Vị khách lữ hành

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mùa hạ, ngoài cái nắng chói chang kèm theo những cơn gió thoảng khô khốc làm rát da người của khí trời miền Trung. Sau giờ ngọ trai, theo quy củ an cư thiền môn, chư tôn đức chỉ tịnh để chiều có sức khỏe hành trì, tu tập. Còn tôi, vì mới đi học ở xa về, không biết do cái nắng của mùa hạ hay do sự tác động vô hình từ một nhân duyên tiềm ẩn nào đó tôi không thể ngủ được, trong tay cầm chiếc quạt giấy đi xung quanh chùa tìm một nơi để ngồi hóng mát.

Đang thơ thẩn đi dạo và miên man trong dòng suy nghĩ, chợt nhìn lên tôi thấy từ ngoài cổng chùa xuất hiện một người quần áo rách rưới đi vào. Trông người ấy dáng dấp tiều tụy như một người hành khất, nhưng ông ta lại có dáng vẻ ung dung, thảnh thơi và dễ mến. Lúc đó, tôi cũng hơi ngạc nhiên, chợt khởi lên suy nghĩ, vì sao đang buổi trưa thế này, lại có những người lữ hành đi lang thang rồi ghé vào chùa như thế nhỉ? Người hành khất đi thẳng đến bệ thờ đức mẹ Quán Thế Âm. Với dáng vẻ nghiêm trang thành kính, vị ấy đảnh lễ Ngài bảy lạy, đi nhiễu ba vòng, sau đó kính cẩn xá lui và tiến dần đến chỗ tôi đang ngồi.

Nguyên đa số những ngôi chùa miền quê, người ta thường tôn trí những tượng Phật hay Bồ-tát lộ thiên ở trước chánh điện, để tăng thêm chốn thánh thiện giải thoát, và tạo nên dáng vẻ từ bi qua hình tượng của chư Phật, hay những vị Bồ-tát để tạo duyên lành, giúp kẻ lữ hành trước khi vào thăm viếng cảnh chùa phải thành tâm trang nghiêm tỏ lòng cung kính.

Chùa tôi cũng tôn trí tượng lộ thiên. Với ánh mắt dịu hiền của đức Quán Thế Âm, với khuôn dáng từ dung của mẹ hiền, lại thêm tòa sen thanh khiết có hai dãy liễu rủ e ấp chan hòa với ánh nắng chói chang, tất cả những hình ảnh ấy như hòa quyện sống động, tạo nên một khoảng không mát rượi, làm dịu đi cơn nóng mùa hạ.

Vị ấy đến gần, nhìn tôi giây lát và chợt hỏi:

- Bạch thầy, sao chùa vắng lạnh thế này?

Câu hỏi làm cho tôi hơi ngạc nhiên. Theo sự quan sát, tôi thấy người này có cái gì là lạ cũng muốn xem thử, tôi đáp:

- Dạ thưa bác, chư Tăng đang chỉ tịnh.
- Sao lại thế nhỉ! Chúng sanh đang ngụp lặn trong bể khổ trầm luân, thế mà quý Thầy lại lãng phí, không trân trọng thời gian đang hiện hữu, lại học theo dòng chảy của người thế tục?
- Dạ, bác nói chi cháu không hiểu?
- Chúng sanh đang đau khổ sao mấy thầy lại đắm chìm trong ngủ nghỉ hết thế? Ai sẽ là người gương mẫu và hộ trì cho thiền môn đây?

