Truy niệm nạn nhân sóng thần năm 2005

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Truy niệm nạn nhân sóng thần năm 2005 (Giáp thân) Pl.2548

Cung duy

Chư hương hồn tử nạn Sóng thần châu Á,

từ các nước Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Tích Lan, Ấn Độ, Miến Điện, châu Phi.

Trong những ngày mà cả nước Việt nam đang đón mừng một năm mới Dương lịch, đồng thời chuẩn bị kết thúc một năm cũ Âm lịch, trong khát vọng của từng cá nhân trước một tương lai hạnh phúc, bỗng nhiên thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người đổ ập đến trên một phần châu Á. Đau thương tang tóc này không chỉ riêng của một đất nước, một dân tộc nào, mà là khối khổ đau to lớn chung của cả nhân loại. Trong đau thương cùng cực này, không còn có chỗ cho hận thù dân tộc, phân biệt tôn giáo. Toàn thể Phật tử Việt nam, trong toàn thể cộng đồng các dân tộc trên đất Việt, thảy đều xao xuyến, bàng hoàng. Vết thương lịch sử này không chỉ cấu xé trong một vòng đai của thềm lục địaThái bình dương, mà từng trái tim tuy ở cách xa một quảng an toàn của tai họa vẫn cảm thấy bị hằn lên nhức nhối.

Thế giới Đông phương trầm mặc từ ngàn xưa. Trời Châu Á u linh, khi hiền hòa, khi khắc nghiệt. Thềm lục địa trải dài từ quần đảo Nam dương cho đến Tích Lan, từ thượng cổ, đã là đường giao thông nối liền hai nền văn minh tối cổ của nhân loại. Nơi đây đã chứng kiến biết bao thăng trầm theo quy luật thành, trụ, hoại, không của thế giới. Thiên tai, nhân họa, thường xuyên là những thử thách cực kỳ khốc liệt đối với những giá trị sinh tồn của nhân sinh. Trên đoạn đường giao thông hải đạo đó, đã in dấu chân của nhiều bậc cao Tăng Việt Nam trên bước vân du cầu pháp; hoặc hành tích của các Thánh Tăng Bồ-tát từ Ấn Độ sang Trung Hoa để hoằng dương Chánh pháp. Ngày nay, trong lớp trầm tích dưới lòng biển đã từng chôn vùi nhục thân các Bồ-tát sống và chết vì hạnh nguyện lợi tha, bây giờ lại một lần nữa ôm trọn vào cánh tay đại bi cả một khối lớn khổ đau vô tận của chúng sinh.  

Đất nước Việt Nam cũng đã trải qua bao thảm cảnh do bởi nhân họa, thiên tai trong suốt trường kỳ lịch sử. Nay trước tai ương khủng khiếp này, mong góp lại tất cả đau thương của dân tộc trong quá khứ hiện tại để chia sẻ đau khổ chung của đồng loại chúng sinh, nhưng chợt thấy bàn tay của mình quá bé nhỏ vì đất nước của mình còn nghèo. Nhưng một trái tim được hun đúc bởi tình nguyện, được giáo dưỡng bởi truyền thống từ bi của cha ông và thầy tổ, cho nên từng mỗi cá nhân Phật tử trong từng chúng hội, đạo tràng nhỏ bé, bằng khả năng tài vật và tâm nguyện bé bỏng của mình, nguyện góp một phần trong muôn một cùng với đại thể cộng đồng nhân loại xoa dịu nỗi thống khổ này, để từ trong đau khổ bởi hủy diệt mà đánh thức tâm từ vô lượng dập tắt ngọn lửa hận thù oan nghiệt vốn đã gieo rắc quá nhiều đau khổ cho nhân loại.

Trong giây phút trang nghiêm lắng đọng này, toàn thể các chúng Phật tử Quảng Hương Già lam chân thành cúi đầu mặc niệm trước linh đài của các hương hồn tử nạn. Trong các vị, hoặc có người là con dân của Thượng đế, hiến trọn của đời phụng sự Thiên Chúa, sống và chết phục tùng ý chí của Đấng Tối Cao; hoặc có người quy y Tam bảo, tin tưởng nghiệp báo luân hồi. Mỗi người, mỗi sắc dân, mỗi cộng đồng xã hội, theo từng tín ngưỡng riêng biệt để sống và chết theo từng định hướng khác nhau, nhưng trước sự thật của Khổ đau, trong sát na diệt vong, hết thảy thân xác đều bình đẳng dập vùi dưới lớp sóng cả, cùng bình đẳng chôn vùi trong cát bụi; và nước mắt của những người thân yêu còn sống sót đổ xuống đều chung vị mặn như nhau để hòa lẫn trong đại dương thống khổ. Những lời kinh cầu nguyện nơi đây phát xuất từ tâm nguyện Bồ-đề của những người tin Phật, dâng lên các đức Như Lai; nguyện cầu tâm nguyện chí thành này không bị bao bọc trong tự ngã nhỏ hẹp, ngăn cách giữa người với người bởi hàng rào tín ngưỡng, dân tộc, để cùng hòa tan trong tâm tư khát vọng chung của toàn thể nhân loại, cùng hồi hướng công đức của mỗi cá nhân trong từng hành vi và ý nghĩ, cầu nguyện những người đã chết, những con dân của Thượng đế được trở về Thiên giới trong tình yêu bao la của Thượng đế; những người tin Phật tái sinh vào các cảnh giới an lành, tinh tấn tu tập để cuối cùng chứng đắc đạo quả Niết-bàn. Cầu nguyện những người sống sót, những người già nua đơn chiếc, những trẻ nhỏ mất cha, mất mẹ, trở thành côi cút; cầu nguyện hết thảy nhanh chóng khắc phục và vượt qua thảm họa này, để cùng sống chung trong một thế giới chan đầy tình người, cùng xây dựng một thế giới bình an và hạnh phúc cho tất cả mọi loài.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát

Quảng Hương Già Lam, Pl. 2548
Ngày 29 Tháng 11, năm Giáp thân
(ngày 9 tháng Giêng 2005)
Trú Trì Thích Nguyên Giác

[Tập san Pháp Luân - số 10]