Các giá trị tôn giáo và xã hội loài người

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Về phương diện vật chất, ngày nay, nhân lại đã đạt đến những tiến bộ bất ngờ. Nhưng bên cạnh đó, nhân loại đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn. Trong đó, có những vấn nạn do những yếu tố khách quan gây ra, như thiên tai. Những vấn nạn này khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang tồn tại nhiều vấn nạn do chính những khuyết tật tinh thần của chúng ta gây ra. Chúng ta đang đối mặt với nhiều khổ đau về tình thần. Tôi gọi những vấn nạn này là những vấn nạn không đáng có, vì nếu chúng ta chọn một thái độ tinh thần đúng đắn, những vấn nạn do con người tạo ra sẽ không thể nảy sinh. Thường thì chúng nảy sinh là do những khác biệt về ý thức hệ, và thật không may, niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau thỉnh thoảng cũng bị liên lụy. Vì lý do đó, điều quan trọng là chúng ta phải có sự nhận thức đúng đắn. Tuy có nhiều triết thuyết và tôn giáo khác nhau, nhưng cái gì là tối yếu – chính là lòng từ bi, tình yêu thương, biết quan tâm đến nỗi đau của người khác, và giảm thiểu tính ích kỷ. Theo tôi, lòng từ bi là đức tính cao quý nhất. Nó là một cái gì đó mà chỉ có con người chúng ta mới có thể phát triển. Và nếu chúng ta có một tấm lòng từ bi và thương yêu người khác, chúng ta sẽ hạnh phúc và tự hài lòng về bản thân mình; hơn nữa, bạn bè chúng ta cũng sẽ cảm nhận được bầu không khí thân thiện và an lạc y như vậy. Và đức tính cao quý này nếu được nhân rộng, nó sẽ ảnh hưởng từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ vùng này đến vùng khác, từ lục địa này đến lục địa khác.

Lòng từ bi, yêu thương người khác là nguyên lý tất yếu. Nằm đằng sau tất cả là cảm giác chính xác về một “bản ngã”, theo lẽ thường tình thì ta có một “cái tôi” nào đó – “tôi muốn điều này”, “tôi không muốn điều kia”. Chúng ta trải nghiệm những cảm giác này một cách tự nhiên, và đương nhiên chúng ta đều muốn hạnh phúc – “tôi muốn hạnh phúc”, “tôi không muốn đau khổ”. Điều này không những là tất nhiên mà còn chính đáng nữa. Không cần chứng minh gì thêm, nó là một cảm xúc bẩm sinh được xác nhận đơn thuần bằng một sự thật là chúng ta đương nhiên muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ.

Y trên cảm giác đó, chúng ta có quyền tìm cầu hạnh phúc và vượt thoát khỏi khổ đau. Chính bản thân tôi có cảm giác ấy và quyền này, thì những người khác cũng có cùng một tính chất như vậy. Sự khác biệt là khi bạn nói “tôi”, bạn chỉ nói đến một cá nhân, một tâm hồn. Những người khác là số đông. Do đó, bạn nên hình dung thế này: một mặt, hãy tưởng tượng rằng “cái tôi” của bạn chẳng qua chỉ là nhằm vào ý định ích kỷ mà thôi. Mặt khác, hãy tưởng tượng những người khác – là số đông. Bạn là người thứ ba đứng ở giữa nhìn cả “cái tôi” của bạn và số đông đồng loại. Cả hai, “cái tôi” của bạn và người khác đều có cảm giác muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ như nhau.

Cũng thế, quan niệm quyền được hạnh phúc vẫn y như vậy. Tuy nhiên, người bị tính ích kỷ thúc đẩy có quan trọng thế nào đi nữa, anh ta hoặc cô ấy cũng chỉ là một cá thể; những người khác dù nghèo khó thế nào đi nữa, thì họ cũng là số đông. Người thứ ba không thiên vị có thể thấy rõ ràng rằng đa số quan trọng hơn một cá thể. Qua đó, chúng ta có thể chiêm nghiệm, có thể cảm nhận rằng, đa số - số đông đồng loại, luôn quan trọng hơn một “cái tôi” ích kỷ.

