“Vị trì luật của thế hệ thứ hai”

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Sau khi ở bệnh viện Chợ Rẫy trở về, bệnh tình của Ôn mỗi lúc càng nặng, khi ấy nhiều vị Tôn túc lên thăm và thưa thỉnh Ôn viết lại tiểu sử của mình. Ôn mỉm cười lắc đầu, nói nhẹ nhẹ: “Lúc Phật nhập diệt, Ngài có viết gì về mình đâu…”


Ôn đã khước từ tất cả thì có thích gì sự xưng tụng. Do vậy, học trò vì tỏ lòng tôn kính đức khiêm cung của Ôn, không dám tự mình đặt tiêu đề cho bài viết, mà chỉ mượn cách gọi của bậc Tiền bối ghi trong Tự ngôn, bản Việt dịch Tứ phần luật:

“...Tăng-già đang trên chiều hướng tục hóa, có nguy cơ trở thành một cộng đồng ô hợp tồn tại chỉ vì quyền lợi vật chất thế gian. Trên những lối đi đầy gai góc của rừng Thiền bấy giờ, vẫn luôn luôn ẩn hiện những dấu chân Long Tượng dấn bước tìm lại lối mòn cổ đạo đồng thời thuận hướng với trào lưu lịch sử của đất nước và nhân loại. Đó là những bước đi tái khai phá, dò dẫm một cách thận trọng.

Trong trào lưu lịch sử đó, Hòa thượng là vị trì luật của thế hệ thứ hai; thế hệ mà căn bản của cơ chế Tăng-già Việt Nam đã tương đối ổn định lần hồi”.

Ôn đã ra đi mãi mãi, không bao giờ viết gì về mình nhưng một đời trì giới, dịch luật, và đưa con thuyền Chánh pháp vượt qua bao lớp sóng phế hưng vẫn còn in đậm trong tư duy của những người học trò, đệ tử… Nhiều người đã viết về Ôn, viết rất nhiều, viết như minh chứng tâm nguyện Ôn còn thắp sáng cho nhiều thế hệ kế tục con đường Ôn đi.

Nhân kỷ niệm húy nhật lần thứ ba của Ôn (húy thượng Thị hạ Khai, tự Hạnh Huệ, hiệu Đỗng Minh, viên tịch ngày 11. 5. năm Ất Dậu - 2005), học trò có đôi dòng tưởng niệm về Ôn: 

Tôi là người học trò gặp Ôn vào một thời điểm muộn màng, tuổi đời Ôn đã xế chiều, lúc này Ôn như người “qui ẩn”, công việc hằng ngày chỉ là chứng nghĩa kinh, luật. Năm đó (năm 1996), tôi là Tăng sinh năm thứ ba trường Cơ bản Phật học Khánh Hòa (nay là trường Trung cấp), trong lòng thích dịch kinh mà ngần ngại mình còn nhỏ không dám nhận kinh để dịch, mới xin Ôn vào phụ đọc những bản kinh mà dịch giả đã dịch, tôi đọc Ôn dò chánh văn, cho quen cách dịch của người khác. Cứ mỗi chiều, từ 2 giờ đến 4 giờ, tôi đọc bản Việt, Ôn dò bản Hán. Lúc đó thầy Nguyên An là học Tăng cùng khóa với tôi cũng tham gia công việc như tôi. Mỗi tuần tôi đọc thứ ba, năm, bảy, thầy Nguyên An đọc thứ hai, tư, sáu.

Đến năm 1998, thầy Tuệ Sỹ về Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Ôn hết sức vui mừng, tạm gác việc đọc kinh lại, chiều chiều qua đó chuyện trò với thầy.

Từ đó, tôi bắt đầu mò mẫm dịch thuật và theo phụ Ôn làm việc cho đến khi Ôn viên tịch. Không biết Ôn sợ chúng tôi lãng phí thời gian hay như thế nào, mà Ôn bảo thầy Tâm Hạnh đưa kinh cho tôi và Nguyên An dịch. Ôn nói nửa đùa nửa thật: “Người đời sợ bệnh SIDA, còn tui sợ mấy người tu ăn ở không lắm!” Có thể đối với thiên tài, “quê hương” của họ là thời gian, còn quan niệm của Ôn chắc nghĩ rằng sự nhàn rỗi dễ bị phóng tâm giải đãi, buông lung!

