Các Tôn giáo bạn đã khai thác truyền hình như thế nào?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Nếu có trong tay một hệ thống thu trực tiếp truyền hình vệ tinh TVRO (thường được gọi là anten parabol), và không cần phải thu nhiều vệ tinh, chỉ với sóng của 1-2 vệ tinh trong số rất nhiều vệ tinh tập trung phủ sóng khu vực Nam Á, Đông Nam Á hoặc châu Á Thái Bình Dương… chúng ta cũng sẽ thấy được các tôn giáo bạn đã khai thác công nghệ truyền hình phục vụ cho các hoạt động tôn giáo như thế nào?

Qua các vệ tinh hoạt động trên khoảng không vũ trụ khu vực địa lý vừa nêu, có thể nhận thấy Hồi giáo là tôn giáo khai thác công nghệ truyền hình nhiều hơn cả. Sau đó, có thể kể đến Thiên Chúa giáo. Phật giáo đứng hàng thứ 5, sau Ấn Độ giáo và Tin Lành.

Tôn giáo là một nét lớn của bộ mặt văn hóa mỗi quốc gia. Do vậy, trong các chương trình truyền hình, sự xuất hiện của các yếu tố tôn giáo là chuyện bình thường. Xem các chương trình truyền hình Indonesia, Malaysia, Pakistan… rất thường gặp hình ảnh đền đài, tu sĩ, các cuộc hành lễ Hồi giáo… Nhưng, vấn đề chúng ta đang nghiên cứu là vấn đề khai thác, tức là một hoạt động chủ quan, hoàn toàn khác với sự xuất hiện các yếu tố tôn giáo một cách khách quan như vừa đề cập ở trên.

Các dạng thức khai thác Công nghệ truyền hình phục vụ hoạt động tôn giáo. 

Có 4 dạng thức chính: khai thác trọn vẹn một kênh truyền hình, khai thác một phần thời lượng trên các kênh truyền hình, khai thác các sản phẩm video và khai thác TV online.

Khai thác trọn vẹn một kênh truyền hình

Do giới hạn đương nhiên về kỹ thuật, chúng ta chỉ có thể khảo sát vấn đề qua hệ thống truyền hình vệ tinh (1). Khảo sát các kênh truyền hình vệ tinh trong phạm vi từ kinh độ 600 E đến 1800 E, tức là các kênh phát xuống châu Á và Thái Bình Dương, thu được trên lãnh thổ Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 số lượng kênh truyền hình trên thế giới, có thể thấy rằng tôn giáo là một dạng kênh truyền hình vệ tinh phổ biến (bên cạnh các kênh quốc gia, thương mại dịch vụ quảng cáo, văn hóa nghệ thuật, giáo dục...). Trong số đó, các kênh truyền hình Hồi giáo đứng đầu về số lượng. Việc phát triển các kênh truyền hình chuyên biệt về tôn giáo đã có bước ngoặt lớn từ sau việc ứng dụng công nghệ truyền hình số vệ tinh chuẩn DVB-S, bắt đầu từ giữa thập niên 90. Công nghệ này cho phép giảm triệt để giá thành phát sóng truyền hình qua vệ tinh (có thể giảm đến 16 lần so với trước đó). Nhiều kênh truyền hình Hồi giáo trước khi được đưa lên vệ tinh đã là một kênh truyền hình phát mặt đất. Có thể thấy rằng nhiều kênh truyền hình Hồi giáo đã có quá trình hoạt động từ rất lâu. Các kênh truyền hình Hồi giáo, khi phát qua vệ tinh, đều có thể phục vụ công chúng toàn cầu, tuy nhiên, nó mang màu sắc địa phương khá rõ. Nội dung chính của chương trình là các buổi cầu kinh, hành lễ, tụng niệm, thuyết giảng, các sinh hoạt tôn giáo khác. Phần lớn chương trình đều phát lặp đi lặp lại. Một trong những kết luận ban đầu, là nội dung các kênh truyền hình Hồi giáo chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo hơn là phục vụ cho công tác truyền giáo. Tức là, đối tượng khán giả chủ yếu là tín đồ Hồi giáo, không phải nhắm đến người chưa có đạo. Các chương trình truyền hình Hồi giáo đã đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ hoạt động hành đạo của tín đồ. Vào các giờ cầu kinh trong ngày, các kênh truyền hình Hồi giáo truyền đến tín đồ Hồi giáo ở khắp mọi nơi, ngay cả những người đang làm việc, hình ảnh của những buổi lễ thiêng liêng tổ chức tại các thánh đường lớn và ngay cả ở thánh địa Mecca. Bằng TV, tín đồ Hồi giáo có thể tiếp cận hoạt động hành lễ và gián tiếp tham dự vào nó, dù lúc đó họ ở nhà, ở văn phòng, ở cửa hàng… Trong ngày, hoạt động hành lễ không chỉ diễn ra một lần mà rất nhiều lần (có thể đến 5 lần lễ chính, và các lễ phụ), do đó, sự tham gia của truyền hình là rất cần thiết và hiệu quả. Một tín đồ Hồi giáo khó có thể đến thánh đường hành lễ 4-5 lần/mỗi ngày, nhưng qua truyền hình họ có thể thực hiện được các hoạt động tôn giáo cần thiết ở một tín đồ, như được nhắc nhở đến giờ hành lễ, nghe âm thanh cầu kinh, nghe thuyết giảng… Hình ảnh các camera thu hình đặt ở các thánh đường Hồi giáo, từ đó truyền hình các cuộc hành lễ đến nhà tín đồ, phát sóng khắp thế giới, đã là hình ảnh quen thuộc trên TV (2).

