Đời như hoa đốm

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

“Nhập thế” là một tụng ngôn mà xét trên mặt ngữ học, nó được mệnh danh là ‘danh tác thể’ (nomonal agent), sở chỉ cho đối tượng và nhân hành. Nói cách khác, trong phạm vi Phật giáo, hạn từ này chỉ cho sở hành của chư vị Bồ-tát, những vị mà bảo tạng của Như Lai vốn được giữ gìn. Một hạn từ quen dùng như thế, đôi khi đã bị hiểu một cách sai lầm trong tự thân của nó—bổ ngữ và tác nhân.

KHOA HỌC VÀ SIÊU KHOA HỌC

Thời đại của chúng ta hiện giờ là thời đại của các định nghĩa và xác nghĩa của khoa học về sự vật, cái gì không được khoa học lý giải, thì cái đó là phi thực và bị loại ra ngoài kịch bản tiến hóa của nhân loại. Thậm chí, đối với những con người ‘có học’, sự kiện này là điều tất nhiên trong cuộc tranh giành lãnh địa và, sự kiện này đang bước vào ngưỡng của siêu hình học vật lý bằng các thủ thuật của chứng minh hợp lý của mình, dẫn đến, cho những tay đầu cơ chánh trị tiến hành việc thôn tính lãnh địa. Người ta dựa trên sự thông minh như là một công việc hằng ngày của họ, người ta hội họp, tuyên bố, định nghĩa và rồi đi uống bia, tán gái, v.v... Thế thì, các cấu trúc văn minh của dòng tư duy thanh tịnh có tính nhân bản xã hội hóa, đã là đối tượng của sự chiếm hữu hay loại trừ, nói cách khác, cái gì không trở thành và đi vào hệ thống, thì cái đó bị loại trừ. Có thể, các “oan cừu” phát sinh từ mọi lý thuyết hẹp trong định nghĩa của khoa học, cái mà Heidegger, gọi là con đẻ của siêu hình học, khi nó trở mình thành khoa vật lý, minh định chân lý ở trên trời. Siêu hình, người ta cần chiến tranh để giải quyết sự cân bằng của hiện thực xã hội và nhiên giới. Tiếng nói của “sau giờ ngọ” trở thành giai điệu của con chim họa mi lạc lối. Tôn giáo, thật vậy, đôi khi đã củng cố thêm lên cho các thế lực này và rồi than vãn cho một đức tin hiếm hoi nào đó, mà mình lỡ mất đi trên lộ trình thành toàn lịch sử. Những cơn mưa của triết học xuất hiện, đã làm cho hành tinh vốn dĩ hoang tàn này, lại càng thêm loang lổ và cỏ dại tràn lan. Người ta chạy trốn vào trong hang ổ của những công việc “thiện”, đến độ, mẹ Therèse đã mỉm cười khinh bạc với chính mình trong giờ phút lâm chung. Chúng ta nói đến những đóa sen trong biển lửa. Chúng ta nói đến một hiện thể đã rũ bỏ mái tóc “bồng” vô minh của mình, dưới sự dẫn dắt của các vì sao (tantra) đi vào cõi trầm mặc của uyên ngôn, và nhân loại, cũng may, đã đặt Ngài trong dòng hiện thể của mình, như là một dòng tâm thanh tịnh. Và, dòng tâm thanh tịnh đã thành là “dòng” dõi của trí tuệ và lòng yêu thương chân thật. Cái mà, theo Mighley, gọi là, “vấn đề của tự thân khoa học”, không phải để chứng minh cho cái “sạch” một cách khoa học của mình mà chính là chứng minh cho tư duy là một cái gì đó hoàn toàn siêu khoa học, hoàn toàn, như là cơ cấu văn minh nhân bản hóa xã hội—nhân bản được hiểu như là hiện thể tính của nhân loại như người ta đã đặt Ngài trong lòng của mình vậy—nhà ngôn ngữ học Chomsky gọi là, “trầm tư trên cái đặc chủng của lý tính, mà nó có khả năng mô thức hóa mọi biểu thể của vũ trụ này và cơ hồ các dữ liệu [thừa ra] như vậy của nó, các triết gia rất ít được biết, nếu họ không liên hệ đến cái đặc chủng tâm ấy qua trầm tư này của họ”. Đức Phật hay Phật tính. Vết thương lòng cần vá lại, trước khi làm lành vết nứt của nhiên giới đau thương.
“Không thể có sự thật nào mà tự thân khoa học yêu cầu rằng các nhà khoa học sẽ giải quyết mọi vấn đề xét như là những vấn đề khoa học. Nếu, sự định nghĩa hạn hẹp của khoa học đã sử dụng hiện giờ là cần được duy trì, thế thì rất nhiều vấn đề về tầm quan trọng khoa học hiện thực sẽ nằm bên ngoài khoa học. Kết cấu của những mô hình, và tính liên hệ của chúng với sự thanh thản của tư duy thành dòng, trở thành một chủ đề của bản thân khoa học.

