Cảm niệm Phật đản PL.2554

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong bối cảnh ấy, chúng ta trong phạm vi hạn hẹp ở đây cũng đồng cử hành Đại Lễ Phật đản 2554, góp phần tâm nguyện cùng với các cộng đồng dân tộc trên thế giới ước nguyện về một thế giới thanh bình và thịnh vượng, trong đó có đất nước thân yêu của chúng ta.

 

Nam mô  Bổn Sư Thích Ca Mâu-ni Phật
Kính bạch chư tôn Đại đức tăng,
Cùng chư thiện tín nam nữ,

Chính trong ngày hôm nay, tùy theo giờ địa phương của mỗi nước, toàn thể thế giới, mà đứng đầu là Tổ chức Liên Hiệp quốc, đang trọng thể cử hành Đại lễ Phật đản, ghi dấu ước vọng thân thiết của cả nhân loại về một thế giới không hận thù, không bạo lực, y trên những nguyên lý mà đức Phật đã khai thị, về những mối quan hệ ràng buộc trong quan hệ tồn tại nhân sinh giữa các cộng đồng dân tộc, giữa các nền văn minh và tín ngưỡng dị biệt. Những nguyên lý ấy cũng đã từng là nền tảng để gầy dựng nên những đất nước an lạc và phú cường mà vinh quang còn ghi dấu trong lịch sử, từ Đại đế A dục của Ấn Độ, cho đến Thánh Đức Thái tử của Nhật Bản.

Trong bối cảnh ấy, chúng ta trong phạm vi hạn hẹp ở đây cũng đồng cử hành Đại Lễ Phật đản 2554, góp phần tâm nguyện cùng với các cộng đồng dân tộc trên thế giới ước nguyện về một thế giới thanh bình và thịnh vượng, trong đó có đất nước thân yêu của chúng ta.

Vườn Lâm-tỳ-ni, nơi đã đón nhận những bước chân Bồ-tát sơ sinh trên những đóa sen vô nhiễm, mọc lên từ bùn lầy ô trược; khu vườn ấy một thời phải bị chôn vùi trong quên lãng bởi bạo lực và cuồng tín tôn giáo. Đó cũng là lúc mà toàn thể châu Á bị chìm ngập trong bi thương khổ nhục dưới tham vọng bành trướng thế lực và thần quyền thống trị.

Cho đến lúc lương tâm nhân loại chợt bừng tỉnh trước bạo lực ngông cuồng, đức tin mù quáng, khi mà thế giới kinh hoàng vì xung đột tín ngưỡng và dân tộc dẫn đến những trận tàn sát thảm khốc, vườn Lâm-tỳ-ni bất chợt xuất hiện bởi sự khám phá bất ngờ của du khách, như là dấu hiệu đáp ứng cho khát vọng về một thế giới thanh bình có thể có. Hình ảnh đức Phật với ánh mắt từ bi và nụ cười an lạc dần dần tỏa sáng tại những đất nước hùng cường nhất mà một thời tự thị kiêu ngạo với nền văn minh tôn giáo của mình, tin tưởng vào sức mạnh đe dọa của vũ khí hủy diệt hơn là đức tính bao dung căn cứ trên quy luật vô thường và vô ngã.

Ngày nay Phật tử, và cả những người không là Phật tử, có cơ duyên để chiêm bái Lâm-tỳ-ni, để bồi hồi xúc động bằng cảm thức u huyền, đâu đây còn phảng phất bước chân nhẹ nhàng của vị hoàng tử sơ sinh, bước đi không hề làm dao động một ngọn cỏ, nhưng đã làm rung động cả thế giới.

Dù vậy, những ô nhiễm tùy miên chìm sâu trong đáy biển vọng tâm vẫn không ngừng khuấy động tham chấp, hận thù, khiến cho con người vừa mới ngoi lên khỏi bóng tối để nhìn thấy ánh sáng của bình minh giác ngộ, phút chốc lại bị nhận chìm sâu xuống vực thẳm điên đảo tham sân.

Chỉ  trong một năm qua, nhân loại chứng kiến quá nhiều thảm cảnh gây ra bởi thiên nhiên và bởi chính con người. Thảm họa đến tận những nơi được bảo vệ an toàn nhất bằng những phương tiện tối tân nhất. Thế gian này thật sự không còn nơi nào an toàn để cho con người tự mãn với những thành tựu văn minh vật chất.

