Thắng Man và người nữ trong Phật giáo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

“TừKinh điển Đại thừa thường biểu hiện tinh thần tuyệt đối bình đẳng bằng những nhân vật đặc biệt có tính đột phá những chấp nê dễ mắc nhưng khó trừ đối với người tu học Phật pháp. Phẩm Nhập pháp giới kinh Hoa Nghiêm với thiếu niên Thiện Tài, kinh Duy-ma với người cư sĩ ở xóm Tì-da, Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn kinh nói: “Ở chùa mà không tu thì cạo đầu mặc áo nào có ích lợi chi?”, và đây Thắng Man, một phu nhân nơi cung cấm. Họ là ai? Phải chăng là những nhân vật nói lên diệu nghĩa của Đại thừa?


Lịch sử cho thấy chưa có tôn giáo nào đặt địa vị nữ giới bình đẳng như đạo Phật. Sự kiện đức Thích Tôn nhận người nữ vào hàng ngũ xuất gia có một ý nghĩa rất lớn, nhất là ở nơi cái nôi của Bà-la-môn giáo, một tôn giáo đã hạ địa vị người nữ xuống đến mức như là tài sản của nam giới, ngang bằng nhà cửa, ruộng vườn, súc vật.

Theo Tiểu phẩm luật tạng, Tì-khưu-ni đầu tiên trong giáo hội là Maha pajapati Gotami. Nhưng khi vị này xin xuất gia, Thích Tôn đã không nhận. Điều đó không có nghĩa đức Thích Tôn cho rằng phụ nữ không có khả năng tu hành thành Phật hay có khả năng thấp kém so với nam giới. Vấn đề hoàn toàn thuộc về tổ chức xã hội. Thực tế trong hàng ngũ xuất gia bấy giờ chỉ toàn nam giới và đa số độc thân. Một người nữ gia nhập vào một đoàn thể như vậy không khỏi có điều trở ngại. Ngoài ra đời sống tu hành của người nữ có nhiều khó khăn, nhiều lôi cuốn cũng như nhiều nguy hiểm. Vì vậy, cuối cùng tại Tì-xá-li Thích Tôn đã dạy 8 điều quy định cho người nữ rồi mới chấp nhận cho xuất gia.

Tình huống nữ giới có đặc biệt như vậy nhưng trong hàng nữ xuất gia cũng có người có tài thuyết pháp giỏi như Dammadinna, cũng có người phát trí phi thường như một vương phi của vua Tần-bà-ta-la xuất gia tên là Khema. Tuy nhiên, trong quang cảnh chung, thời Phật tại thế cũng như thời Phật hậu, tại Ấn Độ cũng như các nơi khác, phải nhìn nhận rằng số ni chúng xuất sắc thật quá ít ỏi. Điều đó hiển nhiên là do hậu quả xã hội và vấn đề giải phóng phụ nữ.

Trong kinh Tiện Dân, Phật nói: “Con người sinh ra không ai là dân đê tiện, không ai là Bà-la-môn. Do hành vi, con người trở thành đê tiện hay cao quí”. Qua chân lý đó, do hành vi mà con người có hay không có giá trị, có giá trị cao hay thấp. Giá trị con người không ở tính phái nam hay nữ.

Đọc các kinh điển từ Pháp Hoa trở về trước, các kinh Tiểu thừa không chấp nhận người nữ thành Phật và các kinh Đại thừa thì nói thành Phật sau khi đã chuyển đổi nữ thân thành nam thân. Nếu thấy vậy mà hiểu rằng nữ đúng là không thành Phật, phải sau khi thành nam thân mới thành Phật thì đó là một lầm lạc nông cạn. Từ đó, trong Phật học có thuật ngữ “chuyển nữ thành nam” và được đa số giải thích là nữ nhân có 5 chướng, 3 tùng, không thể thành Phật cũng không sinh về Tịnh độ được. Phải chuyển đổi ra nam thân. Như các kinh: Kinh Đạo Hành Bát-nhã 6, phẩm Hẳng Kiệt Ưu-bà-di, Kinh Siêu Nhật Minh Tam Muội, hạ, Kinh Pháp Hoa 4, Phẩm Đề-bà-đạt-đa. Trung A-hàm 28, Kinh Cù-đàm Di, Luận Du-già Sư Địa 38, Phẩm Bồ-đề, Luận Câu-xá 18, Kinh Vô Lượng Thọ, thượng, nguyện thứ 35, Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức, đại nguyện thứ 8, v.v...

Và trong giải thích, các tổ sư danh tăng như Thiện Đạo trong Niệm Phật Quán Môn cũng nói niệm danh hiệu Phật, chuyển nữ thân ra nam thân thành Phật. Nguyên Không trong Vô Lượng Thọ Kinh Thích nói nữ nhân chướng trọng. Đạo Tuyên dẫn nhiều kinh điển nói 10 phương thế giới ở đâu có nữ nhân ở đó có địa ngục!

Vấn đề phải hiểu như thế nào? Nữ nhân chướng trọng là một câu tổng quát. Câu ấy chắc chắn không có nghĩa như là người nữ có phẩm giá cao nhất cũng không bằng người nam có phẩm giá thấp nhất. Nếu nói nữ nhân không thành Phật, cũng phải nói nam nhân không thành Phật. Vì sao? Tất cả ai còn chấp hình tướng, dù hình tướng nam hay hình tướng nữ đều không thành Phật.

