Vị Bồ-tát bảo vệ trẻ em trong truyền thống Phật giáo Nhật Bản - Phần 2

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

(Vị Bồ-tát Bảo vệ trẻ em trong Truyền Thống Phật Giáo Nhật Bản - tiếp theo)

2. Bồ Tát Ðịa Tạng, Người Bảo Vệ Trẻ Con.

Theo niềm tin tưởng rất lâu đời của Phật tử Nhật Bản kể từ thời Trung cổ thì Bồ-tát Ðịa Tạng rất thương yêu trẻ con và vì thế Ngài là vị Bồ-tát có một sứ mệnh rất đặc biệt là bảo vệ trẻ con. Chính vì vậy mà đa phần những hình tượng Bồ-tát Ðịa Tạng tại Nhật Bản đều mang một khuôn mặt trẻ thơ rất đáng yêu. Trong các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Ðại thừa như Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam, v.v... chỉ có Nhật Bản là có truyền thống độc đáo này. Người ta không biết rõ niềm tin này được phát xuất từ đâu, có thể là bắt nguồn từ cuốn kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện. Theo một phẩm ở trong cuốn kinh này thì vị quỉ thần cai quản về sinh mệnh và tuổi thọ của con người, Chủ Mạng Quỉ Vương, cũng là một vị Bồ-tát do lòng từ hóa hiện, trong khi cùng với các vua Diêm La câu hội về cung trời Ðao Lợi để nghe Phật thuyết pháp, đã bạch Phật:

“Người trong cõi Diêm Phù Ðề lúc mới sanh, không luận là con trai hay con gái, khi sắp sanh ra chỉ nên làm việc phước lành thêm sự lợi ích cho nhà cửa, thời Thổ Ðịa vui mừng khôn xiết, ủng hộ cả mẹ lẫn con đều đặng nhiều sự an vui, hàng thân quyến cũng được phước lợi. Hoặc khi đã hạ sanh rồi, nên cẩn thận chớ có giết hại sanh vật để lấy những vị tươi ngon cung cấp cho người sản mẫu ăn, cùng nhóm họp cả hàng quyến thuộc lại để uống rượu ăn thịt, ca xang đờn sáo, nếu làm những việc trên đó có thể làm cho người mẹ đứa con chẳng đặng an vui.”(5)

Trong một đoạn kinh khác, khi tán thán về công năng và oai lực của Bồ-tát Ðịa Tạng, Phật đã tuyên thuyết cùng Bồ-tát Phổ Quảng:

“Lại vầy nữa, nầy Phổ Quảng! Về trong thuở sau này, nơi cõi Diêm Phù Ðề, trong hàng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, trưởng-giả, cư sĩ, tất cả các hạng người, và những dân tộc dòng họ khác, như có người nào mới sanh đẻ hoặc con trai hoặc con gái, nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ mới sanh đó mà tụng kinh điển không thể nghĩ bàn này, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của Ngài Ðịa Tạng Bồ-tát đủ một muôn biến. Ðược vậy, thời đứa trẻ hoặc trai hay là gái mới sanh ra đó, nếu đời trước nó có gây ra tội vạ chi cũng đặng thoát khỏi cả, nó sẽ an ổn vui vẻ dễ nuôi, lại thêm được sống lâu. Còn như nó là đứa nương nơi phước lực mà thọ sanh, thời đời nó càng được an vui hơn cùng sống lâu hơn”. (6)

