Quê hương đức Phật

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Trong tâm thức của những người con Phật chúng ta, mỗi khi nhắc đến quê hương đức Phật là chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Ấn Độ.

Sự thật quê hương đức Phật ngày nay không thuộc về Ấn Độ nữa mà thuộc về Nepal, vì Nepal ngày nay là một quốc gia độc lập, không còn trực thuộc Ấn Độ như ngày xa xưa. Quê hương đức Phật là nơi mà Ngài đã từng thị hiện đản sanh và lớn lên với bao kỉ niệm đẹp như một con người bình thường. Nhưng mỗi một kỉ niệm ấy là những bài học vô giá cho nhân loại không những về đạo đức, về tình thương mà còn hàm chứa những triết lý cao đẹp cho cả nhân loại về sau: nơi chư thiên hoan ca, trời đất rung động để đón chào bậc cứu thế; nơi mà những bậc thầy nổi danh của vương thành Kapilavasthu (Ca-tỳ-la-vệ) phải cúi đầu khâm phục trước sự thông minh và đức hạnh của cậu học trò bé bỏng Siddhattha (Tất-đạt-đa); nơi đã diễn ra sự tranh chấp con ngỗng trời giữa Thái tử Siddhattha và Hoàng thân Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) qua bài học về triết lý tình thương; nơi Thái tử Siddhattha ngồi dưới cây Hồng táo để quán chiếu về kiếp sống sinh tồn của chúng sanh trong buổi lễ Hạ điền; nơi mà vương thành Kapilavasthu diễn ra những cuộc tuyển chọn người đẹp; nơi diễn ra những trận thi tài nổi bật giữa những vương tử của dòng tộc Śakya (Thích-ca), v.v… Cao cả hơn hết đó là nơi mà Thái tử đã ôm ấp trong lòng những thao thức nan giải về kiếp sống nhân sinh, những ước vọng xuất trần mong tìm ra ánh sáng giác ngộ để giải thoát cho muôn loài. Với chí nguyện cao cả ấy, Ngài quyết định từ bỏ quê hương yêu dấu, từ bỏ những kỉ niệm vàng son, từ bỏ những gì hạnh phúc nhất của thế gian: “Hỡi nhân loại đang quằn quại đau thương, hỡi cõi đời sầu khổ! Vì các người mà ta đành bỏ tuổi măng tơ, bỏ ngôi báu, bỏ những ngày vàng và đêm ngọc, gỡ cánh tay bám víu của người vợ hiền, cắt ngang tình yêu mãnh liệt của phụ vương và xa lánh đứa con thơ đang nằm trong bụng mẹ. Hỡi phụ hoàng, hiền thê, bào nhi và xã tắc! Xin hãy gắng chịu sự chia ly này cho đến ngày tôi tìm ra Đạo” (Ánh Đạo Vàng - Võ Đình Cường).

Như vậy, quê hương của đức Phật chính là vườn Lumbini (Lâm-tỳ-ni) và thành Kapilavasthu. Nhân ngày lễ Phật đản lại về với những người con Phật trên khắp thế gian, người viết xin cùng quí đọc giả trở về tìm hiểu những bước thăng trầm của quê hương đức Phật từ ngàn xưa đến tận bây giờ.

Vườn Lumbini (nơi đức Phật đản sanh):

Sau khi chiêm bái ba Thánh tích thiêng liêng của Phật giáo ở Ấn Độ (vườn Lộc-uyển, Bồ-đề đạo tràng và Kusinagar), chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vượt biên giới Ấn Độ sang Nepal để chiêm bái, viếng thăm quê hương đức Phật. Qua khỏi biên giới Sonauli (biên giới giữa Ấn Độ và Nepal), chúng ta sẽ cảm nhận được một sự đổi khác rất nhiều so với ở Ấn Độ: không khí ở đây trong lành hơn, khí hậu mát mẻ hơn, cây xanh và chim chóc cũng nhiều hơn. Toàn bộ quê hương của đức Phật được chính phủ Nepal đặt lại chính tên của Thánh tích Lumbini ngày xưa, đó là một tỉnh rộng lớn bao gồm cả ba thị trấn: Lumbini, Butwan và Kapilavasthu. Trên đường đi đến Thánh tích Lumbini, chúng ta sẽ có những cảm giác rất gần gũi như được trở về quê hương yêu dấu của đức Phật ở những ngày xa xưa. 

