Quá trình nhập thai, trụ thai và xuất thai

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trạng thái nhập thai, trụ thai & xuất thai của bậc Thánh

(Trạng thái nhập thai, trụ thai và xuất thai của bậc Thánh - tiếp theo TSPL.15)

c. Ý nghĩa sanh ở hông bên hữu.

Tất cả chúng sanh đều do ái dục mà sanh, do ái dục mà tồn tại và cũng do ái dục mà phải luân hồi trong các thú. Chính ái dục mới là động lực duy nhất có đủ sức mạnh để lôi kéo chúng sanh qua lại trong tam giới, chứ không một ai khác có đủ sức mạnh dù trời, rồng, quỷ thần... có thể lôi kéo chúng sanh được. Vì chúng sanh do ái dục mà sanh, nên cũng phải sanh ra từ nơi ái dục, sanh ra từ nơi nữ căn người mẹ (chỗ biểu thị tột cùng của ái dục), điều này cũng dễ hiểu mà thôi.

Còn chư Phật, Bồ-tát thì khác, các Ngài đã đoạn sạch vô minh và ái dục, do đó các Ngài không còn bị sự sanh tử luân hồi chi phối. Do vì tình thương và đại nguyện cứu độ chúng sanh mà các Ngài thị hiện vào cõi ngũ trược ác thế này. Vì thế các Ngài không sanh ra từ nơi nữ căn của người mẹ, mà sanh ra từ hông bên hữu, là nơi sạch sẽ thanh tịnh, không vướng chút bợn nhơ ái dục. Sanh ra từ hông bên hữu, sanh không có vết sanh nói lên ý nghĩa Bồ-tát sanh ra từ chỗ vô sanh, Bồ-tát không còn bị sanh tử luân hồi chi phối nữa, Ngài là bậc đã thực chứng vô sanh.

Bồ-tát sanh ra từ hông bên hữu còn nói lên một ý nghĩa nữa, là Bồ-tát tùy thuận tâm mong cầu của thế gian mà sanh. Bên hữu là chiều thuận, phù hợp với vòng quay của trái đất. Bồ-tát sanh từ hông bên hữu người mẹ, ý nói chúng sanh hiện đang khao khát có một vị đạo sư toàn năng toàn trí xuất hiện để làm hướng đạo cho mọi người. Ứng theo tâm nguyện mong cầu của chúng sanh, đức Phật đã xuất hiện để tuyên thuyết giáo lý vô ngã, đáp ứng nhu cầu thăng hoa chính đáng cho con người.

d. Ý nghĩa Đế Thích rãi hoa sen trên lối đi của Bồ-tát.

Khi Bồ-tát mới đản sanh, trời Đế Thích liền đem hoa sen rãi trên lối đi của Ngài. Đế Thích đem hoa sen rãi trên lối đi không ngoài hai nguyên do sau:

Thứ nhất, sở dĩ Đế Thích đem hoa sen rãi trên lối đi của Bồ-tát lúc Ngài đản sanh, là do lời phát nguyện trong tiền kiếp quá khứ của Đế Thích đối với Bồ-tát. Trong kiếp quá khứ Đế Thích đã từng có lời thệ nguyện: “Bất cứ vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ nào lúc mới đản sanh, tôi nguyện sẽ đem hoa sen rãi trên lối đi của các Ngài”.

Lý do thứ hai, là Bồ-tát muốn hàng phục tâm kiêu ngạo của các vị trời, rồng, quỷ thần, A tu la... bởi xưa nay các chúng sanh này đều tôn sùng Đế Thích. Nhân sự kiện Đế Thích cung kính đem hoa sen rãi trên lối đi của Bồ-tát, họ sẽ tự nghĩ rằng: “Ngay cả trời Đế Thích, vị chúa tể mà chúng ta hằng tôn sùng, còn sanh tâm cung kính đem hoa sen rãi trên lối đi của Bồ-tát, hà huống gì là bọn đệ tử chúng ta”. Do tâm suy nghĩ như vậy, lòng kiêu ngạo, tự đắc tự mãn của họ sẽ tiêu trừ, phát tâm quy hướng với Phật.

e. Ý nghĩa Bồ-tát chân đi trên hoa sen.