Gần 10 năm theo phụ tá, hầu cận bên Ôn, điểm lại nhiều khoảnh khắc khó quên, bao hoài niệm ưu tư bàng bạc, có nhiều chuyện muốn viết, nhưng viết về cuộc đời học luật, truyền giới, dạy luật của Ôn thật khó. Vì khi gặp được Ôn, như đứa con út gặp lại người cha đã già; nếu dõi lại bóng hình hành cước hoằng pháp một thời của Ôn thì chỉ có thể dựa vào vài tư liệu, hay lời tự thuật chính Ôn viết, in trong các tập Luật cảo bản do Ôn dịch. Song cũng thú vị là có lần nghe Ôn kể nhân duyên Ôn để tâm chuyên sâu nghiên cứu luật học.

Cứ mỗi chiều sau giờ cơm, Ôn nằm đu đưa đón gió trên chiếc võng trước phòng (ở dãy nhà Đông chùa Long Sơn), thỉnh thoảng tôi lên ngồi chuyện vãn với Ôn. Câu chuyện bắt đầu như thế nào tôi không nhớ rõ lắm, bây giờ tôi kể lại chỉ là sự ráp nối mập mờ mới thành ý tứ. Ôn kể, lúc tác pháp yết-ma Bố-tát, hay tự tứ, an cư… hay buổi lễ gì đó liên quan đến luật, Ôn Trí Thủ làm mà Ôn thắc mắc không hiểu, sau đó Ôn hỏi lại, Ôn Trí Thủ giải thích. Ôn hiểu ra, hơi mắc cỡ, từ đó Ôn dặn lòng phải cần nghiên cứu thêm về luật.

Khi ấy trình độ học Phật, hiểu luật của tôi còn non nớt, “trí tuệ đầu gối”, như mấy cụ xưa hay nói: “người ta ăn cơm đã ba đời trào (triều), còn ông thì ở ngoài rào mới vô…!”; cho nên thuật ngữ về luật, Ôn Trí Thủ làm gì, hay tác pháp yết-ma thế nào, Ôn kể tôi nghe xong, đứng dậy rớt xuống hết hoặc trả lại cho Ôn. Giờ viết lại chỉ nhớ mang máng như thế. Ôn còn kể, trước đó Ôn chuyên về Duy thức nhưng Duy thức là một bộ môn chẻ sợi tóc ra hàng ngàn, phức tạp, rối rắm nên Ôn bỏ và thích nghiên cứu luật hơn...

Sau này tôi tự ngẫm suy, chuyện tâm tình thầy trò thì Ôn kể vậy, ví như có đứa bé hỏi một vị thầy: Vì sao thầy đi tu. Vị thầy trả lời đơn giản cho nó dễ hiểu: À! thầy đi tu vì thầy thích đời sống trong chùa. Cứ để sau này nó lớn khôn, tìm hiểu Phật pháp, khắc nó tự biết: đằng sau sự “thích đời sống trong chùa” kia là những người đang tìm lẽ huyền vi tịch tĩnh an lạc, vượt ra ngoài sự bức bách thống khổ của kiếp nhân sinh... Chuyện Ôn kể cũng thế, chỉ đúng một phần, một phần còn lại là bổn phận của một tỳ-kheo phải có trách nhiệm với sự thịnh suy của dòng họ Như Lai, và sự giải thoát của bản thân, bắt buộc phải học luật, hành trì luật. Như trong lời tựa bản Việt dịch luật Tỳ-kheo giới bổn sớ nghĩa, Ôn ghi:

“Đời sống của người xuất gia nói riêng, của Tăng chúng nói chung là đời sống giới luật. Phi điều này ra không còn gì để đáng đề cập, dù vẫn còn dưới hình thức: Tâm hành dị tục”.

Trong bài Một thời truyền luật in trong Đặc san Về cội, PL.2552–DL.2009, Tu viện Quảng Hương Già-lam ấn tặng, thầy Tuệ Sỹ viết:

“Thế hệ thứ nhất được nói đó, trong Nam, là các Trưởng lão Hành Trụ và Thiện Hoa, ngoài Trung có Trưởng lão Đôn Hậu và Trí Thủ. Ngoài Bắc, tôi chỉ biết được Trưởng lão Bình Minh qua bản dịch Yết-ma chỉ nam mà thôi. Tuy nhiên, qua các câu chuyện kể của Trưởng lão Đức Nhuận, chùa Giác Minh Saigon, tôi biết thêm một ít về Tổ Tuệ Tạng, mà truyền thừa trực tiếp về luật là ngài Bình Minh miền Bắc và ngài Thiện Hòa miền Nam. Tổ là một trong các bậc Tôn Túc hàng đầu khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo”. Và chính thầy cũng viết trong lời tựa luật Tứ phần: “Hòa thượng (Ôn Đỗng Minh) là vị trì luật của thế hệ thứ hai”.