Chăm lo cho hạnh phúc trẻ thơ chưa đủ, Bồ-tát Ðịa Tạng còn chăm lo đến số phận của những trẻ thơ bất hạnh đã lìa đời ngay lúc còn thơ ấu, hoặc vì lý do nào đó đã chết khi đang còn là một bào thai ở trong bụng mẹ. Chết yểu, theo quan niệm của người Á Ðông là một điều bất hạnh. Càng bất hạnh hơn nữa theo quan điểm Phật giáo là vì trẻ thơ chưa có ý niệm về sự sống, chết; thế nên trong giai đoạn thân trung ấm, thần thức của chúng vẫn còn lảng vảng chung quanh những người thân yêu như cha mẹ anh chị em, không chịu rời bỏ căn phòng và ngôi nhà mà chúng đã từng sinh sống. Hàng ngày chúng tiếp xúc với họ, nói chuyện với họ và cảm thấy rất đau khổ vì những người thân yêu này hầu như không ai nghe lời chúng, không có vẻ gì quan tâm đến chúng cả. Chúng thật là cô đơn, buồn tủi và rất đáng tội nghiệp. Chúng ta đừng vội nghĩ một cách đơn giản rằng vì trẻ con ngây thơ trong trắng, trong đời chúng chưa hề gây ra một ác nghiệp nào nên khi chết là có thể được sanh về những cảnh giới tốt đẹp. Sự thật không phải như vậy. Ðiều này đã được đức Thế Tôn giải thích một cách khá rõ ràng khi phản bác lập luận của một người ngoại đạo cho rằng, nếu một người nào đó, thân không làm những điều xấu ác, miệng không thốt những lời cay độc, không có những tác ý xấu xa, không kiếm sống bằng những nghề bất lương, người đó như thế đã hoàn tất những nỗ lực tu tập tinh thần cần thiết và trở thành một bậc thánh, một bậc giác ngộ trong kiếp sống này. Ðức Thế Tôn đã phản bác rằng:

“Một hài nhi còn nằm ngửa chưa hề có ý niệm thế nào là ‘thân’ làm sao chúng có thể có những hành động xấu ác khi thân chỉ biết bò và lật? Một hài nhi còn nằm ngửa ngay cả còn chưa biết ‘nói chuyện’ thì làm sao có thể thốt ra được những lời cay độc khi miệng chỉ biết khóc nhè?... (Chúng) không hề có ý niệm thế nào là ‘tác ý’ thì làm sao có thể có những tác ý xấu xa? (Chúng) không hề có ý niệm thế nào là ‘nghề nghiệp sinh sống’ thì làm sao chúng có thể hành nghề bất lương để kiếm sống ngoại trừ rúc vào vú mẹ? Nếu (tất cả những gì mà ông nói) như thế, thì một đứa hài nhi còn nằm ngửa là một bậc Thánh, và là (một bậc giác ngộ)”. (7)

Như thế những linh hồn trẻ thơ này sẽ đi về đâu trong và sau giai đoạn thân trung ấm và Bồ-tát Ðịa Tạng làm thế nào để cứu giúp chúng?

Bên bờ sông Nại Hà

Theo sự tin tưởng của người Phật tử Nhật Bản, lứa tuổi trẻ con vì trí óc còn non nớt chưa phát triển nên không thể phân biệt được phải trái cũng như không thể thấu hiểu được những giáo lý của đạo Phật. Dĩ nhiên vì không thông hiểu giáo lý, chúng không thể tu tập để đạt đến giác ngộ - như đoạn kinh Phật đã giải thích ở trên - vì thế nên tuy ngây thơ vô tội, sau khi từ giã cõi đời chúng không thể sanh vào cảnh giới Phật, kể cả cảnh giới Tịnh Ðộ. Ngược lại, chúng bị rơi vào cõi u minh mờ mịt. Huyền thoại Á Ðông thường đề cập đến một dòng sông mà người chết trong giai đoạn thân trung ấm cần phải vượt qua, đó là sông Nại Hà.

Theo truyền thuyết của Nhật Bản, những trẻ con yểu tử sau khi chết đều tụ tập ở bên bờ sông này. Do lòng thương nhớ khôn nguôi đến những người thân yêu, tại đây chúng nhặt những hòn đá cuội sắp xếp thành những ngôi nhà để tưởng nhớ đến cha mẹ, anh chị em. Khi hoàn tất xong một cái, chúng bảo rằng: “Cái nhà này là của mẹ, người bảo bọc tôi. Cái nhà này là của cha, người nắm tay tôi dẫn dắt tôi trên đường đời. Cái này là của anh, chị, em tôi...”