Sau khi Đế Thích đem hoa sen rãi trên lối đi, Bồ-tát chân đi trên hoa sen bảy bước. Bồ-tát chân đi trên hoa sen nói lên ý nghĩa gì? Như chúng ta biết, hoa sen là một loài hoa rất tôn quý tại Ấn Độ. Hoa sen có các đặc tính mà các loài hoa khác không thể có, như hương tinh khiết, cánh hoa mềm mại, ai thấy cũng yêu thích... nhưng điểm quý hơn cả, hoa sen là loài hoa mọc giữa bùn nhơ nước đục nhưng không bị vấy nhiễm, hôi tanh mùi bùn.

Bồ-tát khi mới sanh ra chân đi trên hoa sen, nói lên ý nghĩa Bồ-tát thị hiện vào cuộc đời đầy đen tối nhưng không bị ngũ dục lạc cuộc đời làm vấy nhiễm. Sự trong sáng của Bồ-tát ví như hoa sen, tuy mọc từ bùn nhơ nước đục nhưng không vướng chút bợn nhơ.

Bồ-tát tuy sống giữa đám người ác độc, thù hằn, hãm hại... nhưng Ngài đã vươn lên trên tất cả với tâm hồn ngập tràn thánh thiện, làm cho những tâm hồn cấu uế của chúng sanh được hoán chuyển, chẳng khác nào hoa sen mọc giữa bùn nhơ nước đục, tỏa ngát hương thơm khắp hồ. Sự hiện hữu của các Ngài giữa cuộc đời là sự hiện hữu của hương và sắc làm thăng hoa sự sống. Hương ấy là hương đạo đức và sắc ấy là sắc trí tuệ, khiến Bồ-tát tỏa ngát và rực rỡ giữa vũng bùn lầy tội lỗi của vạn loại chúng sanh.

f. Ý nghĩa Bồ-tát chân đi bảy bước.

Bồ-tát khi mới sanh ra, chân đi bảy bước. Hình ảnh Bồ-tát đi bảy bước không phải là vô nhân hay tự nhiên, mà đều có mật ý trong việc đi bảy bước. Bồ-tát chân đi bảy bước không ngoài ba ý nghĩa sau:

- Bồ-tát chân đi bảy bước nói lên ý nghĩa thứ nhất, Ngài là chúng sanh duy nhất trong tam giới, đã thoát ly sáu đạo luân hồi.

Số bảy nói lên ý nghĩa, Ngài là bậc đã vượt thoát sáu cảnh giới luân hồi. Sáu cảnh giới luân hồi là thiên, nhân, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ và bàng sanh.

- Bồ-tát chân đi bảy bước nói lên ý nghĩa thứ hai, Ngài là vị Phật thứ bảy xuất hiện ở thế gian.

Bảy vị Phật gồm ba vị thuộc Quá khứ trang nghiêm kiếp là Tỳ-bà-thi Phật, Thi-khí Phật và Tỳ-xá-phù Phật; bốn vị thuộc Hiện tại hiền kiếp là Câu-lưu-tôn Phật, Câu-na-hàm mâu-ni Phật, Ca-diếp Phật và Ngài Thíc- ca mâu-ni Phật.

- Bồ-tát đi bảy bước nói lên ý nghĩa thứ ba, giáo pháp của Ngài trong mai hậu sẽ lan tràn khắp năm châu và bốn bể.

Số bảy là số bao quát cả không gian lẫn thời gian. Không gian không ra ngoài bốn hướng là Đông, Tây, Nam, Bắc; thời gian không ra ngoài ba thì quá khứ, hiện tại và vị lai.

g. Ý nghĩa mỗi bước chân.