Ngoài giờ hành lễ, các chương trình Hồi giáo dành nhiều thời gian cung cấp cho khán giả các chương trình giáo lý với nhiều hình thức. Đó có thể là các buổi thuyết giảng, các buổi tọa đàm, vấn đáp… Chương trình có thể kéo rất dài, nhưng đó vẫn có thể là các chương trình mở, có nghĩa là không phải độc thoại từ phía đài truyền hình, mà có sự tham gia từ phía khán giả.

Trong phương thức khai thác trọn một kênh truyền hình, các kênh truyền hình Ấn Độ giáo chú trọng về thuyết giảng và thực hành luyện tập (có kênh dạy các phương thức luyện tập để bay lơ lửng cách mặt đất khoảng 0,5m). Trong khi đó, kênh truyền hình “Miraclenet”(3) của Tin Lành thì chủ yếu là thuyết giảng. Đối tượng của những kênh này gồm cả những người đã theo đạo và người chưa theo đạo, trong đó các chương trình truyền đạo được đặc biệt chú ý.

Phật giáo có một kênh truyền hình chuyên biệt, là kênh BLTV. Trước kia, kênh này mang tên là Buddha Light Television – Phật Quang Điện Thị Đài, chủ yếu phục vụ khán giả là tín đồ theo đạo Phật ở Đài Loan, đặc biệt là giới tăng ni. Sau đó, kênh truyền hình này được thay đổi nhiệm vụ, chuyển sang một kênh truyền đạo, với tinh thần “Tịnh độ nhân gian” của Thái Hư Đại sư và được đổi tên thành Beautiful Life TV. Có thể tạm dịch là “Đời sống an lạc”. Kênh truyền hình Phật giáo này phát sóng toàn thế giới (chuyển tiếp qua vệ tinh phủ sóng Tây bán cầu), nội dung rất phong phú (chúng tôi sẽ có bài viết giới thiệu riêng về kênh truyền hình này) (4).