Theo Thánh Đức thái tử, Thắng Man phu nhân trong kinh Thắng Man như là một đề tài về nữ giới. Người nữ này đã vận dụng sức oai thần của Phật để nói kinh, nói đến chỗ tận cùng sâu thẳm của giáo nghĩa Như Lai tạng pháp thân. Hình thức này nói lên thế giới bình đẳng nam nữ, đả phá tư tưởng thông thường nam tôn nữ ti từ trước. Lại như kinh Pháp Hoa, Phẩm Đề-bà-đạt-đa nói việc Long nữ thành Phật. Đó là chuyện người con gái 8 tuổi con của Ta-kiệt-la Long vương, được Bồ-tát Văn Thù hóa đạo, giác ngộ lý thật tướng của các pháp, đến trước Phật Thích-ca hóa ra thân nam tử rồi sang thành Phật ở phương Nam, thế giới vô cấu.

Người cố chấp đọc đoạn kinh này sẽ đinh ninh tin rằng đúng như vậy, Long nữ trước khi thành Phật cũng phải hóa ra nam thân mới thành Phật được. Nhưng nếu ta căn cứ vào các yếu tố của câu chuyện như Văn Thù hóa đạo, mà Văn Thù là bậc đại trí, Long nữ đã giác ngộ lý thật tướng của các pháp. Thật tướng thì làm gì còn có tướng nam nữ, cả cái tên gọi nam nữ cũng không còn. Hùng hồn biết bao nhiêu là cử chỉ của Long nữ khi đến trước Phật Thích-ca hóa ra nam thân. Cử chỉ ấy không phải để chứng minh rằng thành Phật phải đổi ra nam thân mới thành Phật được, mà để cho thấy giác ngộ thì tướng là phi tướng. Thấy nữ tướng nhưng đâu phải là nữ. Thật tướng làm gì có nam nữ. Rồi sang phương Nam thành Phật ở thế giới Vô Cấu. Long nữ đến trước Phật Thích-ca hóa ra thân nam tử rồi sang phương Nam thành Phật ở thế giới Vô Cấu là câu trả lời trực tiếp cho Xá-lợi-phất khi hỏi rằng nữ thân cấu uế làm sao thành Phật được, đồng thời cũng là câu giải đáp chung cho những ai còn trói buộc. Tư tưởng nhất thừa tuyệt đối bình đẳng này có lẽ được phát huy mạnh mẽ nhất ở Nhật Bản. Nhật Liên tôn dựa trên cơ sở kinh Pháp Hoa chủ trương “tức thân thành Phật”, nghĩa là thành Phật ngay từ thân này không phải thân nào khác. Pháp Nhiên trong Niệm Phật Vãng Sinh Yếu Nghĩa Sao viết: “Niệm Nam-mô A-di-đà Phật thì người thiện người ác người nam người nữ mười người niệm thì mười người, trăm người niệm thì trăm người, tất cả đều được vãng sinh”. Thân Loan trong Nữ Nhân Vãng Sinh Văn Thư nói rõ nghĩa về người nữ vãng sinh thành Phật, nhấn mạnh rằng mặc dầu người nữ có tội chướng nặng, nhưng đại bi của Phật A-di-đà, đặc biệt chính cơ là đối với người nữ cho nên trong 48 lời nguyện của Phật A-di-đà có lời nguyện thứ 35 về người nữ vãng sinh. Ngoài 48 lời nguyện trong Đại kinh thì Quán Kinh có Vi-đề-hi phu nhân là chính cơ được chỉ bày con đường niệm Phật vãng sanh. Trong Kinh A-di-đà ta thấy Phật gọi “Thiện nam tử thiện nữ nhân” rõ ràng cả từ lẫn ý đều hoàn toàn bình đẳng nào có cách biệt chi? Cơ niệm Phật không phân biệt nam nữ. Đối với Thiền tông, Đạo Nguyên trong Biện Đạo Thoại cũng đề xướng tinh thần bình đẳng của tư tưởng nhất thừa: “Sự tu hành thì không phân biệt người tại tục nam nữ, không phải chỉ người xuất gia mới tu hành được. Phật pháp không lựa chọn nam nữ quí tiện.” Với tinh thần bình đẳng nam nữ, Đạo Nguyên còn nói rõ hơn trong Lễ bái đắc tủy như sau: “Nam nhi có gì mà quí trọng hơn? Hư không trả về cho hư không. Tứ đại trả về cho tứ đại. Ngũ uẩn trả về cho ngũ uẩn. Vậy thì đối với nữ lưu nào có khác chi? Nói về đắc đạo thì đàng nào cũng đắc đạo được cả. Đối với người đắc pháp thì nam hay nữ đều phải kính trọng. Đó là pháp tắc cực diệu của đạo Phật”. Cũng trong sách trên, có đoạn còn đả phá mãnh liệt hơn: “Lại có kẻ chí ngu tưởng mình sáng suốt, cho rằng nữ lưu có những cảnh tham dục sở đối cần phải cải tạo. Thật ra là Phật tử, tất cả nam nữ đều phải cải tạo. Vì bởi nhân duyên nhiễm ô là cảnh duyên của cả nam lẫn nữ, cả đến phi nam phi nữ, và không chỉ ở cảnh duyên hiện tiền, cả đến cảnh duyên của không hoa mộng ảo nữa.”

Trong Tăng đoàn của Phật, so với các nam A-la-hán, phái nữ cũng có người khí khái, năng lực chẳng kém thua tí nào. Hãy nghe ni Somà trong Trưởng Lão Ni kệ, kinh số 61, 62 hát rằng: “Khi tâm an trụ, trí tuệ hiện tiền, lấy sức quán chiếu rõ các pháp thì phụ nữ như chúng ta nào có quan hệ gì? Sự hỉ duyệt tùy chỗ mà bài trừ, khối si ám sẽ vỡ nát.”

Trên đây là một vài cảm nghĩ về người phụ nữ trong đạo Phật nhân đọc Kinh Thắng Man.

Nguyên Hồng
[Tập san Pháp Luân - số 73, tr3, 2010]