Tu-lại khai ngộ vua Ba-tư-nặc

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Thuở xưa, trong thành Xá-vệ có một người rất nghèo tên là Tu-lại, kính tín Tam bảo, giữ gìn tịnh giới, tu hành mười điều thiện, thường cứu giúp người không mỏi mệt…

 

DẪN NHẬP

Đời người là một vở kịch dài, mà kịch bản, vai diễn đều do mình viết và thủ vai, nhưng nhiều người diễn xuất quá vụng về mà không hề hay biết; họa hoằn lắm mới gặp được người nghệ sỹ tài ba, sửa lại nét diễn cho mình phải đóng sao cho hay, chứ không, họ mãi là kẻ thủ vai diễn thừa trên sân khấu kịch đời hư ảo này!
“Tu-lại khai ngộ vua Ba-tư-nặc”, giới thiệu từ kinh “Phật nói về Tu-lại” (Phật thuyết Tu-lại kinh 佛說須賴經 [Sūrata-paripṛcchā]), 1 quyển, do ngài Bạch Diên (người nước Qui-tư [Kucīna], nay là huyện Khố-xa, thuộc khu tự trị Duy-ngô-nhĩ, Tân Cương) dịch thời Tào Ngụy (220-265 sau Tây lịch), tạng Đại Chánh 12, số 328, trang 52.

TOÁT YẾU NỘI DUNG KINH

Thuở xưa, trong thành Xá-vệ có một người rất nghèo tên là Tu-lại, kính tín Tam bảo, giữ gìn tịnh giới, tu hành mười điều thiện, thường cứu giúp người không mỏi mệt…

Bấy giờ, trời Đế Thích có thiên nhãn, thấy công đức thù thắng của Tu-lại, liền hạ giới muốn thử Tu-lại tu đạo thế nào!? Trời Đế Thích hóa hiện nhiều người, đánh đập, mắng chửi Tu-lại, Tu-lại vẫn nhẫn nhục, nhân từ, không oán giận. Trời Đế Thích lại đem vàng bạc biếu Tu-lại. Tu-lại dửng dưng, khước từ. Trời Đế Thích biến hóa người khác, đem châu báu quí giá đến nói, tôi đang tranh tụng với người ta, nhờ bạn hiền đến làm chứng và nói giúp một lời. Tu-lại bảo, người nói dối làm cho thân miệng hôi, bị nhiều người phỉ báng, tâm thường khổ sở… Trời Đế Thích quay về, bảo phu nhân dẫn thêm nhiều kỹ nữ xuống phá phạm hạnh Tu-lại. Phu nhân vâng lời, vào đêm tối thanh vắng, dẫn các kỹ nữ đến chỗ Tu-lại nói lời quyến rũ. Tu-lại bảo: Tôi thấy hình hài, xương cốt, thịt bầy nhầy… da trong, da ngoài đều che phủ phần ô uế… Các cô đang lúc xinh đẹp, vô thường đến sẽ tàn hoại… Quen theo thói dục sẽ không an vui, đưa đến đau khổ... Dục này thường phá hoại tâm cầu đạo, huống là những điều khác. Trời Đế Thích nghe thế càng run sợ, lông tóc dựng đứng…

Lại một hôm, nhân đi bộ trong thành Xá-vệ, Tu-lại nhặt được vật báu, nói sẽ cho người nghèo nhất. Có nhiều người nghèo đến xin, Tu-lại không cho, nói rằng: Các ông không nghèo đâu! Vua Ba-tư-nặc mới là người nghèo nhất. Những người nghèo ngạc nhiên, Tu-lại giải thích: Tuy nhà vua giàu có nhưng tham lam, mong cầu không chán, đó mới là người nghèo nhất. Tu-lại bèn dẫn mọi người đến cung vua, nhằm lúc vua Ba-tư-nặc đang bắt 500 trưởng giả phạm tội, buộc họ đem tiền của, báu vật chuộc tội. Khi ấy, quan cận thần bẩm báo có Tu-lại đến, nhà vua cho vào. Tu-lại bước vào tâu:

