Dòng họ Thích-ca

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Khi sinh ra và lớn lên trong cuộc đời này mỗi người đều mang trong mình một huyết thống mà tổ tiên bao đời đã hun đúc, giữ gìn và truyền thừa qua nhiều thế hệ. Có những người đã quên mất nguồn cội,...(TĐT)

Việc tìm hiểu về phả hệ của dòng họ Thích Ca cũng là một khía cạnh cần thiết mà chúng ta cần đề cập đến. Hầu như các bảng phả hệ được trình bày trong mỗi nguồn đều có những dị biệt. Sự dị biệt này có lẽ bắt nguồn từ truyền thống truyền miệng và sau đó được ghi chép thành những văn bản tại những địa phương khác nhau. Thêm vào đó việc phiên âm, dịch nghĩa theo nhiều cách trong các văn bản Hán văn càng tạo ra những khó khăn cho người đời sau. Những văn bản Phật học chính bàn đến phả hệ của dòng họ Thích Ca gồm có các bộ: Đại Sử, Đảo Sử, Ngũ Phần Luật, Tứ Phần Luật (quyển 31), Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Phá Tăng Sự (quyển 01), kinh Trường A Hàm, kinh Đại Lầu Thán (quyển 6), kinh Khởi Thế (quyển 10), kinh Khởi Thế Nhân Bổn (quyển 10), kinh Phật Bổn Hạnh Tập (quyển 5), kinh Phật Thuyết Chúng Hứa Ma Đế (quyển 01), Luận Chương Sở Tri… Những bản phả hệ trong tạng Pāli và Hán tạng như thế đều rất dài và cách phiên dịch tên của các vị vua có nhiều sai khác. Khi khảo sát những bản phả hệ này, một điều mà chúng ta dễ nhận thấy là tất cả đều nhìn nhận rằng ông tổ của dòng họ Thích Ca được gọi là Mahāsaṃmata hay Đại Nhơn (theo cách dịch của Tứ Phần Luật. Theo nghĩa đen, Mahāsaṃmata có nghĩa là người được hội chúng bầu chọn hay đề cử. Điều này cho thấy rằng việc bầu chọn thời xưa được tiến hành theo thể chế dân chủ. Người được bầu lên đó phải hội đủ những phẩm chất cần thiết và sau này vị ấy sẽ trao quyền cai trị cho một người nào đó xứng đáng. Các bộ sử Nam truyền và Tứ Phần Luật đều ghi lại rằng thân phụ của vua Tịnh Phạn có tên là Sīhahanu hay Simhahanu (Sư Tử Giáp), trong khi đó theo Ngũ Phần Luật thì tên của vị vua đó là Ni-hưu-la. Có thể rằng Ni-hưu-la là cách phiên âm khác của chữ Simhahanu. Theo hai bộ Đảo Sử và Đại Sử, vua Sīhahanu có năm người con là: Suddhodana, Dhotodana, Sakkodana, Sukkodana và Amitodana; còn theo Ngũ Phần Luật vua Ni-hưu-la có bốn người con là Tịnh Phạn (Suddhodana), Bạch Phạn (Sukkodana), Hộc Phạn (Dhotodana) và Cam Lồ Phạn (Amitodana). Cũng theo Ngũ Phần Luật, Tịnh Phạn có hai người con là Bồ-tát (Sĩ-đạt-đa) và Nan-đà; Bạch Phạn có hai con là A-nan-đà và Điều Đạt; Hộc Phạn có hai con là Ma-ha Nam và A-na-luật; Cam Lồ Phạn có hai con là Bà-bà và Bạt-đề. Các bộ sử Nam Truyền và Tứ Phần Luật chỉ nói đến con của vua Tịnh Phạn chứ không nói đến con của các vị khác.

