Trang trí trong kiến trúc truyền thống

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Trong các công trình kiến trúc gỗ truyền thống tại Việt Nam, nhất là đối với các công tình mang yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu, v.v… thì mảng điêu khắc được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất tạo nên vẻ đẹp cho công trình. Hoa văn trang trí trong đó có họa tiết trang trí trong các công trình kiến trúc truyền thống, có thể coi là một di sản khổng lồ của ông cha ta để lại từ ngàn xưa, là hiện thân của cái đẹp, thẩm mỹ, tư tưởng, sự tài hoa khéo léo của ông cha ta qua từng thời kỳ. 

Bài viết giới thiệu khái quát về các hình tượng trang trí thường gặp trong kiến trúc cổ truyền thống từ Bắc tới Nam, mang đậm ảnh hưởng của Phật giáo và một số đạo khác như Đạo giáo, Nho giáo. 

1. Các hình tượng trang trí đơn lẻ 

Con rồng

Hình tượng con rồng xuất hiện rất sớm qua các truyền thuyết xa xưa trong tâm thức của mỗi người con đất Việt chúng ta. Trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, hình tượng con rồng được gìn giữ đến nay qua những di vật còn lại từ thời Lý. Trải qua từng thời kỳ, trang trí điêu khắc hình rồng đều mang những đặc điểm mỹ thuật khác nhau.

Theo quan niệm phong kiến, hình ảnh con rồng gắn liền với hình ảnh Thiên tử, tượng trưng cho uy quyền. Trong quan niệm dân gian, con rồng thể hiện cho tâm linh, biểu hiện ước mong mưa thuận gió hòa. Trang trí hình rồng được bát gặp ở hầu hết mọi nơi, trên bệ tháp, cấu kiện gỗ, bờ nóc, v.v…

(H1a, H1b)

Con lân

Được gọi đầy đủ là kỳ lân (bao gồm con đực và con cái theo cách gọi của người Trung Quốc), còn gọi là con ly và dân gian gọi là con sấu. Hình tượng con Lân được định hình từ thời Lý và phát triển cho đến suốt thời Nguyễn.

Kỳ lân là phát triển của long mã, biểu tượng cho sự kết hợp thời gian và không gian, cho sự tốt lành, cho mùa xuân và cho sự an bình. Trang trí thường gặp trên cấu kiện gỗ, thành bậc, tượng tròn, v.v… 

(H2)

Rùa 

Rùa làm bệ đỡ chân bia được lưu giữ đến nay được phát hiện từ một số di tích chùa thời Lý Trần. 

Hình tượng con rùa biểu trưng cho sự bền vững, trường tồn và bất diệt trong tư tưởng phong kiến cung đình và sự sống lâu, trường thọ trong quan niệm dân gian. Rùa cũng được coi là biểu trưng trường tồn trong Phật giáo. Thường thấy sử dụng như con vật đội bia,  đỡ hạc, trong cấu kiện gỗ (ít gặp trong kiến trúc Phật giáo).  

(H3)

Chim Phượng 

Hình tượng chim Phượng ít gặp trong điêu khắc Phật giáo. Hình chim Phượng trong trang trí kiến trúc còn thấy được là từ thời Lê và phát triển ở thời Nguyễn sau này.

Thường thì hình tượng chim Phượng không gắn nhiều với Phật giáo mà chỉ tượng trưng cho vũ trụ, cho tầng lớp trên, cho điềm lành (mỗi khi xuất hiện thì báo hiệu đất nước thái bình, phồn thịnh) và cho vẻ đẹp của nữ tính... Hình Phượng thường được chạm khắc trên cốn, thành bậc, đầu dư, đầu đao, trang trí lá đề, v.v...

 (H4)

Hoa sen 

Hình tượng hoa Sen là hình tượng quen thuộc và phổ biến trong điêu khắc dân gian. Không chỉ xuất hiện thành phần trang trí kiến trúc, ngay từ thời Lý có những công trình đã sử dụng hoa sen là biểu tượng kiến trúc như chùa Diên Hựu, đủ thấy hình tượng hoa sen được coi trọng thế nào trong tâm tưởng người Việt.