Tôi nghĩ, chắc có lẽ ông cụ này ít tiếp xúc với khuôn phép thiền môn nên mới thốt ra những câu nói như vậy. Không biết ông ta sẽ còn nói gì nữa đây? Vì đa số những người mà tôi thường tiếp xúc trước đây, mỗi khi gặp họ thường đem lý Bát-nhã, Hoa nghiêm, Pháp bảo đàn v.v… ra nói làm cho mình cảm thấy khó chịu, chắc ông này cũng vậy đây. Nhưng cố nhẫn nại, tôi chậm rãi trả lời:

- Dạ, theo quy củ thiền môn trong mùa hạ, chúng Tăng phải thực thi những giờ giấc của chùa đề ra, vào lúc này là giờ chỉ tịnh, thưa bác!
- Thôi, tôi không nói nữa, hình như chú mới ở xa về phải không?
- Dạ, sao bác biết?
- Tôi nhìn chú hơi lạ nên tôi đoán vậy thôi. Có đúng không?
- Dạ, con mới đi học ở xa về.
- Tôi nhìn chú sao thấy có gì đó quen quen, như có nhân duyên với nhau thì phải. Đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với một vị tu sĩ, vị ấy nói.
- Sao thế hả bác? Cháu xin mời bác ngồi nghỉ cho khỏe.

Ông ta ngồi xuống và tâm sự:

- Chú biết không, người ta bảo tôi là người “ba pha”, tôi thường đi từ xóm này sang xóm nọ, từ làng này sang làng kia và tôi đã đi nhiều lắm.
- Vậy hả bác, chắc bác từng tiếp xúc với nhiều người và biết nhiều điều hay, bác có thể chỉ cho cháu biết được không?
- Tôi ít nói và không biết gì nhiều đâu, xin chú đừng cười. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên tôi gặp một người tu sĩ chịu ngồi xuống tiếp xúc gần gũi với kẻ rách rưới này.
- Sao bác lại nói vậy, ai cũng giống như ai mà.
- Chú nói sai rồi, mặc dù giáo lý đức Phật dạy con người bình đẳng trên Phật tính, nhưng trong cuộc sống điều ấy không có thể xảy ra. Như tôi đây, mỗi lần mới đi ngang qua họ đã lánh xa rồi huống chi là tiếp xúc gặp gỡ với họ. Điều thắc mắc và buồn nhất đối với tôi là cách cư xử của những vị tu sĩ, họ cứ cho rằng, mình tu là xả bỏ, là chia sẻ và xem đồng loại như anh em một nhà. Thế mà khi gặp tôi, họ đều tránh xa và không muốn gần gũi.
- Dạ không phải vậy đâu, bởi vì công tác Phật sự của quý thầy đa đoan nên ít có thời gian để gần gũi tiếp xúc với tín đồ, trái lại bác thử nghĩ xem, nếu ai cũng tiếp xúc và nói chuyện thì còn thời gian đâu nữa để tu tập.
- Không phải thế đâu chú ơi, chính tôi thấy các vị ấy có thời gian ngồi tán gẫu với nhau, đôi lúc dư thời gian đi dạo vẩn vơ ngoài đường một mình nữa, thấy tôi họ liền tránh xa chứ đâu dám lại gần.
- Thưa bác...
- Thôi, tôi chỉ nói vậy thôi, nhưng không phải trong số đó tất cả mọi người đều như thế cả, dù sao hôm nay tôi cũng may mắn được gặp và đã ngồi nói chuyện với chú. Cảm ơn chú.

Trong đầu óc tôi luôn miên man suy nghĩ điều gì đó, và giây lát, ông già nói tiếp.

- Chú biết không, người đời họ gán cho tôi cái tên “ba pha”, nhưng họ đâu biết rằng họ còn hơn thế nữa, tôi “ba pha” nhưng tôi biết luân thường đạo lý, biết chánh tà, biết tốt xấu, còn họ thì lại khác. Họ sống trong sự giả dối gian tà, cuồng vọng đam mê. Họ sống trong vòng xoáy nào là hận thù chém giết, nào là tham lận mẹo mưu, cứ quay cuồng quay cuồng ngược xuôi trong xiềng xích đau khổ. Nhiều lúc nghĩ cũng buồn lắm chú à, nhưng sau nghĩ lại, tôi cám ơn họ rất nhiều vì chính họ đã tách tôi ra khỏi cuộc đời, nhờ đó giúp tôi thấy rõ bộ mặt thật của con người, thấy sự giả dối và mầm mống khổ đau đang dồn chứa trong tấm thân giả tạo này.