Vì thế, câu hỏi đặt ra là: mọi người thực hiện hạnh phúc vì tôi hay tôi thường thực hành lợi lạc vì người? Nếu người khác vì cái tôi nhỏ bé này được hạnh phúc, thì đó quả là sai lầm. Thậm chí, nếu bạn dùng những gì được người khác thực hiện, thì bạn cũng sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc, còn nếu cái cá nhân này, cái tôi cá biệt ấy đóng góp, phụng sự hết khả năng mà anh ta hay chị ấy có, đó lại là suối nguồn an lạc. Y trên thái độ này mà lòng bi và tính thương người có thể được phát triển.

Vì lòng bi được dựa trên lý do và những cảm giác như thế, cho nên nó có thể mở rộng ngay cả với kẻ thù của mình. Tình cảm thông thường của chúng ta được cho là có lòng thương yêu thường có liên hệ với luyến ái. Bạn chỉ có cảm giác thương và yêu đối với vợ hoặc chồng, cha mẹ hay con cái bạn mà thôi. Nhưng vì thực tế là tình thương này thường gắn liền với luyến ái, vì vậy tình thương này không dành cho kẻ thù của bạn. Và lòng thương có tính luyến ái này còn là trung tâm hóa thúc đẩy động cơ ích kỷ - vì đấy là mẹ cha và con cái của tôi nên tôi yêu họ. Ngược lại với tính ích kỷ này là sự hiểu biết rõ ràng về tầm quan trọng và các quyền của người khác. Nếu lòng từ bi được phát triển trên ý nghĩa đó, tình thương đó sẽ dành cả cho kẻ thù của chúng ta.

Để phát triển hạnh từ bi như thế, chúng ta phải nuôi dưỡng lòng bao dung và tính nhẫn nhục. Trong việc tu tập lòng bao dung, kẻ thù của bạn là người thầy lỗi lạc. Họ dạy bạn hạnh này, trong khi thầy giáo hay cha mẹ của bạn thì không thể. Vì vậy, kẻ thù thật sự hữu ích như người bạn tốt nhất, người thầy giỏi nhất.

Theo kinh nghiệm của tôi, giai đoạn tích lũy kiến thức và kinh nghiệm tuyệt vời hơn hết là giai đoạn khó khăn nhất của đời người. Nếu bạn đi trên một con đường bằng phẳng, mọi việc đều ổn, bạn cảm thấy hài lòng. Nhưng một ngày kia bị một sự cố bất ngờ xảy ra, bạn sẽ cảm thấy buồn bã và thất vọng. Qua một giai đoạn khó khăn được  rèn luyện, bạn có thể phát triển nội lực, quyết tâm, và lòng dũng cảm để đối mặt với vấn đề trên. Vậy thì ai mang đến cho bạn cơ hội này? Chính kẻ thù của bạn.

Nói như vậy, không có nghĩa là bạn tuân theo hay khuất phục trước kẻ thù. Trên thực tế, đôi khi còn phải tùy vào thái độ của chúng, có thể bạn phải phản ứng lại mạnh mẽ, nhưng trong thâm tâm, sự tĩnh lặng và lòng từ bi vẫn luôn hiện hữu. Điều này là có thể. Một vài người nghĩ rằng: “Ôi chao! Đức Đạt-lai Lạt-ma nói quá đi thôi.” Nhưng nếu bạn có thực hành, nếu bạn thử kiểm tra bằng kinh nghiệm của mình, bạn có thể cảm nhận được những điều tôi nói là đúng.