Trong môi trường hạn hẹp của chúng ta ở đây thì những vấn đề thế giới sôi bỏng như vậy  ở ngoài tầm tư duy. Song, mỗi người chúng ta đều có nhận thức rằng bản hoài xuất thế của Phật là soi sáng con đường dẫn đến an lạc cho thiên giới và nhân giới. Những gì đức Phật giảng dạy không ngoài mục đích chỉ dẫn con đường đi đến an lạc cứu cánh, bằng cách diệt trừ tham lam ích kỷ, thù hận tàn độc, cuồng tín bảo thủ, cho đến bứng tận gốc rễ vô minh và hữu ái. Thế nhưng, chúng là những tùy miên bám chặt tâm, che mờ trí của, nhiễm độc căn thức; như ao nước đầu làng nơi mà người, vật, trâu bò, gà vịt có thể đến xả rác, phóng uế; chất bẩn tồn đọng lâu ngày, ao nước trở thành độc hại. Chúng ta như dân làng cạnh đó, vì không còn nguồn nước nào khác nên vẫn phải sử dụng nước bẩn từ ao bẩn ấy. Muốn có nguồn nước sạch, phải kiên nhẫn gạn lọc, và gạn lọc có phương pháp.

Cũng vậy, chúng ta quy y Phật, như người đi tìm nguồn nước sạch để điều trị những chứng bịnh kinh niên, nhưng vì kém đa văn, giải đãi buông lung, hoặc vì tâm tư bạc nhược, không tự chế trước sức hấp dẫn của ngũ dục, khiến cho đường đi của mình tưởng là hướng theo Thánh đạo mà thực tế càng lúc càng xa dần nẻo chánh, cho đến lúc làm nô lệ cho ác ma, phá hoại chánh pháp, thậm chí không còn tin tưởng luân hồi nghiệp báo, tự do hành động theo sai khiến của quyền lực u tối và tham vọng thấp hèn của thế gian.

Đức Phật dạy bốn chúng hòa hợp đồng tu cùng tôn thờ một đấng Đạo Sư, cùng sống hòa hiệp như nước với sữa thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích an lạc, song do bởi đắm trước quyền lợi vật chất, hoặc vì hư danh, hoặc vì mưu cầu địa vị hão huyền, huynh đệ trở thành đối thủ tương tranh như những gian thương cạnh tranh lợi nhuận trên thương trường. Đây là tấn bi hài kịch thường thấy trong mỗi đạo tràng.

Chúng ta may mắn được thọ thân người, lại đầy đủ phước duyên để được nghe Phật pháp, có điều kiện thuận tiện để học và tu tập theo chánh pháp, nếu không nhân cơ duyên may mắn nghìn đời mới được một lần này để tu tập, hành trì theo lời dạy của Phật, quả thật là vô vàn đáng tiếc. Một phen mất thân người, muôn kiếp khó gặp lại.

Đức Phật cũng đã dạy rằng, nếu thế giới này chỉ một mực là an lạc, thuần lạc chứ không khổ, thì chư Phật không cần phải xuất hiện thế gian. Và nếu thế giới này chỉ thuần là khổ, thì chư Phật cũng không xuất hiện thế gian. Thế giới có khổ nhưng đồng thời cũng có lạc. Khổ hay lạc tùy theo tâm tư ô nhiễm hay thanh tịnh của mỗi chúng sinh, vì vậy chư Phật xuất hiện để chỉ rõ con đường nào dẫn đến khổ, và con đường nào dẫn đến an lạc chân chính. Muốn đi hay không, do tự ý tự nguyện của mỗi chúng sinh.

Vậy, nay chúng ta đón mừng Phật đản, cũng chính là lúc chúng ta lắng đọng tâm tư cho thanh tịnh, để ánh sáng giác ngộ từ bước chân của Bồ-tát sơ sinh bừng sáng, soi sáng bước đi của chúng ta trong đêm dài tăm tối đầy khổ lụy này.

Cầu nguyện bốn chúng đệ tử dũng mãnh tinh tấn với niềm tin bất động, cùng hòa hợp đồng học đồng tu, vì lợi ích an lạc của bản thân và của nhiều người, cho đến của tất cả chúng sinh.

Nam-mô Lâm-tỳ-ni viên Vô ưu thọ hạ thị hiện đản sinh
BỔN SƯ THÍCH-CA NÂU-NI PHẬT


HT.Thích Đức Chơn
[Tập san Pháp Luân - số 74, tr3, 2010]