Chùa Thầy - giai thoại và triết học

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Chùa Thầy thuộc làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

 

Chùa Thầy (Thiên Phúc tự), một di tích Phật giáo và văn hóa, đến nay chưa xác định niên đại thành lập, nhưng theo một số sử liệu cho chúng ta biết, lịch sử của ngôi chùa này gắn liền với thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa hiện còn được xây dựng thời Lê Trung Hưng (tu sửa lớn vào năm 1499 theo lệnh vua Lê Hiến Tông). Chùa Thầy dựa vào sườn Tây Nam của một núi đá vôi có nhiều hang động. Ngọn núi đó gọi là núi Thầy tức núi Sài Sơn thuộc làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

Chùa Thầy khởi nguyên chỉ là một ngôi chùa làng bé nhỏ, song với đức độ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh mà ngôi chùa này dần dần được xem là một chốn Tổ. Thiền sư Từ Đạo Hạnh, theo pháp phái, Ngài là thế hệ thứ 12 thuộc dòng “ Tỳ-ni-đa-lưu-chi”, một Phật phái gần gũi với nếp sống và tín ngưỡng dân dã, với những hướng đi được quần chúng nhân dân sùng kính. Hơn nữa, theo lịch sử để lại, chúng ta thấy thế kỷ thứ 17 là thời kỳ xã hội Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng, cho nên chính thời điểm ấy cánh cửa từ bi của đạo Phật nói chung và ngôi chùa nói riêng mở rộng vòng tay che chở. Chính vì thế đã tạo ra những thiền môn sầm uất lúc đó như một trào lưu theo yêu cầu cần thiết nhất, mà bản thân chùa Thầy cũng vậy.

Chùa Thầy được xây dựng theo thuyết phong thủy rất rõ ràng. Chùa được tọa lạc trên một thế đất hình rồng, một loài vật được dân gian sùng bái và hư cấu nhất trong tất cả các con giáp của dân gian. Ở phương Đông có một câu nói về nhóm tứ linh như sau “kỳ lân tín nghĩa, phượng hoàng trị loạn, rùa báo điềm lành, rồng có phép biến hóa” thì trong đó rồng được biết đến như một dũng sĩ rất uy nghi, thiêng ứng, có vai trò độ thế như chính trong tâm tưởng của mỗi vị tu sĩ trong triết lý của Phật giáo.

Phía trước chùa bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao rồng). Sân có hàm rồng. Tất cả những yếu tố đó đều mang nét tượng trưng thực sự, với những chi tiết mang lại tiết tấu tôn lên hình ảnh của con rồng trong tư thế đang ngậm một viên ngọc uốn lượn đùa trong nước. Nổi bật nhất chính là thủy đình mọc lên giữa hồ long chiểu chính là viên ngọc ở đầu rồng, hai giếng hai bên chính là hai mắt rồng. Ngoài ra, vào năm 1602, ngôi chùa này được Trạng bùng Phùng Khắc Khoan cho xây dựng thêm hai cầu có mái ngói chính là hai răng nanh của miệng rồng: cầu Nhật Tiên ở bên trái trông vào đền tam phủ, xây trên một đảo nhỏ ở giữa ao; cầu Nguyệt Tiên ở bên phải dẫn vào đường lên chùa trên núi. Đối diện với thủy đình là chùa cả, xây dựng theo kiểu chữ “tam” , trong đó có đặt ba pho tượng diễn tả ba kiếp của Thiền sư Từ Đạo Hạnh: Tăng, Phật, và Đế vương, mang màu sắc triết lý Phật giáo về kiếp luân hồi trong một cuộc đời làm người và sự giải phóng chính mình, cứu giúp mọi người ra khỏi những nghiệp chướng.

Với hướng quay về Nam như vậy tạo ra một chủ ý minh triết vừa đề cao vừa cầu viện đến sức mạnh của đức thánh Từ Đạo Hạnh. Còn đối với các công trình kiến trúc tôn giáo thời Lê lại có một lời giải thích khác: “Hướng Nam là hướng mà đức Phật và Bồ-tát quay về để nghe lời kêu cứu của chúng sanh trong kiếp đời tuy lụy, dùng pháp từ bi hỉ xả mà cứu vớt” (theo Nguyễn Đình Toàn, trong Kiến Trúc Việt Nam Qua Các Triều Đại, trang 96) dù được giải thích như thế nào chăng nữa thì cũng là một kinh nghiệm được đúc kết qua thời gian mà có, còn trong dân gian thì lại lưu truyền: Lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng Nam”.

Chùa Thầy còn là một trung tâm văn hóa mà nổi bậc nhất chính là thủy đình ở giữa hồ Long Chiểu như đã nói ở trên, ngoài sức biểu tượng còn mang một công năng dân dã, ở đây thường xuyên diễn ra hoạt động múa rối dưới nước đặc sắc. Về bản thân căn nguyên của múa rối nước đã ẩn chứa trong nó tiềm tàng về triết lý nghệ thuật dân  gian của Việt Nam. Ngoài ra còn là một trung tâm văn hóa sinh hoạt cộng đồng mang màu sắc tín ngưỡng thường dân:

Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ,
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.

Lời giải thích đó được nhắc đến khá đầy đủ trong bài thơ:

Rủ nhau lên núi Sài Sơn
Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?
Hỏi non, non những làm thinh
Phải rằng non đã vô tình với ai?
Nước non ví chẳng chiều đời
Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?
Yêu nhau ta dắt nhau cùng
Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.
(Nam Trần Tuấn Khải).

Chùa thầy là sản phẩm lao động cả về trí tuệ lẫn sức lao động của con người Việt Qua đó thể hiện những suy tư, nếp sống, sinh họat của cộng đồng một tổ chức, đánh giá được những giá trị tinh thần tiềm tàng trong quần cư tại chỗ nói riêng và cả một nền văn hóa nói chung xin mượn lời của Nguyễn Khuyến để thay đoạn kết:

Hóa công xây đắp biết bao đời
Nọ cảnh Sài Sơn có chợ Trời
Buổi sớm gió tuôn, trưa nắng gắt
Ban chiều mây họp tối trăng chơi
Bày hàng hoa quả tư mùa sẵn
Giữ thủ giang sơn bốn mặt ngồi
Bán lợi mua danh no những kẻ
Chẳng lên mặc cả một đôi lời.

Quang Đức
[Tập san Pháp Luân - số 19, tr.71, 2005]