Ông ta trầm ngâm giây phút rồi nói tiếp:

- Nhiều lúc tôi buồn lắm chú à! Sao cuộc đời trớ trêu phủ phàng làm sao? Tôi muốn sống một cuộc sống an nhàn, dù là kẻ ăn xin đi nữa, tôi vẫn xem trọng luân thường đạo lý, nhưng người ta lại không chấp nhận, chân lý biến đâu mất rồi, tình thương của con người biến đâu mất rồi, sao họ không quay về để vun bồi tình thương, tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho người ngay hiện tại.
- Dạ thưa bác, theo cháu nghĩ, không phải ai cũng đủ phước duyên suy nghĩ như bác thế đâu. Tuy người ta cho bác là người “ba pha”, nhưng bác vẫn còn có điều gì đó rất cao quý và rất hay, bác biết cuộc đời là trái ngang, là giả dối, nhưng bác lại sống với nó một cách vui vẻ và chấp nhận, điều đó chính cuộc đời đã tạo cho bác tỉnh thức hơn mọi người, âu đó cũng là niềm vui và cũng là phước đức của bác đã gây tạo từ vô lượng kiếp.
- Tôi chỉ là một thằng khùng thì làm sao gọi là người có phước được.

Ông ta mỉm cười, tôi thấy ẩn hiện đằng sau dáng vẻ hành khất đó có một khuôn mặt thật hiền từ làm sao? Cái mỉm cười ấy như làm vơi tan đi bao muộn phiền của thế sự, như chứa đựng cái gì đó rất dễ gần gũi và thân thương. Trong tôi giờ đây không còn cái khó chịu đối với cơn nóng mùa hè, trước mắt tôi không còn là một người rách rưới nữa, mà đó là một vị khách lữ hành đầy lòng tri ân và là người thiện tri thức khả kính. Ông ta nhìn tôi và hỏi:

- Chú đang nghĩ về tôi phải không? Chú thấy tôi kỳ cục lắm phải không? Tôi không có gì phải nói đâu, tôi chỉ thấy hơi kỳ kỳ và lạ lạ, tôi đã vào đây để đảnh lễ ngài Quán Âm và tình cờ hội ngộ với chú thôi. Tôi chỉ có một điều khuyên chú trước lúc tôi rời khỏi đây, trên đường tu chướng ngại sẽ luôn hiện hữu vây quanh, chú hãy cố tự lo liệu chuyển hóa và làm chủ chính mình; nếu trong khi tu tập gặp ma chướng, chú nhớ niệm ngài Quán Âm để Ngài gia hộ cho; tôi hy vọng rằng với nhân duyên gặp gỡ hôm nay, một ngày không xa, tôi sẽ gặp lại chú trên lộ trình tu hành mình. Tôi sẽ rời khỏi nơi đây và tiếp tục cuộc đời hành khất. Chú nhớ lời tôi khuyên nhé.

Ông ta kính cẩn chắp tay xá chào tôi rồi từ từ tiến đến tượng Bồ-tát, hai cánh tay nhẹ nhàng lạy xuống như uống từng hơi thở của pháp lạc với lòng thành kính vô biên. Ông ta đảnh lễ ba lạy rồi ra đi, vẫn trong phong thái ung dung như trước. Ra đi, ra đi... tôi ngỡ ngàng như vừa trải qua cơn mộng. Ông ta đi rồi mà tôi vẫn còn miên man trong suy nghĩ, sao thế nhỉ, sao có chuyện trùng lặp trong tư tưởng và có nhiều khúc mắc thế nhỉ, chẳng lẽ là người đến thử ta hay sao? Tôi thấy có cái gì đó mà mình còn thiếu. Mỗi lời ông ta nói khắc sâu trong lòng và thấm trong từng ý nghĩ, từng thớ thịt của tôi. Một lời nói thật là đúng lúc và đúng hoàn cảnh, những gì mình hụt hẫng như đứa con lạc lối bao năm mới trở về, giờ đây như đã tìm lại được ngọn nguồn ý thức và hành động của tuệ giác, lời nhắc nhở như là vị thuốc đắng nhưng ngọt ngào thắm thiết làm sao!