Nhìn chung, dạng truyền hình tôn giáo khai thác trọn kênh sóng thường có chương trình lặp lại, nhiều chương trình có tính chất chu kỳ cố định, như các chương trình hành lễ (đến giờ cố định thì phát), chi phí sản xuất chương trình có thể đánh giá chung là rất tiết kiệm, vì một phần lớn là thu hình những sự kiện có sẵn (như hành lễ, thuyết giảng…), hoặc chỉ tổ chức thực hiện trong phim trường (như diễn giảng, phỏng vấn, tọa đàm…). Có thể chia làm 2 loại chính: những chương trình phục vụ cho người đã có đạo và những chương trình phục vụ cho hoạt động truyền đạo (nhắm đến người chưa có đạo). Nhóm chương trình phục vụ người đã có đạo phần lớn đều là những chương trình như vừa nói ở trên (tiết kiệm, thu hình sự kiện có sẵn như hành lễ, thuyết giảng, tổ chức show đối thoại, thực hiện trong phim trường) và có thể nói là kém hấp dẫn đối với khán giả không phải là người theo đạo. Trong khi đó, nhóm chương trình phục vụ nhằm tác động truyền giáo đến đối tượng người chưa theo đạo thường được chăm chút hơn, hấp dẫn hơn. Một số đài có các chương trình phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt họa, biểu diễn nghệ thuật và thậm chí có cả trò chơi.

Tuy rằng, chưa có điều kiện khảo sát tác động, ảnh hưởng của các kênh truyền hình chuyên tôn giáo đối với khán giả, nhưng qua nội dung các chương trình, vẫn có thể khẳng định sự hữu ích của nó đối với cả hai hoạt động hành đạo và truyền đạo. Với kênh truyền hình tôn giáo, tín đồ có thể đắm mình trong không khí tôn giáo 24/24 giờ, với một không gian hình ảnh và âm thanh tôn giáo thường trực trong đời sống hàng ngày. Qua các kênh truyền hình tôn giáo, khán giả – tín đồ có thể học tập giáo lý và các phương thức tu hành trong điều kiện thời gian hết sức eo hẹp, tiết kiệm và ở bất cứ nơi nào, ngay cả khi đi ra nước ngoài (truyền hình vệ tinh phủ sóng 1/3 Trái Đất với một vệ tinh và có thể phủ sóng toàn cầu với nhiều vệ tinh). 

Một điều đáng lưu ý là Thiên Chúa giáo, tôn giáo có số tín đồ đông đảo vào bậc nhất toàn cầu, đã có đài phát thanh ngay từ khi kỹ thuật phát thanh mới vừa được phát minh, nhưng đến nay vẫn chưa có kênh phát sóng riêng. Tại sao? Đây là một câu hỏi vẫn còn nhiều lời giải đáp khác nhau.

Khai thác một phần thời lượng trên các kênh truyền hình sẵn có 

Trong trường hợp này, các chương trình truyền hình tôn giáo không phát trên một kênh riêng, mà phát trên những kênh truyền hình của quốc gia, địa phương, hoặc tư nhân… Các chương trình truyền hình tôn giáo có thể là các chương trình thường xuyên, định kỳ, thời gian và thời lượng cố định, hoặc các bản tin, chương trình đột xuất…, không cố định về thời lượng. Các chương trình dạng này có thể do phía đài truyền hình thực hiện, hoặc phía tổ chức tôn giáo thực hiện, hoặc cả hai bên phối hợp thực hiện.

Không phát sóng thành một kênh riêng, tất nhiên, tiết kiệm được chi phí phát sóng, nhưng có thể không phải hoàn toàn vì lý do tài chính. Có thể có những tổ chức tôn giáo đủ khả năng tài chính, nhưng vẫn thực hiện theo phương thức này. Bởi vì, qua những kênh sẵn có, các chương trình truyền hình sẽ có số khán giả xem đông đảo hơn, tranh thủ được số khán giả là khán giả lâu nay của kênh truyền hình nhận phát chương trình truyền hình tôn giáo, trong đó gồm cả những người không theo đạo (là đối tượng khán giả quan trọng mà các chương trình truyền hình đang nói ở đây muốn tác động đến).

