Ô nhiễm môi trường truyền thông

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ô nhiễm môi trường sinh thái, tức ô nhiễm vật chất, là điểm nóng của thời sự quốc tế hiện nay. Tác động của ô nhiễm sinh thái không còn là dự báo, tiên đoán nữa, mà đã có những hậu quả rõ ràng và theo đó là biến đổi khí hậu. Người ta đã bắt đầu tỵ nạn ô nhiễm, tỵ nạn khí hậu, tỵ nạn sinh thái (chẳng hạn nước biển dâng cao, không còn chỗ ở).


Các nhà lãnh đạo toàn thế giới lại họp bàn về việc cắt giảm khí thải CO2, nguyên nhân chủ yếu đưa đến hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm biến đổi sinh thái. Cuộc hợp được dự đoán là căng thẳng.

Đối với ô nhiễm sinh thái là thế, còn ô nhiễm môi trường truyền thông hầu như  không được nhắc đến, hình như chỉ trừ ở Việt Nam. Báo chí trong nước chưa dùng đến cụm từ “ô nhiễm truyền thông”, mà chỉ nói đến các khái niệm như “thông tin rác”, “thông tin bẩn”, “biến thái ngôn ngữ truyền thông”, “thông tin đồi trụy”... Các khái niệm này gần với những khái niệm văn hóa đồi trụy, văn hóa phản động đã có từ hơn nửa thế kỷ nay.

Do vậy, bài viết sẽ cố gắng khám phá ô nhiễm truyền thông từ góc nhìn mới, góc nhìn từ thế kỷ XXI, khi mà sự phát triển truyền thông đã đến giai đoạn “bùng nổ”. Kể ra, thì từ bùng nổ đã bao hàm trong nó nội dung ô nhiễm.

Trước giai đoạn internet xuất hiện, chủ thể của hoạt động truyền thông là những tổ chức, cơ quan, đơn vị chuyên về truyền thông. Hội đoàn, tuy cũng có, nhưng không nhiều. Cơ quan truyền thông phải lập hồ sơ, được cấp phép, chịu trách nhiệm về nội dung truyền thông trước pháp luật. Dưới chế độ Sài Gòn, chính quyền lúc đó còn buộc các tờ báo phải nộp ký quỹ một số tiền lớn, vì trước đó có hiện tượng thuê người làm chủ bút (hiện nay gọi là tổng biên tập), chịu trách nhiệm và thậm chí đi ở tù thay. Còn một tờ báo phát hành trong nước hiện nay, trước khi đem in phải qua 4, 5 chữ ký, nào là biên tập viên trang, biên tập viên ban, thư ký tòa soạn, ủy viên ban biên tập trực ban, tư vấn (nếu là các bài quan trọng), “tỉnh táo” viên, sửa morát…

Nhưng với internet, điện thoại di động, mọi việc đã hoàn toàn khác. Từ Web đến Blog…, chủ thể của hoạt động truyền thông ngày nay đã chuyển từ một cơ quan đến tập thể nhỏ, rồi đã đến cá nhân. Việc một trang Web chỉ có một người điều hành cũng không có gì lạ.

Nhưng điều quan trọng hơn đi kèm với tiến trình chuyển biến nói trên là việc không phải chịu trách nhiệm trong hoạt động truyền thông. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm truyền thông.

Ngoài internet, các phương tiện truyền thông hiện đại khác cũng góp phần vào môi trường ô nhiễm truyền thông. Vì sản phẩm truyền thông tạo ra quá dễ dàng. Trước năm 1975, những phương tiện in ấn đơn giản như máy in roneo chỉ có trường đại học, cơ quan tuyên truyền, cơ sở tôn giáo lớn…mới có. Còn hiện nay, máy in (dùng với máy vi tính) là trang bị của hộ gia đình. Còn camera video, thì trước chỉ đài truyền hình mới có. Hiện nay, thì đó đã là đồ dùng của những thiếu niên. Riêng điện thoại di động thì sức lan tỏa “khủng khiếp”. Một vị cựu tổng thống một nước Đông Nam Á còn đang điều trị bệnh, thì người ta đã mang vòng hoa đến tư gia của chính khách đó với sự xúc động thực thụ, vì tin vị cựu tổng thống qua đời lan truyền khắp cả nước và cả nước ngoài bằng điện thoại di động(!)