Vậy Ôn nối tiếp mạng mạch, kế thừa “thế hệ thứ nhất” ra sao? Theo lời Ôn ghi trong lời tựa bản luật Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu:

“Ngay sau khi thọ đại giới, phần giới bổn của bộ Luật tôi tiếp thu từ Bổn sư của tôi và chính đây là nền tảng mà thầy tôi đã thiết lập cho tôi.

Sáu năm sau, tôi đến Nha Trang, đến với Tăng Học Đường tại chùa Long Sơn, trụ sở Tỉnh hội Phật học Khánh Hòa. Tôi nhớ rõ năm ấy là năm 1953, và càng nhớ rõ hơn Hòa thượng Giám Luật Thích Đôn Hậu từ Tổng Trị Sự Huế vào phụ trách dạy Luật cho trường hạ: Ngài dạy phần Giải thích và Tướng trạng của tội, những điểm căn bản của bộ Luật. Đây là dấu ấn đức hạnh như tên gọi của ngài đã đặt lên tôi nói riêng, cho quý thầy từ bốn tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đà Lạt Tuyên Đức nói chung về tu học tại Tăng Học đường trong mùa an cư năm đó.

Sau đó vài năm, cứ mỗi mùa an cư, tại Phật Học Viện Trung phần, chùa Hải Đức (Nha Trang), Hòa thượng Luật sư Thích Trí Thủ đều giảng dạy những vấn đề thiết yếu: Khai, Giá, Trì, Phạm của bộ Luật cho quý thầy sau những ngày hoằng hóa khắp nơi quy tụ về an cư tu học, cũng như cho anh em học Tăng đang học tập tại Phật Học Viện. Có đến 20 mùa an cư, tại trú xứ này, tôi được gần gũi Hòa thượng Giám viện Thích Trí Thủ để tiếp thu những điều Tác-Trì và kiến thức Luật học của ngài.

Kiến thức sâu rộng về Luật học là một lẽ, còn việc vận dụng vào đời sống thực tế vào việc hành trì là một lẽ khác, nhất là về mặt kiết giới và trị phạm, cần có sự linh hoạt và thực tiễn để Luật học không trở thành cứng nhắc. Do vậy, cần có sự vận dụng uyển chuyển theo sự phát triển của xã hội, song vẫn bảo đảm đúng pháp, đúng luật, đúng như lời Phật dạy. Nói khác hơn, phải nắm thật chắc mọi tinh hoa đã được tập thành trong Luật tạng để việc áp dụng không rơi vào lệch lạc và sự hành trì không vướng bận chi li.

Ngài Hòa thượng Luật sư Thích Thiện Hòa đã tập thành được những tinh hoa ấy... Tôi đã trực tiếp học ở ngài các vấn đề quan yếu về Tác-Trì. Ngài đã chỉ ra tính cách sâu sắc của Luật học mà đằng sau nó là sự giải thoát, điều sau cùng của một Tỳ-kheo phải đạt được.

(…)

Tôi cũng được sự chỉ định của Hòa thượng Thích Trí Thủ vào Sài Gòn dạy Luật cho lớp Cao Đẳng chuyên khoa tại Quảng Hương Già-Lam, cũng như tại Phật học Vạn Hạnh trong hai mùa an cư 1982 và 1983.

Còn tại trú xứ chùa Long Sơn, Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa, tôi được sự giao phó của Hòa thượng Giám Luật Thích Trí Nghiêm giảng giải đến các đề tài về Luật học sau những lần chúng Tăng tập hợp Bố-tát. Cũng tại trú xứ này, qua suốt các mùa an cư của thập kỷ 80 cho đến tận hôm nay, tôi đảm trách thuyết trình các vấn đề chuyên biệt của giới luật, sự vận dụng và hành trì trước Tăng, Ni thuộc thành phố Nha Trang…”

Gần như cả một đời học tập, nghiên cứu và hoằng truyền luật tạng của Ôn đã được cô đọng trong lời tựa trên. Có lẽ Ôn đã thể hiện phần nào trong vai trò “vị trì luật của thế hệ thứ hai” – tương tục thắp sáng ngọn đèn của “thế hệ thứ nhất”.