Theo kinh Ưu bà di tịnh hạnh, Bồ-tát khi mới sanh ra đã đi bảy bước và nhìn về sáu phương. Ý nghĩa của mỗi bước chân của Ngài nhìn về một phương nhằm nói lên ý nghĩa gì?

- Bồ-tát đi bước thứ nhất và nhìn về phương Đông, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, Ngài là bậc đạo sư tối thượng xuất hiện trong đời này.

- Bồ-tát đi bước thứ hai nhìn về phương Nam, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, sự xuất hiện của Ngài như đám ruộng phước mát mẻ đến với tất cả chúng sanh.

- Bồ-tát đi bước thứ ba nhìn về phương Tây, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, đây là thân cuối cùng của Ngài trong vòng sanh tử luân hồi.

- Bồ-tát đi bước thứ tư nhìn về phương Bắc, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, Ngài sẽ đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề trong đời này.

- Bồ-tát đi bước thứ năm nhìn xuống phương dưới, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, sự xuất hiện của Ngài trong cuộc đời là để hàng phục tất cả các loài ma.

- Bồ-tát đi bước thứ sáu và nhìn lên phương trên, để chỉ cho tất cả chúng sanh biết rằng, sự xuất hiện của Ngài trong cuộc đời này là để làm chỗ quy y cho tất cả trời người.

- Bồ-tát đi bước thứ bảy, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất và nói lời rằng: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới đất, chỉ có một mình ta là tôn quý nhất).

h. Ý nghĩa câu kệ đản sanh.

Trong câu kệ Bồ-tát tuyên thuyết lúc Ngài đản sanh, ý Ngài muốn khẳng định cho tất cả chúng sanh khắp trong tam giới biết rằng, Ngài là bậc thù thắng nhất, bậc siêu tuyệt nhất, bậc tôn quý nhất ở thế gian, không có bất cứ một chúng sanh nào trong thế gian, dù phạm thiên, ma vương... có thể sánh phước đức và trí tuệ bằng Ngài.

Lại theo quan điểm kinh Đại Bảo Tích, Bồ-tát Hộ Minh khi mới đản sanh, tuyên bố lời này, ngoài việc Ngài tuyên cáo cho tất cả chúng sanh biết rằng Ngài là bậc tôn quý nhất của thế gian, còn là lời biểu lộ tâm đại từ bi, thương tưởng các vị như Phạm thiên, Chư thiên, Ma vương, Quỷ thần, A tu la… tức các vị giáo chủ đương thời. Bồ-tát muốn họ dứt trừ tâm kiêu căng, ngã mạn để thoát ly cảnh giới khổ đau đọa lạc. Đồng thời cũng là lời báo hiệu cho tất cả chúng sanh ở tam giới biết rằng Ngài, bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã xuất hiện ở thế gian.

k. Ý nghĩa Long vương đem hai giòng nước ấm và mát đến tắm cho Bồ-tát.

Hình ảnh Long vương từ trên hư không phun hai làn nước ấm và mát, đến tắm cho Bồ-tát lúc đản sanh nhằm nói lên ý nghĩa gì? Hai luồng nước ấm và mát biểu trưng cho mọi nghịch duyên và thuận duyên mà trong cuộc đời hoằng hóa sau này Ngài gặp phải. Và trước mọi sóng gió của cuộc đời, Ngài đều hoàn toàn bất động, không bị hoàn cảnh chi phối, không bị nghịch duyên tác động.

Nhìn lại cuộc đời tám mươi năm trụ thế của đức Phật, chúng ta sẽ thấy rõ được điều đó. Đức Phật đã được mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội từ vua chí dân hết lòng sùng kính ngưỡng mộ… Tuy nhiên, bên cạnh những người cung kính ngưỡng mộ, vẫn còn không biết bao nhiêu người thù hằn, chống đối, chửi mắng, dùng đủ mọi hình thức mưu toan phá hại Ngài.

