Vài nét về các Thiền sư chùa Hòa Mã

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Chùa Hòa Mã, tên chữ hán là Thiên Quang Thiền Tự (天光禪寺) tọa lạc tại phố Phùng Khắc Khoan, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Đời Lê, chùa thuộc thôn Đổi Mã, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên. Vào Minh Mệnh thứ 2 (1821) bộ Hộ đã kiến nghị đổi một số địa danh cả nước, trong đó thay thôn Đổi Mã thành thôn Hòa Mã. Sau đó không lâu, cho xáp nhập thôn Hòa Mã vào tổng Kim Liên, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.


Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1016, nhà vua cho dựng hai chùa Thiên Quang, Thiên Đức và tô bốn pho tượng thiên đế(1). Đây là một trong những ngôi chùa do vua Lý Thái Tổ cho xây dựng. Vì thế, vị trí của chùa Thiên Quang có một vai trò nhất định.

Trải qua các đời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, chúng ta không có thông tin gì về sinh hoạt của ngôi chùa. Có thể một thời gian dài, nhà chùa không bảo lưu được tư liệu nên chúng ta không thể tái lập các Phật sự. Theo Thiên Quang Thiền Tự Bi ký (天光禪寺碑記) lập năm Gia Long 13 (1814) do thiền sư Tịch Khanh (1762-1821) soạn cho biết vào thời Lê Trung Hưng, nhiều ngôi chùa có một vị trí đặc biệt ở chỗ mỗi khi đi tế Giao, nhà vua thường vào chùa thắp hương, lễ Phật rồi thay áo ngự. Như thế, ngôi chùa vào thời Lê phát triển và được các vua Lê ủng hộ.

Về các thiền sư trụ trì chùa, chúng ta có tư liệu rõ nhất về ba vị. Đó là thiền sư Tịch Khanh, Chiếu Tính và Phổ Tịnh. Cả ba đều là môn nhân của phái Liên Tông thuộc tông Lâm Tế. Theo Liên đính tuyển Phật trường đồ dẫn (連釘選佛場圖引) do Pháp ấn Sa môn là Tính Ngạn Thích Ngột Ngột soạn và cho khắc in năm Long Đức thứ 1 (1732) ghi lại: “Đông đô thủy tổ Chuyết Đại hòa thượng đắc pháp ư trạng nguyên tăng Đà Đà Hòa thượng truyền chí Minh Lương truyền chí Chân Nguyên truyền chí Lân Giác thượng sĩ thị Liên Tông tự Ly Trần viện chi khai sơn thủy tổ dã”. (東都始祖拙大和尚得法於狀元僧陀陀和尚傳至明良傳至真源傳至鱗角上士是蓮宗寺離塵院之開山始祖也 - Đông Đô Thủy tổ Chuyết Đại hòa thượng đắc pháp với Trạng nguyên tăng Đà Đà hòa thượng, truyền đến Minh Lương, Minh Lương truyền cho Chân Nguyên hòa thượng, hòa thượng truyền tới Lân Giác thượng sĩ, thủy tổ khai sơn chùa Liên Tông viện Ly Trần vậy). Lại nữa, theo Trùng hưng Liên Phái tự Ly Trần viện biệt chí (重興蓮派寺離塵院別誌) do Tỳ-kheo Thanh Trang soạn cũng đồng nhất quan điểm với Ngột Ngột khi cho tông Long Động bắt đầu từ Chân Nguyên, Chân Nguyên truyền cho Thượng sĩ Cao Thiền. Thiền uyển truyền đăng lục quyển hạ của Phúc Điền hòa thượng cung cấp thông tin rõ hơn. Sách ghi lại sư Tính Tuyền, đệ tử của Như Trừng, sau khi du học từ Trung Quốc về trụ trì chùa Tam Huyền (Sùng Phúc thiền tự) mở nhiều giới đàn thí giới. Sư được xem là tổ khai phái của bản tự. Truyền xuống đời thứ hai là tổ Hải Thư. Sư Hải Thư có bốn đại đệ tử lập thành bốn chi tại các chùa như Tam Huyền, Phúc Khánh (chùa Sở), Bằng Liệt (Linh Tiên tự), Hòa Mã (Thiên Quang tự) và Hưng Nghĩa. Trong đó, chùa Hòa Mã thuộc chi thứ ba, bắt đầu từ thiền sư Tịch Khanh.

