Gia tài lớn nhất của bậc sinh thành

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mức sinh giảm nhanh trong khi tuổi thọ ngày càng tăng, một hiện tượng mới mẻ, đó là già hóa dân số và trong tương lai không xa về kỷ nguyên của người cao tuổi. Chính vì lý do đó, nhân mùa Vu Lan này tôi xin có vài dòng trò chuyện với bậc sinh thành về hai vấn đề có liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe và vai trò quan trọng của đấng sinh thành trong xã hội.

Một là, vấn đề chăm sóc người cao tuổi:

Khái niệm chăm sóc đấng sinh thành bao gồm cả việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.

Sự thay đổi cơ cấu dân số trong hơn hai thập kỷ qua phản ánh sự chuyển hướng từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số già. Theo dự báo, người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 6,3 triệu người năm 2007 lên 6,9 triệu người năm 2010. Những quốc gia càng có mức giảm sinh thì sự già hóa dân số diễn ra với tốc độ càng nhanh. Ở nước ta, tuổi thọ trung bình khá cao: từ 66 tuổi năm 1989 lên 68 tuổi năm 1999 và 71 tuổi năm 2002 (Pháp lệnh Dân số, NXB Lao động).

Việc chăm sóc người cao tuổi trở nên hết sức cần thiết. Bởi vì, không phải ai sống lâu cũng đều sống khỏe, có chăm sóc sức khỏe tốt thì mới phát huy vai trò của người cao tuổi tốt. Đức Phật Thích Ca nói: Tài sản lớn nhất của đời người đó là sức khỏe và trí tuệ. Nói đến sức khỏe có 3 cái mốc: Mốc thứ nhất là ăn uống cân bằng, mốc thứ hai là vận động có ô-xy, và mốc thứ ba là trạng thái tâm lý. 

Vấn đề ăn uống cân bằng, trước hết nói về uống. Ở các hội nghị quốc tế về dinh dưỡng, đã định ra 6 loại thức uống bảo vệ sức khoẻ.  Đó là:
1.Trà xanh
2.Rượu vang đỏ
3.Sữa đậu nành
4.Sữa chua
5.Canh xương
6.Canh nấm

Về chuyện ăn, mọi người đều biết “Kim tự tháp châu Á”: Loài cốc, loài đậu, loài rau. Các loài cốc, trước hết là ngô (Mais), người ta gọi đó là cây vàng, bởi vì nó chứa nhiều noãn lân chi, á du toan, cốc vật thuần... chống xơ vữa động mạch. Kế tiếp là kiều mạch (Oats), bởi vì kiều mạch có tác dụng làm 3 hạ: hạ huyết áp, hạ mỡ máu, hạ đường máu. Còn các loại khoai như khoai lang, khoai từ, khoai tây chúng có 3 hấp thu: hấp thu nước, làm trơn đường ruột; hấp thu mỡ và đường, giúp ta không mắc bệnh đái tháo đường; và hấp thu độc tố, giúp ta không mắc chứng viêm dạ dày. Cuối cùng là kê (Millet), theo Đông y nó có thể trừ thấp, kiện tỳ, trấn tĩnh, an miên. Và các loại rau, trước hết là cà rốt, đó là rau dưỡng mắt, bảo vệ niêm mạc, một loại rau làm đẹp người, dưỡng tóc, dưỡng da. Bí đỏ, khổ qua làm sinh sản Insulin, ít bị đái tháo đường. Cà chua, người Nhật gọi là UMAMI, ăn nó ít mắc bệnh ung thư. Tỏi, Mộc nhĩ đen, một dược liệu  tốt trong phòng chống ung thư và mỡ máu cao. Cuối cùng là phấn hoa (Pollen), Võ Tắc Thiên, Từ Hi thái hậu, đều ăn phấn hoa, Tổng thống Reagan cũng ăn phấn hoa, bởi vì phấn hoa là tinh tử của thực vật, nó thai nghén sự sống.

Về việc vận động có ô-xy nhất thiết đừng tập luyện lúc sáng sớm, mà nên tập vào chiều tối. Ăn xong 45 phút sau hãy vận động. Mà bậc cao niên vận động thì nên đi bách bộ là được rồi. Trong sách Hoàng đế nội kinh nói “không có mặt trời thì không tập luyện”.

Để có được trạng thái tâm lý tốt, nên ngủ trưa 30 phút sau bữa ăn trưa. Tối 22giờ30 đi ngủ, trước khi đi ngủ nên tắm nước nóng 40-50 độ, như vậy chất lượng giấc ngủ sẽ rất cao.