Không giống như những Thánh tích ở Ấn Độ, như Kusinagar (nơi đức Phật nhập Niết-bàn) hay Sanarth (nơi đức Phật chuyển Pháp luân)… những thị trấn, đường sá, bảng hiệu… của những nơi này có vẻ xa lạ và khí hậu có vẻ cũng khắc nghiệt hơn. Ngược lại ở Lumbini, quê hương của đức Phật, thì từ những con đường cho đến những phố xá, bảng hiệu… đều được chính phủ và người dân Nepal đặt cho những tên gọi gắn liền với đức Phật: thị trấn gần biên giới Sonauli được gọi là thị trấn Siddhatthanagar; con đường chính dẫn đến Thánh tích Lumbini được gọi là Siddhattha Highway (đại lộ Tất-đạt-đa); hai bên đường chính lại thấy những bảng hiệu lớn như: Buddha Air (hãng hàng không đức Phật) hay Nirvana Hotel (khách sạn Niết-bàn), v.v… những địa danh thân thương như thế, chúng ta chưa bao giờ gặp được ở nơi nào, ngoại trừ trên quê hương đức Phật.

Ngay trên đường chính dẫn đến Lumbini, tại một ngã ba đường có một hoa viên rất nhỏ (bùng binh nhỏ) trên một bệ đá cao khoảng 3 mét, có một tượng đức Phật đản sanh, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, được làm bằng một loại sa thạch đen. Nếu đi từ hướng của thủ đô Nepal (thành phố thung lũng Kathmandu) đến Lumbini, chúng ta sẽ được ngắm những cánh đồng lúa bậc thang xanh rì, mênh mông trải dài trên những triền đồi rất đẹp mắt, hay những cánh đồng, những trang trại cải mustard (mù-tạc) trổ hoa vàng óng, kéo dài đến tận chân trời; dọc hai bên đường là hai hàng cây xoài to lớn tỏa bóng mát rượi, một loại cây mà chúng ta bắt gặp rất nhiều trong kinh điển Phật giáo. Nếu phóng tầm mắt ra xa chúng ta có thể trông thấy những dãy núi bạt ngàn của rặng Himalaya tuyết phủ ngàn năm, vươn cao tiếp xúc tận mây trời. Quả thật khung cảnh quê hương của đức Phật thật nên thơ, tú lệ và cũng thật hùng vĩ, thiêng liêng.

Vượt khoảng 30 km trên một chuyến xe đò từ biên giới Sonauli, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến được Thánh tích Lumbini. Lumbini là một trong bốn Thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo, nơi mà đại địa từng chấn động, hào quang chiếu sáng khắp các cõi giới để đón chào bậc Thánh nhân cứu thế: 

“Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các vị hoàng tử và dân chúng. Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, không có nền tảng, tối tăm, u ám, những cảnh giới mà mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mà nói: “Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây”. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu ấy thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới” (Trường Bộ kinh – kinh Đại Bổn).

Lịch sử thăng trầm của Thánh tích Lumbini cũng từng bước thạnh suy theo dòng biến thiên của thời gian cũng như sự thăng trầm của Phật giáo Ấn Độ, có lúc Thánh địa huy hoàng như một đạo tràng thanh tịnh thiêng liêng, cũng có khi trải qua cả ngàn năm chôn vùi trong cát bụi quên lãng của thời gian.

Từ thời vua Suddhodhana (Tịnh-phạn), Lumbini là một hoa viên mỹ lệ, có nhiều cây cổ thụ, và những cây vô ưu to lớn với muôn hoa đua nở, hương thơm ngào ngạt, chim chóc ca hót, ong bướm dập dìu… Vẻ đẹp của hoa viên Lumbini quyến rũ đến độ hoàng hậu Maya phải bảo thị nữ dừng kiệu (trên đường về cố hương đợi ngày lâm bồn) để thưởng ngoạn và đấng Từ phụ của muôn loài đã thị hiện đản sanh tại một hoa viên tú lệ như thế. Thế nhưng chưa đầy một thế kỉ sau, kể từ ngày đức Phật đản sanh, hoa viên tươi đẹp ấy cũng như toàn thể quê hương của đức Phật đã bị tàn phá dưới vó ngựa hung tàn của sự phá hủy, chém giết của vua Tỳ-lưu-ly.