Có thể phân loại phương thức khai thác một phần thời lượng các kênh truyền hình tôn giáo thành các nhóm chương trình: 

 - Định kỳ/ đột xuất

 - Chủ động/ thụ động 

Các chương trình định kỳ là chương trình phát cố định vào những thời điểm ấn định trước, và thời lượng đương nhiên cố định. Các chương trình đặc biệt vào các dịp lễ cũng vẫn là chương trình cố định. Các chương trình đột xuất có thể chiếm một thời lượng đặc biệt kéo dài (như vừa qua, là các thông tin về tình trạng sức khỏe của Giáo hoàng, thông tin về cuộc họp bầu Giáo hoàng …).

Các chương trình chủ động là các chương trình truyền hình do chính tổ chức tôn giáo có chương trình trình chiếu thực hiện. Các chương trình thụ động không do phía tôn giáo thực hiện mà là do một cơ quan truyền hình bên ngoài thực hiện (viết kịch bản, chịu trách nhiệm về nhân sự, địa điểm, biên tập, dẫn chương trình, ghi hình…). Các chương trình truyền hình định kỳ thường là các chương trình chủ động. Trong khi đó, các chương trình đột xuất có thể là chương trình chủ động, có thể là chương trình thụ động (do đài truyền hình sở hữu kênh phát sóng thực hiện).

Nhìn chung, các tôn giáo, kể cả Phật giáo, đều khai thác phương thức này. Tuy nhiên, số lượng, mức độ rất khó thống kê, so sánh. Các kênh truyền hình được khai thác thường là các kênh truyền hình quốc gia. Đối với kênh truyền hình ở một số quốc gia, thì việc trình chiếu các chương trình tôn giáo là một nhiệm vụ. Thí dụ, đài truyền hình RAI của Ý, RTP của Bồ Đào Nha thường xuyên chiếu các chương trình Thiên Chúa giáo. Ở Trung Đông, các đài truyền hình Ả Rập thường xuyên chiếu các chương trình Hồi giáo. Ở Đông Nam Á, các đài quốc gia của Indonesia (TVRI), Malaysia (TV1) thường có chương trình Hồi giáo, còn các đài Thái Lan thường có chương trình Phật giáo…

Thiên Chúa giáo La Mã là tôn giáo đặc biệt chú trọng khai thác phương thức này. Tòa Thánh Vatican có một studio sản xuất chương trình truyền hình, chuyên sản xuất tin và chương trình phản ánh hoạt động của Giáo hội. Sản phẩm được đưa phát sóng trên các kênh truyền hình quốc tế của các nước, cung cấp cho các hãng truyền hình, thông tấn trên thế giới. Thuộc bộ phận này, còn có nhân sự phụ trách việc hợp tác hỗ trợ các đài truyền hình thực hiện chương trình về Vatican (chẳng hạn các đài truyền hình khi đưa tin về cuộc họp bầu Giáo hoàng kéo dài trong nhiều ngày sẽ làm việc với bộ phận này). Thời gian qua, với các kênh truyền hình lớn trên thế giới như CNN (Mỹ), BBC (Anh), RAI (Ý), RTP (Bồ Đào Nha), ETV (Tây Ban Nha), TV5 (Pháp), thậm chí CCTV (Trung Quốc)…, khán giả truyền hình toàn thế giới đã có thể theo dõi các sự kiện và lễ lạc quan trọng ở Vatican (như đám tang Giáo hoàng, lễ đăng quang tân Giáo hoàng…)

Hiện trạng tương tự cũng diễn ra đối với các chương trình truyền hình Hồi giáo, nhưng phần nhiều giới hạn ở kênh truyền hình các quốc gia Hồi giáo. Truyền hình trực tiếp những cuộc lễ lớn ở Thánh địa Mecca vẫn là chương trình định kỳ trên các kênh truyền hình của những quốc gia Hồi giáo và số khán giả theo dõi có thể đến vài trăm triệu người, qua hệ thống truyền hình vệ tinh toàn cầu.