Theo lời kể của thanh niên Ambaṭṭha trong kinh Ambaṭṭha (Trường Bộ I), những người Thích Ca không chịu ảnh hưởng nhiều từ Bà-la-môn giáo. Họ thường hội họp trong một hội trường (Santhāgāra) tại Ca-tỳ-la-vệ để bàn luận chuyện quốc gia theo một thể chế cộng hòa. Tương truyền rằng cũng chính tại nơi này họ đã họp để bàn về chuyện vua Ba-tư-nặc xin cưới một người con gái trong dòng họ Thích. Thể chế dân chủ của dòng họ Thích ca đã được Bernhard Breloer trình bày khá chi tiết trong một bài nghiên cứu của mình. Kinh điển Pāli có kể lại rằng khi hai bộ tộc Thích Ca (kinh Hữu Học, Trung Bộ) và Mallā (kinh Phúng Tụng, Trường Bộ) xây dựng được hội trường mới ở Ca-tỳ-la-vệ và Pāvā họ đều thỉnh đức Thế Tôn và các đệ tử của Người đến để chứng minh, giảng pháp rồi sau mới sử dụng vào việc khác. Ngoài hội trường chính tại kinh đô, người Thích Ca cũng tạo những nơi hội họp nhỏ hơn tại các khu đô thị hay làng mạc để bàn luận chuyện địa phương. Những hội trường nhỏ để hội họp như thế thường chỉ có mái che nhưng không có tường bao quanh. Nền kinh tế thời ấy chỉ tập trung vào hai nét sinh hoạt chính là trồng lúa và chăn nuôi gia súc. Phần lớn gia súc được chăn nuôi gần những khu rừng cách xa làng mạc. Khác với tầng lớp nông dân, thương gia và thợ thủ công, phần lớn những thợ mộc, thợ kim hoàn và thợ gốm sống trong những khu làng riêng biệt. Ranh giới phân định giữa các làng là những cụm rừng thưa, còn biên giới giữa các bộ tộc là những dãy núi, những con sông lớn hay những khu rừng rậm. Lịch sử cho thấy rằng khi một bộ tộc nào bị suy tàn thì chính những khu rừng này càng ngày càng nới rộng và phủ lấp cả nền văn minh của bộ tộc ấy.

Kinh đô của dòng họ Thích Ca là Ca-tỳ-la-vệ (P:Kapilavatthu; S: Kapilavastu), một khu vực nằm bên cạnh sông Bhāgīrathī. Tên của thành phố này ít nhiều có liên quan đến nhà hiền triết tên là Kapila. Kapila chứng được một loại trí tên là Địa Võng (Bhumijāla). Với vị trí này, Kapila có thể biết được địa thế của những khu vực khác nhau và ông đã khuyên những người con của vua Okkāka nên ở lại tại nơi ông đang tu trì vì trong tương lai vùng đất này sẽ trở thành một nơi trù phú và nổi tiếng. Các hoàng tử đã nghe theo lời Kapila và họ đặt tên nơi ấy là Ca-tỳ-la. Trước khi qua đời Kapila đã quan sát cõi thọ sanh của mình và ông quyết định tái sinh ở nơi này vì trong tương lai sẽ có một đức Phật giáng sinh tại đây. Theo giáo sư H. Nakamura, không có một liên hệ trực tiếp nào giữa Kapila, tổ sư của phái Số Luận, với nguồn gốc của kinh thành Ca-tỳ-la. Chữ Kapila vốn có nghĩa là màu đỏ nhạt của lửa về sau đã trở thành tên địa danh. Đôi khi Ca-tỳ-la-vệ cũng được gọi bằng những tên khác như: Kapilapura, Kapilāhvayapura (Bộ Đại Sự, kinh Thần Thông Du Hý) hay Kapilasyavastu (Phật Sở Hành Tán).

Thành Ca-tỳ-la nằm tại nơi trù phú và nhộn nhịp nhất trong vương quốc của dòng họ Thích Ca. Vương quốc này tuy nhỏ hơn những cường quốc khác như Ma-kiệt-đà, Kiều-tát-la, Kiều-thưởng-di… nhưng nó nằm ở một địa thế rất lý tưởng: phần lớn đất đai được bao bọc bởi hai con sông lớn là Rohini và Banganga. Hai con sông này bắt nguồn từ trên cao nguyên, băng qua những đồng bằng phì nhiêu, chảy về phía Nam và nhập vào sông Hiranyavati trước khi đổ vào sông Hằng. Khi còn thơ ấu, thái tử Sĩ-đạt-đa thích ngồi trên bờ sông Banganga và nhìn những con nước êm trôi của con sông này.

Sau khi thành đạo, đức Phật đã về quê thăm vài lần nhưng có ba sự kiện quan trọng về sự lưu tâm của đức Phật đối với dòng họ mình mà kinh điển thường nhắc đến nhiều nhất. Lần thứ nhất theo sự cầu thỉnh của vua Tịnh Phạn, đức Phật và các đệ tử của mình đi từ thành Vương Xá đến Ca-tỳ-la-vệ. Sau khi đến nơi, đức Phật và các đệ tử thứ lớp đi từng nhà để khất thực. Vua Tịnh Phạn rất đỗi kinh ngạc và thưa với đức Phật rằng trong lịch sử của dòng họ Thích Ca xưa nay chưa có ai đi khất thực bao giờ. Đức Phật bèn đáp:

“Có thể trước đây chưa có người Thích Ca nào làm như vậy cả, nhưng tất cả các vị Tỳ Kheo thì có. Thưa phụ vương! khất thực là một pháp thực tập tâm linh để giúp cho một vị Tỳ Kheo nuôi lớn lòng từ ái và thấy được tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau. Khi Như Lai nhận một mẫu khoai tây nhỏ từ một gia đình nghèo khó thì hành động đó không khác chi lúc Như Lai nhận một đĩa thức ăn đượm vị từ một vị vua. Một vị Tỳ Kheo cần phải vượt qua những rào chắn phân biệt giữa kẻ giàu và người nghèo. Trong giáo pháp của Như Lai tất cả đều bình đẳng. Mỗi người, dầu cho có nghèo như thế nào đi nữa, cũng có thể thành tựu giác ngộ và giải thoát. Khất thực không có nghĩa là hạ thấp phẩm giá của mình. Nó giúp chúng ta nhận ra phẩm vị cao quý vốn có trong tất cả mọi người.”