Mới đây, báo chí Việt Nam nóng lên với vấn đề đi tìm biện pháp giải quyết vấn đề rác trên internet. Quan chức có thẩm quyền thì hướng đến các biện pháp truyền thống như xin phép, kiểm duyệt, xử phạt…

Chắc chắn là có kết quả, nhưng sẽ không tới đâu. Ai sẽ là người đọc hết khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng để phát hiện những thông tin rác, thông tin ô nhiễm. Rồi khi đã phát hiện thì truy được cá nhân lan truyền thông tin là một vấn đề nan giải. Web, blog, người ta có thể mở rồi bỏ đi dễ như thay áo. Rồi làm sao với những người phát tán “thông tin rác” ở nước ngoài?

Rồi dù họ có nhận, nhưng tranh luận rằng thông tin được lan truyền không có tính tiêu cực thì sao? Lại phải lập ra hội đồng đánh giá, như trường hợp đối với sách nhập khẩu có tranh cãi về nội dung, phải mời đủ ban bệ thẩm định? Nhưng thông tin trên mạng thì đâu phải như sách. Và khả năng mở ra những tranh cãi bất tận, mất thời giờ, rối rắm và tốn kém là điều chắc chắn. Mươi bức tranh khỏa thân nghệ thuật ở một cuộc triển lãm  đã làm tiêu tốn chất xám của bao nhiêu nhà phê bình, quản lý văn hóa, giấy mực của không ít bài báo. Người thì nói tranh khỏa thân nghệ thuật là chuyện bình thường trên thế giới, người thì nói nó có tác động kích dục. Tranh gỡ xuống, rồi treo lên, treo lên, rồi gỡ xuống… Nhưng loại tranh như vậy thì có đến hàng trăm, hàng ngàn, số người xem không phải là vài trăm như ở triển lãm mà là hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu trên internet. Và nó có thể triển lãm vô thời hạn, chứ không phải vài tuần như một cuộc triển lãm ở phòng thông tin hay bảo tàng.

Nói như thế để thấy rằng ý kiến kiểm soát môi trường thông tin hiện đại để thanh lọc nó là đáng quý, có tâm, nhưng chắc chắn là không thực hiện được.

Và người ta vẫn cứ nói bậy, vẽ bậy, chụp ảnh bậy, nói xấu…, trên mạng, trên điện thoại di động, tạo ra sự ô nhiễm trầm trọng môi trường truyền thông, ngày càng làm băng hoại giá trị đạo đức xã hội.

Nhưng không chỉ hoạt động ô nhiễm truyền thông chỉ do cá nhân tiến hành và chỉ ở trên những phương tiện mới như internet, điện thoại di động. Trên hai vệ tinh Thaicom-5 và NSS-6, đều có phát những kênh truyền hình Phật giáo Thái Lan, nhưng đồng thời chúng ta cũng đều thấy những kênh khá là tươi mát theo quan điểm của Thái (trên truyền hình cáp cũng có kênh Fashion TV tương tự). Thực là khó chấp nhận chỉ một cái nhấp remote, khán giả từ khung cảnh nghi lễ Phật giáo nghiêm trang lại “nhảy” ngay sang khung cảnh bãi biển với những cô gái chân dài, áo hai mảnh, đôi khi để cả ngực trần (!). Rồi 2 kênh của 2 phe áo vàng, áo đỏ ở Thái Lan công kích nhau căng thẳng, quyết liệt.

Nhưng cấp độ gây ô nhiễm truyền thông không chỉ lên đến mức tổ chức, doanh nghiệp, công ty mà còn hơn thế nữa. Tại một quốc gia có một thời gian không ổn định trước đây, đã có lúc, cơ quan thừa hành nhiệm vụ của chính phủ đi quay phim lén cảnh một quan chức tư pháp tắm hơi với các cô gái hành nghề không lành mạnh, rồi dùng cả hệ thống vệ tinh truyền hình đứng hàng thứ hai, thứ ba trên thế giới để phát những hình ảnh như vậy khắp toàn cầu. Kết quả là vị quan chức tư pháp của nước nọ phải từ chức. Nhưng những người làm việc đó cũng không tránh khỏi dư luận phê bình.

Đó là hình ảnh thật. Còn tệ hơn, người ta tạo ra những ảnh giả, với kỹ thuật xử lý ảnh số hiện đại.