Giữa hai hoàn cảnh thuận duyên nghịch duyên, hay sự vinh quang tuyệt vời cùng những sự khinh chê tột cùng mà xã hội ban tặng cho Ngài, ám chỉ qua hai làn nước nóng và mát mà Long Vương đem tắm cho Bồ-tát lúc mới đản sanh. Giữa hai hoàn cảnh ấy, đức Phật vẫn bình thản, không bị hoàn cảnh lay động, chi phối… Ngài không vì sự cung kính, ngưỡng mộ, lễ bái mà sanh tâm kiêu căng, ngã mạn, hống hách. Cũng như không vì sự khinh chê, chửi mắng mà sanh tâm thối thất, phẫn chí, đúng như Thánh hiệu của Ngài được thế gian xưng tụng “Năng Nhân Tịch Mặc”.

l. Ý nghĩa hoàng hậu sau khi hạ sanh Bồ-tát bảy ngày rồi băng hà.

Theo lịch sử ghi lại, sau khi hạ sanh Bồ-tát bảy ngày, hoàng hậu Ma-gia băng hà và sanh lên cung trời Đao-lợi? Với sự kiện, người mẹ sau khi sanh con một thời gian quá ngắn ngủi đã mất, thông thường theo quan niệm của thế gian cho đó là điềm dữ. Và có đôi người còn nghĩ rằng Bồ-tát sanh ra đã đem điềm họa tới cho hoàng hậu.

Vấn đề này, chúng ta đừng nên đem tâm niệm kiết hung theo thế gian để phán xét. Sự kiện hoàng hậu băng hà sau khi hạ sanh Bồ-tát bảy ngày, không phải do điềm họa bởi hoàng hậu sanh Bồ-tát, mà vì nhân duyên thọ mạng của hoàng hậu chỉ có thời gian từng ấy mà thôi.

Trong kinh Đại Bảo Tích, có ghi lại nguyên nhân hoàng hậu sau khi hạ sanh Bồ-tát bảy ngày, băng hà sanh lên cung trời Đao-lợi. Nguyên nhân không phải lỗi của Bồ-tát, mà do thọ mạng của hoàng hậu đến giai đoạn này đã chấm dứt… Lúc bấy giờ, Bồ-tát ở cung trời Đâu-suất, dùng Phật nhãn quan sát, thấy thọ mạng hoàng hậu Ma-gia chỉ còn mười tháng bảy ngày, Bồ-tát dùng phương tiện biết thọ mạng của hoàng hậu sắp hết nên Ngài đến thọ sanh. Vì thế hoàng hậu sau khi hạ sanh Bồ-tát bảy ngày thì băng hà.

C. KẾT LUẬN.

Với thần lực bất khả tư nghì, nhưng Bồ-tát không thẳng xuống nhân gian thành Phật, mà thị hiện vào thai mẹ trước khi thành Phật, là vì Bồ-tát muốn khích lệ hàng phàm phu tiến tu đạo nghiệp ngõ hầu thoát ly sanh già bệnh chết, vì muốn ngăn ngừa tà thuyết của ngoại đạo sau này dựng lên có hại cho Phật giáo, vì muốn dẫn dắt hàng Thích chủng thân thuộc đi vào chánh pháp, vì muốn lưu thân giới cho chúng sanh cúng dường, để tô bồi cho chúng sanh phước điền… Phải chăng những sự thị hiện vi diệu đó của Ngài, cũng không ngoài trí tuệ vô biên và tình thương vô hạn của một vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ đầy lòng lân mẫn chúng hữu tình; tình thương không phân biệt đối tượng, như trong Di đà sớ sao nói “Phật ái chúng sanh, như phụ mẫu ái tử” (Phật thương chúng sanh, chẳng khác nào như cha mẹ thương con).

Nguyên Liên (hết)
[Tập san Pháp Luân - số 16, tr.31, 2005]