Nền tảng sức khỏe là cân bằng tâm lý. Chỉ cần giữ vững tâm lý cân bằng, coi như chúng ta đã nắm vững chìa khóa sức khỏe trên tay. Bậc cha mẹ khỏe mạnh có điểm chung là có tấm lòng rộng mở, tính hòa nhã, không có cá tính hẹp hòi, độc ác, nhỏ nhen, dễ dàng tiếp thu giáo lý nhà Phật.

Thực hiện được những điều nói trên, có thể nói chúng ta đã sáng tạo sức khỏe, tận hưởng sức khỏe, trân trọng sức khỏe.

Hai là, vấn đề phát huy vai trò đấng sinh thành:

Một câu hỏi đặt ra là: sống lâu để làm gì? Nếu không sống vui, sống khỏe và sống có ích? Cho nên vai trò của đấng sinh thành trong tuổi đời còn khỏe, sự cần thiết phải duy trì và nâng cấp.

Phát huy vai trò của đấng sinh thành phát huy trong phát huy tài năng, trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp để tham gia các hoạt động: Giáo dục truyền thống đạo pháp, truyền thụ kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ; và hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn tại cộng đồng dân cư; đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật; tư vấn chuyên môn kỹ thuật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; và tham gia các hoạt động xã hội khác.

Ở đây, cũng xin tham gia vai trò của đấng sinh thành trong gia đình. Bởi vì  đó là vai trò hàng đầu làm cha làm mẹ giáo dưỡng con cái. Ai cũng nhận thấy vấn đề giáo dục con cái trong gia đình là quan trọng. Hạnh phúc của cha mẹ khi trở về già, của con cái khi chúng lớn lên, sự cường thịnh của đất nước, sức mạnh của dân tộc phần lớn đều tùy thuộc vấn đề này. Vì vậy, nhà giáo dục gia đình không còn ai khác hơn là cha mẹ. Ngoài nhiệm vụ lo cho con cái về mặt thể chất, cha mẹ còn giúp cho con lớn lên về mặt tâm hồn. Vai trò đó được thể hiện rất rõ nhất là điều chỉnh hành vi của các thành viên làm trái đạo lý con người, kiên trì thực hiện chuẩn mực “quy mô gia đình ít con” mà bước đi cụ thể từ cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, làm cho các thành viên trong gia đình đồng thuận nhằm bảo đảm sức khỏe, tiết kiệm được chi phí tiêu dùng, nuôi con cháu học hành đầy đủ, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật góp phần xây dựng gia đình văn hóa, ấm no hạnh phúc, tốt đời đẹp đạo.

KẾT LUẬN :

Theo nguyên lý sinh học, tuổi thọ của động vật có vú gấp 5,6 lần so với giai đoạn sinh trưởng của chúng. Nếu giai đoạn sinh trưởng của con người được tính từ thời điểm mọc chiếc răng sau cùng (từ 20-25 tuổi), thì tuổi thọ ngắn nhất phải là 100, dài nhất là 150, nên tuổi thọ bình quân được công nhận phải là 120. Trong suốt quá trình 120 năm đó, nếu chúng ta có thể giữ gìn sức khỏe, đạt tới tiêu chuẩn trước 70 tuổi không có bệnh tật, 80, 90 tuổi vẫn khoẻ mạnh, thì sống tới 100 tuổi sẽ chẳng còn là ước mơ hão huyền, vì đó là qui luật sinh học bình thường. Như vậy, lẽ ra con người có thể sống tới 120 tuổi, nhưng trên thực tế, con người đã mắc bệnh, tàn tật rồi tử vong trước thời gian đó.

Cuối cùng xin tổng kết vấn đề chăm sóc và phát huy vai trò của đấng sinh thành như sau :

1. Phải xem vấn đề giữ gìn sức khỏe là vấn đề trọng tâm ngay từ khi còn trẻ.
2. Nên dễ dãi một chút, nhìn thoáng một chút, xử sự nhẹ nhàng đối với chuyện nhỏ. Hãy sống rộng lượng, cao thượng vừa tốt cho người cũng vừa tốt cho mình.
3. Tìm niềm vui trong việc giúp đỡ người khác, biết trân trọng những gì mình có, tận hưởng niềm vui trong cuộc sống.

Tóm lại, bác sĩ tốt nhất là chính mình, liều thuốc tốt nhất là thời gian, tâm trí tốt nhất là yên lành, thể dục tốt nhất là đi bộ. Hãy quên đi quá khứ, không quá chú ý hiện tại, hưởng thụ hết ngày hôm nay, hướng vọng về ngày mai tươi đẹp.

Ngoài ra, yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa lành mạnh cũng không kém phần quan trọng. Bởi vì nó tác động trực tiếp đến cuộc sống đời thường của chúng ta.
   
BS. Thái Huy Phong
[Tập san Pháp Luân - số 65, tr39, 2009]