Những dòng dâng Mẹ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thưa Mẹ! Những mùa Vu lan báo hiếu trước, con vô cùng xúc động mỗi khi được cài lên ngực áo đoá hoa hồng đỏ thắm. Lòng vui sướng xiết bao với niềm hạnh phúc còn có Mẹ trên đời. Năm nay, khi cài lên áo đóa hoa hồng trắng muốt trong mùa Vu lan, con ứa lệ khi biết rằng mình đã bất hạnh không còn có Mẹ!


Mẹ ơi! Khi mùa thu sang, mùa Vu lan báo hiếu trở về, gợi nhắc người con Phật nhớ về công ơn sâu dày của hai đấng sinh thành, thì lòng con lại se sắt nhớ tưởng về tình thương và hơi thở ấm nồng mà Mẹ đã từng dành cho con. Tâm hồn con giờ đây cảm thấy trống trải và cô quạnh khi thiếu đi tình thương của mẹ!

Tình thương của mẹ dành cho con thật thiêng liêng quá đỗi, và không có thứ gì ở trên cõi đời này có thể so sánh và đánh đổi được. Cõi đời này có biết bao danh lam thắng cảnh, nhưng không có nơi nào đẹp hơn trái tim của Mẹ: “Trong tất cả các kỳ quan, Kỳ quan đẹp nhất vẫn là trái tim của Mẹ.”

Óc thẩm mỹ của con người có thể kiến tạo nên các kỳ quan tuyệt mỹ, nhưng làm sao có thể kiến tạo nên được trái tim đong đầy thương yêu của Mẹ dành cho con. Trái tim của Mẹ được kết tinh từ chất liệu của tình thương, từ lòng hy sinh, chịu đựng khổ nhọc vì con. Kỳ quan trái tim Mẹ do đó không bị hao mòn bởi thời gian và không gian. Kỳ quan đó vững chãi trước sóng gió cuộc đời, lồng lộng giữa trời xanh mây biếc. Dù có gian khổ nhọc nhằn vất vả thì trái tim Mẹ vẫn dành tình thương trọn vẹn cho con.

Khi còn sống, Mẹ như vầng thái dương soi sáng cho con, như bếp lửa hồng đem lại cho con hơi ấm giữa đêm trường lạnh giá. Tình thương của mẹ như dòng suối ngọt ngào vô tận: “Biển đông còn lúc đầy vơi. Tình thương của mẹ suốt đời tràn dâng.”

Mẹ như viên ngọc quý giá nhất của cuộc đời con. Mẹ thắp sáng đời con bằng dòng máu và con tim của mình. Mẹ hiện thân làm chiếc bè đưa con vượt qua những con sóng dữ giữa bể khổ cuộc đời. Suốt đời Mẹ vất vả trăm chiều, để có đồng tiền bát gạo nuôi con khôn lớn nên người: “Trọn đời vất vả triền miên. Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.”

Mẹ tạo nên sự sống, hình hài và khối óc của con. Nho giáo nói rằng, “thân giả dã, phụ mẫu chi di thể dã”, nghĩa là thân thể ta chính do Cha Mẹ ta để lại. Đúng như vậy. Nhưng không chỉ thân thể, mà tài sản tri thức con có được cũng một phần nhờ công ơn dưỡng dục của Cha và Mẹ tác thành. Cuộc đời của Mẹ là hiện thân cho lẽ sống, cho tình thương, là nguồn hạnh phúc lớn nhất trên thế gian này. Thiền sư Nhất Hạnh dạy con biết thế nào về ý niệm tình thương của Mẹ: “Ý niệm về Mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương, tình Mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương mở đường cho chúng ta hướng tới tình nhân loại, tình chúng sinh, và Mẹ là một dòng suối ngọt ngào, là một kho tàng vô tận.” Đọc lời dạy của Thiền sư, con thấy thật xúc động, cảm nhận được tình thương Mẹ là tài sản vô giá.

Giờ đây theo định luật vô thường của cuộc đời, Mẹ đã xa rời chúng con. Mất Mẹ là mất những gì quý giá nhất, là mất cả một bầu trời yêu thương. Giờ này con muốn gọi lên hai tiếng “Mẹ ơi” và nói với Mẹ rằng “con thương mẹ lắm!”, thì hỡi ơi con đâu còn nói được! Mẹ đã không còn hiện hữu trên thế gian này để nghe tiếng nói của con. Còn đâu nữa tình thương yêu ấm áp của Mẹ thuở nào: “Thấy bơ vơ lạc lõng dậy trong hồn. Khi chợt tỉnh Mẹ già không còn nữa!”