Do phục vụ chung cho cả hai đối tượng người đã theo đạo và người chưa theo đạo (có thể là đã theo một tôn giáo khác), nên các chương trình khai thác phương thức sử dụng một phần thời lượng trên các kênh truyền hình sẵn có thường “nhẹ nhàng” hơn về màu sắc tôn giáo. Đó có thể là những bản tin mà cả thế giới có thể quan tâm, những chương trình thiên về sắc thái văn hóa nghệ thuật, những giá trị tín ngưỡng thuộc về lịch sử… Tuy nhiên, các chương trình đều nhằm mục tiêu đưa tôn giáo đến gần với khán giả.

Một số quốc gia mà tín đồ một tôn giáo chiếm tỷ lệ áp đảo, như Thiên Chúa giáo đối với Ý; Hồi giáo đối với các nước Ả Rập, Indonesia, Malaysia…; Phật giáo đối với Thái Lan… thì một bộ phận chương trình truyền hình tôn giáo phát trên các kênh truyền hình cũng thể hiện rõ nét yêu cầu phục vụ riêng cho nội bộ tôn giáo. Chẳng hạn Giáo hội Vatican phổ biến thông điệp và các văn bản tôn giáo qua đài RAI; các chương trình truyền hình Malaysia, Indonesia… phục vụ tín đồ hình ảnh các buổi cầu kinh Hồi giáo hàng ngày; các chương trình Phật giáo trên các kênh truyền hình Thái Lan thì hướng dẫn phật tử tu tập…

Thời lượng các chương trình truyền hình theo dạng thức này trên các kênh truyền hình dao động tùy theo thời điểm gắn liền với những sự kiện tôn giáo. Thí dụ, đến gần lễ Noel thì các chương trình Thiên Chúa giáo trên các đài RAI, RTP… xuất hiện nhiều hơn. 

Tại Việt Nam, trong thời kỳ đổi mới, đã xuất hiện xu hướng này, tuy chưa nhiều. Hàng năm, vào các dịp Lễ Phật Đản, Noel, đã có các chương trình truyền hình ca nhạc do các đài truyền hình kết hợp với các tổ chức tôn giáo thực hiện.

Khai thác sản phẩm video

Ngay từ khi các sản phẩm video (đầu tiên là băng ghi hình video tape) còn là các xa xỉ phẩm (cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 thế kỷ XX), Thiên Chúa giáo đã quan tâm khai thác phương tiện này trong hoạt động tôn giáo. Nhiều trung tâm sản xuất chương trình truyền hình để phổ biến dưới dạng sản phẩm video đã được xây dựng tại nhiều nơi trên thế giới. Trước năm 1975, tại Việt Nam cũng có một trung tâm như vậy, thành lập vào khoảng năm 1972 – 1973, được biết với tên gọi Truyền Hình Đắc Lộ do các linh mục dòng Tên điều hành, sản xuất chương trình truyền hình ghi băng, để chiếu ở các video club (tụ điểm xem băng video ở các giáo xứ) và gởi phát sóng trên đài truyền hình Sài Gòn. Những sản phẩm video tôn giáo sản xuất vào thời kỳ này đến nay hầu như không còn lưu hành vì công nghệ đã lạc hậu, nhưng trên các báo, tạp chí cũ, người ta vẫn còn thấy những mẫu giới thiệu về nó. Khi đó, phương tiện trình chiếu còn rất hiếm hoi và đắt tiền, nên thánh đường, cơ sở thờ phượng là điểm xem video tập thể.

Nhờ những phát minh kỹ thuật ghi hình dân dụng vào cuối thập niên 70 (công nghệ Betamax của hãng Sony và VHS của hãng JVC), sản phẩm video dần dần trở nên rẻ tiền, phổ biến, thêm vào đó, rất dễ sử dụng. Từ đó, sản phẩm video dân dụng đã trở thành phương tiện hành đạo và truyền đạo bên cạnh ấn phẩm giấy. Rất nhiều bộ phim đề tài tôn giáo được sản xuất và phổ biến đến khán giả qua dạng sản phẩm video. Băng rồi dĩa video cũng là phương tiện lưu giữ hình ảnh các cuộc lễ lớn, mà trước đây chỉ có thể lưu giữ bằng ảnh chụp, hoặc phim 8mm, một phương tiện có tầm phổ biến giới hạn hơn rất nhiều. Thay vì chỉ ghi âm các buổi thuyết giảng để phổ biến, các tôn giáo lớn đều đã chuyển sang ghi hình. Tỷ lệ ấn phẩm video được phổ biến song song với các ấn phẩm giấy ngày càng tăng lên.

