vô chấp, vô phân biệt rồi - thì “thương người/ vì người” là hệ quả tất yếu phải đến! Tâm từ bi còn cho thấy một nỗi cảm thông sâu sắc - của người trên với người dưới, của người đã “giác” với kẻ còn mê muội cần được chở che, đùm bọc, thương yêu...

Vui mừng với người (tùy hỷ), vui vì cảm thông được người - chia sẻ cùng người mọi nỗi khổ đau - giúp người được an vui - là “tâm hỷ” cao quí của người con Phật có được qua chặng đường trưởng dưỡng hai tâm “Từ/ Bi” một cách lâu dài...

Khi đã có đủ “Ba tâm lớn” (từ - bi - hỷ) - thì việc “bỏ qua” (xả) mới thành tựu đúng nghĩa! Mới xóa sạch hẳn được sự giận hờn, trách móc, thù ghét trong lòng mình và trong lòng người. Mới chấm dứt tận gốc mọi nỗi ray rứt khổ tâm, mầm mống của bao thảm cảnh sau này! “Bỏ qua” từ sự xúc cảm, thương xót chân thành; từ sự vô tư hồn nhiên trong sáng-như nụ cười vô ngại của đức Di Lặc - không cầu sự đáp trả, không điều kiện kèm theo - thành tâm mong muốn cho người trở nên tốt đẹp, an vui - thì lúc ấy - sự “bỏ qua” mới là “tâm xả” đích thực mà đức Từ Phụ hằng mong đợi... Mới đem lại lợi lạc cho mình, cho người! Nếu ngược lai, thì mọi sự “bỏ qua” kia chỉ là lời nói suông cần phải được tỉnh giác tu sửa... Nghĩ cho cùng, cuộc đời có dài bao lăm, mà oán giận - thù ghét - tranh giành cho khổ mình, khổ người - triền miên trong nỗi lo toan, phiền muộn?

Như vậy, xem ra chuyện “bỏ qua” cũng không dễ - vẫn còn... khó nhỉ!

Mang Viên Long
[Tập san Pháp Luân - số 73, tr90, 2010]