Tuy nhiên, quả thật là, sự minh định hạn hẹp này là một xác định giới hạn vượt ngưỡng. Có một điều tự nhiên hơn nữa, đó là cách sử dụng không chánh đáng đưa vào toa thuốc hợp theo khoa học chỉ đơn thuần là cái mà các nhà khoa học thực hiện như là công việc nghề nghiệp của họ. Bởi vì, với họ, cả thảy vấn đề đều “đã bị ứng dụng”— nông học, sinh thái học, quản lý địa chất hay khí hậu học, v.v... Điều này hoàn toàn dẫn dắt các nhà khoa học một cách tự nhiên kể cả lãnh vực tổ chức xã hội và chính trị như là bộ phận  hoạt động sát sườn của họ và để họ nắm lấy trách nhiệm cộng đồng vốn đã tương quan với những hệ quả mà họ thực hiện qua công việc lý thuyết đơn thuần. Và dấu hiệu của sự thể này, ở bất cứ thời điểm nào, nó cũng có thể phát sinh, ngay cả với công việc mà trên thực tế của nó là ‘tính sạch sẽ’ một cách khoa học.”

Trầm tư trên hiện thể, được cứu xét như là “vì ai mà ta bận rộn cả ngày”, hẳn là ta bao giờ cũng hoài vọng rằng, các biên giới của các ngăn ngại, những luật tắc quy ước đã đẩy con người càng ngày càng xa lạ với chính mình và cả những liên hệ, thậm chí ngay trong tôn giáo. Hành nguyện, không thể là của một cá nhân đặc biệt nào, nó đặc biệt là do tiên khởi và nó phổ quát khi nó là cái tổng thể, là cái chung, hạnh nguyện chia phần cho tất cả, nó siêu khoa học, vì nó không nằm trong phạm trù khoa học và triết học. Người có khuôn mặt toàn diện là người xóa bỏ mọi ranh giới, là người thu nhiếp mọi ranh giới, như người ta đã mệnh danh cho “Quan Thế Âm”, đây là cái ta cần. Trên thực tế, cho dù, ta có đem cõi Phật A-di-đà đặt tại thế gian này đi nữa, thì các ranh giới chia cắt ta và hiện thể tư duy cũng không xóa được. Tư duy là, tư duy trong cõi A-di-đà. Đây là cái mà Phật giáo gọi là “hoa sen trong ngọc như ý - Oṃ maṇipadme hūṃ-tiềm thể tính như ý trong hoa sen” vậy. Tư duy, là tư duy trên bước chân của gã cùng tử lầm đường, tình cờ và, thật tình cờ trở về quê hương yêu mến—tình cờ như là một lực đẩy vô nhân. Có phải chúng ta, luôn là những người ăn mày trên chính quê hương thể tính của mình không nhỉ?

Chưa bao giờ ý thức về tôn giáo lại đậm đặc như ngày hôm nay, đậm đặc như ly cà phê trong quán tối, và cũng chưa bao giờ, tôn giáo được tôn vinh như là một cái gì hoàn toàn không phải là của nhân loại này. Đến độ, chính tôn giáo đã đẩy ta vào các phạm trù khoa học và triết học “sau” hình như cách nói của Phạm Công Thiện về siêu hình học, trên một vượt cấp quá trang nghiêm, và biến tướng thành những tòa lâu đài không với tới. Đến độ, ly cà phê trong quán tối và tòa lâu đài sừng sững đối đãi nhau trong một hiện thực hỗn mang.
“Chiến tranh trên các vì sao là đặc quyền mà khoa vật lý vũ trụ dành riêng cho tôn giáo vậy.”

