Đề nghị thuyết phân kỳ Phật giáo Việt Nam

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thuyết phân kỳ đã được những nhà chuyên môn giới thiệu qua nhiều hình thức cũng như tham gia bàn cãi chung quanh vấn đề nầy, tuy nhiên cho đến nay vấn đề còn đang bỏ ngỏ.

Nay, vì tính căn bản thiết yếu cho nhu cầu nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng tôi đề ra một Thuyết phân kỳ cho Phật giáo Việt Nam. Đây là bước đầu góp phần cho việc biên soạn khoa giáo lịch sử Phật giáo Việt Nam mà mục đích chính là nhằm cung cấp giáo án cho các Trường Trung cấp Phật học. Còn việc đề ra một mô hình hoàn chỉnh cho vấn đề này, thì đó là việc còn đang trông chờ ở những nhà chuyên môn về sau. Nay Thuyết phân kỳ cho Phật giáo Việt Nam được giới thiệu như sau:

1. Mô Hình Phân Kỳ Phật giáo Việt Nam

Có nhiều mô hình Thuyết phân kỳ Phật giáo Việt Nam, qua những sách đã xuất bản có thể xếp vào 5 nhóm như sau:

* Phân chia theo dòng phái.

Phân kỳ theo dòng phái, Thông Biện (?-1134) khi biên soạn TUTA đã giới thiệu mô hình nầy.

* Phân chia theo triều đại.

Nhiều nhà chuyên môn đã giới thiệu theo mô hình nầy như An Thiền-Phúc Điền (1790-1860), Đạo giáo nguyên lưu, thư viện Hán Nôm Hà Nội; rồi Trần Văn Giáp, Le Boudhisme au Annam, Paris 19; rồi Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Hà Nội 1943; rồi Thích Tuệ Sĩ, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ 13, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1968; rồi Thích Minh Tuệ, Lược sử Phật giáo Việt Nam, THPG TP.HCM-1993; Thích Đức Nhuận, Đạo Phật và dòng sử Việt, Phật học Viện quốc tế California, Hoa Kỳ ấn hành 1998.

* Phân chia theo sự kết hợp dòng phái và triều đại.

Phân kỳ theo sự kết hợp dòng phái và triều đại. Đây là mô hình đã được giới thiệu bởi Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận T1, Lá Bối, Sài Gòn 1971.

* Phân chia theo thế kỷ.

Đây là mô hình phân kỳ theo thế kỷ như phân ra: Thời kỳ Bắc thuộc 1000 năm đầu (thời mới vào đến thời độc lập nhà Đinh); Thời hoàng kim Lý-Trần thế kỷ 11-14; Phật giáo Nam-Bắc Hà Trịnh-Nguyễn phân tranh (thế kỷ 16-17); 300 năm Phật giáo Sài Gòn-Gia Định-TP HCM; v.v…

* Phân chia theo biến cố lịch sử.

Đây là một hình thức phân kỳ theo biến cố lịch sử. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam T1, 2, 3 đã giới thiệu mô hình nầy. Theo đây Giáo sư trình bày Thuyết phân kỳ Phật giáo theo quá trình phát triển của dân tộc. Qua đó 2000 năm Phật giáo Việt Nam được phân chia trên cơ sở 5 giai kỳ:

1- Cuộc chiến tranh Hoa Việt năm 39-43,

2- Việc xưng đế của Lý Bôn vào năm 544,

3- Việc Lý Thánh Tông sáp nhập ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính vào bản đồ Đại Việt vào năm 1069,

4- Việc vua Trần Nhân Tông sáp nhập hai châu Ô Lý vào năm 1306, và

5- Việc chúa Nguyễn Phúc Chu gởi tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào thiết lập chính quyền Việt Nam tại Sài Gòn vào năm 1698. Rồi bên cạnh hình thức phân kỳ, Giáo sư còn kèm theo một tên gọi cho từng thời kỳ đó như: Thời kỳ Phật giáo quyền năng, Thời kỳ Phật giáo vận động độc lập, Thời kỳ Phật giáo thế sự, Thời kỳ Phật giáo cư trần lạc đạo và Thời kỳ Phật giáo quần chúng. Tuy nhiên, việc giới thiệu nầy còn bỏ ngỏ mà chưa cho người học sau một chân dung chi tiết về phân kỳ Phật giáo Việt Nam.[1] 

Bên cạnh đó còn phải nói đến một Mai Thọ Truyền, Le Bouddhisme au Việt Nam, Sài Gòn 1962; Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo, VHĐ Sài Gòn-1970; Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không-1973; Thích Thiên Ân, Zen Buddhism and Nationlism in Viet Nam, Los Angeles 1973; v.v… Đó là những nhà chuyên môn đã góp phần hoàn chỉnh Thuyết phân kỳ Phật giáo Việt Nam.

