Quách Tấn - lòng Đạo Quyền dâng trọn ý Thơ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Người dân Bình định vẫn gọi bốn nhà thơ: Chế Lan Viên, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan là “Bàn thành tứ hữu” hay “tứ linh” (long, lân, quy, phụng), trong đó Hàn Mặc Tử là rồng xanh, Chế Lan Viên là phụng hoàng, Quách Tấn là rùa, còn Yến Lan là kỳ lân. Trong số bốn thi sĩ ấy, ảnh hưởng về Phật giáo đối với Quách Tấn là khá rõ ràng. Trong bài viết này, chúng ta hãy thử tìm hiểu người thi sĩ được cho là “ngộ pháp” trong thơ Đường; và người từng được Phạm Công Thiện gọi là “kẻ nối dòng sư thi sĩ”.
 
Thi sĩ “Mùa cổ điển”

Quách Tấn (1910-1992), tự Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, sinh tại Bình Khê (Bình Định) nhưng sống và làm việc phần lớn cuộc đời ở Nha Trang, nên ngoài danh hiệu “tứ linh” trong “Bàn thành thi hữu”, người ta còn gọi ông là thi sĩ xứ Trầm hương. Có lần ông đã bộc bạch: “Gia đình tôi theo đạo Phật, và tôi chịu ảnh hưởng tư tưởng thiền trong Phật giáo.” Thật vậy, thơ ông ngay từ những tập đầu tiên từ Một tấm lòng, Mùa cổ điển cho đến Đọng bóng chiều và nhất là Mộng Ngân sơn đều thấm đẫm vị thiền.

Lặng lẽ cây sương trở gió ngàn
Trăng tà đôi giọt rụng lan can,
Chùa xa riêng cảm đêm thu quạnh
Vần kệ ngân đưa giấc mộng tàn.
(Giao cảm)

Những ngày quê hương chìm trong ly loạn chiến chinh, ông cũng cảm thán nhiều theo thời cuộc, cũng dằn vặt, trở trăn:
Non mấy trùng cao nước mấy trùng
Tình chung non nước mối thù chung

Nhưng, ông tự nhận xét: “Lòng mình từ trước đến giờ trải qua bao nhiêu chông gai sương nắng, vẫn không bị lôi cuốn theo trào lưu. Ảnh hưởng của thời đại không sao tránh khỏi, song vẫn không sâu đậm. Có thể nói rằng chỉ là cơn gió hay gió nồm thổi qua cây đa lâu đời, lá cành dù có rung rinh, cội rễ vẫn không hề lay chuyển. Chế độ cai trị, phong trào văn nghệ không chi phối tâm hồn mình, không biến chất thơ mình. Thời đại nào mình cũng vẫn là mình.” Chính vì thế, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể của thế sự, của lòng người, ông vẫn cứ sống trong một “mùa cổ điển” và lưu luyến những ngày sắp qua “đọng bóng chiều”. Ông khẳng định:
Phước duyên được thấy hoa đàm nở

Lòng đạo nguyền dâng trọn ý thơ.
Nói vậy nhưng ông vẫn băn khoăn: “Nghiệp văn chương mang nặng, không biết có cởi được để về cùng chánh pháp hay chăng?” Và cũng tự an ủi với 108 bài thơ trong Đọng bóng chiều gồm những bài làm từ 1941 đến 1958 như là xâu chuỗi bồ-đề 108 hột hay là 108 tiếng chuông từ đọt cây cao xuất phát như ý thơ Đào Tấn:
Bách bát chung thanh xuất thọ điên
Ngẫu tùy ngâm tiết khấu đàn duyên.
(Một trăm tám tiếng chuông từ đầu cây vọng ra, tình cờ theo khách phong nhã trong làng mao tiết đến gõ cửa nhà chùa).

