Mây bỏ trời đi

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

..Những lứa đôi gặp gỡ
Để ngày mai
ra đời
Những đứa trẻ mồ côi.



Lại đến Vu Lan nữa rồi, mượn tạm những câu thơ trên của thi hào Bertolt Brecht, để minh họa cho câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây. Thiên thần đã đi mất, để lại một linh hồn nhỏ, ấy mồ côi.

Trở lại câu chuyện

Đó là mùa hè năm 1994, hè của năm tôi vừa học xong chương trình tiểu học và sắp bước vào lớp 6 ở bậc trung học cơ sở, Sư phụ  [sau đây sẽ gọi là thầy] có mua một cuốn tập học sinh dày cỡ 100 trang, rồi thầy ghi những câu ca dao, danh ngôn, những bài kệ, những bài học làm người, những bài thơ ngắn.. thầy đưa và dạy tôi học thuộc lòng.

Thời gian nhạt nhòa, giờ ngồi nhớ lại thì không nhớ hết lời được, chỉ truy được trong óc những câu như: “Sanh sanh nhược năng bất thối, Phật giai quyết định khả kỳ”.. “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”… thầy ghi âm Hán-Việt rồi bên dưới giải nghĩa rõ ràng, lúc đó tôi hiểu cũng mày mạy thôi, nhưng việc học thuộc lòng thì không khó khăn lắm.

Trong số những câu thầy ghi, đến giờ tôi vẫn nhớ như in là một bài thơ, mà mãi về sau nữa, sẽ chẳng bao giờ tôi quên được .
“Năm xưa tôi còn nhớ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận kẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để giòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi

...

Kìa nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm mẹ tôi không thấy
Lúc buồn biết trốn đâu
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất mẹ
Là mất cả bầu trời.”

Những câu thơ ấy như tiếng mẹ vỗ về,  êm như một dòng sông xa nguồn, đã  nhẹ trôi vào trong tôi, có lẽ dòng sông ấy sẽ buồn với tôi”?
“Con sông nào đã xa nguồn,
Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi.”
Thơ Hoài Khanh

Lúc đó, tôi chỉ học bài thơ ‘mất mẹ’ như những bài khác, không chút ưu tư, cũng chẳng bao giờ nghĩ lại, vì sao thầy lại cho tôi học một bài thơ có mùi “biệt ly” sớm quá vậy.

Hay chăng, thầy muốn tôi sớm ý thức điều này, hay vì thân phận của người con trong bài thơ thật đáng thương, đáng học,  như những cọng cỏ non còn xanh mơn, thân còn yếu mềm, khi nắng mai chưa kịp đến thì đã vội phủ màu hoàng hôn mất rồi.

Sau này, tôi mới hiểu lý do. Đó là vì, tôi khác với người con trong bài thơ trên, tôi bất hạnh hơn người đó, người đó biết nhưng im lặng để giòng nước mắt chảy, còn tôi, quanh tôi ai cũng khóc chỉ mình tôi thì cười, tiếng cười giòn tan như những giọt nắng manh, không buồn, không khóc, vì không.. ..biết, mãi hơn tháng sau tôi mới biết thì đã quá muộn rồi.

Khi vừa về đến sân nhà, tôi hỏi: má đâu rồi ba? má khỏe không ba? trời lúc đó đã nhá nhem tối, liếc mắt quanh một vòng, tôi thấy có cái bàn thờ với bóng đèn màu đỏ âu, linh tính chuyện chẳng lành, và rồi đúng là không lành thật, tôi lại gần hơn và thấy hình má trên bàn thờ,  không thể tin vào mắt mình, má của con sao lại thế này? Bầu trời như biến mất, tôi gào khóc suốt đêm đó. Có khi, một sự thật bất hạnh lại trở thành một điều bí mật, chí ít, với tôi là vậy.

Đó là lần đâu tiên tôi khóc cho lần đầu tiên tôi biết mình đã trở thành kẻ mồ côi, năm ấy tôi 12 tuổi.

Như một định nghiệp, tôi sinh ra không phải để sống với gia đình mình, vì từ năm lớp 1 đã vào ở với nội, sau đó thì về ở với ngoại, sau đó nữa thì đi xa nhà… nên chỉ còn lại những ký ức vụn về má thôi, dáng người thon, cao, sóng mũi cao và da ngăm đen,  nụ cười rất hiền, rất yêu chồng và thương các con, là người con có hiếu với cả ngoại và nội, má là dâu trưởng nên được phía nội thương lắm, ông nội hay nói: “nồi đồng thì mất mà nồi đất thì còn”.