Thiền sư Tịch Khanh (寂鏗禪師) là vị tổ sư khai phái của bản tự. Hành trạng thiền sư Tịch Khanh, theo văn bia Niệm Nam Mô Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh cho biết thiền sư họ Vũ, người xã Thanh Mai, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, Nam Định. Thuở nhỏ đi tu, sau về trụ trì chùa Thiên Quang. Năm Kỷ Mùi (1799), thiền sư cho trùng tu tòa thượng điện. Năm Canh Thân (1800) cho đúc chuông. Năm Tân Dậu (1801), tu sửa tiền đường. Năm Giáp Tý (1804) dựng nhà thiêu hương. Năm Quí Dậu (1813) tô các pho tượng Phật. Ngày 17 tháng 12 năm Tân Tỵ (1821), thiền sư viên tịch. Môn đồ xây dựng tháp ngài bên phải sau chùa.

Còn Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ ghi chép hành trạng cùng tông phái. Sách viết: “Chi ba [thuộc pháp phái Sùng Phúc, Tam Huyền] truyền xuống Sa môn Tịch Khanh, chùa Thiên Quang, thôn Hòa Mã, tổng Kim Liên. Sư 19 tuổi xuất gia, người quê Thanh Mai, Thư Trì, Nam Định. Ngài đường đường tăng tướng, trùng tu chùa Thiên Quang trang nghiêm, sư thọ 50 tuổi”(2). Thiền sư Tịch Khanh là đệ tử của thiền sư Từ Nghiêm Hải Thư, đệ nhị tổ chùa Tam Huyền. Thiền sư Tịch Khanh thuộc về chi ba và chùa Hòa Mã trở thành một trong những chi nhánh chính của sơn môn Tam Huyền.

Theo Thiên Quang Thiền Tự Bi Ký (天光禪寺碑記) do Thiền sư Tịch Khanh kể lại, thiền sư lúc đầu học với tôn sư chùa Trấn Quốc, lớn lên học đạo nơi Hoài Đức thiền lâm. Như thế, thiền sư đến xuất gia tại chùa Trấn Quốc, thuộc thiền phái Tào Động. Sau tìm học với thiền sư Từ Nghiêm Hải Thư, chùa Sùng Phúc và ngài ngộ cơ thiền, bắt đầu dịch chuyển tông phái. Một điều lạ là tộc tính thiền sư không thống nhất. Thiên Quang thiền tự bi ký do ngài viết thì để thiền sư họ Trần. Bia do đệ tử lập thì cho ngài là họ Vũ. Chúng tôi tìm đọc kỹ văn bia thấy cha thiền sư họ Vũ, mẹ thiền sư họ Trần. Lúc thiền sư sống thì tự nhận mình họ Trần, tức theo họ mẹ. Sau đệ tử ghi lại theo đúng họ cha.

Sau khi thiền sư Tịch Khanh viên tịch, thiền sư Chiếu Tính kế đăng trụ trì bản tự. Thiền Uyển Truyền Đăng Lục ghi một vài thông tin như sau: “Truyền xuống đời thứ 2 là Đại sư Chiếu Tính, người Đa Cốc, huyện Vũ Tiên, tỉnh Nam Định. Sư 19 tuổi xuất gia, nghiêm trì giới luật, thông thạo Nho Thích, làm chùa đúc chuông, in kinh sách. Thiền sư thọ 74 tuổi, nhất tâm niệm Phật, an nhiên mà hóa, đệ tử xây tháp tạo tượng phụng thờ” (3).

