Visākhā - nữ Phật tử điển hình trong lịch sử Phật giáo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Có những kiếp người trôi qua trong vô vị, để rồi khi mất đi nó theo dòng chảy của thời gian trôi  vào quên lãng, không còn ai biết đến. Nhưng lại có những kiếp người cho dù họ đã mất đi nhưng tên tuổi của họ được sử sách lưu danh muôn thuở.

Cuộc đời của nàng Visàkhà là một trong những kiếp người đẹp như thế. Sống giữa cuộc đời muôn màu muôn vẻ, những ước mơ về giàu sang, sắc đẹp, danh vọng, đức hạnh, tài năng, hạnh phúc v.v… luôn là ước mơ muôn thuở của loài người. Nàng Visàkhà là một người hội đủ tất cả những điều cao đẹp như vậy. Nàng không chỉ là một người giàu sang, có sắc đẹp, tài năng, đức hạnh, có danh tiếng, có gia đình hạnh phúc được mọi người yêu kính v.v... mà nàng còn là một nữ tín chủ trung kiên, một nữ đại hộ pháp trong thời đức Phật.

1. Sự giàu sang của nàng Visàkhà.

“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.

Đây là triết lý rất sâu sắc được cổ nhân ta đúc kết qua kinh nghiệm cuộc sống. Thế thường bố mẹ được giàu sang danh vọng thì những đứa con mình dễ sanh ra tự cao ngã mạn không chịu khó, chịu nhọc để làm ăn, cứ chơi bời hưởng thụ, phá sạch dần những của cải của cha mẹ, để rồi đến đời cháu thứ ba không còn giàu sang nữa. Ngược lại, đời cha mẹ nghèo khổ nhưng nếu họ chịu khó làm ăn, đến đời con sẽ được khá dần lên và đến đời cháu có thể họ được giàu sang hoặc không còn khó khổ nữa.

Nàng Visàkhà là trường hợp ngoại lệ, không những dòng họ nàng giàu sang đến ba đời, mà đời con nàng cũng giàu sang. Ông nội nàng là đại phú hộ Mendaka, bố mẹ nàng là triệu phú Dhananjaya, cha mẹ chồng cũng là những vị giàu có dòng Bà-la-môn cao quí… Thừa hưởng gia tài của hai bên nội ngoại, cộng với tài năng, đức hạnh và sự quản lý giỏi dang của mình, nàng Visàkhà đã trở thành một trong những người giàu có bậc nhất ở vương thành Sàvàtthi (Xá-vệ).

Chỉ cần nhìn chiếc áo hôm nàng mặc về nhà chồng, ta cũng đủ thấy sự giàu sang tột bậc của nàng. Giá trị của chiếc áo ấy thật khó có người mua nổi, số tiền để mua chiếc áo này nàng đã qui ra để mua một khu đất rộng lớn và xây một đại tinh xá tuyệt đẹp tên Pubbàràma cúng dường đức Phật và chư Tăng.

Hay xét đến của hồi môn mà bố mẹ nàng đã tặng nàng lúc xuất giá theo chồng, ta cũng thấy sự giàu sang tột bậc của nàng lúc bấy giờ: “Của hồi môn thì bá hộ Dhananjaya đã tặng cho con gái mang về nhà chồng nhiều trăm cổ xe chứa đầy tơ lụa, vàng bạc châu báu và cả nô bộc. Ông cũng chia của bất động sản cho ái nữ với hơn chục ngàn trâu bò, dê cừu, thậm chí đến đám mục đồng chăn giữ gia súc ông gởi đi luôn v.v…”.

Ấn Độ ngày xưa dĩ nhiên không giàu có, trù phú, văn minh như bây giờ, nhưng chỉ cần hai điểm ấy ta cũng thấy được rằng ngoài vua chúa ra ít ai có một gia sản to lớn như vậy.

2. Sắc đẹp và sức khỏe.

Nàng Visàkhà không chỉ có một gia sản giàu có như thế, nàng còn có một sức khỏe và sắc đẹp thiên phú. Sắc đẹp, giàu sang, sức khỏe v.v… mà nàng có là nhờ vào thiện nghiệp nàng đã gieo trồng từ trong tiền kiếp. Ngày lên xe hoa với sắc đẹp lộng lẫy của mình, nàng đã làm rung động hàng vạn con tim ở thành Sàvàtthi, khi họ được chiêm ngưỡng nàng lên xe hoa trong ngày xuất giá: “Với nét đẹp trầm tĩnh, kiều diễm, nàng đứng trên xe hoa, diễu hành qua các đường phố trong kinh thành Sàvàtthi như một công chúa đăng quang.”

