Tiểu sử 14 đời của đức Đạt-lai Lạt-ma

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tóm tắt tiểu sử mười bốn đời của đức Đạt-lai-lạt-ma

Nghi thức của các Đạt-lai-lạt-ma ở Tây Tạng thật sự là một trong những thể chế vô song trên thế giới. Sau khi Đức Đạt-lai-lạt-ma viên tịch không bao lâu, một hội đồng được thành lập để tìm kiếm sự tái sinh của Ngài. Hầu hết các đức Đạt-lai-lạt-ma đều để lại những “manh mối” bí mật như: nơi mà các Ngài sẽ tái sinh vào. Chính những manh mối này được sử dụng như là cơ sở cho sự tìm kiếm. Thêm vào đó, còn có các nhà tiên tri, những vị Lạt-ma nổi tiếng, những người có khả năng biết trước được tương lai, và tất cả các thành viên đặc biệt khác của xã hội Tây Tạng đã cùng làm việc với nhau để xác định vị trí và phục hồi lại hậu thân trẻ ấy. Các nhóm tìm kiếm được thành lập, các ứng cử viên đã được nhận dạng, và sau đó họ sẽ tiến hành và mở rộng những cuộc thử nghiệm. Lúc này, mỗi ứng cử viên tí hon sẽ được những vị Lạt ma cho xem những vật dụng thuộc về đức Đạt-lai-lạt-ma tiền kiếp, như: những xâu chuỗi hạt, những pháp khí dùng cho nghi lễ, những thứ đồ đạc quần áo… chúng được trộn lẫn với những bản sao giống nhau như đúc, và người tái sinh thật sự được yêu cầu phải chọn chính xác những vật dụng thuộc về tiền thân của mình.

Một ứng cử viên thành công sẽ được thừa nhận một cách chính thức và được đăng quang cùng với chức vụ quan trọng. Sau đó, vị này sẽ được trao cho những bậc Thầy lỗi lạc của Tây Tạng dạy dỗ. Trong suốt thời gian từ hai mươi đến ba mươi năm vị ấy phải phục tùng, tuân theo sự đào tạo tâm linh chuyên sâu các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học và nhân văn. Cuối cùng, vị ấy phải đương đầu với một kỳ thi tranh luận với cả chục học giả nổi tiếng trước sự chứng kiến của vài chục Tăng Ni trong những học viện lớn ở Tây Tạng. Có như thế vị ấy mới mở rộng quyền lực tâm linh của mình trên toàn lãnh thổ. Đức Đạt-lai-lạt-ma hiện tại là vị thứ XIV và đang thống lãnh quyền lực đặc biệt của quốc gia.

Từ “Dalai” (Đạt Lai) thật ra xuất phát từ Mông Cổ, mặc dù dòng dõi của Dalai Lama ra đời trước khi có được danh hiệu này. Vị đầu tiên được biết đến như một “Dalai” chính là So Nam Gya-tso, người đã cảm hóa được vua Mông Cổ - Altan Khan - và cả vương quốc của ông ta đến quy y với Phật giáo vào năm 1578. Thay vì gọi Ngài bằng cái tên Lama của Tây Tạng, vua Altan Khan đã dịch phần thứ hai của tên ngài, (Gyal-tso)  có nghĩa là “Đại dương” sang tiếng Mông Cổ. Kết quả thành ra từ “Dalai Lama” hay “bậc Đạo Sư (có trí tuệ như) đại dương”. “Dalai” cũng là thuật ngữ ngụ ý về quyền uy tối cao hay sự vĩ đại. Từ này còn có một cách dịch khác là “vị Thầy tối thượng”, “bậc Đại Đạo Sư”. Như vậy, dân tộc Mông Cổ là những người đầu tiên sử dụng từ: “Dalai Lama” (Đạt-lai-lạt-ma), sau đó danh hiệu này lan tỏa sang Trung Quốc và các vùng Viễn Đông, rồi đến châu Âu và châu Mỹ, nó chưa từng được sử dụng bởi chính người Tây Tạng. Tuy nhiên, người Tây Tạng lại thích gọi bậc Thầy lãnh đạo tinh thần của họ bằng những danh hiệu Tây Tạng như: Kun-dun (bậc Vạn Năng), Yi-shin Nor-bu (viên Ngọc Ước) và Gyal-wa Rinpoche. Sonam Gyal-tso được xem là tái sinh của Gen-dun Gyal-tso. Vị này lại là tái sinh của Gen-dun Drub, do vậy, So-nam Gyal-tso, thầy của Vua Altan Khan, được biết đến như đức Đạt-lai-lạt-ma thứ III. Hai vị trước chỉ được gọi danh hiệu sau khi đã qua đời là đức Đạt-lai-lạt-ma thứ I và thứ II.