Mặc dù ông ta đã đi xa nhưng thanh âm vẫn còn vang vọng trong trong không gian. Tôi lững thững đi vào chùa, cũng vừa đúng lúc tiếng chuông báo thức của thầy trụ trì vang lên. Tiếng nói của người hành khất vẫn lưu lại cái gì đó như sợi giây vô hình, như gắn chặt trong cuộc sống của tôi. Mỗi lời nói, mỗi hành động và cử chỉ của ông ta làm cho tôi thấy phi thường và có cái gì khác người nên suy nghĩ rất nhiều. Cho đến bây giờ trải suốt trên lộ trình tu tập, tôi thấy có cái gì đó hơi đúng lời nói của ông già ngày trước. Thật sự trên lộ trình tu tập có rất nhiều chướng ngại và mỗi khi bị chướng ngại tôi sực nhớ lại lời vị hành khất dạy: “Nhớ nghe chú, hãy tỉnh tâm và làm chủ chính mình, hãy cầu nguyện mẹ Quán Thế Âm”. Tôi thì thầm trong tâm tưởng đức mẹ Quán Âm để nhớ lại lòng tri ân của vị khách vô tình hội ngộ đó và cố gắng thực thi phần nào lời dạy để đem lại thanh thản tâm hồn mình và có ý thức cẩn trọng nhiều hơn trong cuộc sống tu hành.

Giải bình

Câu chuyện của người viết ra đây rất gần gũi với đời sống thường nhật của chúng ta và thỉnh thoảng cũng xảy ra trong một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời. Có những lúc chúng ta vô tình, thờ ơ quên lãng đi cái thực tế đang hiện hữu xảy ra xung quanh mình. Cuộc sống là một phép mầu nhiệm, và mầu nhiệm hơn là chính bản thân chúng ta có nhận ra phép mầu nhiệm đó hay không? Hạnh phúc không tìm ở đâu xa mà ngay chính bản thân của mình, chính mình tạo dựng hạnh phúc, nhưng cũng chính mình tạo nên đau khổ. Cuộc đời đã đau khổ triền miên, những cái gì mình có thể làm được cho cuộc đời, cải đổi cuộc đời tươi đẹp hơn thì mình cứ làm, không nên chờ đợi. Vì mỗi khi bắt tay vào làm việc, khi tiếp xúc với nhiều người, chúng ta mới cảm thông và hiểu biết được con người thật của họ. Bởi vì cuộc sống chưa phải là hoàn hảo tuyệt đối, con người chưa phải là một thánh nhân toàn mỹ, nên mọi việc xảy ra ngay trần thế này chúng ta đều có cơ hội để học hỏi. Chúng ta hãy trân trọng những gì đang có và sẽ có, đừng bỏ lỡ thời gian chạy theo những mộng tưởng điên cuồng hay đắm chìm trong lợi dưỡng làm mất đi tinh thần giác ngộ của chính mình. Hãy mở rộng vòng tay thương yêu, hãy ban trải tâm hồn trong sáng như dòng suối mát ngọt ngào tưới rọi vào trong tâm hồn của mỗi người. Không phải chỉ người học Phật mới có tinh thần như vậy mà bất cứ ai cũng có tinh thần thương yêu tương thân tương ái, sống là biết đủ, sống là biết nhìn nhận bằng con mắt từ bi. Đừng vì một chút vô tâm gây nên sầu muộn đau khổ cho bao người, bao loài vật. Có như vậy chúng ta sẽ thấy cuộc sống thật là hạnh phúc và dễ gần gũi biết bao:

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dây
Ta có thêm ngày nữa để thương yêu.

Đạo Tín.
[Tập san Pháp Luân - số 1, tr.37]