Vọng mãi tiếng chuông chùa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Từ rất lâu, tiếng chuông chùa có một âm hưởng đặc biệt và thật thân quen trong kí ức tuổi thơ tôi.(TN)

Chuông chùa điểm nhẹ từng đêm
Hoa cau rụng trắng bên thềm trăng xưa
Mõ kinh còn vọng sớm trưa
Lời kinh ngày cũ vẫn chưa nhạt nhòa.

Từ rất lâu, tiếng chuông chùa có một âm hưởng đặc biệt và thật thân quen trong kí ức tuổi thơ tôi. Tiếng chuông có một âm thanh huyền dịu. Nó như ngân qua lắng lại trong tâm thức; có lẽ nó còn là một phần hồn của làng xóm quê tôi. Hơn nữa, tiếng chuông chùa dường như đã nói lên bao nhiêu điều, bao nhiêu ước nguyện và nó như một nguồn năng lượng phấn khích đời sống tinh thần và thức tỉnh đời tôi.

Hằng đêm, tiếng chuông chùa khoan thai phát ngân từng tiếng rồi tan loãng vào cõi hư không. Tiếng chuông ấy vừa thi vị nhẹ nhàng và có một sức cảm hóa lạ lùng. Nó vừa hiện thực vừa huyền vi vừa vỗ về, khích lệ, cho nên suốt mãi cuộc đời tôi không thể nào quên được.

Kể từ lúc chưa xuất gia, tiếng chuông chùa đã giúp tôi mến đạo và thôi thúc đời mình hướng đến đời sống tâm linh. Tiếng chuông chùa vọng vào thôn xóm cũng như làn khói bếp bình yên làm ấm cúng lòng người.

Từ ngày vào chùa hành điệu, tiếng chuông chùa lại thân thiện hơn. Từng đêm, tiếng chuông như chiếc đồng hồ báo thức, vừa là thời khóa tu tập, vừa thức tỉnh đời tu. Hình ảnh chú điệu đêm đêm đi thỉnh chuông là hình ảnh của những tháng năm mà người sơ cơ luyện rèn sự thức tỉnh.

Tự thể tiếng chuông chùa như một thông điệp thiêng liêng thức tỉnh bao tâm hồn đang say trong cõi mộng. Tiếng chuông thức tỉnh cả âm cảnh lẫn dương trần.

Tiếng chuông mỗi tối ngân lên cùng với những câu kinh có sức khái quát vô biên cả đất trời như: “Vô biên thế giới, địa cửu thiên trường. Viễn cận đàn na, tăng long phước thọ. Phi cầm tẩu thú, la võng bất phùng, lãng tử cô tôn, tảo hườn hương tịch…”. Làm cho cõi hồn thanh tịnh như lãng tử gặp lại cố hương. Tiếng chuông như kêu gọi những ai còn rong ruổi nơi dặm đường xa hãy mau mau trở về kẻo lạc loài trong đêm tối. Nếu có ai đó vào một buổi chiều bị dồn dập đau thương trên mọi nẻo đường nhân thế thì tiếng chuông chùa là nguồn an ủi vô biên.

Mỗi đêm khuya vắng, tiếng chuông chùa cùng với những lời đọc siêu thoát ngân lên: “Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới, thiết vi u ám tất giai văn. Văn trần thanh tịnh chứng viên thông, nhất thiết chúng sanh thành chánh giác…” nhắc nhở ta thêm sự chú tâm, tỉnh hồn, thận trọng dừng bao ý nghĩ lăng xăng; chuẩn bị cho một tâm hồn sảng khoái bước vào thời khóa tụng niệm sắp diễn ra. Mỗi tiếng chuông ngân một phần phiền não rơi rụng, vơi bớt đi bao ham hố dương trần.

Giữa chốn già lam tĩnh mịch, chuông chùa từng tiếng ngân lên vang xa dường thức tỉnh thế nhân. Cuộc đời là giấc mộng dài mà mấy ai biết được. Con người thường sống chết với tiền tài danh vị để cuối cùng rồi cũng trắng mộng hai tay, không có được một phút giây tỉnh táo của tâm hồn.

Tiếng chuông muôn đời vẫn thế - vẫn lặng lẽ, khoan thai vang vọng khắp hư không phổ vào lòng người và mọi hồn cây cỏ.

Trầm lặng nghe tiếng chuông, nghe âm hưởng thiêng liêng nơi chốn thiền môn, con tim mình dường rung lên, hòa nhập cùng với vũ điệu đất trời. Càng chú tâm lắng nghe, tiếng chuông dường có một âm ba rung hưởng xuyên suốt không gian, vọng sâu vào thế giới xa xăm huyền bí. Tiếng chuông vọng xoáy vào nơi sâu thẳm tâm hồn.

Nếu ai nghe tiếng chuông chùa dẫu bằng thinh âm mơ hồ trong tiềm thức hay một lần nào đó thoáng nhẹ qua hồn, thì biết rằng cội nguồn mình là thuần thiện Á Đông. Riêng tôi, tiếng chuông chùa còn có một giá trị rất lớn: nó trở thành linh diệu từ bi, của tu tập và thể hiện lý đạo nhiệm mầu qua công phu nơi thiền môn sớm tối.

Trải qua bao thế cuộc dâu bể thăng trầm, người nghe tiếng chuông có lúc trầm hùng, có lúc nhẹ nhõm khoan thai nhưng tự thể tiếng chuông vẫn dịu hiền thanh đạo.

Chiều nay, nơi tha hương đất khách, giữa phố thị người đông với vô vàn sắc thanh hỗn tạp, tôi vẫn nhớ mãi tiếng chuông chùa. Âm thanh đơn điệu trầm hồn nơi chùa vắng năm xưa gợi lại trong tôi một cảm giác yên bình trong lẽ đạo.

Thông Nhã
[Tập san Pháp Luân - số 9]