Điều cơ bản mà tôi muốn nói, chính là phát triển yêu thương và bi mẩn. Và tôi thường cho rằng đây là thông điệp chủ yếu của tôn giáo. Khi chúng ta nói về tôn giáo, chúng ta không cần phải bàn luận nhiều đến các vấn đề triết học sâu sắc hơn. Từ bi là bản chất thực sự của tôn giáo. Nếu bạn nỗ lực trao dồi lòng bi, với tư cách là một Phật tử, thậm chí nếu bạn không chú trọng nhiều về đức Phật, thì vẫn không có gì là sai cả. Đối với một Kitô hữu, nếu bạn cố gắng thực hành lòng thương yêu, thì không cần nhấn mạnh nhiều đến những vấn đề triết học khác. Tuy rằng, tôi rất thích triết học. Điều quan trọng là trong cuộc sống hàng ngày, bạn thực hành những gì cần thiết, và tới mức độ mà hầu như không có bất kỳ sự khác biệt giữa Phật giáo, Kitô giáo, hay tôn giáo nào khác. Tất cả các tôn giáo đều nhấn mạnh vào sự cải thiện, nâng cao con người, cảm xúc về tình quyến thuộc, tình yêu – cái chung của nhân loại này. Vì vậy, xét trên bản chất của tôn giáo, thì tất cả đều đồng nhất.

Theo cảm nhận của bản thân tôi và cũng nói riêng với các Phật tử khác rằng, câu hỏi về Niết-bàn khoan vội đặt ra. Nhưng nếu trong cuộc sống hàng ngày, bạn sống một đời sống thiện lành, trung thực, bằng tình yêu, bằng lòng từ bi, giảm ích kỷ, và rồi tự nó sẽ dẫn ta đến Niết-bàn. Trái lại, nếu chúng ta nói về Niết-bàn, nói về triết học, nhưng không thiết tha tu tập, thì tuy bạn có thể đạt được một Niết-bàn xa lạ nào đó, nhưng sẽ không đạt được Niết-bàn thật sự, bởi vì hàng ngày bạn chẳng có công phu tu tập gì cả.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải thực hiện những giáo lý chân thật. Cho dù bạn tin vào Thiên Chúa hay không, điều đó không quan trọng; cho dù bạn tin vào đức Phật hay không cũng không quan trọng; khi là một Phật tử, cho dù bạn tin vào sự tái sinh hay không cũng không quan trọng lắm. Bạn phải sống một cuộc đời tốt đẹp. Và một cuộc sống tốt đẹp không có nghĩa là chỉ có ăn ngon, mặc đẹp, nơi ở tốt, vẫn chưa phải là đủ. Động cơ chính yếu là từ bi, mà không cần phải thuyết giáo dông dài, không cần có triết lý phức tạp, mà chỉ có sự hiểu biết rằng những người khác là anh em và chị em, các quyền và phẩm giá con người phải được tôn trọng. Việc chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau là một trong những năng lực độc đáo của chúng ta. Chúng ta phải chia sẻ đau khổ của những người khác; cho dù bạn không thể giúp đỡ bằng tiền, thì việc thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ về đạo đức và bày tỏ sự cảm thông cũng đưa tới những giá trị thật sự. Đây là những hoạt động cơ bản nên làm, cho dù gọi chúng là tôn giáo hay không, không thành vấn đề.

Hiện nay, một số người nghĩ rằng tôn giáo là dành cho những người sống ẩn dật nơi núi rừng và tôn giáo không cần thiết trong các lĩnh vực kinh doanh hoặc chính trị. Câu trả lời của tôi đối với quan niệm đó là “sai!” Bởi vì, như tôi vừa nói, trong tôn giáo đơn giản của tôi, tình yêu là động cơ cốt lõi. Ngoại trừ một nhóm người nhất định nào đó, thì mọi hành động - những hành động quy mô hơn và có chủ ý – đều phải đi kèm với động cơ này. Trong chính trị, nếu bạn có một động cơ đúng đắn và dùng động cơ đó làm việc và góp phần tạo nên một xã hội tốt hơn, một chính trị gia như thế là một chính trị gia chân chánh và trung thực. Chính trị tự nó không phải là xấu. Chúng ta nói “chính trị bẩn” hoặc chánh trị là bẩn thỉu. Không phải thế. Chính trị là cần thiết để giải quyết những vấn đề của con người, của xã hội loài người. Bản thân nó không phải là xấu, nó rất cần! Tuy nhiên, nếu chính trị được thực hiện bởi những người xấu, bởi sự xảo quyệt và thiếu động cơ chân chánh, thì tất nhiên, nó sẽ trở thành thảm hại.

