Thiền trăng

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Hành giả lặng lẽ quán sát thân, tâm, cảnh trí trước khi nhẹ nhàng ngồi xuống tọa cụ trong thế kiết già.

Bộ áo lụa nâu, mềm và rộng sẽ giúp thân thoải mái. Tâm đã lắng như bể nước mưa, phiền não tuy còn đâu đó nhưng chắc mờ nhạt lắm, tựa bụi bặm tận sâu đáy bể. Căn phòng nhỏ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, không giường lớn nệm cao, chỉ có tọa cụ trên tấm thảm nhỏ và chiếc bàn con để dăm cuốn sách với ly nước lạnh. Lòng bàn tay phải đặt lên tay trái, hai đầu ngón cái chạm nhau như giao ước cho một thời thiền tĩnh lặng, hành giả lắc vai qua phải, qua trái, phía trước, phía sau, kiểm soát thế ngồi cho thoải mái, xong, khép hờ đôi mắt mới thấy thêm vị khách sẽ theo hành giả cùng vào thiền. Đó là ánh trăng mười bốn len qua song cửa, mềm, nhẹ và thơm ngát hương đêm rằm.

Đêm nay hành giả sẽ quán công án KHÔNG. Chỉ Không thôi, không gì nữa. Có trăng hay không trăng cũng nằm trong Không, có ta hay không ta cũng nằm trong Không, tọa thiền hay không tọa thiền cũng nằm trong Không. Phải hợp nhất vào Không vì rốt ráo, vì tận cùng, vì sâu thẳm, cái chúng sanh miệt mài đi tìm là cái Thường Hằng, cái Sẵn Có, cái Đã Là, Đang Là, Sẽ Là, cái Chưa Từng Đến, Chưa Từng Đi… gọi cái đó tên gì tùy người tìm kiếm. Cái đó, tự bản thể trong suốt, không biệt phân hý luận mà giải tỏa trùng trùng hý luận, không mầu sắc mà rực rỡ lưu ly, không hương vị mà bát ngát mạn-đà-la mười phương ba cõi. Cái đó là Phật Tánh. Cánh cửa mở ra để thấy được Phật Tánh là Không. Tâm phải được nung đỏ như hòn sắt, chảy ra, hòa vào, hợp nhất với Không tới mức “không cả nghĩ tới Không” mới mong nhận thấy cái vi diệu ta vẫn thường hằng có. Cái đó vẫn ở đó, cùng ta, ngay cả phút giây người đi tìm chợt thấy, nó cũng vẫn Thường Là, chẳng hề biến diệt, đổi thay, thêm bớt. Chỉ có người đi tìm, khi bất chợt thấy được thì sửng sốt, kinh ngạc, nhìn nó như nhìn Thiên Sứ, như nhìn đóa hoa chưa từng thấy, như nghe giòng nhạc chưa từng nghe. Phút giây đó, hốt nhiên vạn hữu chuyển mình, muôn người, muôn loài phủ choàng màu áo mới, thanh sắc mới, hương vị mới, rực rỡ như chưa từng bao giờ rực rỡ thế. Tất cả, chỉ vì người tìm kiếm bước qua được cửa Không, thấy Chính Mình, thấy cái “Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Độc Tôn”.

Đơn giản tột cùng mà khổ nhọc vô song!

Chẳng thế mà hành giả vẫn thường thất bại, cả những lần hòn-sắt-tâm đã nung được tới cực đỏ mà lơ là một niệm khởi lên, nó lập tức nguội lạnh trong tiếng khóc tức tưởi của người thất bại!

Trăng mười bốn mềm và mát như tơ tằm. Hành giả ơi, sao người khổ lụy thế! Hãy để tâm an nhiên, hãy để nó hát khi muốn hát, khóc khi muốn khóc, dạo khi muốn dạo… vì hành giả đã từng thấy nó rồi, đã từng biết Vọng cũng là Chân thì ngại chi vọng khởi. Hãy để mặc cái vọng tâm dong chơi vì qua sự quán chiếu của hành giả, vọng tâm tất tìm thấy chân tâm. Đó là sát na khi vọng tâm bước qua cửa Không và nó sẽ đột nhiên bừng sáng! Vậy hãy mặc nó.

Đêm nay, hành giả hãy cùng Trăng tọa thiền, hãy lặng thinh, êm ả, hãy như dòng suối trong, hãy như bờ cát trắng, hãy như giải mây bay lãng đãng, như làn gió xôn xao giữa nội cỏ hoa ngàn… Hành giả đang mỉm cười rồi, Trăng biết, hành giả đang cùng Trăng nghe được dòng nhạc đêm, không phải từ cung trời Đao Lợi đâu, từ ngay cõi Ta-bà của hành giả đấy:

“Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
Ngàn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương
Đan sa rã mộng phi thường
Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh
Đồng hoang mục tử chung tình
Đăm chiêu dư ảnh nóc đình hạc khô”.

Những mỹ từ được bọn vô minh dụng ý xử dụng để “mị” người chỉ là “ngàn năm vang một nỗi đời” thôi, có hơn gì “đào tiên trụi lá”. Hành giả đừng vội thất vọng vì bên cuộc lữ đó, có những hạt ngọc phủ trong áo tơi:

“Đồng hoang mục tử chung tình
Đăm chiêu dư ảnh nóc đình hạc khô”

Tình người ở nơi gần gũi nhất, lặng thinh nhất, tầm thường nhất, như khi hành giả khổ nhọc quán Không mà Không ở ngay nơi “không gì cả”!

