Con kên kên biết ơn

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Chuyện Bồ-tát thọ sanh làm một con kên kên nhỏ ở trên ngọn Thứu sơn, sống và phụng dưỡng cha mẹ của mình.

 

Tại Kỳ viên, đức Thế Tôn kể câu chuyện này nhân sự kiện các thầy Tỳ-kheo bạch lại với Ngài về việc một Tỳ-kheo đã phụng dưỡng cha mẹ của mình.

Đức Thế Tôn hỏi rằng có thật thầy đã phụng dưỡng những người thân của mình hay không. Thầy Tỳ-kheo này thừa nhận có. Đức Thế Tôn hỏi  tiếp:

– Này Tỳ-kheo, họ có quan hệ thế nào với thầy?
– Bạch Thế Tôn, họ là cha mẹ của con.

Đức Thế Tôn nói:

– Lành thay, lành thay! Này các Tỳ-kheo, chớ nên phiền giận thầy Tỳ-kheo này. Bậc Hiền trí ngày xưa đã phụng dưỡng ngay cả những kẻ không có họ hàng với họ. Còn thầy này đã phụng dưỡng cha mẹ của mình.

Nói vậy rồi, đức Thế Tôn kể cho họ câu chuyện đời quá khứ.

***

Thuở xưa, Khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua xứ Ba-la-nại (Banares), Bồ-tát thọ sanh làm một con kên kên nhỏ ở trên ngọn Thứu sơn, sống và phụng dưỡng cha mẹ của mình.

Một hôm nọ, một trận mưa gió lớn đã ập xuống vùng đó. Những con kên kên không đủ sức chống chọi lại mưa gió nên đã bay đến Ba-la-nại để trú ẩn. Và ở đấy, gần vòng thành và đường hào, chúng đậu xuống, run rẩy vì cóng lạnh.

Một vị Trưởng giả ở Ba-la-nại đang ra ngoài thành để đi tắm. Khi nhìn thấy những con kên kên khốn khổ này, ông mang chúng lại một nơi khô ráo, đốt lửa lên, sai người đến bãi thiêu trâu bò đem về cho chúng một ít thịt trâu, rồi cắt người trông nom chúng.

Khi mưa bão chấm dứt, những con kên kên bình an vô sự và bay về núi. Trong chốc lát chúng gặp mặt nhau và cùng bàn bạc:

– Này các anh em, Trưởng giả ở Ba-la-nai đã đối xử tốt với chúng ta. Vậy chúng ta phải cư xử tốt để xứng đáng với những gì ông ấy đã giúp đỡ: thọ ân thì phải báo ân. Vì thế từ hôm nay, bất cứ thành viên nào trong chúng ta mỗi khi tìm thấy được áo quần hay đồ trang sức thì hãy mang đến thả rơi vào trong sân của Trưởng giả.

Thế là từ hôm đó, mỗi khi nhìn thấy người ta phơi quần áo, xem xét lúc họ khinh suất, những con kên kên sà nhanh xuống chụp lấy những thứ đó như những con diều hâu sà xuống chụp lấy miếng thịt, rồi sau đó thả rơi đồ vật ấy vào trong sân Trưởng giả. Nhưng Trưởng giả, mỗi khi thấy chúng đem đến cho mình các thứ đó thì thường đem cất đi.

Dân chúng tâu với nhà vua về việc những con kên kên trộm cắp ở kinh thành. Vua nói:

– Bắt ngay một con kên kên cho ta. Ta sẽ bắt chúng trả lại tất cả.

Thế là lưới và bẫy được giăng khắp nơi, và chú kên kên hiếu nghĩa này bị sa lưới. Họ bắt lấy nó và mang đến nhà vua. Vị Trưởng giả trên đường đến yết kiến nhà vua, nhìn thấy những người này đang mang con kên kên đi thì bèn đi chung với bọn họ, vì sợ họ sẽ giết chết kên kên.