 Gần 300 năm trôi qua, kể từ khi đức Phật nhập Niết-bàn, vườn Lumbini đã dần dần hồi phục. Do vậy, khi vua Aśoka (A-dục) đến chiêm bái nơi này, ông cho biết nơi đây là một thôn làng trù phú, cảnh vật nên thơ. Nhà vua đã cho xây dựng một trụ đá sa thạch cao 21 feet (khoảng 8 mét), trên đầu trụ là một hình con ngựa làm bằng đá, trên thân của trụ đá được khắc vào những dòng chữ với bút tích Brahmi, có nội dung là: “Năm thứ 20 của sự đăng quang đại đế Piyadassi, đích thân nhà vua đến lễ bái tại điểm này, bởi vì đức Phật Sakyamuni sanh tại nơi đây. Vua cho kiến tạo một phiến đá mang hình con ngựa, và dựng một trụ đá để chứng minh rằng đức Phật Sakyamuni sanh tại đây. Vua đã miễn thuế cho ngôi làng Lumbini, và chỉ trả 1/8 lợi tức”. Tại nơi này, vua Asoka cũng cho xây một ngôi bảo tháp (lúc ngài Huyền Trang đến thì ngôi bảo tháp vẫn còn).

Nhiều thế kỉ trôi qua, sau triều đại của đại đế Asoka, Lumbini cũng bị bỏ quên trong quá khứ, Thánh tích trong những ngày ấy cũng chỉ là những dấu tích hoang vắng và đìu hiu, bên cạnh những khu rừng hoang sơ của những ngọn đồi Hi-mã. Thế kỉ thứ V, ngài Pháp Hiển, nhà chiêm bái người Trung Quốc đến đảnh lễ Thánh tích này đã viết trong tác phẩm Phật quốc kí của mình: “Vương quốc Kapilavasthu là nơi hoang vắng vô cùng, dân cư thưa thớt, những đàn voi và sư tử hoang dã thường bắt gặp trên các con đường cũ”. Ngài Huyền Trang đến chiêm bái Thánh tích này vào thế kỉ thứ VII đã ghi lại trong cuốn kí sự của mình: “Nơi đây có một hồ tắm của dòng họ Thích, nước trong hồ chói sáng và trong suốt như một tấm gương, trên mặt hồ có nhiều hoa, về hướng Bắc của hồ khoảng 24, 25 trượng là một cây Vô-ưu mà bây giờ đã tàn rụi… phía Nam có một cái tháp… bên hông của tháp không xa là một trụ đá lớn đã dựng lên bởi vua A-dục, bên trên trụ là một con ngựa, sau đó một con rồng hung ác đã làm gãy đổ cây cột trụ ngay chính giữa”.

Qua sự mô tả của hai Ngài, thì trong những thế kỉ ấy và cũng hơn 4 hay 5 thế kỉ về sau nữa, Lumbini hầu như vắng người qua lại, Thánh tích ngày càng tiêu điều hơn; bên cạnh đó những cuộc chiến tranh đẫm máu ở Ấn Độ vào thế kỉ XII, quân xâm lược đã đập phá, làm gãy luôn phần còn lại của trụ đá Asoka, từ đó về sau Lumbini hầu như đã bị quên lãng bởi sự tàn phá của thời gian, của những cuộc chiến tranh tôn giáo, bởi sự lấn áp của cây rừng nhiệt đới gần dãy Himalaya, v.v…

Mãi đến năm 1896, nhà khảo cổ học người Đức, Tiến sĩ Futher trong một cuộc khai quật đã phát hiện ra trụ đá của vua Asoka, cũng như những chứng tích đầy giá trị ở đây. Thế nhưng công cuộc hồi sinh của Thánh tích Lumbini thật sự bắt đầu vào năm 1967, khi tổng thư kí Liên hiệp quốc lúc bấy giờ là ông Uthant (người Myanmar), đến chiêm bái và tiến hành lễ khai mạc “Chương trình phát triển Lumbini”. Qua sự vận động của Ông đã có trên 13 nước tham gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ… đóng góp tài chánh cho việc kiến thiết qui hoạch tổng thể Lumbini, qua sự thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật, Tiến sĩ Kenzo Tange, gồm có các công trình lớn: Làm một đại lộ dẫn đến Lumbini, thành lập trung tâm nghiên cứu Phật học, lập nhà bảo tàng, đào hồ bán nguyệt bao bọc vườn Lumbini, v.v… dự án hoàn tất vào năm 1978.