VIỄN CẢNH ÁNH SÁNG

Thế giới nào rồi cũng sẽ hoại và cảnh giới nào rồi cũng sẽ thành, như quy luật tất nhiên của thành và trụ. Tuy nhiên, vấn đề là ấn tượng và biểu tượng của nó để lại, người ta có thể cho các tượng này là nhân của các thời kỳ kế tiếp. Chẳng hạn, sự trở lại của một hay nhiều đức Phật trong một hay nhiều cảnh giới, sự trở lại của ánh sáng trong một hay nhiều cảnh giới. Ấn tượng và biểu tượng chính là lực tác khởi của tư duy, và người ta mong chờ, chính là ở ngay lực tác khởi này, bởi vì luật nhân quả cho phép hình thành hiện thực trong cái mà người ta có thể dự tri. Vậy thì, viễn cảnh ánh sáng là một trường thực tại trên các hoạt lực của ấn tượng và biểu tượng và, thời gian, như là bước đi đưa ta lại gần với đích điểm mà con người đã từng thực hiện. Lý tưởng tư duy của Phật giáo là lý tưởng của những lộ trình ánh sáng và người ta đạt được lộ trình này bằng các hoạt động của bây giờ và tại đây và thành quả là cái không cần thiết phải mong chờ. Một kinh nghiệm siêu thời được đặt trên hữu tính của thời gian; thế thì viễn cảnh ánh sáng được xét đến qua khái niệm về thời gian và hữu thể, sau khi đã định hình được quy luật của hữu thể và thời gian trong tính chất đệ quy của cả hai. Tức là, một thể nghiệm hai chiều, trên một hoạt lực—chiều duyên sinh và chiều hoàn diệt duyên sinh trên duyên sinh tính. Yếu tố song tuyến này chỉ có trong tư duy và ta buộc phải thừa nhận rằng, một vũ trụ song song và đồng tuyến nào đó phải hiện hữu, như khổ và vui, hỷ và ưu, đồng và dị, v.v... Mọi cái thấy của con người lệ thuộc hoàn toàn vào bóng tối hay ánh sáng chứa được trong đồng tử của họ. Đây là một loại “Dị Thục” bẩm sinh của vạn loài, và trong tiến trình nhân duyên, dị thục này phát khởi bằng các lực hoạt động của nghiệp, nói một cách khác hơn sự tồn tại của tâm thức là sự tồn tại của các nghiệp và những dị thục, cái mà ta gọi là nhân loại hay chúng sinh hay vô số vật tượng cũng chỉ là sự hoạt động của các lực sở y trên tâm và ngược lại. Nói như thế, để ta hiểu rằng, nguyên ngôn của Physis, chính là vị từ QUY HỒI THỂ TÍNH, và THOÁT RỜI TÍNH THỂ, là vật lý của chiến tranh trên các vì sao. Thế thì, viễn cảnh ánh sáng phải cần đến một “VÔ SƯ TRÍ” nào đó hiển thị, chúng ta có đức Phật, như là hiện thể tính trong tư duy của chúng ta, như là sử tính dị thục của chúng ta, và viễn cảnh ánh sáng chính là cảnh giới vô sư trí này mà ta cần phải đạt tới, Ngài là bậc chỉ đường vào viễn cảnh ánh sáng, chỉ vào tính phức hợp của dị thục hay các phạm trù và ta sẽ ra khỏi nó bằng các hoạt động bây giờ và ở đây, chớ không phải là “ly cà phê đậm đặc trong bóng tối và các tòa đại điện trang nghiêm”, dụ cho các phạm trù và những chiêu bài ảo tượng ngập tràn đồ chúng. Chia sẻ với quan điểm này, Mighley, trong Dẫn luận tác phẩm mình, ông cho biết rằng, nhờ Phật giáo mà ông xét lịch sử tiến hóa của nhân loại như là tư cách của tôn giáo. Nói cách khác, tiến hóa, xét như là tính hóa tiến của một sát-na tâm. Trên mặt khác, tiến hóa là hóa thân của Pháp vậy.
“Khi loài người đã đạt đến một trạng thái kiên cố sinh thái học, có thể ở cuối thế kỷ 21 này, sự chuyển hóa thành cơ cấu nội tại (internalization) của tiến hóa xã hội sẽ được viên thành. Về sinh vật học thời điểm này, sẽ hiện hữu trong chớp đỉnh của nó với các khoa học xã hội thành thục một cách nhanh chóng... tri nhận sẽ được chuyển di trong lộ trình vồng. Tư và tạo sẽ được minh định như là sự cải hóa của các bộ phận loại biệt về cơ chế tri nhận được điều chỉnh bằng đầu vào từ các trung tâm tăng ích xúc cảm. Sau khi đã tháo bung khoa vật lý, khoa não bộ mới sẽ cung cấp một tập hợp những nguyên lý tối tiên cho khoa xã hội học... và, do vậy, mật mã chính xác toàn diện của đức lý cũng phải đợi chờ.”