Một số huyền thoại cho rằng chính trong lúc này Bồ-tát Ðịa Tạng đã hiện ra để chơi với chúng, khuyến khích, tiếp tay xây dựng những ngôi nhà trẻ con này hầu giúp chúng tích lũy công đức để nhờ đó có thể vượt qua dòng sông Nại Hà, trong khi chờ đợi chúng lớn khôn với đầy đủ trí phán đoán để có thể đi đầu thai sang kiếp khác. Tuy nhiên trong số những truyền thuyết này, cũng có chuyện đã kể lại một cách thương tâm và ghê rợn hơn. Truyện mô tả là không khí bên bờ sông Nại Hà rất là đìu hiu và thê lương, trẻ con thì không ngớt khóc than vì không còn cha mẹ để nương tựa, bám víu. Trong lúc này, một mụ phù thuỷ độc ác tên là Datsuba với một con mắt cháy đỏ hung dữ hiện ra, lột hết áo quần của tất cả bọn chúng treo lên cành cây. Mụ không ngớt nguyền rủa chúng là do chết yểu nên chúng đã không hoàn tất bổn phận của người con là phải săn sóc, giúp đỡ cha mẹ lúc cha mẹ già yếu. Ðể bù lại, mỗi ngày mụ bắt chúng phải ở trần truồng xây những căn nhà bằng đá cuội như là một sự trừng phạt. Nhưng rồi cứ mỗi buổi chiều tối, khi những căn nhà đã sắp hoàn thành xong thì một bầy quỉ hung ác khác, đầu sừng răng nanh hiện ra, dùng gậy sắt đập phá hết tất cả những công trình xây dựng của bọn trẻ, miệng không ngừng la lối nạt nộ: “Khốn nạn cho tụi bây chết trước cha mẹ! Tụi bây đâu đã biết cầu nguyện là gì!”

Chính lúc này thì Bồ-tát Ðịa Tạng hiện ra và bọn trẻ trong lúc đang kinh hoàng vội vàng chạy đến chui vào Tăng bào của Ngài để tìm chỗ ẩn trốn. Những đứa nhỏ hơn vì chạy không kịp đến trễ thì vội đeo vào cánh tay hay thiền trượng của Ngài. Bồ-tát Ðịa Tạng liền an ủi vỗ về chúng: “Không có gì các con phải sợ hãi cả. Từ đây, ta là mẹ là cha của các con.” Bọn quỉ đã xúm lại đòi Bồ-tát Ðịa Tạng phải trao đám trẻ con lại cho chúng, nhưng Ngài đã dùng uy lực của mình phóng ra những vầng hào quang rực rỡ khiến bọn chúng đều khiếp sợ bỏ đi. Huyền thoại này của người Nhật đã mô tả lại những nỗi khổ đau mà ngay cả một đứa trẻ nhỏ bé ngây thơ vô tội cũng phải gánh chịu ở thế giới bên kia và chỉ có Bồ-tát Ðịa Tạng là người duy nhất đã cứu vớt những linh hồn bé nhỏ đó.

Người ta không biết nguồn gốc của huyền thoại về dòng sông Nại Hà được phát xuất từ đâu. Có thể là bắt nguồn từ truyện Thập Ðiện Diêm Vương trong các cuốn kinh Ngọc Lịch Minh Kinh của người Trung Hoa, xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ VIII, nói rõ chi tiết cuộc hành trình về bên kia cõi chết mà mỗi người phải trải qua. Theo niềm tin của người Trung Hoa thì trong tuần lễ thứ hai của giai đoạn thân trung ấm, mỗi linh hồn đều phải vượt qua dòng sông Nại Hà này. Có ba cách để đi qua sông. Người nhiều công đức thì thong dong đi qua cầu. Kẻ ít công đức hơn thì được phép lội qua ở chỗ cạn. Kẻ không có chút công đức nào lại mang nhiều tội ác thì phải lội qua con sông với dòng cuồng lưu chảy xiết đầy sóng to gió lớn. Ða số đều bị chết đuối. Những người vượt thoát qua được dòng sông Nại Hà đều lần lượt tùy theo tội ác nặng nhẹ sẽ được Thập Ðiện Diêm vương phân xử, kết án và tống vào các cửa ngục. Ðến cửa ngục thứ mười tức là cửa ngục cuối cùng, cũng là nơi mà tội nhân phải gánh chịu những hình phạt nặng nề nhất, Bồ-tát Ðịa Tạng xuất hiện bảo với Diêm Vương cho tội nhân được giảm nhẹ tội. Bởi vì các vua Diêm Vương đều kính nể Bồ-tát Ðịa Tạng, thế nên nếu chỉ cần tìm ra một điểm tốt nhỏ nhất của tội nhân, vua Diêm Vương vâng lời Bồ-tát Ðịa Tạng sẵn sàng cho họ được hưởng án giảm nhẹ tội.

