Thanh niên Phật tử hôm nay có trách nhiệm để thế hệ mai sau thành Phật tử thuần thành

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Nếu ai hỏi tôn giáo của tôi là gì? Chắc chắn tôi nói một cách hãnh diện rằng, “Tôi là Phật tử”. Nói như vậy dù tôi ít dậy sớm vào mỗi sáng để cúng dường thức ăn cho quý Sư đi khất thực hoặc đi chùa nghe kinh. Tôi đã nói nhiều lần với bạn bè cũ rằng tôi không phải là một Phật tử thuần thành hay tinh tấn. Tôi không phủ nhận, khi tôi chắc chắn không cư xử tốt thật sự như họ. Nhưng tôi vẫn là một Phật tử.

 

Lời người dịch:

Khi còn tuổi teen, Gor, một thanh niên Phật tử đã mở trang mạng Thailand Life giới thiệu những bài viết, hình ảnh về những sinh hoạt hằng ngày ở Thái Lan để mọi người trên thế giới biết văn hóa, phong tục và truyền thống đất nước mình. Đến nay, trang mạng này có nội dung phong phú và được nhiều người truy cập mỗi ngày. Ở đây, anh cũng giới thiệu nếp sống Đạo của gia đình và bày tỏ trách nhiệm đối với thế hệ con của anh. Người dịch xin giới thiệu bài này (nguyên tác Buddhism and Thai Youth) để rồi chúng ta nhìn lại thanh niên Phật tử nước ta xem thế nào.

Nếu ai hỏi tôn giáo của tôi là gì? Chắc chắn tôi nói một cách hãnh diện rằng, “Tôi là Phật tử”. Nói như vậy dù tôi ít dậy sớm vào mỗi sáng để cúng dường thức ăn cho quý Sư đi khất thực hoặc đi chùa nghe kinh. Tôi đã nói nhiều lần với bạn bè cũ rằng tôi không phải là một Phật tử thuần thành hay tinh tấn. Tôi không phủ nhận, khi tôi chắc chắn không cư xử tốt thật sự như họ. Nhưng tôi vẫn là một Phật tử.

Với tôi, Phật giáo như một phần máu thịt của mình. Khi còn nhỏ, tôi từng sống với bà ngoại, nhà ở gần chùa. Tôi đã trải qua thời thơ ấu quanh quý Sư ở đó. Tôi nhớ, tôi thường đến chùa chơi giống như “bé chùa”, tiếng Thái gọi là “dek wat”.

Mỗi sáng, sau khi quý Sư đi khất thực về, tôi chạy đến chùa để xin thức ăn. Quý Sư thường chia thức ăn cho trẻ em nghèo trong vùng khi khất thực được nhiều. Mặc dù tôi không phải là trẻ nghèo, nhưng tôi vẫn thích đến xin thức ăn khi có bánh ngọt hay thức ăn tráng miệng ngon.

Một ngày nọ, có một bạn nữ  đã đặt câu hỏi về thanh niên Thái trên website thaibuddhism.com của chúng tôi. Câu hỏi rất thú vị, khiến tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi xin giới thiệu với quý vị câu hỏi đó như sau:

“Năm ngoái, lúc tôi ở Thái, tôi đã đi nhiều chùa, nhưng thấy người ở đó hầu hết đều già. Lớp trẻ mà tôi thấy là bé chùa. Tại sao thanh thiếu niên không đến chùa? Tôi là người Thái nhưng sống ở Úc. Tôi đến chùa gặp những trẻ em Thái. Tôi rất tự hào về người Thái và Phật tử Thái. Nhưng có người nói với tôi rằng, xu hướng bỏ đức tin chạy theo vật chất ngày càng tăng, thì nhiều lễ nghi và truyền thống sẽ mất. Chính tôi thấy có nhiều bạn trẻ ở trong cửa hiệu mua sắm nhỏ nhiều hơn trong khuôn viên chùa chiền. Điều đó chỉ riêng tôi, hay dấu hiệu của thời đại?”

Lần đầu đọc thư này, tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng có nhiều chùa Thái ở các nước khác! Hình như có nhiều chùa ở châu Âu và Mỹ và trong đó có một số chùa rất lớn! Thật tuyệt khi biết thanh thiếu niên Thái ở các nước khác thích đến chùa. Sau khi đọc lá thư đó, tôi thấy có bài báo nói rằng một nhóm trẻ em Thái ở Mỹ đã trải qua thời gian tu tập sự một tuần. Hết sức ngạc nhiên!

Bây giờ trở lại vấn đề cô ấy đã hỏi. Trong quá khứ, chùa từng là trung tâm của cộng đồng. Thanh thiếu niên thường đến đó để gặp mặt, đặc biệt là cặp vợ chồng, nhưng giờ đây họ không bao giờ nghĩ đến việc gặp nhau ở chùa. Nó quá lạnh lẽo! Với tôi, chùa giờ đây dành cho “người già”. Tôi nghĩ hầu hết bạn bè tôi chỉ đến đó với gia đình. Họ thích đi mua sắm ở những cửa hiệu nhỏ hoặc đi ra ngoài với bạn bè hơn. Nếu cha mẹ họ là Phật tử thuần thành thì lớn lên họ thích đến chùa hơn. Nhưng nếu cha mẹ không thuần thành thì tôi chắc chắn rằng họ sẽ không trao được truyền thống này cho thế hệ kế tiếp.

Thành thật mà nói, tuy không thường đến chùa, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn là Phật tử. Tôi sẽ cố gắng sống tốt như lời Phật dạy. Tất nhiên, tôi vẫn quan tâm đến việc phải có trách nhiệm để chắc chắn rằng trong tương lai con gái của tôi sẽ trở thành một Phật tử thuần thành. Tôi sẽ cố gắng thực hiện truyền thống của gia đình đi chùa vào những ngày lễ quan trọng của Phật giáo.

Hương Sơn dịch
Tập san Pháp Luân - số 75, tr26, 2010]