Trăng Thu hay tình Mẹ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tôi thường ví tình trăng là tình mẹ. Và mỗi khi ý niệm về mẹ thì tôi lại liên tưởng đến trăng. Trăng có một linh hồn thăm thẳm phủ ngập hư vô.

Trăng có một giòng sáng nhiệm mầu trải lên mình vạn vật. Linh hồn của trăng là an lành tươi mát; giòng sáng của trăng là mạch sữa ngọt ngào. Để đêm đêm trăng rót xuống trần gian những giọt sữa thơm tẩm nhuần vạn vật. Ôi tươi mát làm sao sau một ngày nóng bức héo khô của tia lửa mặt trời. Vũ trụ trở nên linh diệu, giao hòa trong thế giới chân như, tình trăng bất diệt. Bóng hình của trăng hay bóng hình của mẹ? Sao mà tôi cứ mãi so đo phân biệt, thì trăng là mẹ và mẹ là trăng, có gì xa lạ đâu trong mối tình yêu thương không bến hạn. Tình mẹ thương con cũng bàng bạc bao la như vầng trăng thu hiền dịu. Mẹ là tự nhiên như thế. Vầng trăng đã sáng tỏ trên bầu trời hằng ức triệu năm, mà nhân loại vẫn còn thấy đẹp nên thơ, không bao giờ biết chán. Mẹ là như thế! Hình bóng của Người đã in đậm trong lòng không gian vô hình muôn thuở. Có ai thấy mẹ mà không nghe lòng rạt rào thương yêu. Có ai xa mẹ mà không “trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Mẹ là thiên thần cho đời con, dù con có khôn lớn bao nhiêu đi nữa; thơ dại, trưởng thành đều tôn vinh mẹ, đều chiêm ngưỡng mẹ, đều phải học nơi mẹ bài học thương yêu, đều phải nương theo bóng mẹ mà bước đi trong cuộc đời. Mẹ vừa cao cả mà vừa gần gũi bên ta. Mẹ là vị thần thân ái. Cũng như trăng ở tít tắp tận trời cao, nhưng vẫn soi sáng nụ cười và ánh mắt ta, ở mãi bên ta, ràng buộc lấy ta, tuy xa muôn trùng nhưng gần nhau trong khoảnh khắc. Quãng đời thơ ấu tôi sống bên người như búp hoa sống trong mùa trăng để chờ khi thắm nở. Huyền diệu của trăng hoa, âm thầm uống vào mạch sống. Thân yêu của mẹ tôi ngậm ngùi ấp ủ vào tim. Mẹ là tổ ấm che chở cho tôi những mùa Đông giá rét; mẹ là trái cây ngon ngọt nuôi dưỡng vì tôi những lúc đói lòng. Mẹ nuôi dưỡng tôi cho đến hôm nay thành khôn lớn. Và tôi có ý thức về người, hồi tưởng về người trong chuỗi đời gian lao khổ nhọc. Nhìn thấy bàn tay mẹ mong manh gầy khô, bàn tay ấy đã làm biết bao nhiêu công việc để có chén cơm manh áo nuôi tôi. Nhìn thấy bàn chân mẹ chai lì mòn mỏi, bàn chân ấy đã đi biết bao nhiêu đường trường sỏi đá, buôn gánh bán bưng, kiếm từng cắc từng đồng để nuôi tôi ăn học. Tôi lớn lên một cách hồn nhiên vô tư lự. Nào có nghĩ chi về mẹ, nào có biết chi về mẹ. Mẹ dù cực khổ nhưng lại vui biết bao nhiêu khi thấy con mình ngày càng khôn lớn trưởng thành tạo lập được công danh sự nghiệp với đời. Mẹ đem gian lao để đổi lấy nụ cười con trẻ. Mẹ chịu thiệt thòi để cho con mình được có phần hơn. Tâm hồn của mẹ suốt đời lo nghĩ về con. Vũ trụ có huy hoàng tươi đẹp bao nhiêu cũng không bằng hình bóng của con. Trăng non mây nước có lung linh huyền ảo bao nhiêu, cũng không bằng nụ cười tiếng khóc của con. Suốt đời như thế, mẹ đã trao truyền lại cho con “tình yêu bất diệt”; tình yêu ấy lan tràn đến cỏ cây hoa lá loài người. Thương mẹ tức là thương nhân loại, thương đến cỏ cây. Và những con người như tôi có mặt trên cõi đời này đều mang lấy tình yêu thương bất diệt. Ý nghĩa nào hơn những bàn tay thân ái nắm lấy trong tay để truyền đi hơi ấm yêu thương nảy mùa hạnh phúc. Ở đâu có mặt loài người là ở đấy có mẹ, loài người đang tạc hình mẹ trong bức vách “tâm linh” và tượng mẹ đã bao trùm cả thời gian và không gian bất tận để cho bóng mẹ vô cùng to lớn hiền dịu bao la. Nghìn thu mây bay về đậu trên tóc mẹ, nghìn thu trăng lững lờ nằm trong mắt mẹ, nghìn thu hoa thắm dâng hương giữa bờ môi của mẹ.

