Tâm đầy uế nhiễm chớ mặc cà-sa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Khoác lên mình một biểu tượng, trong khi mình không xứng đáng để khoác biểu tượng ấy là một việc làm đáng chê trách.(QS)

Trong khi trú tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), đức Thế Tôn kể câu chuyện về Đề-bà-đạt-đa.

Chuyện xảy ra tại thành Vương-xá (Rājagaha). Một thời, bậc Tướng quân Chánh pháp (Xá-lợi-phất) cùng với năm trăm Tỳ-kheo sống tại tinh xá Trúc Lâm, còn Đề-bà-đạt-đa cùng với một nhóm người xấu xa giống ông sống ở Tượng Đầu sơn (Gayāsīsa).

Bấy giờ, dân chúng thành Vương-xá thường họp lại với nhau chung làm việc bố thí. Một thương nhân đến đó buôn bán, mang theo một tấm y vàng ướp hương thơm rất đẹp và xin phép được gia nhập vào hội chúng bố thí, rồi sau đó trao tấm y này cho hội chúng xem như là một sự đóng góp. Dân chúng thị thành tổ chức một buổi đại thí. Tất cả những phẩm vật tùy nguyện do hội chúng đóng góp đều được cúng dường hết, chỉ còn lại tấm y này. Dân chúng tập trung lại và nói:

- Chỉ còn lại tấm y ướp hương rất đẹp này, nên cúng dường cho ai đây - Tôn giả Xá-lợi-phất hay là Đề-bà-đạt-đa?

Một số người ủng hộ Tôn giả Xá-lợi-phất, nhưng một số khác lại nói:

- Tôn giả Xá-lợi-phất chỉ ở đây một vài ngày và sau đó tùy thời mà đi. Còn Đề-bà-đạt-đa luôn sống gần kinh thành chúng ta. Tôn giả là nơi nương tựa của chúng ta trong lúc may mắn cũng như rủi ro, vậy nên dâng cúng tấm y này cho Đề-bà-đạt-đa!

Họ đưa ra biểu quyết và những người biểu quyết cho Đề-bà-đạt-đa chiếm đa số, vì thế họ dâng tấm y cho Đề-bà-đạt-đa. Đề-bà-đạt-đa cắt may và nhuộm vàng, rồi sau đó đắp y ấy.

Bấy giờ, có ba mươi thầy Tỳ-kheo từ thành Xá-vệ đến đảnh lễ đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ xong, họ bạch lên Ngài tất cả sự việc này, rồi nói thêm:

- Bạch Thế Tôn, Đề-bà-đạt-đa khoác lên mình biểu tượng của một vị A-la-hán, trong khi ông ấy không xứng đáng như vậy.

Đức Thế Tôn nói:

- Này các Tỳ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên Đề-bà-đạt-đa khoác lên mình chiếc áo của một bậc Thánh, thực hiện một sự ăn mặc không thích đáng, mà đời trước, ông ta cũng đã từng làm như vậy.

Nói xong, đức Thế Tôn kể cho họ một câu chuyện đời quá khứ.

***

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua nước Ba-la-nại, Bồ-tát thọ sanh vào đời làm một chú voi sống ở vùng Tuyết Sơn, thủ lĩnh của một đàn voi tám mươi ngàn con sống trong một khu rừng.

Bấy giờ, có một người nghèo khó nọ sống ở Ba-la-nại. Ông ta nhìn thấy những người thợ làm ngà voi đang làm những chiếc vòng và các loại nữ trang tại tiệm làm ngà voi, bèn hỏi họ rằng họ có muốn mua những chiếc ngà voi hay không, nếu ông ta đem đến cho họ. Họ trả lời họ muốn mua.