- Hôm trước, hạ dân đi bộ trong thành Xá-vệ, nhặt được viên châu minh nguyệt này, muốn đem cho người nghèo. Nhưng xét thấy người nghèo nhất trong nước không ai hơn đại vương. Xin đại vương nhận vật báu này.
Vua Ba-tư-nặc biến sắc, hổ thẹn, nói:
- Này Tu-lại! Trẫm có nghèo lắm cũng bằng ngươi.
- Dạ không, đại vương nghèo hơn hạ dân ạ!
 Vua Ba-tư-nặc bảo giải thích ý ấy. Tu-lại tâu:
 - Tham lam của báu không chán… lo thân này, không nghĩ đến đời sau là nghèo nhất; không hành chánh pháp… giàu sang không nghĩ bố thí… tham nhiễm, mê hoặc như voi say, tâm ý mê mờ gọi là nghèo. Cung kính Phật, Pháp, Tăng, tha thứ cho người, lấy giáo pháp tự trị là thường giàu. Lửa tuy mạnh nhưng cháy không lâu, phú quý vô thường như mây nổi…
Vua Ba-tư-nặc hỏi: Ai sẽ chứng minh ta nghèo, ngươi giàu? Tu-lại thưa: Ở đời có Như Lai thấy biết một cách chân thật, đang ở vườn Cấp Cô Độc. Bậc Thánh này có thể làm chứng. Tu-lại liền quỳ xuống, chắp tay cung kính thỉnh Phật. Mặt đất liền rúng động, đức Phật cùng 500 Tỳ-kheo, 200 Bồ-tát, v.v… xuất hiện giữa vương cung. Sau khi nghe Tu-lại thuật lại mọi chuyện, đức Phật mới giảng dạy:
- Đại vương hãy lắng nghe! Xét về mặt giàu có của vua, Tu-lại không có. Xét về mặt giàu có của Tu-lại, nhà vua không bằng. Nhà vua giàu có nghĩa là vua có quốc thành, của cải, vàng, bạc, ngọc bích… vật chất đầy đủ nên được tự tại. Đó là sự giàu có của nhà vua, Tu-lại không có. Nhưng xét về mặt đạo đức chân chánh của Tu-lại, Tu-lại làm những việc thiện như bố thí, trì giới, nhẫn nhục… từ bi, hỉ xả, yêu kính Tam bảo, học rộng, tâm ý thanh tịnh, lòng tin chân chánh, có lòng hổ thẹn... Đó là sự giàu có của Tu-lại, nhà vua không thể sánh bằng.
Sau đó, đức Phật giảng cho mọi người nghe thêm một bài pháp rồi cùng chúng đệ tử, các Bồ-tát hiện thần thông bay về vườn Cấp Cô Độc... Lúc mặt trời xế bóng, Tu-lại cùng vua, và hoàng thân quốc thích, quần thần đi đến gặp Phật… Khi mọi người đảnh lễ Phật xong, ngồi qua một bên, đức Phật bảo Tu-lại:
- Bồ-tát lúc giàu sang không kiêu mạn mà hiện ra nghèo hèn, có thể làm cho mọi người không tham giàu sang... Đó là đức thanh tịnh. Lúc giàu sang, Bồ-tát có thể làm gương cho người khác thích bố thí…
Tu-lại! Ông có thể điều phục tâm ý, thị hiện làm người cực khổ giữ giới như pháp, được mọi người tôn kính. Đó là khéo dùng phương tiện thiện xảo thanh tịnh.
Hiền giả A-nan bạch Phật:
- Tu-lại học đến nay đã bao lâu?
Phật bảo A-nan:
- Ông ấy học rất lâu, đã học với nhiều ức trăm ngàn đức Phật…
A-nan lại hỏi:
- Tu-lại bao lâu sẽ thành Phật? Phật hiệu là gì? Quốc độ tên gì?
Phật bảo: Từ khi Tu-lại phát tâm… đến nay số kiếp khó đếm được. Sau khi ta nhập niết-bàn, thời cuối Tu-lại tịch, sanh nước Đông Khả Lạc, ở tại núi A-súc, hơn ba A-tăng-kỳ… hiệu là Thế Tôn Vương…
Khi ấy, vua Ba-tư-nặc thưa với Phật, nhờ Tu-lại mà giác ngộ được mình nghèo, xin xuất gia làm Tỳ-kheo, tài sản châu báu chia ba phần: một phần cúng dường đệ tử Phật, một phần bố thí cho dân chúng, một phần cho các quan lại. Tu-lại cũng thỉnh nguyện Phật, xin làm Sa-môn. Mười phương chư Phật và Phật Thích-ca đều đưa cánh tay phải xoa đầu Tu-lại… Hiền giả Tu-lại tự nhiên thân đắp pháp y, y phục chỉnh tề, oai nghi đĩnh đạc…
Phật bảo A-nan:
- Nên thọ trì, ghi chép, lễ bái kinh này, lưu truyền, giảng nghĩa cho mọi người nghe...
Phật thuyết kinh xong, Tỳ-kheo Tu-lại, các Tỳ-kheo Tăng, trời Đế Thích, vua Ba-tư-nặc, v.v… đều vui mừng.