2. Nhận định về mô hình phân kỳ 5 điểm ở trên

a. Phân chia theo Dòng Phái. Phân chia theo dòng phái, mô hình nầy có lợi điểm là nói lên được tính chất Phật giáo tông môn, truyền thống Tổ đạo, nét đặc thù của pháp môn tu tập. Tuy nhiên, Phật giáo dòng phái không hiện hữu trong suốt chiều dài lịch sử 2000 năm. Do vậy, cách phân kỳ theo Dòng-Phái cũng có mặt giới hạn của nó.

b. Phân chia theo triều đại. Dưới thời phong kiến, cơ chế triều đại có ảnh hưởng hầu như chủ đạo toàn bộ vận hành sinh hoạt xã hội, mà trong đó nó chi phối không nhỏ vận mạng thịnh, suy của Phật giáo. Những kỳ quan Phật giáo còn đến ngày nay cũng như những pháp nạn kinh hoàng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và lịch sử Phật giáo thế giới; tất cả chúng đều có quan hệ đến các triều đại vua, chúa phong kiến. Tuy nhiên, cũng có những giai kỳ mà sự chuyển biến của triều đại không để lại dấu ấn lớn lao nào cho Giáo hội cả. Cho nên phân kỳ Phật giáo theo triều đại cũng chưa phải là mô hình thích hợp lắm.

c. Phân chia theo sự kết hợp dòng phái và triều đại. Phân chia theo sự kết hợp dòng phái và triều đại. Mô hình nầy có những ưu điểm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần bổ xung một số mặt khác để được đầy đủ hơn.

d. Phân chia theo thế kỷ. Lịch sử là một chuỗi sự kiện diễn biến liên tục, trong khi đó hình thức thế kỷ là khung chết cứng. Do vậy không thể gượng ép đem biến cố lịch sử mà đặt vào khung thế kỷ được.

e. Phân chia theo biến cố lịch sử. Biến cố lịch sử đã tạo nên thời đại, cho nên phân kỳ Phật giáo Việt Nam dựa theo mô hình biến cố lịch sử là cách phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh mỗi giai kỳ Phật giáo Việt Nam cũng cần có một tên gọi tiêu biểu đi kèm theo, để qua đó người nghiên cứu có thể hình dung được tính chất Phật giáo của thời kỳ đó.

3. Đề nghị Thuyết phân kỳ

Từ mô hình phân kỳ lịch sử Phật giáo Việt Nam đến nhận định về mô hình phân kỳ lịch sử Phật giáo Việt Nam, qua đó 2000 năm Phật giáo Việt Nam (từ thời mới vào đến nay) có thể trình bày qua 6 giai kỳ (xem cột phân kỳ). Mỗi giai kỳ có một tên gọi tiêu biểu cho thời kỳ đó (xem cột tên gọi). Rồi mỗi phân kỳ lại chia ra nhiều chi tiết nhỏ (xem cột chi tiết phân kỳ), bên cạnh đó là thông tin thời gian (xem cột năm). Nay Thuyết phân kỳ Phật giáo Việt Nam được đề nghị theo bản biểu như sau:

Phân kỳ Tên gọi Chi tiết phân kỳ Năm
1
000-980
Thâu hóa sáng tạo Phật giáo quyền năng
(từ thời mới vào đến Giáo học)
Phật giáo dung hợp Thiền-Mật-Tịnh
(từ Giáo học đến Thiền phái)
Phật giáo vận động độc lập
(từ Thiền phái đến Giáo hội)
000-300

300-544

544-981
2
981-1306
Thâu hóa sáng tạo Phật giáo Vạn Hạnh
(Gầy dựng khuông mẫu nước Việt)
Phật giáo Thái Tông
(Phát huy bản sắc dân tộc Việt)
891+

1226+
3
1306-1698
Phật giáo Trúc Lâm-Yến Tử Phật giáo Nhân Tông-Giác Hoàng
(Phật hóa nhân gian)
Phật giáo  Lương Đăng[2]
Phật giáo Minh Châu (Hương Hải)
(Xây nền Phật giáo Nam-Bắc Hà-Phục hưng)
1306+

1428+

1528+
4
1698-1920
Phật giáo đối kháng trước sự xâm lược của phương Tây Phật giáo Nguyên Thiều
(Phật giáo Đất Phương Nam)
Phật giáo Tiên Giác-Hải Tịnh
(Hệ thống hóa tổ chức Phật giáo lần 1)
1689-

1698+
5
1920-1981
Hệ thống hóa tổ chức Phật giáo Phật giáo Lê Khánh Hòa
(Thống nhất Phật giáo lần 1, 1951)
Phật giáo Thích Quảng Đức
(Pháp nạn Ngô Đình Diệm-63)
Phật giáo đại chúng
(Thống nhất Phật giáo lần 2, 1964)
1920-1963

1963

1964-1981
6
1981+
Phật giáo Cư Trần Lạc Đạo    


Đề nghị bước đầu một Thuyết phân kỳ Phật giáo Việt Nam như thế, kế đến là cần mở ra buổi tham luận để qua diễn đàn có sự tham gia của nhiều giới, còn việc đi đến nhất quán về Thuyết phân kỳ Phật giáo Việt Nam đó là việc của nhà chuyên môn.

Phụ lục bản phân kỳ Phật giáo Việt Nam của Giáo sư Lê Mạnh Thát:

Phân kỳ Giai kỳ Tên gọi
1- 39-43 Cuộc chiến tranh Hoa - Việt Phật giáo quyền năng
2- 544 Việc xưng đế của Lý Bôn Phật giáo vận động độc lập
3- 1069 Việc Lý Thánh Tông sáp nhập ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính vào bản đồ Đại Việt Phật giáo thế sự
4- 1306 Việc vua Trần Nhân Tông sáp nhập hai châu Ô - Lý Phật giáo cư trần lạc đạo
5- 1698 Việc chúa Nguyễn Phúc Chu gởi tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào thiết lập chính quyền Việt Nam tại Sài Gòn Phật giáo quần chúng


Chú thích:
[1] Lê Mạnh Thát, lịch sử Phật Giáo Việt Nam T2, tr.20
[2] Nguyễn Trãi phê bình Lương Đăng rằng đem nghi lễ nhà chùa mà dùng cho Thiên tử. Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên toàn tập.

[Tập san Pháp Luân - số 4, tr.]