Chính vì tin tưởng vào dòng sông Nại Hà này cũng như vào Bồ-tát Ðịa Tạng mà người Nhật Bản trong hàng thế kỷ qua đã xây dựng lên rất nhiều đền đài, lăng tẩm để thờ phượng Ngài dọc theo các bờ sông hay các ghềnh đá bên cạnh bờ biển, mà một địa điểm nổi tiếng là “Sai (Nại Hà) no kawara of Numa no Uchi” được xây dựng từ thời Edo (Uế Thổ). Tại đây, những người cha mẹ đau khổ vì mất con đã đến sắp xếp những mộ tháp bằng đá cuội, hoặc đặt vào đó những viên đá nhằm tưởng niệm những đứa con đã qua đời trước bức tượng của Bồ-tát Ðịa Tạng. Có nơi người ta sắp xếp hàng trăm bức tượng nhỏ khuôn mặt của Bồ-tát Ðịa Tạng cùng với đồ chơi trẻ con xen kẽ bên cạnh những hòn đá tưởng niệm. Lâu ngày, những mộ tháp càng lớn dần lên do những người tin tưởng đến viếng thăm bỏ thêm vào những viên đá, không phải chỉ để tưởng nhớ đến những đứa con thân yêu của mình mà cho cả những linh hồn của những trẻ thơ bất hạnh đã đi qua cõi đời này kể cả những trẻ đã chết ngay từ lúc chưa sinh.

Bồ-tát Ðịa Tạng, như đã nói ở trên, không phải chỉ là vị Bồ-tát bảo vệ trẻ con mà theo truyền thuyết của Nhật Bản, đặc biệt là dưới thời đại Hean, đã xuất hiện dưới hình dạng của một đứa trẻ. Triều đại Hean có thể được coi như là một triều đại đen tối trong lịch sử Nhật bản. Chiến tranh, xã hội rối loạn, tai ương và dịch bệnh lan tràn khắp nơi tạo nên bao thảm cảnh đau thương khốn khổ cho mọi người. Những tín đồ Phật tử thuần thành tin rằng đây là giai đoạn mạt pháp đã đến và trước những thảm cảnh này, may ra chỉ có những năng lực thần linh mới có thể cứu vãn được. Thế là người ta dốc lòng tin tưởng vào năng lực cứu độ của Bồ-tát Ðịa Tạng, và câu chuyện đã được truyền tụng như sau:

Dưới triều đại của Hoàng đế Go-Ichido, bệnh đậu mùa bộc phát và lan tràn nhanh chóng. Lưỡi hái của tử thần đã cuốn đi không biết bao nhiêu là sinh mạng. Nó không chừa bỏ bất cứ ai, bất kể quan hay dân, người quý tộc hay kẻ bần hàn. Trước nỗi khổ đau lớn lao này của nhân sinh, với lòng từ bi vô lượng, một nhà sư tên Ninko không biết làm cách gì khác hơn là cầu nguyện đến sự giúp đỡ của Bồ-tát Ðịa Tạng. Ðêm đó trong giấc mơ, nhà sư Ninko trông thấy một đứa trẻ với khuôn mặt thanh tú xuất hiện, nói với Ngài: “Nay thì nhà ngươi đã thấy rõ sự vô thường của kiếp sống”.

Sư Ninko trả lời: “Vâng, những người tôi vừa mới gặp mới nói chuyện với họ hồi sáng đây, tối lại đã mất rồi. Ngay cả chúng ta đang hạnh phúc hôm nay nhưng ngày mai những khổ đau, thương tâm sẽ xảy đến. Không có gì là vĩnh cửu.”

