Thoáng suy tư

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trầm ngâm một hồi lâu, bao cung đàn vẫn còn nằm im trên dấu lặng. Tự hỏi mình, tôi đang sống cho ai? Sống cho hôm nay hay ngày mai? Tôi đang sống hay đang nô lệ cho sự sống?


Vâng, tôi đang nô lệ cho chính bản thân mình, cho những bước chân tôi đã đi, đang đi và sẽ đi.

Nô lệ (slave), một từ mà khi nhắc đến người ta liền liên tưởng đến dấu ấn của sự tàn nhẫn, của sự hờ hững trước bao viễn cảnh cần được che chở, bao bọc. Ở đây, tôi không muốn nói đến sự nô lệ trong hàm ý đó, điều mà tôi muốn đề cập ở đây là sự tích cực trong cụm từ tưởng chỉ mang ý nghĩa tiêu cực này. Vì vậy tôi mong rằng tôi sẽ còn nô lệ dài trong chiều hướng tích cực ấy!

Sau một thoáng suy tư, những tiếng gọi như những lời thì thầm của gió, của trăng sao văng vẳng bên tai tôi. Chợt tỉnh! Người lẻ bóng từ biệt giấc chiêm bao. Sóng gió vẫn cứ dập dìu. Tình yêu - khát vọng như cháy bỏng đang trào dâng.

Bình minh bắt đầu đều giống nhau ở mỗi chúng ta, có thể mỗi người mỗi ý nhưng tất cả đều bắt đầu từ một giấc mơ. Một giấc mơ chung, ấy là giấc mơ “không còn giấc mơ”, cuộc sống không có giấc mơ, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán. Trong một giới hạn nào đó, giấc mơ vẫn có thật (chẳng hạn ngủ mơ thấy đái dầm vậy, sáng dậy thấy điều bất hạnh đã xảy ra…). Ta hãy liên tưởng đến phim ảnh, phim ảnh chẳng qua cũng chỉ là một giấc mơ, nhưng giấc mơ ấy được cụ thể hóa bằng khả năng con người. Như vậy một phần của giấc mơ có thể là hiện thực. Vậy không ai có quyền ngăn cản giấc mơ của chúng ta. Hãy cứ mơ đi, mơ về một điều tốt đẹp. Mọi thứ, phút chốc lại đi vào hư vô trong phương trời viễn mộng.

Tiếng gọi quay về với những gì chỉ còn là hoài niệm. Chiến tranh - hòa bình, tình yêu- sự thù hận như những cặp phạm trù không thể tách rời trong chiều sống trôi dạt. Nó là sản phẩm của chính con người trong đời sống xã hội, trong chính sự hư cấu của lý trí, của sự hoang tưởng. Hạnh phúc hay khổ đau, chính nhân tố ấy phải tự gánh chịu lấy những điều tốt hay xấu do mình là tố nhân. Muốn hay không muốn nó vẫn vậy khi nhịp sống như những cơn sóng còn đang nổi trôi. Tiếng dế hay tiếng trùng non vẫn ríu rít như xóa tan bầu không gian vờ như im lặng trong sự chăm chỉ của tạo hóa. Sự dao động của những nốt nhạt vẫn như yên ắng ru những giấc mơ cho sự kỳ vọng.

Tưởng là một nhưng không phải là một, ngộ nhận như một áng mây bao phủ sự tiên nghiệm của con người. Những câu hỏi từ xa xưa vẫn còn vang vọng như những mạch nước ngầm đang âm ỉ trong lòng đất hay như những đám mây vẫn không ngừng trôi cho đến tận bây giờ.

Người đến cho niềm vui, đi gieo ưu sầu. Đến - đi, vui - sầu; vẫn luôn hiện hữu dù ta chỉ muốn có một trong hai thứ, muốn cũng chỉ là muốn vì ta không thể có một thứ khi không có khái niệm cái gì là duy nhất, vì có cái này mới có cái kia giống như vì có trai nên mới có gái và ngược lại.

“Một lần nhìn cho nghìn lần thương nhớ
Một lần yêu để nhớ mãi không thôi”.

Hòa bình - tự do - hạnh phúc. Nhân danh chính nghĩa để mưu cầu cho những gì là tầm thường nhất chỉ là những mỹ từ trở nên sáo rỗng như những bông hoa tuy lộng lẫy bên ngoài nhưng bên trong là những “độc hoa tình”.

Tự do: Không ai có quyền cho hay không cho cái gọi là căn bản nhất của mọi căn bản, như không ai có thẩm quyền sinh ra vũ trụ và cũng không ai có quyền để hủy diệt nó. Hủy diệt dù trên danh nghĩa nào thì nó vẫn là tội ác. Dù Thượng đế có hay không có trái đất vẫn cứ quay quanh mặt trời, đến lượt mình mặt trời vẫn không ngừng quay quanh các thiên hà vũ trụ khác.

Mọi thứ vẫn luôn hấp dẫn nhau để sự sống cứ tiếp diễn, mơ vẫn là mơ, hiện tại mới là cái quyết định.

“Kẻ đi xa nhất là kẻ không biết mình đi đâu” (Napoleon), như mình chẳng biết mình đang viết gì.

Ngôn ngữ vẫn mãi là một phương tiện.

Huệ Lưu
[Tập san Pháp Luân - số 62, tr77, 2009]