Điều này không chỉ đúng trong chính trị mà còn đúng trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả tôn giáo - nếu tôi nói về tôn giáo bằng một động cơ xấu, thì việc rao giảng trở nên tồi tệ. Nhưng bạn không thể nói rằng tôn giáo là xấu, bạn không thể nói “tôn giáo bẩn.”

Như vậy, động cơ là rất quan trọng, và do đó tôn giáo đơn giản của tôi là tình thương, tôn trọng người khác, sống trung thực: các giá trị này không dành riêng cho tôn giáo mà còn bao hàm cho các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, kinh doanh, khoa học, pháp luật, y học - ở khắp mọi nơi. Xuất phát từ động cơ chân chính, tất cả các lãnh vực này luôn mang lại lợi ích cho nhân loại. Không xuất phát từ động cơ tốt, mọi việc làm đều có thể theo một hướng khác, chẳng hạn, trong lãnh vực khoa học và công nghệ, thay vì phát triển nhằm giúp đỡ con người nhưng trong trường hợp ngược lại nó sẽ mang đến sự sợ hãi và đe dọa hủy diệt toàn cầu. Đối với nhân loại, ý niệm từ bi là rất quan trọng.

Trong thời điểm hiện tại, nếu xã hội được nhìn sâu hơn, bạn sẽ thấy rằng mọi người không hạnh phúc như dáng vẻ mới gặp lần đầu. Ví dụ, khi tôi mới đặt chân đến một đất nước xa lạ nào đó, mọi thứ đều đẹp đẽ. Khi tôi gặp những người mới, tất cả đều xinh xắn, không có gì phải phàn nàn cả. Nhưng sau đó, ngày qua ngày, tôi lắng nghe, tôi nhận ra các vấn nạn của mọi người, và rõ ràng rằng vấn đề này vốn xảy ra khắp nơi. Sâu thẳm bên trong là tình trạng bất ổn. Do cảm giác bất ổn ở nội tâm, người ta thấy mình bị cô lập, chán nản, lo lắng và đau khổ về tinh thần. Đây là bầu không khí chung. Công bằng thật sự và trung thực thì không thể nằm trong sự (các cảm tính) khôn ngoan. Muốn làm lợi ích cho những người khác nhưng ẩn sâu bên trong là động cơ ích kỷ thì người ta lại không thể đạt được lợi ích gì. Nếu bạn nói chuyện về hòa bình, tình yêu, công lý, v.v.. nhưng sau đó khi mọi thứ đang thực sự ảnh hưởng đến bạn, bạn hoàn toàn quên hết (những gì đã nói), và nếu cần thiết, bạn đàn áp họ hoặc thậm chí gây ra chiến tranh, đây là một dấu hiệu chứng minh rằng bạn đang thiếu sót một cái gì đó.