Thi sĩ, giũ áo vào hư không

Quả vậy, ta thấy trong thơ ông những vang vọng của chuông chùa hôm sớm, của trăng nước bồi hồi, của tĩnh mịch thiên nhiên, của hư không bàng bạc:
Chùa ẩn non mây trắng
Bóng in hồ liễu xanh
Mai chiều chuông đã tạnh
Vòng sóng còn long lanh.
Hay là
Trăng lên đồi Trại Thủy
Chuông khua ngời âm ba
Bồi hồi mây khóa viện
Sân bồ-đề sương sa.
(Trại Thủy: nơi Phật học viện Nha Trang tọa lạc).
Để rồi người thi sĩ suy ngẫm và cảm thấy tâm hồn thanh thoát, vượt lên trên hệ lụy cuộc đời:
Cây chen đá chất chập chùng
Biển giăng dưới núi chùa lồng trong mây
Bụi đời không bận mảy may
Chút thân rộng tháng ngày dài thảnh thơi
Thậm chí có ai đó cất tiếng gọi đò cũng chỉ nghe vọng lại:
Đời nửa khói mây chìm bóng mộng
Gọi đò một tiếng lạnh hư không
Nghe như “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Không Lộ).
Đúng như nhà văn Triều Phương nhận xét: “Có thức tỉnh mới nhận chân được cuộc đời là vô thường, mới có cái tâm thức vô ngã và lòng nhà thơ đã đạt đến cõi an tịnh vĩnh hằng.”
Nhất là khi nhìn thấy:
Sông thu tan tạnh lòng sương sóng
In bóng chùa xa trăng nửa hiên.
Nhìn cảnh miếu Sinh Trung trên hồ Cù-đàm hay chùa Hải Đức trên sông Nha Trang mà nhà thơ đã cảm nhận khi lòng mình tĩnh tại tất cả ý vị của cuộc sống bởi lúc ấy ta đang sống trong chánh niệm. Nói như Thiền sư Nhất Hạnh: “Khi đi thiền hành dưới những cây mận, chúng ta có thể mỉm cười với những cành mận, với những lá cỏ, với những tiếng chim…
Bàn tay gió
dáng vẫy gọi
một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa kinh
(TS Nhất Hạnh, Trái tim của Bụt)
Nên có một ngày nhìn vỏ sò khô, Quách Tấn đã liên tưởng đến biển cả mênh mông, tâm hồn dấy lên nỗi nhớ thương da diết:
Ai đem em bỏ lên nguồn
Em xa biển cả có buồn chăng em?
Và đã cảm tác:
Vỏ sò khô ấp ủ
Niềm băng tuyết đêm sương
Muôn xa bờ bến cũ
Vang vọng sóng trùng dương.
Tiếng sóng biển ấy từ Nha Trang vọng về hay đúng hơn từ trong tiềm thức thẳm sâu, ông không sao phân biệt được, hệt như người nhìn giọt nước thấy cả đại dương hay nhìn chiếc lá mà nghĩ đến thời gian và sự sống.
Nói như Tuệ Sỹ: “Miếng vỏ sò lạc loài trên núi vẫn mang trong lòng bản chất tồn tại của nó một nỗi hoài hương tha thiết, nó mơ về những đợt sóng của trùng dương.”
Vì chính Quách Tấn thừa nhận là: “Có lẽ khi thiền định, trần cấu lắng hết, trí tuệ sinh ra, mình thấy sự rung chuyển của mọi vật chung quanh khi có một vật rung chuyển? Hay lòng thanh tịnh đã hòa đồng cùng vạn vật, nên một rung chuyển nhỏ nhẹ nhất cũng khiến cho lòng mình rung chuyển.”
Nên, khi tác giả nhìn thấy con cào cào nhảy, chợt cảm tác:
Nước ngậm trời long lanh
Con cào cào áo xanh
Bờ cao búng chân nhảy
Mây chiều thu rung rinh
Có ai hiểu là vì lòng tác giả đang hân hoan khi chế độ độc tài họ Ngô vừa bị lật đổ (1963), mừng Phật giáo qua rồi một mùa pháp nạn.
 Cứ thế, tác giả trải lòng rung động theo từng cơn gió sớm, từng đợt nắng chiều, bởi hiểu rằng:
Nghìn xưa không còn nữa
Nghìn sau rồi cũng không
Nên hãy lặng thinh mà ngắm, mà nghe trong chánh niệm:
Phảng phất bờ trăng rạng
Hương ưu đàm trổ bông
Cảm xúc thi nhân trước cuộc đời rộng mở, bao nhiêu hoa nở, bấy nhiêu hoa tàn, trăng lên rồi trăng xuống, theo nhịp tuần hoàn, theo lẽ vô thường, làm gì có ranh giới giữa sắc sắc không không, hư vô và diệu hữu. (Đây chính là bài thơ khắc vào mộ chí nhà thơ).
Và nhà thơ vào đời mở to đôi mắt, mở rộng con tim để ôm lấy sự sống chung quanh tràn đầy hương sắc âm thanh:
Sân lài hoa nở trắng
Tiếng dế dịu dàng sương
Thanh thanh lài nở ngọc
Trà ấm vị bình minh
…thương bướm bay tìm mộng
Hoa sứ vàng nở trưa.
“Nhà thơ của chúng ta vẫn là bóng dáng một lữ khách mùa thu của một thời đại quá khứ còn sót lại giữa những bước chân nhộn nhịp của chúng ta, những thanh niên trưởng thành trong thế kỷ 20…” (Tuệ Sỹ).
Ấy là hình ảnh của người thơ hiểu lẽ đạo tình đời:
Áo giũ ngày sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm nắng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
Nhà thơ của chúng ta bước đi có khi đi một mình với hình ảnh “Đêm tàn hàng xóm ngủ yên, Quán côi tỉnh rượu thân riêng lạnh lùng” (QT dịch thơ Lữ Đường - Đăng ám kỷ gia nhân chánh tịch, Tửu tình cô quán khách sơ hàn), có khi lắng nghe chút tình tri âm từ những người bạn một thời, có khi đi như một áng mây, lồng trong bóng núi, nói theo Tuệ sỹ: “Cuộc Lữ không chỉ duy một mặt là cuộc hành trình vô tận. Nhưng đó là những bước đi trên con đường Đạo-Chân thường vĩnh cửu….nhưng trong cuộc hành trình vô tận ấy nhà thơ có thể đạt tận cùng về bản chất lữ thứ của mình, vì trong tận cùng tâm sự vẫn là một nỗi hoài hương bao la”.
Hỏi tên rằng biển xanh đâu?
Thưa rằng ấy mộng ban đầu mà ra. (Bùi Giáng)
Hình ảnh quê hương vẫn còn đọng mãi trong ông, bình minh hay hoàng hôn, trên đồi Trại Thủy hay từ chùa Hải Đức hay từ bất cứ nơi nào trên thế gian này vẫn còn đó:
Mai chiều chuông đã tạnh
Vòng sóng còn long lanh.                                    
Vì cuối đời ông đã “thâm nhập kinh tạng”, thâm nhập cảnh giới Duy-ma:
Ngày qua chầm chậm vách kim thinh
Cảnh giới Duy-ma mình với mình
Hoa rải tờ thơ hương lành lạnh
Trăng cài nhánh mộng bóng xanh xanh.