…Ôi! Dịu hiền của mẹ đã cảm hóa được loài vô tình ngoại vật. Đến bao giờ mây không biết, về lúc nào trăng không hay, nở khi nào hoa không nhớ, chỉ biết chan hòa với mẹ, tự nhiên với mẹ, cũng như tình mẹ thương con, tình con thương mẹ. Vũ trụ này diễm phúc được bóng hình mẹ ngự trị muôn đời. Nhân loại này diễm phúc được tình thương mẹ trao truyền bất tuyệt. Tâm linh chúng ta nhiệm mầu như ánh trăng đêm từ khi có mẹ. Thế nhưng người ta lại quên mẹ, người ta xua đuổi ánh trăng, để cho bóng đêm lan dần phủ đen tâm thức. Nhưng mà làm sao xua đuổi mẹ ra khỏi tâm từ vì càng xua đuổi mẹ càng hiện hữu thật sâu đậm thiết tha, để hát lên bài ca tình thương ru con vào giấc ngủ. Tiếng hát là dòng suối mát làm dịu đi ngọn lửa hận thù, si mê, tranh chấp của con. Loài người mang trong thân thể linh hồn của mẹ, nhưng đã lãng quên, đã quay mặt chạy trốn tình thương, xem tình thương như cái gì xa lạ. Mẹ có bao giờ xa lạ đối với chúng ta. Người đã dạy cho ta bài học vỡ lòng về tình thương từ khi ta còn nằm trong chiếc nôi yên ấm. Mẹ đã trao truyền lại cho ta thế giới hòa bình nhưng ta lại chối bỏ để rồi đón rước chiến tranh. Mẹ đã trao truyền lại cho ta tâm hồn thương yêu, nhưng ta lại xua đuổi, để rồi tiếp nhận hận thù. Thế giới của mẹ trở nên khổ đau ngập tràn nước mắt. Uổng cho công lao của mẹ đã dạy cho ta tình thương tự thuở chào đời. Hãy nhìn lại ánh trăng để lòng mình trải khắp mênh mông mà thương mến mẹ. Trăng hồn nhiên như tình mẹ thương con, tại sao ta không hồn nhiên như tình con thương mẹ?

Mấy mùa thu dịu dàng trôi qua cho loài nai ngơ ngác uống sữa trăng giữa khu rừng thẳm? Những hàng cây trụi lá đứng khẳng khiu trong suốt mùa Hạ đã mấy lần đâm chồi nẩy lộc? Và những cánh hoa rừng tươi đẹp đã bao nhiêu độ bay hương lên tận đỉnh trời xa tha thiết đón trăng về? Mẹ ơi! Trăng thu giữa rừng đêm lấp lánh hay trăng tình thương của mẹ chan hòa? Hư vô phủ đầy ánh sáng hay lòng con tràn ngập thương yêu.

Mộng Yên Sinh.
[Tập san Pháp Luân - số 6]