Điều này lưu ý là các tôn giáo đều tập trung sản xuất các phim video hoạt hình về tiểu sử các vị giáo chủ, điều mà rất khó thực hiện bằng phim do các diễn viên thực đóng (Phật giáo cũng có nhiều phim như vậy về đức Phật, bên cạnh phim về các giáo chủ của các tôn giáo lớn trên thế giới). Các bản phim về đề tài này thực hiện càng về sau càng hoành tráng, công phu hơn rất nhiều.

Nhiều tổ chức tôn giáo cũng khéo léo quảng bá hình ảnh tôn giáo mình thông qua sản phẩm video giới thiệu các công trình kiến trúc tôn giáo, lễ hội tôn giáo, tác phẩm nghệ thuật tôn giáo… dưới hình thức ấn phẩm video kỷ niệm du lịch văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, cũng có nhiều sản phẩm video sản xuất mục tiêu truyền đạo, có thể bán hoặc tặng biếu. Các tổ chức Tin Lành thường khai thác phương thức này bằng phim video hấp dẫn. Trên các đài truyền hình Hồi giáo, Phật giáo, Tin Lành… phát qua vệ tinh cũng thường thấy xuất hiện quảng cáo bán các chương trình video tôn giáo qua dĩa VCD, DVD. Nhiều trường hợp, việc mua các sản phẩm video được coi là hình thức ủng hộ tài chính một các tế nhị cho hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, giá thành và chi phí đầu tư sản xuất chương trình video ngày càng giảm. Vì vậy, đây chắc chắn là một phương thức ngày càng phát triển mạnh mẽ, rất phù hợp với hoạt động của mọi tôn giáo ở cấp địa phương, cơ sở. Có thể coi phổ biến sản phẩm video là loại truyền hình tôn giáo ở phạm vi nhỏ. Một bộ phận sản phẩm video do các đơn vị tôn giáo cấp cơ sở thường có tiêu chuẩn ở mức sản phẩm video gia đình, nhưng vẫn được khán giả – tín đồ chấp nhận và vẫn có phạm vi lưu hành khá rộng, thu hút được một số lượng đáng kể người xem.

Nhiều chương trình truyền hình tôn giáo đã phát sóng cũng được tiếp tục phổ biến khai thác bằng sản phẩm video. Do đó, trong việc phục vụ hoạt động tôn giáo, sản phẩm video không là một phương thức tách biệt hoàn toàn với truyền hình phát sóng (broadcast).

Khai thác TV online

Mạng Internet ngày nay là một phương thức chuyển tải chương trình truyền hình đến khán giả. Đây là một phương thức truyền dẫn truyền hình không cần đầu tư lớn, đơn giản, phù hợp với hoạt động tôn giáo. Bổ sung phần video vào các trang web tôn giáo không phải là việc khó. Đây là một phương thức nhiều hứa hẹn, triển vọng.

Vai trò của Truyền hình ngày càng trở nên quan trọng đối với hoạt động của các tôn giáo.

Qua nội dung trình bày ở trên, có thể thấy rằng, vai trò của truyền hình đối với hoạt động tôn giáo ngày càng trở nên quan trọng. Truyền hình đã trở thành một kênh hành đạo thiết yếu và hiệu quả. Trước hết, truyền hình đã thỏa mãn nhu cầu mở rộng không gian tiến hành nghi lễ (thí dụ như thánh lễ Giáng Sinh nửa đêm tại Jerusalem hàng năm đều được đài CNN trực tiếp truyền hình trên toàn thế giới, và tại Việt Nam, ngoài phương thức thu trực tiếp từ vệ tinh, khán giả còn có thể xem trên hệ thống Truyền hình cáp SCTV, Truyền hình số Bình Dương…). Tất nhiên, cùng với việc mở rộng không gian là việc gia tăng số người chứng kiến, theo dõi và tham dự gián tiếp (có thể đến hàng trăm ngàn lần). Bên cạnh đó, truyền hình cũng đã là phương tiện phổ biến những thông tin từ các nhà lãnh đạo tôn giáo đến đông đảo tín đồ một cách nhanh chóng và chính xác hơn cả (ví dụ, qua truyền hình, các tín đồ Thiên Chúa giáo có thể nhìn thấy Giáo hoàng tuyên đọc thông điệp…).