Tiêu chuẩn về năm vẻ đẹp của người con gái thời xưa là: tóc, da, xương, dáng vóc và tuổi trẻ, những tiêu chuẩn này nàng Visàkhà đã có đầy đủ, điều ấy được ngài Narada miêu tả trong cuốn Đức Phật và Phật pháp như sau: “Nàng Visàkhà có sức mạnh như người đàn ông và rất mỹ miều duyên dáng từ thuở tuổi còn thơ. Tóc nàng tựa như đuôi công và khi xả bỏ ra dài tới lai áo rồi cuộn trở lên. Môi nàng tự nhiên đỏ hồng và rất dịu dàng. Răng trắng như ngà, khít khao đều đặn và sáng ngời như hàng ngọc, da nàng mịn màng như cánh hoa sen v.v…”

Sự giàu sang và sắc đẹp sẽ bị tàn phá nếu ta mang một thân hình ốm yếu và đầy bệnh hoạn. Phước báo của nàng Visàkhà đã tạo được khá toàn hảo trong nhiều đời để hôm nay không những đẹp, giàu sang mà còn có một sức khỏe tuyệt vời: “Thuở sinh thời Visàkhà khỏe mạnh như một con voi con, nàng có thể làm việc liền tay cả ngày mà không biết mệt. Chương trình sinh hoạt thường nhật của nàng không có vấn đề nghỉ ngơi. Nàng sắp xếp công tác gia đình một cách quân bình và thứ tự, phối hợp với những thì giờ đến chùa cúng dường, nghe kinh và tu tập”. Sắc đẹp và sức khỏe ấy không chỉ hiện diện ở tuổi  xuân thì, mà đến tuổi về già nàng vẫn còn đẹp và khỏe, điều này được Túc Sanh truyện miêu tả rất rõ: “Visàkhà đã sống trên 120 tuổi với một sắc đẹp và sức khỏe phi thường. Suốt thời niên thiếu, thanh niên, trung niên, lão niên và đại trường thọ, người đàn bà đại phúc ấy đã luôn luôn có một sắc diện và thân thể như cô gái 16 tuổi xuân thì.”

3. Tài năng và sự thông minh.

Thừa hưởng một gia tài giàu có, đồ sộ như thế, nếu nàng Visàkhà không có tài năng và sự thông minh để quán xuyến thì sự nghiệp gia sản đã tan thành mây khói. Hơn thế nữa, nàng có diễm phúc làm mẹ mười người con trai và mười người con gái, bằng tài năng và sự giáo dục của mình mà tất cả các con nàng đều ngoan hiền và hiếu thảo. Những điều ấy đã là những minh chứng hùng hồn cho tài năng và sự thông minh của nàng.

“Ví thử cuộc đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt há hơn ai?”.

Cuộc đời của nàng Visàkhà cũng gặp những khó khăn và trắc trở, thế nhưng nàng đều vượt qua một cách êm đẹp, điều ấy càng khẳng định được tài năng và sự thông minh của nàng. Một trong những khó khăn lớn mà nàng gặp là sự bất đồng về tôn giáo giữa nàng dâu với bố chồng. Bố chồng của nàng là Migàra, vốn là một tín đồ nhiệt thành của đạo khổ hạnh lõa thể, còn nàng Visàkhà là đệ tử thuần thành của đức Phật. Không chỉ bản thân ông theo ngoại đạo, tôn thờ ba huynh đệ giáo chủ đạo ấy, mà còn bắt buộc nàng dâu của mình phải hầu hạ và cung kính mấy vị tôn sư khổ hạnh không mặc quần áo này. Bằng tài năng, đức hạnh và sự thông minh của mình, nàng đã khôn khéo phản ứng và cảm hóa dần dần bố chồng của mình về với Chánh pháp, quy y với đức Phật.