Mặc dù các Đạt-lai-lạt-ma là tư tưởng được giải thích và lập luận chính xác là các tái sinh của Đức Dalai Lama, tuy nhiên, mỗi vị có một sự hiện thân rất vĩ đại trong những phong cách đặc biệt và đã chọn một lĩnh vực riêng để tham dự và hoạt động.

Đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên, Gyal-wa Gen-dun Drub đã được sinh ra ở Gur-ma, Zhab-to vào năm 1391 trong một gia đình nông dân du mục. Lúc lên bảy, Ngài phải rời khỏi cha mẹ và được mẹ Ngài cho vào chùa Nar-tang (thuộc trường phái Ka-dam) để học hành. Ngài trở thành một học giả nổi tiếng do chùa này đào tạo và danh tiếng của Ngài đã lan rộng như một ngọn cờ chiến thắng chinh phục trên khắp đất nước Tây Tạng. Vào năm 1447, Ngài xây dựng ngôi chùa Ta-shi Lhun-po ở Shi-ga-tse, sau này trở thành trường Đại học Phật giáo lớn nhất ở miền Nam Tây Tạng. Trong viết lách, Ngài tập trung vào những truyền thống thực hành Ka-dam-pa và năm chủ đề của giáo l‎ý Đức Phật. Ngài đặc biệt nổi tiếng là kết hợp được giữa học và hành, và đã trải qua thời gian nhập thất tu Thiền trong hơn hai mươi năm. Ngài qua đời vào năm 1474 trong lúc đang toạ thiền.

Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ II, Gyal-wa Gen-dun Gya-tso, sinh vào năm 1475 tại Yol-kar Dor-je-den, là con trai của hành giả Yoga nổi tiếng của trường phái Nying-ma. Ngài được phát hiện ra là tái sinh của Gen-dun Drub vào lúc bốn tuổi. Ngài đã học và viết rất nhiều về sự thực hành của những trường phái Tây Tạng, những tác phẩm đặc biệt nổi tiếng của Ngài là về dòng dõi của truyền thống Nying-ma, Shang-pa Ka-gyu và Ge-luk Nyen-gyu. Ngài tập trung chủ yếu vào truyền thống Mật Tông. Ngài đặc biệt nổi tiếng nhờ sự khám phá ra hồ La-tso “Hồ Ảo Tưởng” và xây dựng chùa Cho-khor-gyal bên cạnh hồ. Ngài viên tịch vào năm 1547 trong tư thế đang toạ thiền.

Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ III, Gyal-wa So-nam Gyal-tso, sinh năm 1543 tại Khang-sar xứ To-lung. Ngài được phát hiện ra là tái sinh của Ngài Gen-dun Gyal-tso từ khi Ngài còn rất bé và được đưa đến Dre-pung để học hành. Ngài nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì trí tuệ và sự hoàn hảo của mình và được bổ nhiệm làm người lãnh đạo Tu viện Dre-pung. Tên tuổi của Ngài lừng vang cả châu Á. Vua Altan Khan của Mông Cổ đã trở thành đệ tử của Ngài. Ngài du hành đến Mông Cổ vào năm 1578 và xây dựng chùa Tek-chen Cho-khor. Sau đó, Ngài du hành về phía Đông Tây Tạng và miền Tây Trung Quốc, nơi mà Ngài đã giáo hoá cùng khắp và xây dựng nhiều chùa chiền, trong số đó quan trọng nhất là chùa Li-tang và Kum-bum. Ngài trở nên nổi tiếng nhờ sự kết hợp hai dòng Nying-ma và Ge-luk trong sự thực hành của mình, và mang nền văn minh đến với miền biên địa hoang dã của xứ Trung Á. Ngài viên tịch vào năm 1588 khi đang đi giảng dạy ở miền Đông Nam Tây Tạng.

Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ IV, Gyal-wa Yon-ten Gyal-tso là vị Đạt-lai-lạt-ma duy nhất được sinh ra bên ngoài đất nước Tây Tạng. Ngài tái sinh vào năm 1589 tại Mông Cổ, người nối dõi trực tiếp của vua Altan Khan, Ngài đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với người Mông Cổ là sẽ trở về với họ vào kiếp sau của mình. Vì Ngài sinh ra bên ngoài Tây Tạng nên việc thừa nhận và đăng quang đã xảy ra lâu hơn thường lệ, và mãi đến năm mười hai tuổi Ngài mới được mang về Tây Tạng. Cả Ngài và tiền thân của Ngài là đức Đạt-lai-lạt-ma thứ III đều được nhận những món quà quí giá từ Hoàng đế Trung Quốc và nhiều lời mời viếng thăm cung điện Manchu; nhưng cả hai đều từ chối. Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ IV này không sáng tác một tác phẩm đặc sắc nào, nhưng thay vào đó Ngài đã dành toàn bộ thời gian và sức lực cho việc nghiên cứu và thực hành giáo pháp. Ngài viên tịch vào đầu năm 1617.

Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ V, Gyal-wa Nga-wang Lob-zang Gyal-tso, ra đời vào năm “Con Rắn Lửa” - chưa đầy một năm sau khi đức Đạt-lai-lạt-ma thứ IV viên tịch. Ngài rất năng nỗ so với các Đức Đạt-lai-lạt-ma trước. Ngài sáng tác thật nhiều bằng số lượng tác phẩm của các đức Đạt-lai-lạt-ma trước gộp lại. Ngài du hành và thuyết giảng rộng khắp, phục hồi lại chế độ chính trị ở vùng Trung Á. Suốt cuộc đời Ngài, ba tỉnh của Tây Tạng (miền Trung, Nam và Đông) bị chia ra thành những quốc vương riêng biệt kể từ khi vua Lang Dar-ma băng hà vào giữa thế kỷ thứ IX, và một lần nữa được sát nhập lại để thống nhất xứ Tây Tạng. Sự xuất hiện của bậc Đại Đạo Sư thứ V này như một vị thống lãnh cả về mặt tâm linh lẫn quốc sự. Ngài được Hoàng đế nhà Thanh mời sang triều đình Trung Quốc để chỉnh đốn lại các chùa chiền Phật giáo và viếng thăm Bắc Kinh vào năm 1652. Ngài viết về nhiều đề tài khác nhau nhưng những tác phẩm đặc biệt nổi tiếng nhất của Ngài là về lịch sử, thơ văn Ấn Độ cổ đại và tiểu sử của những nhân vật kiệt xuất trong thời đại của Ngài. Kỳ công vĩ đại cuối cùng của Ngài là sự khởi công xây dựng cung điện Potala tráng lệ ở Lhasa. Tuy nhiên, cung điện này chưa hoàn thành thì Ngài đã viên tịch. Ngài qua đời vào năm 1682 trong lúc đang thực hiện kỳ nhập thất ba năm. Để đảm bảo cho việc hoàn tất của Potala, Ngài ra lệnh rằng sự qua đời của Ngài và nơi Ngài sẽ tái sinh cần phải được giữ bí mật cho đến khi phần chính của công trình xây dựng được đảm bảo an toàn. Vị Đại Đạo Sư thứ V này cũng được tưởng niệm nhờ vào việc thiết lập hệ thống y tế quốc gia và khởi xướng chương trình giáo dục quốc gia cho Tây Tạng.

Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ VI, Gyal-wa Tsang-yang Gya-tso, là vị Đạt-lai-lạt-ma duy nhất không duy trì giới luật thiền môn. Ngài được sinh ra trong gia đình Chi-me Ling-pa thuộc miền Nam Tây Tạng nằm trên đường biên giới giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Hai năm sau Ngài được nhận diện và vào năm 1688 được đưa đến Nang-kha-tse để học hành. Trong thời gian này, mọi sự kiện đều được giữ bí mật và không tiết lộ cho đến khi cung điện Potala được hoàn tất vào năm 1695. Ngài Pan-chen Lama thứ II được mời đến để thế phát và dạy dỗ cho Ngài. Ngài đã được đăng quang vào năm 1697 nhưng Ngài thích cuộc sống ngoài xã hội hơn cuộc sống thiền môn, thế nên đến năm hai mươi tuổi Ngài đã hoàn tục và rời khỏi cung điện Potala, ra sống ở một căn phòng nhỏ mà Ngài đã xây ở dưới chân một ngọn đồi. Ngài được tưởng nhớ và yêu thương qua những tác phẩm thơ ca lãng mạn, cuộc sống đầy thú vị và sự bất cần về quyền lực của mình. Tuy nhiên, bi kịch đã xảy ra với Ngài. Một số người Mông Cổ đã không hài lòng với sự thiếu hình thức thọ trì giới luật của Ngài nên đã xâm chiếm Lhasa và bắt giữ Ngài vào năm 1705. Ngài mất vào năm 1706 trong lúc đang bị đày sang Mông Cổ. Mặc dù vậy, người Tây Tạng vẫn xem Ngài chính là tái sinh của bậc Đại Đạo Sư thứ V và họ đã giải thích cách cư xử bất thường của Ngài chính là sự thể hiện của trí tuệ Mật Tông như một phương tiện truyền bá giáo lý huyền bí cho dân tộc của Ngài.

Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ VII, Gyal-wa Kal-zang Gyal-tso, ra đời vào năm 1708 ở Li-tang, miền Đông của Tây Tạng. Ngài được xác định vị trí ngay sau đó nhưng vì sự quấy rầy của Mông Cổ nên không được công nhận chính thức. Cuối cùng, vào năm 1720, Ngài được đưa về trung tâm của Tây Tạng và được đăng quang ở đó, nhưng điều này vẫn không thực hiện được cho đến khi những cuộc nổi loạn dai dẳng được giải quyết để đánh đuổi quân Mông Cổ khỏi Lhasa. Tuy nhiên, thật không may là sự kiện này được thành công nhờ vào sự trợ giúp của Manchus - người đã xem Mông Cổ như kẻ thù chính của mình và thấy được mối xung đột này (giữa Tây Tạng và Mông Cổ) chính là cơ hội để khuếch trương sự quan tâm của mình đối với vùng Trung Á. Mối liên minh này (Manchus và Tây Tạng) đã dẫn đến sự phức tạp chính trị về sau. Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ VII đã tỏ ra hết sức quan trọng đối với lịch sử tôn giáo Tây Tạng, tuy nhiên, Ngài đã chinh phục được nhân dân Tây Tạng bằng chính cuộc đời thanh bạch và giản dị của một Tăng sĩ. Ngài đã sáng tác rất nhiều, đặc biệt là về lĩnh vực: “Mật Tông phổ cập”: Guhyasamaja, Heruka Chakrasamvara, Vajrabhairava và Kalachakra. Ngài được đặc biệt nổi tiếng nhờ vào sự sáng tác thơ ca về tâm linh và nhiều bản Kinh tụng. Ngài tịch vào năm 1757.

Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ VIII, Gyal-wa Jam-pal Gya-tso, ra đời một năm sau đó tại Tob-Gya thuộc tỉnh Tsang. Ngài đã được phát hiện và đưa về Lhasa vào năm 1762. Ngài được dạy dỗ bởi đức Pan-chen Lama thứ III, Ngài đã biểu lộ đặc tính tâm linh tuyệt vời pha lẫn với sự chán ghét về những âm mưu chính trị. Trong suốt thời gian Ngài sinh tiền, lần đầu tiên Tây Tạng ‎nhận thức được sự “nhòm ngó” về vấn đề thuộc địa của Anh tại châu Á. Vì vậy, Tây Tạng đã hình thành chính sách phòng thủ biệt lập vào năm 1802. Ngài đã viên tịch vào năm 1804.