Theo văn bia, thiền sư họ Đỗ. Chúng ta được biết thiền sư cũng thuộc pháp phái chùa Bằng do một văn bia tháp Phổ Đồng phía trái sau chùa ghi lại như sau: “Cung kính nhớ Thích tử Tào Khê tháp Kim Cương thứ nhất, tháp Viên Quang thứ hai, tháp Linh Quang thứ ba, tháp Tường Quang thứ tư đều là những vị trụ trì chùa Linh Tiên xã Bằng Liệt. Các ngài kiêm tu lục độ, đốn ngộ ba không, giới luật tinh nghiêm, thiền tông tai mắt. Nay, đệ tử may mắn nhận phong chỉ mà thành đạo”.  Có thể lúc đầu thiền sư tu học với thiền sư Tịch Nhu tại chùa Bằng, sau đắc pháp với thiền sư Tịch Khanh. Do đó, khi trùng tu chùa, thiền sư đã truy tiến các bậc tổ sư thuộc pháp phái chùa Bằng để đáp đền công ơn giáo dưỡng.

Dựa theo văn bia, vào năm Minh Mệnh 18 (1838), thiền sư Chiếu Tính cho trùng tu chùa, đúc một quả chuông đồng. Thiền sư cho in kinh sách mà hiện chúng ta còn đọc được bảng danh sách những người cung tiến tiền để lo công việc. Trong đó có sa-di Phổ Tịnh, sa-di Hoàng Văn Lộc, chùa Quán Sứ. Chúng ta chưa biết thiền sư in kinh gì, chúng tôi đoán là kinh Hoa Nghiêm. Vì trên tháp thầy mình thiền sư cho ghi tên kinh này làm đầu đề văn bia. Thiền sư cũng được mời chứng san, hộ san và hỗ trợ kinh phí trong công việc khắc ván in kinh.

Theo Phúc Điền, sau thiền sư Chiếu Tính là thiền sư Phổ Tịnh (普淨禪師). Thiền sư chỉ đảm nhận chức giám tự chùa, chứ không phải trụ trì. Thiền sư đã cho trùng tu thượng điện, tiền đường. Một tấm văn bia ghi bài vị thiền sư như sau:

“Nam-mô Cương Nghị tháp ma-ha Thanh Cần tỳ-kheo pháp danh Phổ Tịnh Cung Kiệm nhục thân Bồ-tát thiền tọa hạ.

Ất Dậu niên thập nhị nguyệt nhị thập cửu nhật lương bài đản sinh.

Nhâm Dần niên nhuận bát nguyệt thập tam nhật Dậu bài viên tịch”.
(南無剛毅塔摩訶清勤比丘法名普淨恭儉肉身菩薩禪座下
乙酉年十二月二十九日良牌誕生
壬戌年潤八月十三日酉牌圓寂 )

Chúng ta được biết thiền sư Phổ Tịnh lại có tên khác là Thanh Cần, sinh ngày 29 tháng 12 năm Ất Dậu (1825), viên tịch giờ Dậu ngày 13 tháng 8 nhuận năm Nhâm Tuất (1862), suy ra thiền sư thọ 36 tuổi.

Theo Thiền Uyển Truyền Đăng lục, quyển hạ cho biết chùa Hòa Mã được trùng tu các tọa, tạo tượng đúc chuông dưới sự chủ trì của thiền sư Phổ Tịnh. Các nguồn tư liệu không ghi lại năm trùng tu chùa. Hiện văn bia còn lại cũng không thấy ghi chép về đợt trùng tu này.

Chúng tôi chưa tìm được tư liệu ghi lại thiền sư nào kế đăng sau khi thiền sư Phổ Tịnh viên tịch. Chỉ thấy Tạp Tiếu Công Văn cho biết: “Hòa Mã thôn Thiên Quang tự tỳ kheo tự Thông Lễ”(4). Như thế, thiền sư Thông Lễ có phải là vị đệ tử của thiền sư Phổ Tịnh không? Điều này vẫn chưa sáng tỏ, cần các tư liệu sẽ bổ sung sau.

Hiện nay, trên bàn thờ Tổ có tất cả sáu pho tượng Tổ rất uy nghiêm nhưng nhà chùa vẫn không biết chính xác tên từng vị. Có một vị trên đai y ghi “Quang Minh Tháp”. Như thế, vị này khi viên tịch được đệ tử cho lập tháp lấy hiệu là Quang Minh.