LỜI KẾT

Kinh này có 3 bản Hán dịch: một bản do Sa-môn Bạch Diên dịch; một bản do Ưu-bà-tắc Chi-thí-luân (người nước Nguyệt Thị) dịch thời Tiền Lương (302-376 sau Tây lịch); và một bản nữa là “Thiện Thuận Bồ-tát”, hội thứ 27 trong kinh Đại bảo tích (120 quyển) quyển 95, do Bồ-đề-lưu-chí (Bodhiruci - Giác Ái) dịch thời Đường (618-907 sau Tây lịch). Nội dung trong 2 bản dịch của Bạch Diên và Chi-thí-luân gần giống nhau, riêng bản “Thiện Thuận Bồ-tát” hội thứ 27 thì chi tiết hơi khác hai bản kia.

Trên bình diện thời gian về lịch sử phát triển văn học kinh điển Đại thừa, có lẽ khoảng 500 năm sau khi đức Phật nhập diệt, các kinh Đại thừa xuất hiện dần, đầu tiên là Bát-nhã, rồi đến kinh Bảo tích, Hoa nghiêm, Duy-ma-cật, Pháp hoa, v.v... Các vị Luận sư phần nhiều cho rằng, kinh điển Đại thừa tuy không phải do đức Phật trực tiếp tuyên thuyết, nhưng là tập đại thành giáo pháp của đức Phật, và nội dung chủ yếu nêu cao lý tưởng Bồ-tát đạo, hành sáu ba-la-mật, Phật tính trong mỗi chúng sanh, ai tu cũng đều có thể thành Phật… Do đó mà kinh điển Đại thừa chấp nhận cả người thế tục tại gia có thể dự phần vào sự cứu độ và giải thoát, không còn câu nệ vào những tập quán Tăng lữ truyền thống (giải thoát chỉ dành riêng cho người xuất gia). Nên trong kinh nói Tu-lại là hình tướng cư sĩ, sống giữa bùn lầy thế gian ô nhiễm mà không ô nhiễm. Ngay tên vị ấy cũng mang nội hàm triết lý tư tưởng hành đạo của Bồ-tát tại gia, “Thiện Thuận” (Tu-lại là dịch âm từ tên Phạn “Sūrata”, dịch nghĩa là Thiện Thuận), là tùy thuận điều thiện, thuận theo điều thiện.

Trong kinh nói Tu-lại khai ngộ cho vua Ba-tư-nặc, rồi nhà vua xin xuất gia làm Tỳ-kheo, bố thí hết gia sản... Ở điểm này, nhìn lại một vị vua lịch sử về cuối đời ông có nhiều thuyết khác nhau: kinh Tăng nhất a-hàm quyển 26 (T2n125, tr. 689c15) chép, sau khi nhà vua mệnh chung, Tì-lưu-lặc lên làm vua. Căn bản nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da tạp sự quyển 8 (T24n1451, tr. 237a7) lại ghi, nhà vua bị thái tử Tì-lưu-lặc cướp ngôi, phải chạy trốn và chết đói giữa đường. Vậy đứng trên phương diện tư tưởng chung cả Phật giáo truyền thống nguyên thủy và tinh thần Phật giáo Đại thừa phát triển là luôn đề cao hạnh nguyện xuất ly, vì thế mà vua Ba-tư-nặc được nhân cách hóa theo lý tưởng giải thoát, xuất gia làm Tỳ-kheo. Đại thừa còn chủ trương mỗi người đều có Phật tánh, cần phải làm sao thể hiện được Phật tánh ấy một cách trọn vẹn tức là thành Phật, và trong vũ trụ bao la này có vô số thế giới, trong mỗi thế giới đó sẽ xuất hiện một vị Phật theo bản nguyện độ sanh của vị ấy, nên sau khi Tu-lại tịch, sanh về nước Đông Khả Lạc, ở tại núi A-Súc, hiệu là Thế Tôn Vương, v.v…

Mỗi khi chúng ta lạc vào vườn hoa kinh điển Đại thừa muôn sắc màu, lòng dễ mê mẩn bởi nhiều loài hoa “tư tưởng triết học cao siêu, ý chỉ sâu xa huyền nhiệm”… kia, song đừng quên rằng mảnh đất “tư tưởng, giáo lý Tiểu thừa” luôn đồng hành theo thời gian, đã vun bón cho những đóa hoa tư tưởng Đại thừa phát triển mãi đến về sau.

Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 74, tr28, 2010]