Đức Phật có phải là một Thượng đế hay không?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Từ trước đến nay, câu hỏi “đức Phật có phải là một đấng thượng đế hay không?” đã được đặt ra và được trả lời khác nhau trên nhiều phương diện.

Vào thời đức Phật, có nhiều người đã tôn thờ Ngài như là Thượng đế hoặc là sự hóa thân của Thượng đế. Nhưng đức Phật không bao giờ đồng ý với sự tôn thờ này. Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy rằng: “Quả thực Như Lai không phải là một thiên thần, không phải là một Càn-thát-bà, chẳng phải là quỷ thần, cũng chẳng phải là người. Hãy biết rằng Như Lai là một vị Phật”. Điều đó chứng tỏ Ngài chưa bao giờ tuyên bố Ngài là Thượng đế hay sứ giả của Thượng đế. Thế nhưng, trong quá trình học hỏi của giới bình dân cũng như một số nhà nghiên cứu hiện tại vẫn còn nhiều người lầm tưởng xem đức Phật là một vị thần linh tối cao, có quyền ban phước giáng họa như ở một số tôn giáo khác. Hoặc giả khi đọc vào tư tưởng triết học Ấn giáo (hóa thân của Bà-la-môn giáo), có quan niệm Phật là hóa thân từ “Đại ngã” thì chúng ta phải nhận thức thế nào? Chúng ta biết rằng, nền triết học của Ấn Độ giáo ra đời trước Phật giáo và trong một thời gian dài đã mất thế đứng trong lòng quần chúng do sự ảnh hưởng của Phật giáo quá lớn. Vì thế, họ đã gán ghép cho đức Phật là một vị thần linh biến thân của “Đại ngã”. Không chỉ tôn giáo đó mà các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác thỉnh thoảng cũng lầm tưởng đức Phật là một vị Thượng đế. Chính những quan niệm mơ hồ này khiến cho mọi người hoang mang, không biết nhận định thế nào là đúng là sai. Vậy, người con Phật làm thế nào để định hình được niềm tin; phải trả lời như thế nào khi có một người hỏi đức Phật có phải là một vị thượng đế hay không? Hay rồi không hiểu rõ lại đánh đồng cho rằng Phật là một đấng Thượng đế. Để giải trừ sự nghi ngờ và trả lời câu hỏi, chúng ta hãy đi sâu vào tìm hiểu đời sống của đức Phật từ khi Ngài xuất hiện trên thế gian cho đến lúc nhập Niết-bàn, thì sẽ hiểu và thấy Ngài có phải là một đấng Thượng đế hay không hay Ngài cũng  là một con người nhưng vượt qua những con người khác, đó là con người tỉnh thức, con người giác ngộ.

Đức Phật có cuộc sống của một con người nhưng cuộc sống đó thánh thiện hơn, cao thượng hơn. Cuộc sống của một người không còn vướng mắc vào ngũ dục trần gian. Tự thân vận động tu tập phấn đấu cho quả vị tự giác ngộ vô thượng của mình, không nương nhờ một ai. Nhờ vào những nỗ lực cá nhân, Ngài tu tập hạnh Thập độ ba la mật: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, trí tuệ, kiên định, từ tâm, xuất ly, chân thật và xả. Nhờ đó, Ngài đã mở được những cánh cửa đưa đến tất cả các tri kiến. Ngài chứng biết tất cả các pháp được biết, tu tập tất cả những pháp môn được tu tập và đoạn trừ tất cả các lậu hoặc phải được đoạn trừ. Thật vậy, trên cuộc đời này không có một bậc Đạo sư nào có thể so sánh tương xứng với Ngài, xét về lĩnh vực tu tập và chứng đắc quả vị. Ở đây, chúng ta nên đi vào tìm hiểu về lịch sử và hành trình thuyết pháp của Ngài để làm sáng tỏ vấn đề.

Đức Phật sinh ra trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Ngài có một cuộc sống vương giả quyền quý, rồi từ bỏ ngôi vị ấy để đi xuất gia tìm kiếm con đường chân thật, giải quyết những khổ đau của kiếp người cho đến lúc giác ngộ Bồ-đề.