Chúng tôi đặt vấn đề vị thiền sư đó nhưng nhà chùa cũng không có câu trả lời. Vị trụ trì cũng không biết hiện ngôi tháp này ở vị trí nào. Khảo sát hai ngôi bảo tháp hiện còn trước nhà Tổ vẫn không thấy ghi tên ngôi tháp đó. Như thế, ngôi tháp được xây dựng ở nơi đâu?

Nhân dịp về tìm hiểu lịch sử cũng như hệ thống thư tịch chùa Thanh Nhàn, chúng tôi dạo ra vườn tháp thấy có một ngôi đề là Quang Minh Tháp. Chúng tôi tìm đọc văn bia thì biết được vị thiền sư này có pháp danh là Chính Minh, tự Tính Nhu. Theo Văn Bia vào tháng 8 năm Tân Mão (1891), toàn thể nhân dân quan viên xã Thanh Nhàn đến cầu xin thiền sư về chứng cảnh. Thiền sư nhận lời thưa thỉnh về trùng tu lại chùa cảnh. Thiền sư cho làm lại các hạng mục công trình như thượng điện, tiền đường, hậu đường, tô lại các tượng Phật…Sau đó, ngài giao cho đệ tử là Tỳ-kheo-ni Đàm Đăng trụ trì. Văn bia lập năm Thành Thái 17 (1905). Văn bia không ghi lại năm mất của ngài, có thể ngài viên tịch năm đó nên cho lập tháp.

Chúng tôi cho rằng, chùa Thanh Nhàn cách chùa Hòa Mã không xa, việc dân làng đến thỉnh ngài về chứng cảnh là điều có thể xảy ra. Với lại, chùa Hòa Mã diện tích ngày càng thu hẹp, các tháp Tổ đều được đưa vào hợp nhất thành tháp Phổ Đồng. Do đó, sau khi thiền sư Chính Minh viên tịch được đệ tử an táng tại chùa Thanh Nhàn. Tên tháp trùng với tên trong đai y của tượng, điều đó cho chúng tôi suy ra như thế. Vì văn bia chùa Hòa Mã cũng có ghi vào năm Thành Thái cho trùng tu lại đúng với niên đại thiền sư sống. Đây chỉ là một sự gợi ý và suy luận. Hiện nay, chưa có tư liệu nào ghi rõ các thiền sư cuối thời Nguyễn nên chúng tôi suy luận theo chiều hướng trên.

Sau này chùa có thiền sư Thanh Lương, thiền sư Thích Thanh Đạt kế đăng trông nom. Sau đó, chùa không có người tục đăng nên nhân dân mới cung thỉnh Ni sư Đàm Đăng (1916-2006) thuộc sơn môn Hai Bà chùa Viên Minh về đương gia. Sau khi Ni sư viên tịch, đệ tử của Ni sư thay bản sư kế nhiệm.

Tóm lại, thông qua các tư liệu, chúng tôi ghi lại một vài dòng về các thiền sư chùa Hòa Mã. Các thiền sư thuộc phái Liên Tông dòng Lâm Tế hoằng pháp tại Hà Nội. Phái này phát triển mạnh và có sự lan tỏa rộng ra các nơi. Hầu hết các ngôi chùa sau này đều thuộc về dòng phái. Đầu nhà Nguyễn, chùa Hòa Mã có một vị trí vô cùng to lớn, nơi đây có các bậc cao tăng hành đạo. Các thiền sư đã xây dựng ngôi chùa trở thành một ngôi đại tự, góp phần vào công cuộc phụng hưng của Phật giáo. Hiện nay, chùa Hòa Mã diện tích không rộng, đồ chúng không đông nhưng nó cũng góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Thủ đô, hòa vào dòng chảy chung của Phật giáo Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 (bản dịch của Ngô Đức Thọ), Nxb Khoa học xã hội, H. 1983, tr. 247.
2 Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ của Hòa Thượng Phúc Điền, bản của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv 9.
3. Tạp tiếu công văn, bản in, không niên đại.
4. Một số văn bia chùa Hòa Mã.

Ngô Quốc Trưởng
[Tập san Pháp Luân - số 78, tr82, 2011]