Mẹ ơi! Sau ngày Mẹ mất, con lại thấm thía hơn lẽ vô thường của cuộc sống: những gì thân yêu nhất trên cõi đời này rồi cũng sẽ rời khỏi tầm tay ta. Con biết cuộc đời này vốn có sinh phải có diệt, có đến phải có đi; con hiểu được lý duyên sinh vô thường, rằng ai sinh ra cũng phải chết, không một ai tránh khỏi được định luật đó, nhưng lòng con sao vẫn xúc động dâng trào. Cuộc đời và hình ảnh của Mẹ đã khắc sâu vào tâm khảm và mạch huyết của con, nên mỗi khi hồi tưởng về Mẹ thì khó lòng ngăn được lệ rơi. Mẹ ơi! Con có thể nào dùng ngôn ngữ để nói lên nỗi lòng của mình: “Ngôn ngữ trần gian là túi rách. Đựng sao đầy hai tiếng mẹ ơi!”

Thưa Mẹ! Từ ngày Mẹ ra đi đến nay con đã gặp nhiều chông gai chướng ngại. Nhiều khi tinh thần con suy sụp, rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Và những lúc ấy, con ước mình còn có mẹ, có được sự sưởi ấm thương yêu của Mẹ. Thật diễm phúc xiết bao cho những ai còn có Mẹ. Có niềm vui nào bằng niềm vui còn Mẹ, và có nỗi xót xa nào bằng nỗi xót xa mất Mẹ!

Mẹ ơi! Ân đức của Mẹ làm sao con báo đáp cho tròn, để trở thành người con chí hiếu của Mẹ, khi con đọc trong kinh Tâm Địa Quán, đức Phật ví công ơn Cha Mẹ như núi cao, biển rộng:
“Ân cha lành cao như núi thái
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi
Dầu cho dâng trọn cuộc đời
Cũng không trả hết ân người sinh ta.”

Và trong kinh Báo Hiếu đức Phật dạy:
“Ví có người ơn sâu dốc trả
Cõng mẹ cha tất cả hai vai
Giáp vòng hòn núi Tu Di
Đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền.”

Khi con đọc đến những câu kinh này, con cảm nhận ân Cha nghĩa Mẹ quả thật vô cùng lớn lao. Và con thấy mình đã chưa báo đáp đầy đủ công ơn sinh thành của Mẹ khi mẹ còn sống. Nhưng con đã vơi đi phần nào nỗi day dứt khi đọc lời Phật dạy trong kinh Tăng Chi Bộ, “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam bảo thì khuyến khích cho có lòng tin, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến, cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và đáp ơn đủ cho mẹ và cha.”

Qua lời dạy của đức Phật, con nhận thấy rằng, dù con chưa phụng dưỡng Mẹ đầy đủ về đời sống vật chất, nhưng đã hướng Mẹ về với Tam bảo và sống đời thiện lành. Những lẽ sống mà con tin rằng sẽ giúp Mẹ được sanh về cõi Phật.

Thưa Mẹ! Những dòng này con viết cho Mẹ, dù con không biết Mẹ có nghe được những gì con nói không! Nhưng vì mang trong mình dòng máu và tình thương của Mẹ, nên con tin rằng dù xác thân Mẹ không còn hiện hữu trên cõi đời này thì Mẹ vẫn không hề xa con; Mẹ vẫn đang nghe lời con thưa. Thưa Mẹ! Xin Mẹ hãy vui lên và đừng lo lắng gì cho con nữa. Ngày hôm nay con đã lớn khôn, được nương nhờ Tam bảo và sống trong ngôi nhà Như Lai, được Ân sư giáo dưỡng nên người. Con đang sống thật hạnh phúc! Con sẽ cố gắng tu học thật tốt để mai này hoằng pháp lợi sinh hồi hướng công đức cho Mẹ,
“Con nguyện làm đóa hoa hiện thể
Cho vườn đời tươi ngát mãi thêm xanh
Một loài hoa dù nở giữa phong trần
Vẫn tô thắm màu vô ưu rực rỡ.”

Trí Giải
[Tập san Pháp Luân - số 65, tr97, 2009]