Ly nước lạnh của hành giả còn nguyên trên bàn đây, hãy nhấp một hớp rồi ta thiền tiếp. Bây giờ thì hành giả nghe thấy trước Trăng rồi, tiếng vĩ cầm quyện vào sáo trúc đó:

“… Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh
Ngoài hư không có dấu chim bay
Từ tiếng gọi mầu đen đất khổ
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời?
Ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc
Đường ta đi, non nước bồi hồi
Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc
Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi…”

A, chính hành giả cũng đang kinh ngạc như thiên thần ư? Kinh ngạc vì sự tàn phá thâm hiểm của vô minh, tàn phá từ lòng đất! Đất nuôi người mà đất nhiễm độc hại thì người không phải chỉ bị hủy diệt một đời mà là nhiều đời!

Chúng ta đi xa thiền quá rồi ư? Không đâu, Trăng nghĩ là ta vẫn đang trong thiền đấy chứ. Tác giả bài thơ mơ màng viết “Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh?” Vậy mà bất ngờ có câu trả lời: “Ngoài hư không có dấu chim bay”. Câu trả lời đầy thiền vị, khác chi giai thoại có người đến hỏi thiền sư: “Thế nào là đạo?” Thiền sư trả lời: “Gạo ở Lô Lăng giá bao nhiêu?” Hành giả tu thiền thì đã biết rõ dụng ý câu trả lời này rồi, vì nếu thiền sư giảng giải đạo là gì thì người hỏi sẽ lập tức bị cái lưới hý luận ngôn từ phủ chụp xuống, còn biết đâu đường ra để mà quán chiếu; câu trả lời không dính nhập tới câu hỏi mới giúp người đó chặt đứt dòng suy tư mà có thể đón nhận lời chỉ dạy một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Như có vị học giả mang đầy bụng kiến thức tới tham vấn thiền sư chỉ vì tò mò, thiền sư rót nước mời khách, nước tràn ly rồi mà vẫn rót, rót mãi… tới lúc khách không chịu nổi, phải nhắc khẽ: “Thưa ngài, nước đã tràn”, thiền sư mới nhẹ nhàng bảo: “Vâng, tôi biết, cũng như ông, ông đến đây với đầy ắp kiến thức, tôi còn gì để nói nữa?!”.

Trăng đoán rằng tác giả những câu thơ này vừa ngồi thiền vừa làm thơ. Nếu người ấy không là một thi sỹ thiền sư thì cũng là một thiền giả mang tâm từ bi, cùng khổ với dân khổ, cùng đói với dân đói, nhưng, vượt trên bờ sinh tử, người ấy giữ vững trí tuệ sáng ngời để dẫn dắt chúng sanh:

“… Non nước ấy trầm ngâm từ độ
Lửa rừng khuya yêu xác lá khô
Ta đi tìm trái tim đã vỡ
Đói thời gian, ta gặm hư vô”

À, hành giả đã cảm thấy được an ủi rồi phải không ? Trong tuyệt vọng chẳng phải tận cùng tuyệt vọng đâu mà còn có lửa rừng yêu lá khô, có hư vô che chở.

Ly nước của hành giả cạn rồi, có cần rót thêm không ? Hành giả lại biết đùa rồi đấy, đòi uống ánh trăng khuya! Vâng, xin mời, uống trăng rồi, theo với Trăng, hành giả đã thấp thoáng thấy thêm:

“… Đàn cò đứng gập ghềnh không ngủ
Ngóng chân trời con mắt u linh
Chân trời sụp, ngàn cây bóng rủ
Cổng luân hồi mở rộng bình minh”

Trời hỡi, hành giả là Phật tử mà thấy “cổng luân hồi mở rộng” hẳn là đau đớn biết bao cho cõi-người đó! Nhưng khoan, đừng vội bi thương vì:

“Chờ dứt cơn mưa ta vô rừng
Bồi hồi nghe khói lạnh rưng rưng
Ngàn lau quét nắng lùa lên tóc
Ảo ảnh vô thường, một thoáng chưng!”

“Một thoáng chưng!” Đêm đã tàn rồi ư? Hành giả thở mạnh một hơi, dài thật dài. Mở mắt. Trăng không còn nữa, mà là tia nắng sớm. Ly nước trên bàn vẫn đầy như tấm lòng chưa vơi. Phải, hành giả vẫn tự biết lòng này chưa vơi nên dẫu cố gắng vẫn chẳng thể vượt cửa Không bằng tâm của người-ngoại-cuộc. Đêm nay, có ngờ đâu, với Trăng, hành giả đã vừa bước qua cánh cửa vô hình đó, không bằng công án mà bằng những câu thơ:

“Ta lên bờ, nắng vỗ bờ róc rách
Gió ở đâu, mà sông núi thì thầm?
Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát
Ráng chiều xa, ai thấy mộ sương dầm?”

Hay như:

“Khói ơi, bay thấp xuống đi
Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân
Ta đi trong cõi Vĩnh Hằng
Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa”

Bất cứ khi thơ khóc, thơ đau, thơ nhục, ngay cả khi thơ tự khai là thơ chết mà người đọc, người nghe vẫn nhận ra cả một trời bất tử với ngân nga chuông Bát Nhã, với thấp thoáng bóng Bồ Tát từ bi, với rượi mát từng hạt mưa Cam Lộ.

Đó là gì? Có phải trong mỗi chúng sanh đều sẵn ngôi nhà Phật. Đó là nơi an toàn đầu tiên và cuối cùng cho chúng ta. Tìm ra được nơi an toàn đó, chúng ta sẽ không bao giờ còn sợ hãi trước bất cứ sức mạnh nào bên ngoài.

Tạ ơn Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, tác giả những dòng thơ rực lửa-bản-thể đã đốt đuốc cho chúng ta thấy đường tìm về nhà Phật.

Diệu Trân.
[Tập san Pháp Luân - số 18, tr.37, 2005]