Thân trung ấm là gì?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mạng sống con người tồn tại trong một hơi thở, chỉ cần hơi thở ra mà không thở vào thì người ấy đã trở thành người thiên cổ.

Vấn đề sống và chết là đề tài xưa nay được mọi người quan tâm băn khoăn lo lắng. Vậy làm sao ta biết chết sẽ đi về đâu? và có đời sống như thế nào trong giai đoạn linh thức vừa rời khỏi xác? Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta thử xem qua giai đoạn chuyển thức của thân trung ấm là gì?

Thân trung ấm (bardo/ intermediate) còn gọi là trung uẩn hay trung hữu. Ấm hay uẩn tức là chỉ ngũ ấm hay ngũ uẩn, là năm yếu tố sắc thọ tưởng hành thức, tổ hợp nên chúng sanh trong tam giới1. Chúng ta có thể hiểu nôm na là sự sống sau khi chết, trước khi thần thức của con người đi tái sinh vào nơi mà mình có thể khế hiệp với nghiệp của mình trong sáu cõi2.

Thân trung ấm nếu có phước báo thì lấy hương thơm làm thức ăn để bồi dưỡng, còn thân trung ấm không có phước báo thì lấy mùi xú uế làm thức ăn.

Thân trung ấm không có xác thịt mà chỉ lấy tư tưởng làm thân. Thân trung ấm đều có thần thông, nó có thể trông thấy những gì mà mắt thường của chúng ta không nhìn thấy được.

* Thân trung ấm kéo dài bao lâu trước  khi đi tái sinh?

Có rất nhiều thuyết giải thích khác nhau:

Một người sau khi chết, thần thức của họ thoát ra khỏi xác và sẽ trụ lại ở thế giới trung gian này một thời gian có thể là một ngày, ba ngày, bốn ngày, bảy ngày, hai mươi mốt ngày, có khi đến bốn mươi chín ngày; sau đó thân trung ấm sẽ tìm một nơi thích hợp với nghiệp lực của mình mà tái sinh.

Theo Đại Tỳ Bà Sa Luận:

“Người mất trong khoảng bốn mươi chín ngày là thân trung ấm”.

Vì trong thời gian ở lại với cõi Trung ấm này, thần thức của họ vẫn còn tính con người, họ đã về nhà và cũng muốn sinh hoạt với mọi người trong gia đình, thế nhưng những điều họ muốn không ai có thể đáp lại lời mong cầu của họ. Mãi đến khi họ muốn hiện hình trong tấm gương hay nắm lấy một vật gì thì giờ đây họ biết mình không còn tồn tại ở thế gian này nữa.

Trong thời gian này, thân trung ấm nếu chưa tìm thấy được nơi mình tái sinh thì nó sẽ chết đi và sống lại sau bảy ngày, sau đó thần thức sẽ chuyển qua một thân trung ấm khác, chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại cho tới khi thần thức đi tái sinh.

Giờ đây đối với họ chỉ là bản tình ca du dương trong cuộc đời, họ hồi tưởng lại những việc thiện, việc ác của mình đã làm. Nếu vong linh đã từng tạo các phước đức, tu tập tâm linh thì có những cảm giác an lành, thanh thản và sẽ dễ tìm đường tái sinh cõi lành. Ngược lại, vong linh sinh thời từng làm việc ác, sống một đời sống bỏn xẻn, gây tội ngũ nghịch3,… thì luôn bị hình ảnh khổ đau, sợ hãi và sẽ tái sinh vào ba đường ác4.

* Thân trung ấm có thể thay đổi nơi thọ sinh hay không?

Phàm còn là chúng sanh trong cõi dục, cõi sắc, tạo nghiệp thiện hay nghiệp ác, sau khi chết được siêu thoát hay trầm luân, các chúng sanh ấy đều phải trải qua giai đoạn thân trung ấm. Khi nhân duyên chín muồi thì lập tức nó sẽ dùng phương thức đầu thai hay hóa sinh để xác định nơi mà nó sẽ sinh vào.

Tuy nhiên không phải ai cũng trải qua giai đoạn thân trung ấm cả: như một số người tu tập chứng ngộ hay sống một đời sống phạm hạnh, lợi lạc, và những người thường huỷ báng Tam bảo có tâm tà kiến thì sau khi mạng chung họ lập tức tái sinh vào đúng nghiệp lực của mình. Căn cứ vào Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 8 nói:

“Chúng sanh trong cõi dục, cõi sắc đều có thân trung ấm; chỉ có chúng sinh bậc thượng thiện, sau khi chết lập tức vãng sanh về Tịnh độ hay cõi lành, và hạng cực ác đọa thẳng vào địa ngục hay ngạ quỉ, là không có thân trung ấm. Theo nghiệp cảm nói, chỉ có chúng sinh hạng cực ác, tạo tội ngũ nghịch mới không có thân trung ấm.”

Khi Phật còn tại thế, có một vị thầy Tỳ kheo đắc Tứ thiền5 sinh tâm tăng thượng mạn cho rằng mình đã đắc quả A-la-hán nên không tinh tiến tu hành nữa. Đến lúc lâm chung, vị ấy thấy thân trung ấm trong Tứ thiền liền phát sinh tà kiến “không có Niết bàn, Phật đã dối gạt ta.” Vì khởi ác kiến sai lầm như vậy nên khi mất, thân trung ấm trong Tứ thiền liền hiện  thân trung ấm trong địa ngục A tỳ.
(Trích trong cuốn Tây Phương Hiệp Luận - Thích Trí Thông dịch tr.134).

Vậy trong khoảng thời gian sau khi vong linh vừa lâm chung,  hàng thân bằng quyến thuộc cần phải biết làm các việc thiện như: bố thí, phóng sanh, tạo tượng… nhằm trợ duyên cho vong linh được sinh về cảnh giới an lạc. Hay dùng Phật pháp để cứu độ thân trung ấm qua những lời kinh tiếng kệ của chư Tăng, đó là triệu thỉnh thân trung ấm đến nghe pháp, hóa giải oán kết, tiêu trừ phiền não, vãng sinh tịnh độ. Nếu như thân bằng quyến thuộc còn mang lòng oán hận, làm các việc ác như giết trâu bò, heo,… để cúng tế vong linh hay với mục đích khoái khẩu cho bản thân như đãi đằng yến tiệc thì việc đó không giúp ích gì cho vong linh mà còn gieo thêm nghiệp lực vào họ nữa.

Cho nên các Phật sự như thiết trai cúng dường Tam bảo, tạo phước bố thí để cầu nguyện chư Phật gia hộ nhằm siêu độ vong linh trong bốn mươi chín ngày đã được truyền lại cho đến ngày nay, trở thành một hình thái đặc thù trong tín ngưỡng Phật giáo.

Phương Viên.

1. Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.
2. Trời, Người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh.
3. Giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp Tăng.
4. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
5. Là trạng thái xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, không khổ không lạc, xả niệm  thanh tịnh. (Trung Bộ II)
[Tập san Pháp Luân - số 3]