Hình tượng hoa sen biểu hiện cho sự trong sạch thanh cao, cho chữ Tâm, và là biểu tượng cho sự thanh tịnh, cho đặc tính nhân quả trong Phật giáo. Trong các công trình kiến trúc truyền thống, hình hoa sen thường gặp ở chạm khắc gỗ, đỉnh tháp, chân tảng, bệ tượng Phật, diềm bia, phù điêu.

 (H5)

Hoa cúc

Hình trang trí hoa cúc cũng được bắt gặp rất sớm trong các công trình kiến trúc. Từ thời Lý Trần, hoa cúc thường thể hiện với dạng dây lượn hình sin. Về sau thường gặp trong các đồ án phức hợp tứ quý (sẽ được đề cập ở phần sau) 

Lúc đầu hoa cúc phổ biến ở Trung Quốc với biểu trưng Ðạo giáo, về sau ảnh hưởng vào Phật giáo như một biểu tượng bình dị, thanh cao, kín đáo và lâu bền. Hoa cúc còn là biểu tượng của mùa thu, sự chung thủy của người nữ. Hình hoa cúc thường thấy trang trí tại các cấu kiện gỗ, diềm hoa văn, trên bia đá…

(H6)

Lá đề 

Hình tượng lá đề gắn liền với Phật Giáo. Các hiện vật lá đề còn lại cho đến nay là những trang trí hết sức tinh vi, đẹp đẽ từ thời Lý và sau đó là thời Trần.

Đức Thích-ca thiền định dưới cội Bồ-đề (phiên âm chữ Phạn, nghĩa là Giác ngộ đạo lý) và trở thành Phật. Do đó, trong Phật giáo, cây Bồ-đề biểu trưng cho sự đại giác của đức Phật. Hình Lá đề được sử dụng rất nhiều trong trang trí điêu khắc như vòm cửa chùa tháp, trang trí lá đề, ván bưng, trang trí diềm mái... 

(H7)

 Hình cá

Hình cá chép vượt vũ môn, cá hóa rồng là những hình tượng khá phổ biến ở nước ta (ảnh hưởng của Nho giáo). Trong điêu khắc, hình “cá hóa rồng” được thấy sớm nhất trong một số ngôi chùa cuối thời Trần.

Hình cá chép tượng trưng cho sự giàu có, phồn thịnh, mang lại phúc lành cho con người. Trang trí hình cá hay gặp trong trang trí cấu kiện gỗ cùng sóng nước trên các điêu khắc gỗ, trang trí trên cổng đình chùa. 

(H8)

Con trâu

Hình tượng trâu cũng xuất hiện từ thời nguyên thủy trong văn hóa Hòa Bình. Và hình tượng trâu còn thấy được ở kiến trúc Phật giáo sớm nhất bắt đầu từ thời Lý. 

Con trâu rất có ý nghĩa trong nhà Phật, thể hiện rõ nét nhất qua bức tranh “thập mục ngưu đồ” . Hình con trâu thường gặp trong chạm khắc tượng tròn, lan can đá, v.v… 

H9. Hình tượng con trâu lan can đá chùa Bút Tháp

Sư tử: 

Hình tượng sư tử là đề tài trang trí phổ biến ở thời Lý hơn các thời sau này.

Hình tượng sư tử biểu hiện sức mạnh tinh thần, nhà Phật thường lấy hình ảnh sư tử để tượng trưng cho chánh pháp, sư tử hí cầu nghĩa như vật bảo vệ giáo pháp. 

Có thể gặp tượng sư tử ở chùa Hương Lãng, bệ có 2 con sư tử đỡ ở chùa Bà Tấm. Các chòm lông và đuôi sư tử thường xoắn lại theo kiểu trôn ốc hoặc xoè ra. 

Con hổ

Nền văn hóa Ðông Sơn cách đây trên dưới 2500 năm đã xuất hiện rất nhiều tượng hổ. Các di vật sớm nhất thấy được là các di vật thời Trần.

Cũng như rồng, hổ là một biểu trưng của vương quyền. Trong tín ngưỡng của dân ta thì hổ tượng trưng cho vị thần bảo vệ, trấn giữ các phương chống lại mọi tà ma, đảm bảo cho cuộc sống phát triển. Hổ có mặt ở nhiều nơi như bệ đá tam bảo, chạm khắc trên cấu kiện gỗ, lối vào (thường thấy một bên thanh long và một bên bạch hổ) 

Nguồn: Tập san Pháp Luân 26, tr.41, 2006