Ðứa trẻ mỉm cười: “Không có gì để phải than trách trước những đau thương của kiếp sống. Có lúc nào mà con người lại không có những khổ đau? Nếu một người muốn giải thoát khỏi những nỗi khổ đau, họ nên nghe theo những lời dạy của Bồ-tát Ðịa Tạng”.

Sư Ninko tỉnh giấc và vội vàng chạy đến tìm Kojo, nhà điêu khắc tượng nổi tiếng ở địa phương và nhờ ông ta đúc một pho tượng Bồ-tát Ðịa Tạng. Khi bức tượng hoàn thành, sư Ninko tổ chức một buổi lễ khánh thành và thuyết giảng một thời pháp về giáo lý và công năng của Bồ-tát Ðịa Tạng. Tăng chúng và quần chúng Phật tử hoàn toàn chuyển động bởi thời pháp này và hết lòng quy ngưỡng vào Bồ-tát Ðịa Tạng. Tất cả những người có mặt tại ngôi chùa, và tất cả những ai đến tham dự buổi lễ khánh thành này đều thoát qua khỏi kiếp nạn đậu mùa. Những kẻ kiêu hãnh, không tin tưởng đều bị cuốn đi trong cơn dịch bệnh này. Bệnh đậu mùa cũng đã chấm dứt không lâu sau đó, những cư dân do lòng tin tưởng vì được cứu thoát trong tai ương vừa qua vẫn tiếp tục tôn sùng và thờ phượng Bồ-tát Ðịa Tạng.

Một câu chuyện nổi tiếng khác kể lại nỗi bất hạnh của một đứa trẻ lâm vào tình trạng mẹ ghẻ con chồng:

Nếu như trong kho tàng truyện cổ của Việt Nam, ta có chuyện Phạm Công - Cúc Hoa với bà kế mẫu Tào Thị như là một khuôn mẫu điển hình của những bà mẹ ghẻ độc ác nhất ở trên thế gian này thì Nhật Bản cũng có một câu chuyện tương tự như thế, nhưng được lồng trong bối cảnh hành hoạt của vị Bồ-tát chuyên cứu độ những trẻ thơ bất hạnh của Ngài. Truyện kể rằng khoảng một ngàn năm trước đây, tại một ngôi làng nhỏ tên là Anwa có một người phụ nữ rất hiền lương mộ đạo, hết lòng sùng kính Bồ-tát Ðịa Tạng. Vì nhà nghèo cho nên bà luôn luôn ao ước và vẫn thường cầu nguyện làm sao có được một pho tượng Bồ-tát Ðịa Tạng để thờ phượng ở trong nhà. Một ngày nọ, trong khi đang giặt giũ ở dòng sông trước mặt nhà, bà nhặt được một pho tượng Ðịa Tạng bằng gỗ trôi tấp vào chỗ mình đang đứng. Xiết đỗi vui mừng, bà vội vàng mang pho tượng về nhà và từ đó ngày hai buổi sớm tối công phu thờ lạy Ngài rất nghiêm chỉnh. Vì chưa có con thế nên mỗi lần cúng lạy bà cũng không quên khấn vái cùng với Bồ-tát Ðịa Tạng giúp cho bà có một đứa con trai. Không bao lâu, quả nhiên bà thọ thai và sanh được một đứa con trai. Nhưng bất hạnh thay, khi đứa bé tròn bốn tuổi thì người mẹ lâm bạo bệnh và qua đời. Chẳng bao lâu sau đó thì người cha tục huyền với một người đàn bà khác. Bà này là một người rất hung dữ và độc ác và đứa con chồng thường xuyên là nạn nhân cho những cơn thịnh nộ của bà kế mẫu hung ác này.