Họ trao con kên kên cho nhà vua, và nhà vua bắt đầu hỏi:

– Có phải ngươi là kẻ đã đánh cắp và mang đi áo quần cùng những thứ khác trong kinh thành không?
– Đúng thế, tâu đại vương.
– Ngươi mang chúng đến cho ai?
– Chúng tôi mang đến cho một vị Trưởng giả ở Ba-la-nại.
– Tại sao ngươi làm vậy?
– Bởi vì ông ấy đã cứu mạng chúng tôi. Mà tri ân thì phải báo ân nên chúng tôi đã mang những thứ đó cho ông ấy.
– Người ta nói loài kên kên có thể nhìn thấy tử thi cách xa trăm dặm, vậy tại sao ngươi không thể nhìn thấy một cái bẫy được đặt sẵn cho ngươi?

Nói vậy xong, nhà vua đọc lên bài kệ đầu:

Kên kên thấy tử thi
Cách xa một trăm dặm
Vậy sao ngươi không thấy
Lại giẫm chân lên bẫy?

Kên kên lắng nghe, sau đó đọc lên bài kệ thứ hai để trả lời:

Mạng sống khi sắp hết
Giờ chết kéo lại gần
Thì ngài không thể thấy
Dù lưới, bẫy kề cận.

Nghe kên kên trả lời vậy, nhà vua đi đến vị Trưởng giả và hỏi:

– Có thật là những con kên kên đã mang những thứ đó cho ông không?
– Đúng thế, tâu đại vương.
– Những thứ đó giờ ở đâu?
–  Tâu đại vương, tôi đã cất giữ tất cả tại một nơi. Nếu con kên kên này được thả ra thì tất cả những ai mất của sẽ được nhận lại tài sản của mình!

Nhà vua can thiệp và con kên kên được trả tự do. Còn vị Trưởng giả đã hoàn trả lại tất cả tài sản cho những chủ nhân của nó.

***

Kết thúc pháp thoại này, đức Thế Tôn tuyên thuyết các Thánh đế. Vào lúc kết thúc các Thánh đế, thầy Tỳ-kheo hiếu thảo đắc được quả Dự lưu. Rồi đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:

– Vào thuở đó, A-Nan (Ānanda) là nhà vua, Xá-lợi-phất (Sāriputta) là vị Trưởng giả, còn ta chính là con kên kên đã phụng dưỡng cha mẹ của mình.

(Tiền thân Gijjiha, số 164, dịch từ bản tiếng Anh)

Lời bàn:

Câu chuyện Tiền thân trên đây kể về sự việc những con kên kên đã đền ơn vị Trưởng giả, người đã ra tay cứu mạng chúng khi chúng gặp hoạn nạn. Vị Trưởng giả khi giúp chúng thoát khỏi cơn đói lạnh hẳn không nghĩ những con kên kên về sau sẽ đền ơn cho mình. Ông chỉ hành động bằng trái tim của một con người khi thấy kẻ khác gặp nguy khốn. Đây là một tinh thần cứu giúp đáng quý, một tình thần cứu giúp không có tính toán. Nhưng những con kên kên đã không quên ơn đó. Chúng đã biết báo ân theo cách của chúng.

Tri ân là một nghĩa cử biểu hiện cho một nhân cách sống cao đẹp. Người ta sống trong đời không có ai lại không thọ ân của người khác. Đó có thể là ân cha mẹ, ân thầy cô, ân bằng hữu, hoặc ân nghĩa của một người nào đó mà chúng ta chưa hề biết đến. Và mỗi khi đã thọ ân thì phải nhớ ân, dù người giúp ta không bắt ta phải nhớ. Nhớ ân và tìm cách báo ân là một lối sống đẹp, nó đem lại những giá trị cao quý trong quan hệ khi con người cùng chung sống giữa cõi đời này.

Quang Sơn
[Tập san Pháp Luân - số 18, tr.73, 2005]