Vì thế, ông ta mang vũ khí, khoác lên mình một chiếc cà sa, cột một dải vải quanh đầu, đội lốt hình thức một vị Bích-chi Phật, rồi đứng rình nơi con đường mà những con voi thường đi qua, dùng vũ khí giết chết một con và sau đó bán những chiếc ngà cho cửa hiệu ở Ba-la-nại. Ông ta kiếm sống bằng cách thức như vậy. Từ đó, ông ta thường ra tay giết lấy con voi đi cuối cùng của đàn voi do Bồ-tát làm chủ đàn. Ngày lại ngày, đàn voi càng trở nên ít đi. Vì thế, chúng đến hỏi Bồ-tát lý do tại sao số lượng đàn voi ngày càng hao mòn dần đi như vậy. Bồ-tát suy nghĩ: “Có một người giả dạng một vị Bích-chi Phật, thường đứng nơi con đường mà đàn voi đi qua. Phải chăng người này đã giết những con voi? Ta phải tìm hiểu manh mối mới được”. Vì thế một hôm, Bồ-tát để cho đàn voi đi trước còn mình đi theo sau cùng. Người kia nhìn thấy Bồ-tát, liền cầm vũ khí xông vào bắt. Bồ-tát xoay người đứng trụ, suy nghĩ: “Ta sẽ quật y xuống đất và giết chết y!” Nghĩ thế, Bồ-tát tung vòi của mình ra. Nhưng vào lúc ấy, Bồ-tát nhìn thấy chiếc y cà sa mà gã kia đang mặc, liền nghĩ: “Ta nên tỏ lòng tôn kính đối với chiếc y cà sa cao quý này!” Vì thế thu vòi lại, Bồ-tát hét lên:

- Này người kia! Chiếc y cà sa kia là biểu tượng của một bậc Thánh, nó không thích hợp với ngươi, sao ngươi lại mặc nó?

Rồi Bồ-tát đọc lên những dòng kệ này:

Nếu ai đầy uế nhiễm
Lại khoác áo cà sa
Không tự chế, bất tín
Không xứng mặc cà sa.
 

Người diệt trừ uế nhiễm
Đức hạnh, lòng thiết tha
Chế ngự dục, tin Pháp
Xứng đáng mặc cà sa.

Khiển trách người này như vậy xong, Bồ-tát bảo y đừng bao giờ đến đấy nữa, nếu không y sẽ mất mạng vì điều đó. Sau đó, Bồ-tát đuổi y đi.

***

Sau khi kết thúc pháp ngữ này, đức Thế Tôn nhận diện tiền thân:

- Thuở đó, Đề-bà-đạt-đa là người giết voi, còn Ta chính là con voi chủ đàn.

(Tiền thân Kāsāva, số 221, dịch từ bản tiếng Anh).

Lời bàn:

Khoác lên mình một biểu tượng, trong khi mình không xứng đáng để khoác biểu tượng ấy là một việc làm đáng chê trách. Trong một chừng mực nào đó, biểu tượng là vật được dùng để phản ánh chủ thể mang biểu tượng đó. Như khi Phật giáo dùng hoa sen làm biểu tượng cho tôn giáo của mình, vì nghĩ rằng hoa sen là một thứ hoa tượng trưng cho sự tinh khiết, sống trong bùn mà không bị ô nhiễm bởi bùn, dùng nó làm biểu tượng là muốn nói lên rằng Phật giáo cũng có những tính chất đó của hoa sen. Cũng như một vị tu sĩ, không phải chiếc áo của họ làm nên họ nhưng nó là biểu tượng phản ánh người đang mặc nó. Nếu người khoác lên mình một chiếc áo tu sĩ, trong khi mình không có những phẩm hạnh của một vị tu sĩ thì người đó đang tự đánh lừa mình và đánh lừa người khác. Ở lãnh vực thế gian cũng vậy: áo mão cử nhân, tiến sĩ được khoác lên một người là để chứng minh rằng người đó có được những kiến thức của một vị cử nhân, tiến sĩ. Nếu khoác lên mình biểu tượng đó trong khi mình không có đủ những kiến thức nhất định của một vị cử nhân, tiến sĩ thì người đó cũng đang dối mình, dối người.

Ở câu chuyện Tiền thân này, chúng ta có thể thấy được điều đó. Đề-bà-đạt-đa đã khoác lên mình chiếc áo cà sa - biểu tượng của một vị A-la-hán - một người có đủ giới đức phạm hạnh, nhưng trong khi bản thân ông không phải là một người đầy đủ phạm hạnh. Thế nên, đức Phật gọi đó là một sự ăn mặc không thích hợp. Cũng như gã thợ săn với tâm địa độc ác kia đã khoác lên mình chiếc y ca sa, biểu tượng của sự giải thoát, để đánh lừa kẻ khác.

Câu chuyện ngắn gọn, đọc lên có vẻ đơn giản, nhưng qua đó ta vẫn rút ra được một bài học bổ ích, đó là: hãy luôn luôn thành thật với chính mình và mọi người.

Quang Sơn.
[Tập san Pháp Luân - số 9]