Vào năm 624 BC, lúc Ngài mới sinh ra, có một vị tiên nhân tên là A-tư-đà đang tu hành ở trên núi, thấy tâm tư chấn động biết có bậc vĩ nhân ra đời nên đã rời núi để đến xem tướng. Khi gặp Thái tử Sĩ-đạt-ta, vị tiên nhân đã cúi lạy và tiên đoán rằng con người này trong tương lai sẽ đắc quả Chánh giác. Sau khi biết được lời tiên đoán của vị tiên nhân, vua cha lo lắng tương lai con mình rồi đây sẽ xuất gia tu hành và sự hoài vọng có người kế nghiệp lãnh đạo thay mình sẽ không còn nên đã cho xây dựng nhiều lâu đài tráng lệ để cột chân Ngài, đồng thời tuyển chọn những cung nhân mỹ nữ đẹp nhất trong hoàng thành về hầu hạ Ngài, và còn làm lễ chọn hoàng phi cho Ngài. Công chúa Gia-du-đà-la, một hoa khôi đẹp nhất thời bấy giờ, con của vua Thiện Giác đã trở thành vợ của Thái tử.

Mặc dù sống trong hoàng cung xa hoa lộng lẫy như vậy, nhưng hoài bảo về kiếp người, nỗi ưu tư về cuộc sống vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí của Ngài. Một hôm, Ngài xin vua cha được ra khỏi hoàng cung đi dạo. Ngài đã tiếp xúc và thấy được kiếp sống thật sự của người dân, đặc biệt ba cảnh ấn tượng nhất: một người già, một người bệnh và một người chết với nhiều người khóc lóc đập vào mắt Ngài. Thái tử rất ngạc nhiên với những cảnh tượng này, bởi vì Ngài chưa bao giờ tiếp xúc và được biết đến cảnh con người rồi sẽ già, sẽ bịnh và sẽ chết đi bao giờ. Thấy được thực cảnh như vậy, lòng xúc cảm trào dâng về thân phận của kiếp người: “Tất cả rồi sẽ khổ đau giống nhau”. Điều đó đã đập mạnh vào trong tiềm thức của Ngài, làm sống dậy tình thương nhân loại trong vô lượng kiếp. Những thắc mắc dấy khởi: làm sao kiếp người hết khổ, được vui; làm sao con người không còn sự phân chia trong sắc tộc, không còn sanh già bệnh chết? Trong sự ưu tư thắc mắc đó, Ngài gặp được hình bóng một vị khất sĩ thong dong tự tại, liền đến hỏi và biết được con đường chấm dứt tất cả những đau khổ kia sẽ không còn hiện hữu khi chánh đạo hiển bày, và con đường đó nhất quyết cần phải khám phá ra ngay trong tự thân của mình.

Trở về hoàng cung, những ảnh tượng thấy được ở ngoài thành càng trổi dậy, nhưng Thái tử chưa quyết định được chuyện ra đi. Đến khi nhận được tin hoàng phi hạ sanh vị hoàng nam, Ngài thấy mình đã làm xong bổn phận của một người con, nên trong đêm tối gọi Xa-nặc thắng ngựa Kiền trắc ra đi, bỏ lại sau lưng sự xa hoa cám dỗ của hoàng cung, vợ đẹp, con thơ, quyết tâm sống đời sống không gia đình, mong sao tìm sự thật của cuộc đời. “Hỡi nhân loại đang quằn quại đau thương, hỡi đời sầu khổ! Vì các người mà ta đành bỏ tuổi măng tơ, bỏ ngôi báu, bỏ những ngày vàng và đêm ngọc, gỡ cánh tay bám víu của người vợ hiền, cắt ngang tình yêu mãnh liệt của phụ vương và xa lánh đứa con thơ đang nằm trong lòng mẹ. Hỡi phụ hoàng hiền thê bào nhi và xã tắc! Xin hãy gắng chịu sự chia ly này cho đến ngày tôi tìm ra Đạo.” (Ánh Đạo vàng, Võ Đình Cường) Ngài đã ra đi trong sự im lặng tịch tĩnh của đêm khuya khi mọi người đang yên giấc, để lại sau lưng bao sự nhớ nhung tiếc nuối của phụ hoàng, thân tộc, quần thần và dân chúng. Nhưng sự đau khổ của kiếp người mới chính là vấn đề đặt lên hàng đầu cho hành trình ra đi của Ngài. Sau khi đến bờ sông A-nô-ma, Ngài từ giả Xa-nặc, người cận thần thân thương để ra đi một mình, đi vào chốn thâm sơn cùng cốc tầm sư học đạo. Trải qua nhiều tháng, nhiều năm, Ngài đã học được tất cả các học thuyết của các trường phái tu học bấy giờ, chứng ngộ những cảnh giới khác nhau của các thiền dục giới, sắc giới và vô sắc giới, nhưng cánh cửa bất tử vẫn không thể nào hé mở, và những sở đắc đó vẫn nằm trong sanh tử nên Ngài tiếp tục từ bỏ nó để ra đi. Ngài bắt đầu thực hành nếp sống khổ hạnh ép xác, trở thành vị tinh chuyên khổ hạnh đệ nhất trong nếp sống khổ hạnh, nhưng vẫn không đạt được giải thoát. Sau 6 năm  khổ hạnh, Ngài kết luận rằng: khổ hạnh chỉ làm cho con người kiệt sức, làm cho tinh thần bạc nhược mà không đem lại kết quả gì. Ngài liền từ bỏ và tiếp tục ra đi. Ngài đã đến vườn Lộc uyển, bên dòng sông Ni-liên-thuyền. Tại đây, Ngài quyết định thiền định dưới gốc Bồ-đề với lời thề sống chết: “Dù thịt nát xương tan quyết không rời khỏi gốc Bồ-đề này cho đến lúc thành Chánh giác”. Lời khuyến tấn đó khiến cho Ngài thêm tinh tấn. Ngài đã nỗ lực tinh chuyên trong 49 ngày đêm tư duy thiền định, đến khi sao mai vừa mọc, mọi lậu tận rơi rụng, đã chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề, trở thành đức Phật Thích-ca, mặc dù đã bị Ma vương quấy nhiễu trong giai đoạn cuối cùng, nhưng nội ma và ngoại ma phải khuất phục trước ánh sáng của tuệ giác và bóng tối vô minh phải được đẩy lùi khi ánh sáng chân lý bừng khởi.