Hạnh nguyện và tâm huyết của Ôn chưa dừng hẳn lại đó, trong lời tựa các bản luật cảo bản khác Ôn còn viết: Sau năm 1975, Ôn tự thấy đã mãn nguyện suốt chặng đường dài 20 năm đóng góp được nhiều lợi ích cho Phật pháp, sau đó giải thể cơ sở sản xuất càng thuận duyên cho Ôn thực hiện hoài bão dịch thuật Luật tạng.

Năm 1987, Ôn bắt đầu dịch luật. Bộ đầu tiên Ôn dịch là Tỳ-kheo giới bổn sớ nghĩa (Sa-môn Truyền Nghiêm tập thuật, 2 quyển). Bộ luật này do Kỳ Túc Luật sư Hòa thượng Thích Phúc Hộ trao tặng Ôn, lúc Ôn dạy luật cho các tân Tỳ-kheo nhân mùa an cư 1964, tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Sau đó, Ôn trình tự dịch tiếp Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu (19 quyển, bản Biệt hành), Sa-môn Trí Húc biên soạn; Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da (50 quyển); Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Bí-sô-ni tỳ-nại-da (20 quyển); Tứ phần luật (60 quyển); Di-sa-tắc bộ hòa hê ngũ phần luật (30 quyển). Ôn còn dịch thuộc lòng bộ Luật tiểu (04 quyển) ra văn vần trong thời gian bị quản chế tại Nha Trang, và soạn thêm Nghi thức truyền giới.

Nhìn lại quãng đời của Ôn làm tôi nhớ câu “danh ngôn” mà Ôn thường dạy cho Tăng, Ni: “Nhỏ học chết bỏ, lớn làm việc chết bỏ, già tu chết bỏ”; hay “không có việc gì khó, chỉ làm Phật mới khó”. Ôn nói không có gì văn chương, triết lý, thật mộc mạc bình dị, nhưng nó hàm tàng cả một ý chí sắt đá, một nghị lực phi thường, nó kết tinh qua nẻo đường đầy gian truân thử thách, bao thăng trầm biến dịch trong cuộc đời Ôn. Tuy nhiên cái đáng nói ở đây là sống cho đúng với tinh thần giới luật mới khó, và giữ giới thanh tịnh đến trọn đời càng khó hơn (Giới thọ hữu hà nan, nan dã chung thân trì tịnh giới - thọ giới có gì khó, cái khó là giữ được tịnh giới trọn đời). Cái khó mà Ôn làm được thì nó trở thành cái dễ, nên Ôn mới dám nói như vậy. Có một vị Tôn túc như chứng nhân cùng thời với Ôn, viết lời cảm niệm về Ôn:

“Ai cũng biết giới luật là nền tảng của Phật pháp, là nhân tố đưa đến giải thoát, nhưng nghiêm trì giới luật tinh chuyên, suốt đời không tỳ vết, thì quả thật không phải là dễ. Vậy mà cuộc đời của Thầy hình như trôi đi suôn sẻ, tĩnh lặng như mặt nước hồ thu. (...) Rồi những nội dung Luật học như khai giá trì phạm, danh chủng tánh tướng, ngũ thiên thất tụ... dần dần được huân tập, biến thành huyết quản của Thầy lúc nào không biết. Có lẽ chính những tinh hoa của giới luật là dưỡng chất đã nuôi lớn pháp thân tuệ mạng của Thầy. Cho nên càng phiên dịch Luật tạng, Thầy càng hưởng được nhiều pháp lạc. (...) Vì vậy mà thành phố Nha Trang đã có lúc trở thành trung tâm truyền bá Luật học cho cả nước, ai có nghi ngờ điểm nào trong giới luật đều có thể về đây tham vấn”. (HT. Thích Phước Sơn viết trong bài Ấn hoại văn thành (khuôn in hoại rồi, nét đẹp hiển lộ), đăng trên báo Giác Ngộ và đặc san Về cội, PL. 2552).

