Người Gia Rai đi chùa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Em Gia Rai, người con của đại ngàn vùng Chư Sê, Ayunpa, Krooongpa, La Grai, Chư Prong, Iâp, Chư Pah, Đức Cơ, Pleiku, Đak Đoa, Krông chro, An Khê, Đak Pơ… Một ngày mưa đầu hè lại trở về chia sẻ cùng Em Gia Rai tại Chư Sê trong một ngôi chùa vừa được tái xây dựng khang trang rộng rãi.


Do nhiều thiện duyên, Em đã được dẫn về chùa ăn cơm chay và lạy Phật, quy ngưỡng, đón nhận ánh sáng Phật pháp. Em đã được nhiều đạo hữu động viên, giúp đỡ từ tinh thần đến vật chất. Em được an lạc, giải thoát trong ánh sáng hào quang của chư Phật như bao bạn hữu Phật tử. Em cũng đã vui đến chùa, không nhiều lần nhưng hàng tháng vào ngày Rằm, Mồng Một. Em được chùa tạo điều kiện cho Em về an trú trong cửa Phật. Còn thanh thiếu niên lại về chùa thêm vào một buổi chiều chủ nhật hàng tuần. Đó là những tín hiệu vui cho mọi người con Phật.

Do vì, bản làng của Em ở sát bìa rừng, chân núi, cạnh bờ suối hoặc trên đồi thấp… nên mỗi khi cần ra đường bộ Em phải lội bộ hàng giờ. Hơn nữa, đường về chùa lại xa, phương tiện đi đây đó chủ yếu vẫn nhờ vào đôi chân rắn rỏi của Em thôi. Khi nào chùa cho tiền đổ dầu thì bác Póp, già làng Trăng Non, lại dùng xe cọc cạch đưa Em về chùa nhanh hơn. Có khi bác Póp phải quay hai ba vòng mới chở đủ, vì có đứng ngồi xen kẽ cũng chừng 10-15 người/ 1 chuyến xe là quá tải rồi. Những chị tre trẻ còn địu con trên lưng cũng muốn về chùa nhưng phải nhường cho họ trước, cả mẹ già, bố già sún răng cũng xin “cho tao về chùa với”.

Em chưa được hiểu nhiều về Đức Phật là ai? Tại sao nên về chùa? Nhưng Em cảm nhận rõ ở đó Em được tiếp đón thân tình, thương yêu, chia sẻ. Từ quý thầy đến các đạo hữu gần xa, huynh trưởng đều nhìn Em với ánh mắt thương mến, gần gũi. Em được mời ăn cơm chay, được vào ngồi trong chánh điện chắp tay nghiêm trang dưới chân Đức Từ Phụ, tập niệm câu “Nam mô A-di-đà Phật” rất mới lạ mà hoan hỉ làm sao. Để được đón nhận niềm hạnh phúc này, Em phải lội bộ lên đồi, xuống dốc trên những con đường đất đỏ nắng bụi mưa trơn. Cho nên bọn trẻ còn hăng hái đi siêng hơn người lớn là lẽ tất nhiên. Ngày chủ nhật nghỉ học bọn trẻ chỉ lang thang đi bắn chim, bẫy thú trong rừng, ngoài nương rẫy hoặc chơi đùa vớ vẫn  trong làng chứ không có trò vui nào cả. Cho nên được về chùa sinh hoạt có huynh trưởng dạy cho niệm Phật, hát nhạc Phật, nhảy múa vòng tròn vui lắm. Có điều, nhiều em nói tiếng Kinh chưa sỏi, nghe thầy nói chuyện về cuộc đời đức Phật cũng chỉ hiểu mơ hồ. Em rất ngượng ngập khi được mời niệm câu “Nam mô A-di-đà Phật” một mình. Sự dị biệt ngôn ngữ đang còn là chướng duyên cho sứ giả Như Lai nơi đây. Nếu có thầy và huynh trưởng cùng nói tiếng Gia Rai với Em thì chắc là Em sung sướng lắm khi hiểu đức Phật từ bi đang rải tâm từ khắp mười phương mà họ cũng có phần được hưởng.

Mặc dù cả trăm Em đã nhận được bộ đồng phục GĐPT, nhưng nhiều em vẫn còn về chùa trong bộ áo ngắn củn cởn như khi chạy chơi ngoài nương rẫy. Những bà mẹ, ông bố đều tự nhiên trong bộ áo cánh ở nhà như khi làm đồng và nhất là vẫn đôi chân lấm đất mà vào Chánh điện. Đầu Em cũng không nón, mũ nên tóc vàng cháy, khô như cọng rơm dưới ánh mặt trời và tỏa mùa nắng gió tự nhiên. Tuy nhiên, Em rất thành kính, nghiêm trang khi được đưa vào điện Phật. Ai nấy đều thật hiền lành, yên lặng nghe theo sự sắp xếp chỗ ngồi của quý đạo hữu. Nhìn Em chắp tay trước ngực hoặc có Em đưa búp sen tay lên quá đầu một cách cung kính và chắm chú ngước đôi mắt ngây ngô nhìn lên đức Phật như xin về nương tựa mà thương làm sao! Nếu em tin sâu Tam bảo, em hiểu được lời Phật dạy có lẽ cuộc đời em dần đổi thay theo hướng tích cực. Bởi cho đến nay em vẫn còn nặng lòng với bao tập tục cũ. Em chưa hội nhập được với khoa học hiện đại, làm sao em có thể sống tiện nghi hơn? Em chưa hiểu được về qui luật nhân quả  nên Em vẫn đeo đẳng nghiệp săn bắt, sát sanh. Em còn giữ lề lối làm nông một thời vụ, sau mùa thu hoạch là ung dung hưởng thụ, sa vào rượu chè, lễ hội vui chơi, chẳng hề “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” nên thường bị thiếu đói ngay khi chưa đến mùa giáp hạt...

Thương Em lắm, nhất là lúc nhìn Em rụt rè, cung kính đi vào chánh điện, chắp tay niệm Phật chưa rõ âm dấu… Em cần được gieo duyên với Phật Pháp, cần được hướng dẫn tu tập thường xuyên, ân cần như cô giáo trẻ với học sinh mẫu giáo vậy. Em cần chư Tăng có duyên với núi rừng, bản làng, đến với Em Gia Rai bằng tâm Bồ-tát.

Mong rằng một ngày không xa nữa Em sẽ được tắm trong dòng sửa Pháp cho Em được thay da đổi thịt một cách trang nghiêm, thanh tịnh.

Tâm Qủa
[Tập san Pháp Luân - số 63, tr29, 2009]