Mùa Xuân cho ta

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một người không có mùa xuân ở trong trái tim và không có mùa xuân tinh khôi ở trong cách nhìn, thì họ sẽ không bao giờ có khả năng tự tín để tạo ra được một sinh lực mùa xuân cho chính họ. Một mùa xuân đầy sinh lực, hồn nhiên, tin yêu và vô sự.



Mùa xuân tự tín là mùa xuân tự tin rằng, chính bản thân mình có khả năng tiếp nhận những cái không phải là mình, để tinh lọc và tạo ra được sức sống cho chính mình, và chính sức sống ấy, khẳng định được sự hiện hữu của mình giữa các mùa xuân, hạ, thu, đông và muôn vật.

Xuân là tinh khôi và hồn nhiên, vì xuân đã có khả năng lọc đi những gì cực đoan và phiến diện của cuộc sống. Mọi bận rộn, gay gắt, vồn vã, chạm trán, đầy thách thức và oi bức đối với cuộc sống, xuân đã lọc ra và trả lại cho mùa hạ; những kinh nghiệm thoáng qua, những vui buồn trầm lắng, những ước mơ tế nhị, những cảm xúc đằm thắm, xuân đã lọc ra và trả nó lại cho mùa thu; những u buồn hoài niệm, những than thân, trách phận, những bất lực khi đối diện với cuộc sống, xuân đã lọc ra để trả nó lại cho những cái băng giá của mùa đông.

Nên, những gì cần trả lại cho thời gian của các mùa không phải là của xuân, thì xuân đã trả lại một cách đầy đủ và hoàn tất, vì vậy xuân chỉ còn lại tinh khôi của nó. Cái tinh khôi rực sáng, cùng khắp, khi trời đất chưa biến động, khi âm dương chưa tương ngộ để phân kỳ.

Xuân tinh khôi là xuân hoàn toàn thảnh thơi với chính mình và là hải đảo an toàn cho chính mình nương tựa và cho những ai, những loại nào cần muốn nương tựa nơi xuân để có chút thảnh thơi và an lạc, khi chạm trán với nắng hạ, khi nhìn những chiếc lá ngô đồng rơi, báo hiệu thu về và khi trực diện với băng giá da diết của trời đông.

Nếu xuân không tinh khôi, không thảnh thơi, không vô sự, thì lấy gì để gọi là xuân nhỉ! Xuân tinh khôi, vì xuân là khởi điểm của sự sống; Xuân thảnh thơi, vì xuân không có gì để bận rộn; Xuân vô sự, vì xuân không có điều gì cần phải tính toán, vì những điều đáng làm xuân đã làm xong. Tuy, xuân tinh khôi, nhưng mọi người và muôn vật đều ái nhiễm với xuân; xuân tuy hiện hữu trong vô sự, nhưng mọi người và muôn vật đều bận rộn với xuân; xuân tuy hiện hữu hồn nhiên, nhưng mọi người và muôn vật đối với xuân đều có tác ý.

Do tác ý, nên con người đã bận rộn với xuân và đã làm cho môi trường của xuân ô nhiễm, khiến cho môi trường của xuân trở nên chén chị, chén em, chén đen, chén đỏ, chén hơn, chén thua. Họ bận rộn với những thứ đó đến nỗi, họ đã làm cho mùa xuân nơi họ không còn, khả năng tin yêu, vui sống và vươn lên, nơi họ tự biến mất. Đời sống còn lại đối với họ, chỉ là những mưu cầu, tính toán, hơn thua, thắng bại, khiến cho họ từ những bận rộn nầy dẫn sinh những bận rộn khác, ngay cả những bận rộn trước khi Xuân đến, trong khi Xuân đến và sau khi Xuân đã bị ẩn chìm trong nắng Hạ.

Xuân vẫn có đó và vẫn luôn luôn có đó cho ta, nhưng tâm ta đa đoan, đa đoan với hơn thua, với được mất, với khen chê, với vinh nhục, với lợi hại, nên mắt ta bị quáng gà, ta vui buồn với những ảo giác, ta gánh trên vai cả một trời Xuân, với chân cao, chân thấp, dong ruỗi tìm Xuân khắp cả bốn mùa và khắp cả tám hướng, mười phương, chẳng khác nào những chú Lạc đà chở những bệch nước cam lồ trên lưng, mà đôi mắt cứ đăm nhìn và rượt đuổi theo những làn sóng nắng gợn nước trước mặt.

Ta nên nhớ rằng, Xuân không nằm về phía trước để cho ta chờ mong hay rượt đuổi; Xuân không hề lùi lại phía sau để cho ta tiếc thương hay hoài niệm; Xuân không nằm về phía trái, phía phải để cho ta phải nhọc công cong bên nầy, quẹo bên kia, mà Xuân chính là sự sống tinh khôi, đầy tin yêu, hồn nhiên và vô sự trong ta. Một sự sống, mà mọi hạt giống sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ, tham đắm, hận thù, cố chấp nơi tâm hoàn toàn yên lắng, nhường lại không gian tâm thức thênh thang, cho những hạt giống Trí tuệ và Từ bi; Bao dung và Hỷ xả kết thành hoa trái.

Khi không gian tâm thức của ta đã hoàn toàn lắng yên mọi tác ý đối với xuân, thì mùa Xuân đích thực sẽ hiện ra cho ta, và Xuân cùng ta hiện hữu. Xuân là ta và ta là Xuân.

Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 71, tr3, 2009]