TỰ DO VÀ RONG CHƠI

Tự do được ví như con chim đã thoát củi sổ lồng từ những nhà tù khái niệm và các cực đoan. “Ăn cơm, mặc áo, ở nhà Như Lai” có thể minh dụ cho những nguyên tắc cần thiết để tháo bung lồng củi tù túng và chật hẹp của đời thường và tới hạn của những cuộc đời siêu việt và, hướng bay của cánh chim bằng chính là những nguyên tắc cần thiết ấy. “Những nguyên lý cần thiết”, ta không nên tưởng tượng đến một vị Sư đáng tôn kính nào hay một vị bồ-tát xuất gia nào, bởi vì tự do là niềm hoài vọng của con người và cũng là “cái đang trở thành và duy trì yếu tính”. Tăng bảo trở lại với thế gian này không phải là một cứu chuộc, nó nói lên đức tính của một cá thể, nó nói lên vị trí dẫn đạo của các nguyên lý cần thiết cho một chúng sinh hoặc là cho toàn bộ chúng sinh. Tam bảo và “các nguyên lý cần thiết” là bản chất tự nhiên nhân quả của vũ trụ này. Quy y Tam bảo, nói cho cùng, chính là sự trở về cõi uyên mặc đích thực tự do của mình. Giá trị của Quy y là giá trị của tự do, chớ không là tự do tín ngưỡng. Ở đây, không có tín ngưỡng phổ biến mà mọi người phải noi theo, ở đây, chỉ có trí tuệ và lòng yêu thương. Bởi vì, sự khuyến tấn đi về cõi Phật, hay là cõi tự do, là chân lý bẩm sinh của chúng ta, Tam bảo là bản chất liên hệ trong chính chúng ta. Đặt Tam bảo lên vai, có nghĩa là đặt gánh nặng phiền ưu xuống. Đặt gánh nặng phiền ưu xuống là cánh chim thoát củi sổ lồng. Do vậy, Tam bảo là cánh cổng đầu tiên, xét như là khai lộ tính (the openness) cho những chân trời du hý. Điều này, là một phổ kiến chính xác của mỗi chúng sinh và, có phải ta vẫn luôn mơ ước rằng, cả pháp giới này vốn sẽ là viễn cảnh của Quy y Tam bảo chăng? Có phải ta từng mơ ước rằng, toàn bộ chúng sinh ai cũng được tự do chăng? Và ai ai cũng là một chúng sinh niệm Phật? Nếu không phải như vậy, thì ta phải luôn quan niệm rằng, thế gian này là một trường ác nghiệt, thế gian này là một trường hủy diệt lẫn nhau và ta cũng thế. Quy y, không cần đến một kiến trù lâm nào cả, chỉ thuần là các hột giống lành. Hột giống lành sanh quả tự do, hột giống ác đưa vào 3 cõi 6 đường. Tự do qua giới hạnh và trong bản hoài giải thoát cho tất cả. Bởi vì, khi tư duy trên Tam bảo đã thành, có nghĩa là ta đang tư duy trên thể tính của mình, là một lần rũ bỏ mái tóc “bồng” của vô minh, từng che nhật nguyệt. Hãy tưởng tượng, những ai đang đi trên những con đường mà, theo Heidegger, “là các cương giới đã hoàn thành”, thì họ chính là những người tự do đích thực. Lúc này, mật mã của những đức hạnh sẽ chẳng phải cất công chờ đợi. Đại sư Ấn Thuận dạy rằng, niềm thiết tha Quy y Tam bảo, như người bị ngụp lặn giữa biển khơi, họ trông chờ khẩn thiết một chiếc bè cứu độ. Tam bảo là chiếc bè đưa ta ra khỏi dòng sông ái nghiệp và, tự do. Do vậy và thật vậy, bất cứ luận bản vĩ đại nào của riêng Phật giáo, các luận sư, trước hết, hoặc là Quy y Phật, hoặc là kính lễ Bồ-tát, hoặc là Quy y Tam bảo. Việc này, cho ta biết rằng lễ kính là nền tảng của đức trí. Tam bảo, như ta nói, là cương giới đã hoàn thành của vũ trụ này. Không tin, bạn hãy Quy y Tam bảo đi! Tự do. Giáo pháp Phật, tồn tại trong Quy y. “Khoa não bộ mới sẽ cung cấp một tập hợp những nguyên lý tối tiên cho khoa xã hội học”.
“Trong đức lý của tri thức, nó là sự chọn lựa của một giá trị chủ yếu và giá trị này là nền tảng thù thắng. Nhờ thế mà, trí đức, về mặt cơ bản khác hẳn với đức lý theo thuyết vật linh, mọi yêu cầu của thuyết vật linh là được sở y trên ‘tri thức’ tôn giáo ‘Chúa ở khắp mọi nơi’ hay là các luật lệ ‘tự nhiên’ có nhiệm vụ áp đặt chính chúng lên con người. Đức trí không áp đặt tự thân mình lên con người; trong chiều hướng trái ngược này, chính anh ấy là người đặt nó trên bản thân mình, tạo nó thành điều kiện minh nhiên cho mọi diễn ngôn và mọi hành vi.”  

Pháp Hiền cư sỹ(còn nữa)
[Tập san Pháp Luân - số 50, tr.56, 2007]