Ðứa bé ngay từ hồi nhỏ do đã chịu ảnh hưởng của mẹ trong việc thờ cúng Bồ-tát Ðịa Tạng, cho nên khi mẹ mất đi cũng không hề quên và xao lãng nghi lễ này, tuy nhiên do sợ bà mẹ ghẻ đánh chửi, nó đã phải làm trong âm thầm lén lút. Một hôm trong khi người cha có việc phải rời khỏi nhà đi ra tỉnh, nhân lúc bà mẹ ghẻ đang ngủ trưa, đứa bé vào bếp kiếm được một ít cơm nguội vội vàng đem dâng cúng lên bàn thờ của Bồ-tát Ðịa Tạng và mẹ mình. Quỳ trước bàn thờ, lòng nhớ thương mẹ không nguôi đã làm đứa bé bật khóc lên nức nở. Tiếng khóc của đứa trẻ làm bà mẹ ghẻ tỉnh giấc và khi trông thấy đứa trẻ đang cúng lạy mẹ nó, bà liền nổi cơn thịnh nộ và trong khi điên tiết lên vì giận dữ, bà đã túm lấy nó quẳng vào nồi cháo heo đang sôi sùng sục trên bếp lửa.

Trong lúc này, người cha đang đi đường bỗng dưng cảm thấy lòng dạ bồn chồn nóng lên như lửa đốt, khiến ông không thể cất bước được nữa và như có điều gì thúc dục buộc ông phải quay trở về nhà. Ðến đầu làng, ông bỗng gặp một nhà sư cõng một đứa bé ở sau lưng đang than khóc thảm thiết, tiếng khóc nghe rất quen thuộc. Không nghi ngờ gì nữa, đó là tiếng khóc của chính con ông! Tuy vậy, người cha vì chưa thấy mặt nên còn bán tín bán nghi hỏi nhà sư: “Thầy ơi, đứa trẻ nào đang khóc vậy?” Nhà sư trả lời: “Ta đã đổi mạng ta cho đứa trẻ này khi người mẹ ghẻ của nó đang tìm cách giết nó. Ngươi hãy tìm kẻ nào đáng tin cậy để nuôi dưỡng và giáo dục đứa bé này.” Nói xong nhà sư trao đứa bé vào tay của người cha đang kinh hoàng run rẩy. Mang ơn nhà sư, người cha vội hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đang trú trì ở chùa nào?” Nhà sư trả lời: “Ta ở gần đền thờ vua Thập Ðiện”, xong biến mất. Sau khi đem con gởi nhờ ở nhà ông bà nội, người cha quay trở về nhà và thấy bà vợ đang ra sức đun củi vào bếp, trên đó là một nồi nước đậy nắp đang sôi. Thấy chồng xuất hiện bất ngờ, bà ta có vẻ bối rối và tìm cách dập tắt ngọn lửa. Anh ta liền hỏi vợ: “Thằng con tôi đâu rồi sao không thấy?” Bà vợ gian xảo lúc này bèn giả bộ đau thương, sụt sùi kể lể: “Thấy không có ông ở nhà, thằng nhỏ bỏ chạy ra chơi ở cạnh bờ sông không may sẩy chân rớt xuống sông, nước cuốn mất xác rồi.” Người chồng không nói gì vội tiến đến cạnh nồi nước và mở nắp ra. Nổi ở trên mặt nồi cháo heo đang sôi sùng sục là pho tượng của Bồ-tát Ðịa Tạng, pho tượng ở trên bàn thờ mà người vợ trước của ông đã thờ cúng hằng ngày! Bây giờ thì anh ta mới hiểu hết ý nghĩa lời của nhà sư nói “Ta đã đổi mạng ta” và biết rằng nhà sư mà ông vừa mới gặp không ai khác hơn chính là Bồ-tát Ðịa Tạng đã hóa hiện ra để cứu con mình. Chán nản trước tình đời, cảm động trước sự linh ứng nhiệm mầu của Bồ-tát Ðịa Tạng, người đàn ông xuống tóc đi tu và trở thành một nhà sư suốt đời tận tụy thờ phượng Bồ-tát Ðịa Tạng.

Tâm Hà. (Còn nữa)

Ghi chú:
(5) Kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện, Phẩm Thứ Tám, “Các Vua Diêm La Khen Ngợi”, bản dịch của HT. Thích Trí Tịnh.
(6) Kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện, Phẩm Thứ Sáu, “Như Lai Tán Thán”, bản dịch của HT. Thích Trí Tịnh.
(7) Xem “Jizo Bodhisattva, Modern Healing & Traditional Buddhist Practice”, Jan Chozens Bays, Tutle Publishing, 2002. P. 73.
 
[Tập san Pháp Luân - số 9]