Chính phủ Nepal cũng thành lập tổ chức Lumbini Development Trust (Quỹ phát triển Lumbini); các tổ chức Phật giáo trên thế giới có thể xin cấp đất từ 1 đến 4 hecta để xây dựng chùa trong khu qui hoạch, gần Thánh tích, với lệ phí hàng năm để phát triển Lumbini là 2500 USD. Khu vực qui hoạch rộng lớn đến 200 hecta vuông, trung tâm của khu qui hoạch là vườn Lumbini. Tất cả dân cư đều được dời ra khỏi khu qui hoạch và có cả một hệ thống tường rào bằng bê tông bao quanh, khu qui hoạch bao gồm cả những cánh rừng thưa, khu vực phía Đông có một rừng xoài to lớn…

Với những công trình vĩ đại mang tầm vóc cả thế giới như thế, đã làm cho Lumbini phát triển một cách rực rỡ, thời hoàng kim của Thánh tích Lumbini đã thật sự trở về trên quê hương của đức Phật.

Ngày nay, đến với Lumbini, toàn cảnh Thánh tích là một hoa viên tuyệt đẹp, dưới mặt đất là những thảm cỏ non xanh mượt mênh mông, xung quanh hoa viên được trồng các loài hoa nhiều màu sắc, bên trong hoa viên có cả những đại thọ Bồ-đề, bên trên các nhánh to lớn được những Phật tử treo các dây cờ, phướn rất dài, với nhiều màu sắc; trên những lá cờ, phướn ấy có in những bài kinh, câu chú, tung bay phất phới cả một không gian, như hòa quyện trong gió nguyện cầu sự hòa bình, an lạc đến với mọi người. Ngoài những cây Bồ-đề ấy còn có rất nhiều các loại cây khác với những hoa và quả rất lạ, bên dưới những cội cây ấy được làm những sàn gỗ tròn xung quanh gốc để mọi người có thể ngồi thưởng ngoạn và hít thở không khí trong lành. Ngay từ nơi cổng vào chúng ta có thể chứng kiến được những nền móng của những tu viện cổ có từ thế kỉ thứ III trước TL. Sau những nền móng ấy là đền thờ Hoàng hậu Maya. Các nhà khảo cổ cho biết, ngôi đền ấy được xây dựng trên nền tháp của vua Asoka. Bên trong đền có lối đi làm bằng một sàn gỗ rộng hai mét, dùng để hữu nhiễu xung quanh nơi đức Phật đản sanh. Nơi đức Phật đản sanh là chính giữa ngôi đền, tại điểm ấy có bức tường gạch cổ nhô cao, trên đó có bức phù điêu nổi tiếng có từ thế kỉ thứ IV, miêu tả cảnh Hoàng hậu Maya đản sanh thái tử Siddhattha. Bên dưới có hộp kính chống đạn, có gắn đèn chiếu sáng, giữa hộp là tảng đá nhỏ có hình dấu chân, đó là dấu chân của đức Phật khi Ngài vừa đản sanh, bước đi bảy bước làm chấn động mười ngàn thế giới. Khi chúng tôi đến thì ngôi đền đang được hội UNESCO trùng tu. Bên trái ngôi đền là hồ Pashkani, nơi hoàng hậu Maya tắm trước khi sanh Thái tử, nước hồ trong xanh, phản chiếu cả mây trời dưới đáy, trong hồ có nhiều cá và rùa. Sau lưng ngôi đền là trụ đá vua Asoka với dòng chữ Brahmi của nhà vua khắc vào còn in rõ nét, có một bức tường rào sắt cao trên một mét, bao bọc xung quanh để bảo vệ trụ đá. Xung quanh trụ đá là một nền đá phẳng, đây chính là nơi hành lễ, tụng kinh, chiêm bái, của những người con Phật khắp nơi trên thế giới. 

Y hậu trang nghiêm, chúng tôi thành kính đảnh lễ trụ đá của vua Asoka, hữu nhiễu ba vòng trong đền hoàng hậu Maya, tụng một thời kinh ngắn tại nơi đức Phật đản sanh, v.v… sau đó tản bộ trong công viên và ngồi tĩnh tọa trên những sàn gỗ dưới những gốc cây để hít thở không khí trong lành, trải lòng mình đón nhận những cảm giác an lạc, thiêng liêng của một nơi chốn bình an, một công viên tú lệ, một quê hương trìu mến, một Thánh tích thiêng liêng, nơi các cõi giới từng rúng động, chư thiên trỗi nhạc, vạn vật hoan ca để đón chào đấng cứu thế Thích-ca thị hiện trong cõi Ta-bà.

(còn nữa)

[Tập San Pháp Luân.38.tr,17.2006]