Nhận thức và kinh nghiệm

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ngày nay, đặt biệt là các nước phương Tây, chúng ta thường nghe cha mẹ than phiền về cách đối xử của con cái và ngược lại con cái cũng than phiền về cách chăm sóc, lo lắng của cha mẹ mình.

Điều này đã làm nảy sinh sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái mỗi ngày một gia tăng, không những chỉ trong một gia đình mà hầu hết ở khắp mọi nơi. Cũng chính vì điều này mà con người đi tìm hướng để giải quyết, bên cạnh đó cũng có một vài người con trong gia đình vẫn theo lối sống mới, họ cũng chấp nhận lối sống của cha mẹ. Thế nhưng, họ không gỡ rối được mâu thuẫn và cũng không dập tắt được những thành kiến cũ xưa của cha mẹ.

Chính điều này đã gây ra sự xáo trộn trong gia đình, trong xã hội không ít, thậm chí có nhiều gia đình cha mẹ và con cái đã sống trong khổ đau dằn vặt triền miên. Cha mẹ cứ luôn nghĩ rằng: ý kiến của mình là hay, là tốt và cứ khăng khăng buộc con cái phải theo ý của mình, làm cho con cái không có đường để chọn lựa. Trong lúc đó con cái lại nhận thức theo một khía cạnh khác, phương thức khác mà không biết rằng cha mẹ luôn mong muốn mình có cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp. Lại cho rằng, cha mẹ đã lỗi thời, cứ thế cha mẹ không hiểu được con cái và con cái không thông cảm cho cha mẹ và rồi nội kết ngày một thắt chặt, sự mâu thuẫn xích mích trong gia đình ngày càng nhiều hơn, thậm chí không có lối thoát, dẫn đến nhiều điều sai trái trong gia đình và xã hội.

Về vấn đề này, chúng ta nên nhìn nhận như là định luật xảy ra trong mối quan hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái. Nên hiểu rằng, xã hội ngày nay đang trên đà phát triển về văn minh cũng như khoa học, con người ngày càng văn minh thì tội lỗi gây ra càng không ít, đạo đức con người ngày càng thụt lùi và thậm chí nó đã làm mất đi nền văn hóa cổ xưa, thay vào đó nền văn hóa hiện đại, hay nói khác đi nó đã biến chất con người. Nơi đây, người viết không dám đả kích hay bài bác về nền văn hóa hiện đại, mà chúng ta cần bàn đến hai khía cạnh đã ảnh hưởng không ít và đã dẫn tới sự mâu thuẫn trong gia đình giữa con cái và cha mẹ, đó là sự “nhận thức” và “kinh nghiệm” để có thể giải tỏa phần nào mối quan hệ gia đình trong xã hội ngày nay.

“Nhận thức” hay sự hiểu biết đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, mang lại cho con người những điều mới mẻ, thích nghi và tiện lợi. Trong lúc đó, “kinh nghiệm” cũng cấu tạo nên một lối sống tốt đẹp mà chúng ta thọ hưởng từ tổ tiên ông bà của chúng ta đã làm và đã nói ra hoặc tốt hay xấu, đúng hay sai đều cảm nhận được từ cha ông của chúng ta.

Bất cứ người nào muốn đi đúng đường và đi đến thành công trong cuộc sống đều tùy thuộc vào sự nhận thức và kinh nghiệm của chính người ấy. Nói cách khác, một người muốn thành công trong đời và cuộc sống có giá trị thì người đó phải tùy thuộc vào sự cân bằng của hai khía cạnh “kinh nghiệm” và “nhận thức”, và nếu hai khía cạnh đó được dung hòa thì con người sẽ đạt được mục đích mà mình mong muốn. Như vậy sự hạnh phúc và thịnh vượng trong gia đình cũng tùy thuộc vào sự cân bằng của hai khía cạnh nói trên.