4. Tình thương và đức hạnh.

Những nhân cách tuyệt vời của nàng Visàkhà được hoàn thiện và vẹn toàn qua hai yếu tố này. Tình thương và đức hạnh mà nàng Visàkhà có được ấy, ắt hẳn là nàng đã huân tập trong nhiều kiếp, nhờ vậy mà khi lên bảy tuổi, nàng có đại nhân duyên được diện kiến và đảnh lễ cúng dường đức Phật, nghe pháp và chứng được sơ quả Tu-đà-hoàn: Nhân một lần được tin đức Phật đến viếng Bhaddiya, quê hương nàng, ông ngoại nàng đã cho phép nàng cùng đoàn tùy tùng đến đón đức Phật. Khi đến nơi, nàng đảnh lễ đức Phật rồi cung kính ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn lấy làm đẹp ý khi thấy tư cách phong nhã lễ độ của nàng. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng tinh thần nàng Visàkhà đã đến mức tiến bộ khá cao. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, nàng đắc quả Tu-đà-hoàn. Đức hạnh, đoan trang cũng như tài năng ứng khẩu tuyệt vời của nàng thể hiện rất rõ trong lúc lúc nàng gặp mưa: Năm lên 15 tuổi nàng cùng các thị nữ đang dạo chơi thì bỗng một cơn mưa to từ xa kéo đến, các tỳ nữ đều lật đật bỏ chạy vào tạm trú trong một căn nhà bỏ trống. Khác với các tỳ nữ của mình, nàng không vội vã hay hấp tấp mà chậm rãi khoan thai lần bước đi vào trú mưa. Cùng lúc ấy cũng có vài vị Bà-la-môn đang đi tìm một người phụ nữ có 5 vẻ đẹp cho vị công tử của mình, thấy được cảnh tượng ấy họ rất ngạc nhiên hỏi nàng tại sao không chạy mau vào cho khỏi ướt. Nàng trả lời rằng, nàng có thể chạy nhanh hơn các người khác nhưng nàng không làm vậy và giải thích:

“Nếu có vị vua kia đang mặc sắc phục triều đình bỗng nhiên xăn áo quần lên hối hả chạy vào cung điện thì ắt không thích đáng. Một thớt ngự tượng đường bệ oai nghiêm, mình mang đầy trang sức mà không dõng dạc lần bước lại đâm đầu bỏ chạy ngoài đường thì cũng là một cảnh tượng trái mắt. Những nhà sư thanh nhã, khả kính cũng bị chỉ trích nếu các ngài chạy xốc hết y bát. Cũng thế ấy, người phụ nữ chạy ngoài đường như đàn ông thì sẽ mất hết nề nếp đoan trang phong nhã.”

Đức hạnh của nàng càng được tăng trưởng, mọi người kính mến khi tâm hồn nàng rộng mở thể hiện qua tình thương của nàng, tình thương này không giới hạn ở con người mà đến cả loài vật.

Một phước duyên lớn là nàng có được một người cha sáng suốt giàu tình thương dạy dỗ, đặc biệt là mười điều khuyên trước khi về nhà chồng, đến nỗi bố chồng nàng sau này hiểu ra hết sức nể phục. Chẳng hạn điều thứ năm có nghĩa là: phải giúp đỡ thân bằng quyến thuộc nghèo khổ dầu họ có trả lại hay không. Điều thứ bảy: trước khi ăn cơm phải coi đã dọn đầy đủ cho cha mẹ chồng chưa. Cũng phải coi chừng người làm trong nhà có được chăm sóc đầy đủ không. Hay điều thứ mười: cha mẹ chồng và chồng phải được tôn kính như những vị trời trong nhà, nên ghi nhận rằng đức Phật thường nhắc đến cha mẹ chồng như những vị trời trong nhà.

Ngày về nhà chồng, nàng được rất nhiều quà tặng, nàng đã đem tặng lại cho tất cả mọi người và đối xử với mọi người như chính thân bằng quyến thuộc của mình. Do thái độ cao quý ấy, ngay trong những ngày đầu tiên, tất cả mọi người bên nhà chồng đều phải kính mến nàng.

Chính tình thương và đức hạnh ấy mà nàng đã không trách người nữ tỳ của mình đã bỏ quên chiếc áo đẹp nhất của mình nhân một chuyến ghé tinh xá nghe pháp; trái lại nàng còn cảm ơn và chia phần công đức đến người nữ tỳ ấy, vì cô ta đã tạo cơ hội cho nàng kiến lập đại tinh xá tốt đẹp Pubbàràma để cúng dường đức Phật và chư Tăng.

Tình thương ấy còn trải rộng đến cả loài vật: “Hôm nọ, được biết con ngựa cái ở sau nhà sắp đẻ, nàng tức khắc cùng các nữ tỳ đốt đuốc ra tận chuồng ngựa và hết lòng chăm sóc ngựa cho đến khi nó đẻ xong mới đi ngủ.”

5. Sự hộ pháp của nàng Visàkhà.

Tên tuổi của nàng Visàkhà sẽ không được mọi người biết đến nếu như nàng chỉ có sự giàu sang, sắc đẹp, sống lâu, v.v… Sở dĩ tên tuổi nàng được lưu danh muôn thuở chính là nhờ vào sự hộ trì Chánh pháp đắc lực nhất trong hàng nữ giới.