Sau khi thành đạo, với tri kiến thanh tịnh, với chân lý vừa chứng ngộ được, Ngài lên đường vận chuyển truyền trao giáo pháp. Trong suốt 45 năm truyền đạo cho đến lúc sắp nhập Niết-bàn, đức Phật truyền trao giáo lý giác ngộ không lúc nào ngừng nghỉ. Ngài đã để lại cho cuộc đời một kho tàng giáo lý sống, đem lại cho con người sự an tịnh hỷ lạc nội tâm và cho cuộc đời một lộ trình tỉnh thức. Giáo lý đó ngày càng thâm nhập vào quần chúng, chẳng những nó được giai cấp cao sang của xã hội như Sát-đế-lợi, Bà-la-môn tiếp nhận và tu tập mà giáo lý ấy còn được triển khai áp dụng trong các giới bình dân, giới cùng đinh của xã hội. Cả mọi giới đều bình đẳng trong Phật tánh và sự giác ngộ, không có sự phân biệt trong giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Qua việc tìm hiểu cuộc đời của Ngài, một lần nữa nói lên được tính chất thiết thực về đức Phật và giáo pháp của Ngài. Ngài không phải là Thượng đế hay hóa thân của một Thượng đế. Ngài là một con người tối thiện trên mọi phương diện, hiện hữu trong giác ngộ bản thân rồi đem sự giác ngộ của bản thân truyền dạy lại cho nhân sinh lợi lạc. (Giáo lý được đức Phật triển khai không căn cứ vào giai cấp mà căn cứ vào giới hạnh và trí tuệ của con người, người nào có phạm hạnh thì được xã hội tôn thờ, quý trọng, còn không có thì dù sống trong một cộng đồng nào cũng đều không được tôn kính). Thế nên, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định rằng, cả cuộc đời từ lúc đản sanh cho đến lúc nhập Niết-bàn, đức Phật chỉ là một con người, nhưng bằng nỗ lực tự thân, Ngài đã liễu ngộ được sự thật đau khổ của kiếp người, Ngài đã ra đi tìm đạo và cuối cùng giác ngộ chân lý, rồi đem chân lý ấy truyền trao cho nhân sinh. Như vậy, đức Phật không phải là một Thượng đế. Và việc cầu xin của người đệ tử đối với đấng giáo chủ là điều không cần thiết. Điều đó đã được Ngài dạy trong kinh: “Hãy làm hòn đảo cho chính mình, hãy nương tựa vào chính mình, lấy giáo pháp làm nơi nương tựa”. Giáo pháp là kim chỉ nam cho hành động, là phương châm để hướng dẫn con người đi những bước đi không có ưu sầu, không có lo lắng khổ đau. Vấn đề cần đặt ra là, một người muốn hiểu được Phật giáo cần phải học và hành, còn không thì việc học Phật đó chỉ là tiếp thu một kho tàng lý luận mà không đem lại lợi lạc gì cho tự thân và tha nhân.r

Thanh Tâm.
[Tập san Pháp Luân - số 14, tr.67, 2005]