Như thế đấy, sự im lặng, tịch mặc vô ngôn, của thiên nhiên có khi làm run sợ những bạo chúa hay dũng tướng tràn đầy khí phách anh hùng; nhưng cõi tịch mặc vô ngôn ấy lắm khi lại là chỗ đáng buồn chán cho những tâm hồn bạc nhược, hèn yếu. Cõi vô ngôn ấy là gì, ở đâu?
Đó là tiếng vọng trên âm vực tuyệt đối cao vút rung lên từ vực sâu thăm thẳm trong tận cùng đáy sâu của những tâm hồn thiết tha với sự sống, lẽ sống, v.v... Đó là tiếng rống sư tử của bậc Đại trí Văn-thù khi khám phá cảnh giới tịch mặc vô ngôn của Duy ma cật… (Tuệ Sỹ, Huyền thoại Duy-ma-cật).
Với cảnh giới ấy, Quách Tấn một khi đã “quăng gươm vào hố thẳm, giũ áo vào hư không” nhập Thiền và ta thấy thơ ông, nói như Trần Phong Giao, “khí vị Thiền lung linh, bàng bạc trong thơ”.
Chim chiều kêu trước giậu
Gối sách nhìn hư không
Phơi phới làn mây trắng
Bay qua ngọn ráng hồng

Để kết luận, xin mượn lời Phạm Công Thiện, người bạn vong niên của thi sĩ:
“Quách Tấn là một Phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những bài thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình… Ông xứng đáng là kẻ nối dòng của Không Lộ thiền sư, Vạn Hạnh thiền sư, Ngộ Ấn thiền sư và tất cả những thiền sư thi sĩ đã nuôi dưỡng linh hồn của cả một dân tộc...”
 Đúng như ông đã viết: “Lòng Đạo nguyền dâng trọn ý thơ”.

Nguyên Cẩn
[Tập san Pháp Luân số - 43, tr.67, 2007]