Lúc sinh tiền, có nhiều người đến hỏi Ôn về luật, nhưng tôi chỉ nhớ một chuyện do Ôn kể lại:

Có một Phật tử ở nước ngoài về, ghé thăm Ôn rồi hỏi:
- Thưa Hòa thượng, sao con thấy mấy sư miền dưới lại hút thuốc, ăn trầu?
Ôn cười nói:
- Trong luật Phật chế thế này, (Ôn đọc âm Hán) “Tuy thị ngã sở chế nhi ư dư phương bất dĩ vi thanh tịnh giả, giai bất ứng dụng. Tuy phi ngã sở chế nhi ư dư phương tất ứng hành giả giai bất đắc bất hành”. Ôn giải thích:
- Tuy là điều chính Ta chế cấm, mà nơi khác không cho đó là thanh tịnh, đều không nên dùng. Và tuy chẳng phải là điều chính Ta chế cấm, mà nơi khác thấy cần nên làm, thì không thể không làm. Do đó, mấy ông sư kia sống theo tập tục, văn hóa, truyền thống địa phương, mấy ổng mà không ăn trầu, không hút thuốc là không phải mấy ông sư”.
Ôn nói:
- Tui giải thích xong, bà Phật tử đó khoái quá, lấy ra một ít tịnh tài cúng dường cho tui in kinh.
Ôn cười hà… hà… Ôn vừa cười vừa nói:
- Biết luật cũng “lợi hại” thiệt!

Nguyên văn trong luật, sau này Ôn viết cho tôi ghi lại, và tôi tìm được trong luật Ngũ phần quyển 22, tạng Đại chánh tập 22, số 1421, trang 153a14.

Trước khi Ôn lâm trọng bệnh, vào mùa an cư Phật lịch 2548 (năm 2004), Ôn dựa vào tập Yết-ma yếu chỉ (HT. Thích Trí Thủ giảng thuật) soạn ra nghi thọ Y Ca-thi-na (y công đức), khởi xướng lại Lễ dâng y vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch, nhân dịp mùa an cư viên mãn. Vì Ôn nghĩ lâu nay hệ phái Phật giáo Bắc phương ở một số tỉnh thành tại Việt Nam không thấy tổ chức buổi lễ này. Riêng hệ phái Khất sĩ và Phật giáo Nam phương tại Việt Nam có tổ chức đều đặn sau mùa an cư theo truyền thống riêng. Năm đó, buổi lễ diễn ra tại chánh điện chùa Long Sơn Nha Trang thật linh thiêng và trang nghiêm. Phật tử vân tập về rất đông. Rất tiếc Ôn chỉ dự được một lần, lần đó đã để lại điểm son cuối cùng trong sự nghiệp hoằng truyền luật học của Ôn. Năm sau, năm 2005, thầy Tuệ Sỹ cũng dựa vào nghi thức của Ôn, tổ chức tại chùa Quảng Hương Già-lam cho đến nay. 

Trong những ngày bệnh tình nguy kịch, sức khỏe càng yếu dần, thời gian sự sống đang đi giật lùi, vậy mà Ôn vẫn điềm nhiên; Ôn dạy tôi ra thư viện trường Trung cấp tìm lại bộ Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết-ma huyền ty sao (bản Hán chép tay) và tập Hoằng giới đại học chi thư (bản Hán in gỗ) (những sách này do trước đây Ôn tặng cho thư viện), mỗi loại photo thành ba bản, tặng cho thư viện trường một bộ, thư viện Ban phiên dịch một bộ và cho thầy Minh Thông một bộ, còn bộ gốc để lưu.

Ôn nói tâm nguyện của mình là muốn dịch tiếp bộ Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết-ma huyền ty sao, nhưng gặp phải bệnh duyên không dịch được, thôi để hậu thế làm.

Không biết sau này hậu thế có ai dịch hay không thì chưa biết được, song chúng ta nên hiểu rằng: bản hoài của chư Tổ thuộc thế hệ thứ nhất, hay Ôn là thế hệ thứ hai có nói gì, hay không nói gì trước giờ phút cuối vẫn là tâm truyền:

“Giới luật là thọ mạng của Tăng-già. Giới luật còn thì Phật pháp còn”.

Chùa Long Sơn, Nha Trang, mùa An cư PL. 2554 – DL. 2010.
Thành kính cẩn niệm

Thích Tâm Nhãn
Tập san Pháp Luân - số 76, tr22, 2011]