Không chỉ gia đình bố mẹ nàng hộ trì Chánh pháp, mà nàng cũng cảm hóa cả bố mẹ chồng và chồng nàng, cùng các con mình quy y Chánh pháp, đặc biệt là sự cúng dường cho đức Phật và chư Tăng: “Bà Visàkhà để bát chư Tăng hằng ngày tại nhà. Trưa chiều bà thường đến chùa nghe pháp và xem các sư có cần dùng vật gì không. Suppyà, một bà tín nữ khác cũng có tâm đạo nhiệt thành cùng đi với bà.”

Không những nàng Visàkhà cúng dường mọi vật dụng cho chư Tăng, xây cất tịnh xá tuyệt đẹp Pubbàràma, mà nàng còn thỉnh nguyện lên đức Phật tám điều để hộ trì Chánh pháp.

- Dâng y đến chư Tăng trong mùa hạ cho đến khi bà chết.
- Để bát những vị đến thành Sàvathi.
- Để bát những vị rời thành Sàvathi.
- Dâng thực phẩm đến những vị sư đau ốm.
- Dâng thực phẩm đến những vị ra công chăm sóc các sư đau ốm.
- Dâng thuốc men đến những vị sư đau ốm.
- Dâng lúa mạch đến chư sư.
- Dâng y tắm đến chư Tỳ-kheo-ni.

Nhờ vào uy tín đức độ, tài năng, sự rộng lượng của nàng Visàkhà mà đức Phật và chư Tăng đã giao cho nàng làm rất nhiều Phật sự. Đôi khi nàng được đức Phật đề cử đi giải hòa những nỗi bất đồng giữa các Tỳ-kheo-ni, cũng có lúc nàng thỉnh đức Phật ban hành một vài giới cho chư Tỳ-kheo.

Đặc biệt nàng Visàkhà đã thưa thỉnh để đức Phật thuyết giảng nhiều bài kinh qua những câu hỏi của nàng như: Bài kinh nói về chất rượu từ đâu mà có; bài kinh liên quan tới giới bát quan trai; đến đời sống các vị Phạm thiên, hay nói về chín pháp lành: Một hôm nhân đức Phật rảnh, nàng Visàkhà thưa đức Phật rằng: “Nhờ vào đức hạnh gì, một nữ nhân được vào hàng thiên chúng có sắc đẹp nhất cõi trời?”. Nhân đây đức Phật đã thuyết bài kinh về chín pháp lành…

Trên đây là sơ lược về cuộc đời của nàng Visàkhà. Ngày nay, tuy hình bóng nàng Visàkhà không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa, thân xác nàng đã hòa quyện cùng cát bụi, nhưng thần thức nàng đã thăng hoa đến giải thoát (nàng đã chứng đắc quả vị Tu-đà-hoàn) và tên tuổi của nàng mãi được khắc ghi trong các kinh sách Phật giáo. Chiêm nghiệm về cuộc đời của một con người hoàn hảo trên mọi lĩnh vực như thế, một con người đầy đủ đức hạnh, giàu sang, tài năng, nổi danh và hạnh phúc… đặc biệt là những gì nàng đã cống hiến cho Chánh pháp, rất xứng đáng với mỹ danh: vị nữ Phật tử điển hình trong lịch sử Phật giáo. Một cuộc đời như thế quả là một tấm gương sáng ngời cho hàng Phật tử tại gia noi theo tu tập, để thăng hoa đời mình trên lộ trình đến bờ giác và để Chánh pháp được trường tồn trong cuộc đời đầy đau khổ này. Phải chăng cuộc đời tuyệt đẹp của nàng Visàkhà là một trong những duyên khởi để đức Phật thuyết câu kinh đầy ý nghĩa này:

“Nay sướng đời sau sướng,
Làm thiện hai đời sướng.
Người sướng, người sung sướng,
Với nghiệp thiện mình làm.”
(Kinh Pháp cú)

Trí Lộc.

Tư liệu tham khảo:
- Kinh Tăng Nhất A Hàm (HT. Thích Minh Châu dịch)
- Đức Phật và Phật pháp (Narada-Phạm Kim Khánh dịch)
- Đức Phật Lịch Sử (Shumann-Trần Phương Lan dịch)
- Sự tích nàng Visàkhà-vị Nữ đại Hộ pháp thời đức Phật (Nguyễn Điều)
- Tăng già thời đức Phật - TT. Thích Chơn Thiện.

[Tập san Pháp Luân - số 4]