Cứ mỗi bốn vị Đạt-lai-lạt-ma liên tiếp thì có một vị qua đời rất sớm. Có sự suy đoán rằng trường hợp này có thể vì sự phát triển của bệnh tật do sự liên lạc với thế giới bên ngoài ngày càng nhiều, hoặc giả chỉ đơn giản là do một phần nhân dân Tây Tạng còn thiếu duyên lành (người Tây Tạng cho rằng duyên lành của các đệ tử chính là nguyên nhân chủ yếu đối với sự trường thọ của các bậc cao Tăng).

Có lẽ vì thế nên đức Đạt-lai-lạt-ma thứ IX, Gyal-wa Lung-tok Gyal-tso, sinh năm 1805 đã qua đời vào mùa xuân năm 1815. Đã có sự tiên đoán rằng đức Đạt-lai-lạt-ma này sẽ gặp rất nhiều chướng duyên trong cuộc đời nên Ngài cần phải sống thọ để thực hiện những kỳ công vĩ đại nhất trong tất cả các Đạt-lai-lạt-ma. Lúc Ngài viên tịch, cả Tây Tạng đều khóc thương cho sự mất mát lớn lao của cả dân tộc.

Đức Dạt Lai Lạt Ma thứ X, Gyal-wa Tsul-trim Gyal-tso, sinh vào năm 1816, được phát hiện ra và đăng quang vào năm 1822. Ngài đau yếu liên miên và mất vào năm 1837 khi vừa tròn 21 tuổi.

Một năm sau, đức Đạt-lai-lạt-ma đời thứ XI, Gyal-wa Khe-drub Gya-tso, ra đời ở Gar-tar thuộc miền Đông Tây Tạng. Ngài được đăng quang vào năm 1855 nhưng lại viên tịch trong vòng mười một tháng sau đó.

Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ XII, Gal-wa Trin-le Gya-tso, ra đời một năm sau đó. Ngài là Đạt-lai-lạt-ma duy nhất mà sự chọn lọc dựa trên nền tảng của sắc lệnh “điều may rủi của bình đựng tro cốt bằng vàng” của Trung Quốc. Vì thực tế là có những lúc Đạt-lai-lạt-ma không có quyền lực, cho nên tình hình chính trị nội bộ đã trở nên ngày càng suy yếu. Đức Đạt-lai-lạt-ma này cũng qua đời rất sớm vào năm 1875.

Vị Đạt-lai-lạt-ma thứ XIII, Gyal-wa Tub-tan Gya-tso, sinh năm 1876 trong một gia đình nông dân ở Tak-po Lang-dun miền Đông Nam Tây Tạng. Ngài được phát hiện vào năm 1878 và một năm sau thì được đăng quang. Ngài đã trang bị một cương vị lãnh đạo về chính trị và tâm linh mạnh mẽ cần thiết cho sự phục hồi lại Tây Tạng. Điều này khiến cho chế độ thực dân trở nên hết sức lúng túng và xáo trộn bởi chính những mâu thuẫn, mưu đồ và các cuộc tranh giành quyền lực của nó. Nắm quyền vào năm 1895, Ngài đã chứng kiến cảnh Tây Tạng trải qua những xung đột  giữa Anh và Nga vào cuối thế kỷ XIX, cuộc xâm lược của Anh vào năm 1904 và của Trung Quốc vào 1909. Sau ba năm nỗ lực tranh đấu, nhân dân Tây Tạng đã triệt tiêu được những cuộc tấn công ồ ạt của Trung Quốc, vào năm 1912, tất cả binh lính Trung Quốc đã phải đầu hàng và bị trục xuất khỏi Tây Tạng. Nhưng thật chẳng may là Ngài đã không đủ khả năng để làm cho đất nước Tây Tạng được thừa nhận vào khối Liên Hiệp Quốc. Anh quốc, vì sợ rằng một nước Tây Tạng độc lập sẽ dễ dàng trở thành miếng mồi cho sự bành trướng của Nga nên đã khăng khăng tuyên bố rằng Tây Tạng - về mặt pháp lí - trên bình diện quốc tế - đã được xem như dưới sự thống trị của Trung Quốc (mặc dù thực tế không hề như thế). Tuy nhiên, Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ XIII đã ra lệnh cấm tất cả những người Trung Quốc từ đất nước của Ngài. Điều này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong suốt cả cuộc đời Ngài. Đây là đức Đạt-lai-lạt-ma đầu tiên có sự giao tiếp rộng rãi với phương Tây. Ngài đã nhận được lòng yêu thương sâu sắc và sự kính trọng chân thành từ những người đã có duyên gặp gỡ Ngài. Trong cuốn: Chân dung đức Đạt-lai-lạt-ma của Ngài Charles Bell (London: Collins, 1946) đã biểu lộ sự kính trọng mà người Anh đã dành cho Ngài. Ngài đã hoàn tất việc học vấn của mình từ khi còn rất trẻ và vào năm 1914 đã thực hiện ba năm nhập thất thiền định. Suốt những năm cuối của cuộc đời mình, Ngài đã phấn đấu không ngừng cho công cuộc đổi mới của Tây Tạng dù rằng sự nỗ lực của Ngài phải gặp những kháng cự mạnh mẽ từ các thế lực. Năm 1932 Ngài tiên đoán rằng trong tương lai Trung Quốc sẽ xâm chiếm Tây Tạng nên Ngài đã thúc giục nhân dân Tây Tạng phải chuẩn bị cho chính mình. Mặc dù Ngài đã cống hiến hầu hết thời gian cho nhu cầu khôi phục lại đất nước và tinh thần của dân tộc, tuy nhiên, Ngài cũng đã sáng tác rất nhiều. Ngài đã đến Mông Cổ, Trung Quốc, Ấn Độ và đã trải qua nhiều năm trên bước đường nỗ lực giữ cho đất nước nhỏ bé của mình thoát khỏi sự đè bẹp bởi những thủ đoạn của các nước siêu cường - Anh quốc, Nga, Trung Quốc. Ngài viên tịch vào năm 1933.