Ngày dẫn tôi đi xa, về nhà đêm nào má cũng khóc thút thít, con vật khi xa con nó cũng buồn, nhưng xíu rồi quên thôi, người thì khác: “I’ll remember you in spite of such a long distance”, má khóc vì xa con, khóc vì nhớ thương con, cứ nghĩ đến cảnh con còn nhỏ mà phải tự lo tắm, rồi tự giặt đồ.. là má không kìm mình được, tôi biết những điều này qua những lá thư mà má gởi cho bà ngoại dì, tình mẹ thương con là như vậy đó, nhưng má phải hy sinh tình cảm, cho con đi xa để được đi trên một con đường mà má tin là sẽ tốt hơn cho con sau này, và má đã quyết định đúng rồi má ơi!

Má, con đã khóc khi viết những dòng này, nhưng đây là tâm sự của con gởi đến má, nếu như con lúc đó yếu mềm thì con đã không là con như ngày hôm nay rồi phải không má? Đã mười mấy năm rồi con không còn được cất tiếng gọi ‘má ơi’ và suốt cuộc đời của con sẽ mãi là như vậy.

Má đã “nữa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”, như : “as scattered falling leaves go back to their birth place” (chiếc lá lìa cành để trở lại cõi đầu tiên), bỏ mây trời, bỏ dòng sông xanh, bỏ chồng, bỏ con mà đi, mười mấy năm trôi, để lại một gánh nợ ngổn ngang cho ba, một mình ba gánh vác 4 đứa con còn thơ dại.
“Khi tôi lớn lên
Mẹ tôi thanh xuân khoa hen
Cha lo âu nhớ mãi không ai bên mình
Ôi buồn thay
Ôi dao cắt khi mẹ tôi lìa xa
Nước mắt lắm trong tim đau trăm lần hỡi”
(Người cha kính yêu-  tg Xuân Khôi)

Ba là người đàn ông góa vợ, nhưng vẫn ở vậy, không đi bước nữa để dành trọn tình yêu thương cho các con, một mình thay má đảm trách việc nuôi các con ăn học nên người.

Một người đàn ông non 44 tuổi, còn hào hoa phong độ, vợ mất bỏ lại đàn con nheo nhóc, ba yêu thương các con sâu rộng, trên hết là sự thủy chung một lòng với má, cho đến bây giờ, mỗi khi đi đâu xa ba cũng mang theo chiếc áo mà ngày còn sống má mặc, tôi đã tình cờ biết được điều này.

Ba hay nói đùa, nếu như Việt Nam có danh hiệu người cha Việt Nam anh hùng thì ba xứng đáng được nhận danh hiệu đó, nhưng với các con ba đã là người anh hùng rồi.
“Bất cứ ai cũng có thể là một người cha, nhưng chỉ những người đàn ông thực sự mới là người cha tốt” (vô danh).

Đúng vậy, chỉ có những người đàn ông thật sự mới là người cha tốt, tôi lấy làm tự hào về cha mình vì ba tôi là một người đàn ông thật sự.
“từ khi mẹ phiêu diêu ngoài cõi xa
bỗng sớm mai cha im nhìn tôi rất lạ
cánh chim bàng con
gắn lên vai và bão dông
cha giờ đây hài lòng”
(nt)

Đã mấy mùa Vu lan trôi là mấy mùa mây bỏ trời đi, là mấy mùa con nhớ má, thương ba, nhớ và thương là sợi dây kết nối ân với tình để dệt nên chất liệu cho sự sống, “Gương treo đất nghĩa trời kinh, ở sao cho xứng chút tình làm con”.
“những con cừu đang gặm cỏ,
những chùm hoa đang xuân sắc,
những lùm cây đứng một mình,
trên đồi xanh
nắng mai rọi qua
ơi thung lũng úa vàng”
Thơ Huệ Lưu
…………………………….
Tựa đề bài viết được trích trong câu thơ: Mây bỏ trời đi tìm sông sâu - Phạm Công Thiện

Huệ Lưu
[Tập san Pháp Luân - số 65, tr57, 2009]