Bầu không khí bất ổn này là một thực tại hiện giờ của chúng ta. Nó quá tồi tệ, nhưng đó là sự thật. Mọi người có thể cảm thấy trái ngược với việc mà tôi đã từng đề cập là sự chuyển hóa bên trong và theo họ, nó chỉ đơn thuần là lý tưởng và không liên quan với tình hình của chúng ta trên trái đất này. Tuy nhiên, theo tôi là nếu bầu không khí hiện nay, trong đó tất cả mọi thứ phụ thuộc vào tiền bạc và quyền lực và không có nhiều mối quan tâm về giá trị thực của tình yêu tương tục, nếu xã hội loài người mất đi giá trị của công lý, giá trị của lòng từ bi, giá trị của trung thực, thì thế hệ tiếp theo hoặc xa hơn nữa trong tương lai, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn và đau khổ hơn. Như vậy, mặc dù việc thay đổi nội tâm là khó khăn, nhưng đó là điều hoàn toàn đáng để nỗ lực đạt thành. Đây là niềm tin kiên định của tôi. Điều quan trọng là chúng tôi cố gắng hết sức mình. Cho dù chúng ta thành công hay không, thì đấy lại là một vấn đề khác. Ngay cả nếu chúng ta không thể đạt được những gì chúng ta tìm kiếm trong cuộc đời này, thì vẫn có sao đâu, nhưng ít nhất chúng ta đã thực hiện các nỗ lực để một xã hội tốt đẹp hơn của con người trên cơ sở yêu thương - yêu thương đích thực - và giảm thiếu tính ích kỷ hơn sẽ được hình thành.

Những người hàng ngày đối phó với vấn đề hiện tại phải tập trung vào các vấn đề trước mắt nhưng đồng thời phải xem xét ảnh hưởng lâu dài của nó đối với nhân loại, xã hội loài người. Ví dụ, về cơ bản, toàn bộ cơ thể vật lý của bạn phải được khỏe mạnh và tráng kiện, vì vậy, với một cơ sở sức khỏe tốt, bạn sẽ không nhiễm những bệnh vặt, hoặc ngay cả khi bạn bị bệnh, bạn có thể dễ dàng chữa khỏi trong một thời gian ngắn. Xã hội loài người cũng y như vậy. Nếu chúng ta tập trung 100% vào những lợi ích ngắn hạn, những lợi ích tạm thời theo “con đường hiện thực”, cũng giống như hôm nay ta đang bị bệnh và uống một viên thuốc. Nếu cùng một lúc, ta có nhiều suy nghĩ và thảo luận nhiều hơn về tương lai lâu dài của nhân loại, điều này cũng giống như xây dựng một cơ thể khỏe mạnh. Kết hợp việc xử lý những vấn nạn tạm thời và lâu dài là rất cần thiết.

Trong những năm qua, tôi đã từng quan sát các vấn đề của thế giới, bao gồm cả vấn đề của chính chúng tôi, tình hình Tây Tạng. Tôi đã từng nghĩ về điều này và họp bàn với nhiều người từ các lĩnh vực và quốc gia khác nhau. Về cơ bản, tất cả đều nhất trí với những ưu tư của tôi. Tôi đến từ phương Đông, hầu hết các bạn ở đây là người phương Tây. Nếu tôi nhìn vào bề ngoài, chúng ta khác biệt, và nếu tôi đặt trọng tâm vào mức độ đó, chúng ta ngày càng cách xa nhau. Nếu tôi nhìn vào bạn như nhìn vào tôi, cũng là con người như tôi, với một mũi, hai mắt, v.v.., thì tự động khoảng cách đó biến mất. Chúng ta đều là con người. Tôi muốn hạnh phúc, bạn cũng muốn hạnh phúc. Từ việc công nhận lẫn nhau như vậy, chúng ta có thể xây dựng niềm tôn trọng và tin tưởng thật sự lẫn nhau. Từ đó có thể hợp tác và hòa hợp, và từ đó chúng ta có thể ngăn chặn nhiều vấn đề.

Trong thế giới ngày nay, chúng ta phụ thuộc vào nhau rất nhiều, không chỉ quốc gia này đến quốc gia kia, mà còn từ lục địa này đến lục địa khác. Vì vậy, ta có thể hợp tác thực sự bằng một động cơ chân chính là điều cần thiết. Sau đó, chúng ta có thể cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề (của nhau). Mối quan hệ chân thật, từ trái tim đến trái tim, từ con người đến con người, là rất quan trọng và không thể thiếu. Tất cả mọi thứ phụ thuộc vào động cơ chánh đáng của chúng ta.

Hiếu Hạnh(dịch)
[Tập san Pháp Luân - số 81, tr35, 2011]