Đức Đạt-lai-lạt-ma thứ XIV, Gyal-wa Ten-zin Gya-tso, ra đời vào ngày 06-07-1935 tại Tak-tser, thuộc miền Đông Tây Tạng. Hai năm sau Ngài được phát hiện ra và được cung thỉnh về Trung tâm Tây Tạng. Ngài đã đăng quang vào năm 1939. Đây là đức Đạt-lai-lạt-ma đã được các nước phương Tây tìm đến thỉnh giáo, học hỏi hết sức ngưỡng mộ. Cuộc xâm lược của Trung Quốc vào những năm thập niên 1950 và vô số những cuộc di cư của dân tỵ nạn Tây Tạng tiếp theo sau đó - mặc dù là một bi kịch thật khủng khiếp đối với con người nhưng nó đã có sự ảnh hưởng đến việc khiến cho đức Đạt-lai-lạt-ma và các bậc Cao Tăng Tây Tạng lần đầu tiên tiếp cận được với thế giới phương Tây. Cho đến nay, đức Đạt-lai-lạt-ma thứ XIV đã có vô số chuyến đi hoằng pháp ở phương Tây. Với sở học sâu rộng, trí tuệ uyên thâm về bản chất của nhân sinh đã khiến cho Ngài chinh phục được hàng vạn con tim trên khắp thế giới. Sự hóm hỉnh, lòng nhiệt thành và năng lực từ bi vô hạn của Ngài được xem như những chứng cứ hùng hồn sống động của sức mạnh và tính hiệu quả của Phật giáo Tây Tạng cũng như giá trị lớn lao của nó đối với xã hội loài người.

Khái niệm tul-ku hay “Hiện thân Lama” là một bộ phận không thể thiếu được của văn hoá Tây Tạng. Đức Đạt-lai-lạt-ma là một trong số hàng ngàn trường hợp hiện thân như thế; nhưng Ngài là người có những l‎í do đặc biệt nhất trong số họ, là vua của các sự hiện thân, vượt trên mọi phạm vi giới hạn hay trường phái của Phật giáo Tây Tạng. Ngài vừa là người đứng đầu trị vì cả đất nước Tây Tạng lại còn là bậc Thầy lãnh đạo tinh thần - không những chỉ đối với Tây Tạng mà còn đối với cả các lãnh địa nơi mà Phật giáo Tây Tạng chiếm ưu thế, như Mông Cổ, miền Tây Trung Quốc, Nam Ấn… Những người ngưỡng mộ Ngài không chỉ giới hạn trong số sáu triệu dân Tây Tạng mà là hàng chục triệu Phật tử đang sinh sống trên các dải đất rộng mênh mông, một địa hạt rộng lớn hơn cả lãnh thổ của châu Âu. Ngày nay, Tây Tạng không còn là một quốc gia độc lập nữa, vị trí về mặt thế gian của Ngài - vì một số lí do nào đó - đã bị thu hẹp lại nhưng sự ảnh hưởng về tâm linh của Ngài thì tăng trưởng không ngừng. Ngoài ra, sự trân trọng và kính ngưỡng của cộng động quốc tế đối với các bậc Cao Tăng và Phật giáo Tây Tạng đã phát triển một cách ngoài sức tưởng tượng.