Thông thường cha mẹ có nhiều kinh nghiệm sống hơn con cái, nhưng so với cha mẹ thì con cái có phần phát triển tư duy, mở rộng tầm nhìn, và sự nhận thức cũng có phần tiến xa hơn cha mẹ. Điều này chúng ta không có gì phải ngạc nhiên cả, vì tiến theo đà phát triển của xã hội, con người cần phải hội nhập và thích nghi với môi trường xã hội hiện nay. Nếu chúng ta nhìn sâu xa và kỹ càng một chút, sự thật ở đây không có sự mâu thuẫn hay uẩn khúc nào giữa cha mẹ và con cái cả, vấn đề là ở chỗ nó chỉ là một khe hở giữa cha mẹ và con cái, mà chúng ta đã không nhận ra, nếu chúng ta nhìn nhận một cách xác đáng, đó chẳng qua vì chưa có sự công bằng, chưa có sự thông cảm cho nhau, chưa có sự dung hòa giữa “kinh nghiệm” của cha mẹ và “nhận thức” của con cái ở trong gia đình.

Cha mẹ thường dạy con bằng những kinh nghiệm của mình, con cái chấp nhận nó và đã mở rộng tầm nhìn với ý nghĩ và nhận thức riêng của nó. Ở đây, cả hai hầu như là một công lệ, một định luật của chính họ. Hơn thế nữa, hầu hết cha mẹ không chịu lắng nghe những ý kiến, những vấn đề từ trái tim, khối óc hay sự hiểu biết của con cái mình, dù đó là điều đúng, điều cần nghe, mà họ chỉ gò bó, đúc nặn con cái mình theo khuôn phép. Theo truyền thống, theo sách vở đã viết từ ngàn xưa, quả thật điều đó đã gây không biết bao thiệt hại, đã làm kích động tâm hồn của những đứa trẻ gây nên những hành động bất chính, vô lễ đối với cha mẹ, chúng đã cố gắng thoát ra những lề lối phép tắc, chính sự chống lại này đã tạo nên một lối sống riêng cho chúng và cũng chính lối sống này đã gây không ít lỗi lầm cho họ, cho gia đình, ảnh hưởng không nhỏ cho xã hội.

Nếu một người trẻ tuổi sống với lối sống, sự nhận thức mới, họ tin tưởng rằng, ý tưởng và nhận thức mới có thể dẫn đến xã hội tốt đẹp, vinh hoa mà họ bỏ quên đi những lề lối phép tắc của cha ông để lại, thì có lẽ họ đã đánh mất rất nhiều điều hay ở những bậc trưởng thượng, và cuộc sống của họ cũng không mấy thành công mỹ mãn. Nhưng với những người chỉ có niềm tin và sống với những kinh nghiệm của lề lối cổ xưa thì hình như sự thành công của họ cũng thật là mơ hồ và không nhiều lắm.

Như vậy chúng ta cần phải bắt nhịp cầu nối liền giữa hai lối sống này để dung hòa giữa chúng, làm thế nào để hai cực đoan này hòa hợp, dung hòa với nhau? Khi và chỉ khi hai khía cạnh này dung hòa nhau, hòa hợp nhau thì vấn đề mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ mới chấm dứt, sự quan hệ giữa cha mẹ và con cái mới ngọt ngào và gắn bó lâu bền được.

Vậy thì trong mỗi chúng ta, bất cứ người làm cha, làm mẹ nào, hoặc là bổn phận làm con cái, chúng ta cần phải cân bằng giữa hai lối sống, phải biết chấp nhận và biết tha thứ cho nhau trong mỗi hoàn cảnh của xã hội. Có nghĩa là con cái cũng nên chấp nhận và dung hòa với ý kiến của cha mẹ và ngược lại, bậc làm cha mẹ cũng nên thông cảm tha thứ cho con cái với những tư tưởng hiện đại, có như thế mối bất hòa mới được giải tỏa, và cuộc sống trong gia đình ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Mỗi con người là thành viên của gia đình, mỗi gia đình là thành phần của xã hội, nếu mỗi gia đình đều hạnh phúc an vui đó cũng chính là sự đóng góp vào nền hòa bình, của thế giới, làm cho nước nhà ngày một tươi đẹp hơn.

Hạnh Thu
[Tập san Pháp Luân - số 66, tr52, 2009]