Nếu truyền thông, trong đó có truyền hình, đã “thu nhỏ thế giới”, thì đối với các tôn giáo toàn cầu, truyền hình đã và làm cho quan hệ giữa tín đồ – giáo hội, giáo hội – tín đồ, tín đồ – tín đồ trở nên gần gũi hơn rất nhiều. Truyền hình vệ tinh đã tạo thành một loại siêu thánh đường, một thứ thánh đường toàn cầu. Hiện nay, việc truyền đi toàn thế giới những thánh lễ từ quảng trường Thánh Phêrô, Vatican hoặc từ Thánh địa Mecca, Arập Saudi là những sự việc bình thường.

Đối với một bộ phận không nhỏ tín đồ các tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo, TV trở thành một phương tiện hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo ở mỗi cá nhân. Ở đạo Hồi, qua TV, tín đồ nghe đọc lời kinh, nghe giảng giải và hướng dẫn suy niệm, thậm chí nêu câu hỏi đối với các giáo sĩ, học giả Hồi giáo. Người ta nhắc nhở việc tu hành, trích dẫn lời kinh giữa các chương trình truyền hình. Người tín đồ có xao lãng việc tu hành, thì khi mở TV lên cũng khó lòng mà xao lãng được…

Truyền hình cũng đã đóng vai trò những giáo sĩ truyền đạo có thể đến bất cứ đâu và 24/24, nói theo ngôn ngữ của truyền thông là “mọi lúc mọi nơi”. Có những lúc trong cuộc sống, những người chưa có đạo phải quan tâm đến những vấn đề tôn giáo. Ngày nay, những người như vậy không cần phải đến thánh đường hay tìm sách vở, chỉ cần ấn chỉ thị kênh trên remote, người ta có thể tiếp cận ngay với tôn giáo đang quan tâm thông qua kênh truyền hình của tôn giáo đó. Hay hơn nữa, có thể chuyển đến đài truyền hình những thắc mắc (điện thoại, email) và được giải đáp ngay qua truyền hình trực tiếp. Chính vì vậy, các tôn giáo quan tâm ngày càng nhiều đến truyền hình. Qua màn ảnh nhỏ, có thể thấy những thánh đường Hồi giáo lớn đã được trang bị thành những phim trường truyền hình cố định, từ đó có thể thường xuyên trực tiếp truyền hình. Số kênh, số giờ phát sóng tôn giáo qua vệ tinh ngày càng tăng, và hình thức chương trình cũng ngày càng phong phú, đa dạng, sinh động. Các tôn giáo không những tìm cách phát triển hệ thống truyền hình, đồng thời còn tìm cách thu hút sự chú ý của các kênh truyền hình thông tin (chẳng hạn, trong thời điểm Giáo hoàng Gioan Phaolô II từ trần, trên các nóc nhà ở Vatican tua tủa thiết bị truyền hình của CNN, BBC, Fox News, Eurovision…, với 6000 phóng viên có mặt, được sự giúp đỡ tác nghiệp tận tình của Giáo Hội Thiên Chúa giáo).

Tiếc rằng, việc khai thác công nghệ truyền hình đối với Phật giáo chúng ta chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, các Phật tử, tuy đã có thể tiếp cận các giá trị Phật giáo thông qua những sản phẩm truyền hình, nhưng so với các tôn giáo khác, thì vẫn còn nhiều hạn chế. 

Nguồn: Tập san Pháp Luân 26, tr.53, 2006