Dài dòng những thí dụ ngoài đời như trên, để đến đây, chúng ta sẽ thấy Phật giáo không hề ở ngoài bầu không khí truyền thông ô nhiễm đó.

Search trên Google bằng từ khóa là tên một vị tăng sĩ đạo hạnh, thì không bất ngờ một chút nào hết, sẽ xuất hiện một loạt thông tin xấu về vị tăng sĩ đó, thậm chí, có những chuyện dựng đứng đến mức vô liêm sỉ.

Rồi trên mạng, hay với một camera và máy tính chép dĩa, ai cũng thuyết pháp được hết. Mà “pháp đàn” trên mạng, hay bằng dĩa video (VCD, DVD), có thể có đông người thính pháp hơn một buổi thuyết pháp ở chùa. Không phải giảng sư cũng thuyết pháp được? Thậm chí, không phải Phật tử (có thể là người của tôn giáo bạn) cũng thuyết pháp, viết bài về đạo Phật nhân danh người học Phật. Có sao đâu? Có làm gì được nhau đâu? Và họ nói cái gì, thuyết cái gì thì… thật không thể nói được.

Ngụy tạo những bức ảnh, cả video cũng không khó. Người viết đã từng trông thấy ảnh chụp các vị tăng sĩ trẻ cụng lon “coca” (điều hoàn toàn trong giới hạn cho phép), nhưng trên tường có… ảnh phụ nữ khỏa thân. Nếu họ dùng kỹ thuật xử lý ảnh thay lon coca bằng lon bia Tiger thì cũng không có gì khó về mặt kỹ thuật. Rất may là ở đây người làm chuyện xuyên tạc đã không khôn ngoan. Nhà sư treo ảnh như thế mà chụp hình thì chắc là sư đóng giả hay ảnh ghép để nói xấu. Vì sư thật mà làm thế, thì giống như treo bảng “đừng cúng dường tôi nữa”. Còn khả năng xử lý ghép ảnh kỹ thuật số thì chỉ mất 5 phút với người có tay nghề.

Vậy, người Phật tử chúng ta phải làm gì, để không bị “thuốc” bởi bầu không khí ô nhiễm truyền thông này?

Trước hết, phải ý thức rõ truyền thông  hiện nay là truyền thông ô nhiễm. Phải hết sức thận trọng, cảnh giác, tỉnh táo.

Phải tận dụng chính những biện pháp truyền thông hiện đại để hóa giải truyền thông ô nhiễm, bơm luồng không khí trong lành vào luồng không khí vẩn đục, dơ bẩn, để trung hòa nó, hạ thấp tác hại của nó, đính chính nó. Cứ để những người xấu làm mưa làm gió mặc tình trên các phương tiện truyền thông hiện đại thật không gì khác với việc đồng lõa với hành động đầu độc truyền thông.

Đối với Phật giáo, người Phật tử có thể thanh lọc sự ô nhiễm của thông tin bằng chính Phật pháp.

Trước hết là bằng tứ chứng pháp: Khổ, vô thường, vô ngã, khổ và không. Đây là 4 nguyên tắc mà Đức Phật đã nêu để người Phật tử lấy làm cơ sở để xác định những nội dung phù hợp với Phật pháp.

Cụ thể hơn nữa, bài Kinh Kalama là phương dược hết sức hiệu quả, đi vào chi tiết, giúp chúng ta loại bỏ những thông tin đầu độc, thông tin ô nhiễm. Xin kết thúc bài viết bằng hai đoạn trích (Kinh Kālāma, HT. Thích Thiện Châu dịch) mà chúng tôi cho là một liều thuốc hiệu nghiệm, có giá trị vĩnh cửu để giải độc ô nhiễm truyền thông:

+ Điều nên trừ bỏ

“Này các người Kālāma, đương nhiên phải nghi ngờ, đương nhiên phải phân vân. Ðối với điều đang nghi ngờ thì phân vân khởi lên.

Này các người Kālāma, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa-môn (các nhà truyền giáo) là thầy mình.

Nhưng này các người Kālāma, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến bất hạnh khổ đau; thời này các người Kālāma, các người hãy từ bỏ chúng đi.”

+ Điều nên chấp nhận

“Này các người Kâlâma, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn là thầy mình.

Nhưng này các người Kâlâma, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện,các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kâlâma, các người hãy đạt đến và an trú.”

Minh Thạnh
[Tập san Pháp Luân - số 68, tr20, 2009]