Cứng và mềm trong đôi mắt thiền quán

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Răng và lưỡi là hai đề tài thiền quán mà mỗi ngày và mỗi ngày tôi thực tập để nhìn sâu vào sự hiện hữu của nó trong đời sống.(TN)

Răng và lưỡi là hai đề tài thiền quán mà mỗi ngày và mỗi ngày tôi thực tập để nhìn sâu vào sự hiện hữu của nó trong đời sống. Lưỡi mềm nằm giữa hai hàm răng cứng, chúng không những giúp ta ăn mà còn giúp ta nói. Cái ăn của chúng ta chưa bao giờ thành tựu, nếu chỉ có lưỡi mà không có răng, hoặc chỉ có răng mà không có lưỡi. Không những vậy, răng và lưỡi còn giúp ta phát âm chuẩn xác, để ta có thể nói được cho mọi người nghe và hiểu, tạo ra sự cảm thông trong giao tiếp hàng ngày.

Trong cấu trúc sinh học của con người, răng sinh ra sau lưỡi, nhưng răng sẽ rụng trước lưỡi. Thọ mạng của lưỡi lâu dài hơn thọ mạng của răng, thọ mạng của răng ngắn hơn thọ mạng của lưỡi, tại sao? Điều đó hết sức dễ hiểu, là tại vì răng cứng lưỡi mềm. Cái gì cứng thì dễ gãy và dễ vỡ, cái gì mềm thì tồn tại dẻo dai.

Mềm chỉ đơn thuần là mềm, cái mềm ấy không thể nào tự nó đứng vững chãi; cái cứng đơn thuần, cái cứng ấy không thể tạo ra được những sinh lực để có thể linh hoạt và thảnh thơi trong mọi tình huống. Ở trong cái cứng phải có cái mềm, chính cái mềm ở trong cái cứng, khiến cho sự hiện hữu của cái cứng có ý nghĩa; và ở trong cái mềm có cái cứng khiến cho sự hiện hữu của cái mềm trở thành quý báu.

Từ cái cứng và cái mềm trong cấu trúc sinh học ở nơi miệng, ta lại có cái cứng và mềm trong âm thanh và ngôn ngữ; và từ cái cứng và cái mềm trong âm thanh và ngôn ngữ, nên ta có ngôn ngữ của âm nhạc và thi ca. Trong ngôn ngữ của âm nhạc và thi ca, cái cứng và cái mềm luôn luôn trộn lẫn vào nhau và có mặt trong nhau để tự nó tạo ra những cung bậc hòa điệu, khi thì bằng, lúc thì thăng, lúc thì trầm.

Và cũng từ nơi những cái cứng và mềm ấy, ta lại nhìn sâu vào những hạt giống cứng và mềm ở trong tâm ý của mỗi chúng ta. Trong tâm ý của chúng ta có những hạt giống cứng và cũng có những hạt giống mềm. Nếu trong tâm ta có quá nhiều hạt giống yếu mềm, chính những hạt giống nầy khiến cho ta phải tự đi tìm kiếm những nơi nương tựa, dù nơi ấy chỉ là một khúc cây khô mục đang lênh đênh trôi dạt giữa biển đời sóng cả. Và nếu trong ta có quá nhiều hạt giống cứng rắn, thì chính những hạt giống nầy cũng có khi khiến ta đi tìm kiếm một sự nương tựa mơ hồ nơi những làn khói hương hư ảo, nơi những giọt sương đêm, hay nơi những hạt nắng chiều rơi trên dòng nước biếc!

Bởi từ nơi những hạt giống cứng và mềm mất bình thường nầy, khiến cho bao kẻ đang cứng rắn bỗng chốc trở thành yếu mềm, họ có thể cứng rắn trên tư duy, nhưng họ lại yếu mềm trên tình cảm; và cũng có những người đang yếu mềm bỗng dưng trở thành cứng rắn, họ cứng rắn trong tình cảm, nhưng họ lại yếu mềm về mặt tư duy.

Ta yếu mềm về mặt tư duy, nhưng ta lại cứng rắn về mặt tình cảm, điều nầy chỉ giúp ta thành công năm mươi phần trăm trong cuộc sống; và ta cứng rắn về mặt tình cảm, nhưng ta lại yếu đuối về mặt tư duy, điều nầy cũng chỉ giúp cho ta thành công năm mươi phần trăm trong cuộc sống. Và trong cuộc sống của ta, sự thành công tăng lên không phải là ta sử dụng cái mềm để lôi kéo cái cứng và cũng không phải sử dụng cái cứng để đàn áp cái mềm, cũng không phải tạo ra sự cân đối giữa hai thế lực mềm và cứng, mà ta phải làm cho cái cứng luôn luôn có mặt và hòa điệu ở trong cái mềm và ta phải làm cho cái mềm luôn luôn có mặt và hòa điệu ở trong cái cứng, cứng và mềm hòa điệu với nhau bao nhiêu thì cuộc sống của ta sẽ thành công bấy nhiêu. Sự thành công của ta không những chỉ là an lạc, hạnh phúc đối với thân và tâm mà còn thành công trong mọi phong thái xử sự với đời. Nếu chất liệu cứng và mềm ở trong thân tâm ta có sự hòa điệu tuyệt đối, thì ta sống trong trạng thái lên hay xuống, hoặc không lên hay không xuống, ta đều có hạnh phúc và an lạc. An lạc và hạnh phúc của ta có mặt, khi nào hai chất liệu cứng và mềm trong thân tâm ta có mặt trong sự hòa điệu tuyệt đối, nghĩa là cái nầy là cái kia và cái kia là cái nầy, giữa hai cái ấy không còn có lằn mức của thời gian và không gian.

Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 11, tr.31, 2005]