Sự mất mát của Tây Tạng và tương lai phục hưng của nó cũng đã được Padma Sambhava (ngài Liên Hoa Sanh), nhà hiền triết Ấn độ ở thế kỷ thứ VIII tiên đoán: “Khi chim sắt biết bay và những con ngựa sắt chạy bằng bánh xe thì Phật pháp sẽ được mang đến vùng đất của những người da đỏ”. Có lẽ những khổ đau của Tây Tạng và những phẩm cách đặc biệt của nhân dân Tây Tạng chính là chất xúc tác cần thiết để có thể mang chân giá trị của văn hoá Tây Tạng đến với sự quan tâm của thế giới.

Khi được hỏi về vấn đề tiên đoán ở trên, vị Thánh Tăng Đạt-lai-lạt-ma thứ XIV đã trả lời: “Dù có sự tiên đoán hay không thì thế giới phương Tây cũng đang thể hiện một sự quan tâm mạnh mẽ đến Phật giáo. Càng ngày càng có nhiều trường Đại học đưa ra giảng dạy về phân khoa Phật giáo, hàng trăm trung tâm Thiền Phật giáo đã xuất hiện trên thế giới. Bản thân tôi tuyệt đối tin tưởng rằng Phật giáo chính là tài sản của cả nhân loại chứ không phải riêng của bất cứ dân tộc hay quốc gia nào. Phật giáo đã cống hiến rất nhiều cho nhân loại về lĩnh vực thấu hiểu và trưởng dưỡng tâm thức. Thông qua việc hiểu biết và phát triển những phẩm chất sáng tạo của tâm thức, chúng ta có thể làm tăng trưởng nền hoà bình và hạnh phúc cho nhân loại. Nếu người Tây Tạng chúng tôi có thể đóng góp được cho vấn đề này - dù bằng bất cứ giá nào - thì chúng tôi cũng sẽ hết sức vui mừng để làm được điều đó…. Có rất nhiều yếu tố trong Phật giáo có thể mang lại sự lợi lạc cho thế giới, nhiều phương pháp để trưởng dưỡng tình yêu cao thượng, tâm từ bi và trí tuệ. Mọi người đều được lợi lạc nhờ vào sự tăng trưởng của những phẩm chất này. Người ta không cần phải trở thành Phật tử trong ý nghĩa nghi thức để được sử dụng những phương pháp kỹ thuật Phật giáo. Mục đích của Giáo pháp là để làm lợi lạc tất cả chúng sinh… Thế giới thật sự cần hoà bình, tình yêu và sự hiểu biết. Nếu Phật giáo có thể làm cho sự đóng góp này trở nên hoàn hảo, chúng tôi sẽ rất vui để được làm như thế. Tất cả chúng ta đều cùng nhau sống chung trên hành tinh này. Tất cả chúng ta đều là anh chị em với cùng những khả năng về thể xác lẫn tinh thần, cũng có cùng những vấn đề và những nhu cầu như nhau. Tất cả chúng ta đều cần phải đóng góp với tât cả khả năng của mình cho sự hoàn hảo của tiềm năng nhân loại và sự hoàn thiện phẩm chất của cuộc sống. Nhân loại đang kêu gọi sự giúp đỡ. Những ai có điều gì để cống hiến thì nên tiến về phía trước. Bây giờ chính là lúc…”.

(Phỏng dịch theo phần Phụ lục của “Selected Works of the Dalai Lama II” by Glenn H. Mullin)

Biển Xanh
[Tập san Pháp Luân - số 19, tr.48, 2005]