Ngay khi nghe được những lời giải thích đó, vua Tịnh Phạn đã chứng quả Dự Lưu. Đức Phật đã chinh phục được trái tim của phụ vương trước phong thái tự tại và những lời dạy minh triết của Ngài. Ngài nắm tay phụ vương và cả hai cùng tiến về hoàng cung. Trong hơn sáu tháng trú tại đây, đức Phật đã độ cho năm trăm thanh niên thuộc dòng dõi Thích Ca xuất gia và qui y cho vô số người khác. Vua Tịnh Phạn cũng cho xây một tinh xá bên trong cung điện mùa hạ xưa kia của Thái tử cho các vị tân Tỳ kheo. Tôn giả Xá Lợi Phất nhận lãnh trách nhiệm giảng dạy và thiết lập qui chế sinh hoạt tại đây. Theo Bộ Đại Phẩm, trước khi đức Phật ra đi, vua Tịnh Phạn đã thỉnh Ngài thọ trai và giảng bài pháp cuối cùng cho hoàng tộc và những người thuộc dòng họ Thích. Nhân đó đức Phật bèn giảng về việc ứng dụng chánh pháp trong đời sống chính trị. Ngài dạy:

“Chánh pháp có thể soi sáng lĩnh vực chính trị và hỗ trợ cho những ai cai trị quốc gia vì mục đích thiết lập công lý và bình đẳng xã hội. Nếu các vị thực tập theo chánh pháp, các vị sẽ có thêm sự hiểu biết và tình thương để phục vụ mọi người, các vị sẽ tìm ra được phương thức để mang lại hòa bình và hạnh phúc mà không cần đến bạo động. Các vị cũng không cần phải chém giết, tra tấn hay bỏ tù người ta, cũng chẳng cần phải tịch thu tài sản của họ. Đây không phải là lý tưởng viễn vông mà là một điều có thể thực hiện được… Khi một nhà chính trị có đủ sự hiểu biết và tình thương, vị ấy sẽ thấu cảm được những cảnh cơ hàn, nghèo khó và sự áp bức bất công. Một người như thế có thể tìm ra được giải pháp để cải tổ chính quyền, để xóa đi khoảng cách giữa kẻ giàu và người nghèo cũng như từ bỏ việc dùng vũ lực để đàn áp người khác. Này các thiện hữu! nhà lãnh đạo chính trị và những người cầm quyền cần phải noi gương cho mọi người. Đừng nên sống trong sự xa hoa bởi lẽ tài sản chỉ tạo thêm khoảng cách giữa các vị và dân chúng. Hãy sống một cuộc đời giản dị, thuần thiện và sử dụng thời giờ quí báu của mình để phục vụ cho dân tộc hơn là cứ theo đuổi những thú vui vô bổ. Một nhà lãnh đạo có thể tạo được niềm tin và lòng kính ngưỡng đối với dân chúng nếu như vị ấy là một tấm gương sáng. Nếu các vị thương yêu và quí kính dân chúng thì các vị cũng được họ thương yêu và quí trọng lại. Cai trị bằng đạo đức khác với cai trị bằng luật pháp. Cai trị bằng đạo đức là không dựa vào hình phạt. Theo đạo lý giác ngộ, niềm hạnh phúc chân thật chỉ có thể đạt được bằng con đường đạo đức.”

Đức Phật đã dạy những lời vàng ngọc trên không chỉ cho các nhà lãnh đạo của dòng họ Thích Ca mà còn cho bất cứ ai đang nắm giữ vận mệnh của dân tộc mình. Bài pháp này quả thật có một giá trị vượt thời gian và rất quí báu đối với xã hội hôm nay.

Sự kiện thứ hai là việc những người Thích Ca tranh chấp với bộ tộc Koḷiya về nguồn nước của con sông Rohini. Sự tranh giành này nghiêm trọng đến nỗi nhà cầm quyền hai bên đã ra lệnh cho binh lính bày trận hai bên bờ sông để chuẩn bị đánh nhau. Lúc ấy, đức Phật đã xuất hiện kịp thời, đã giảng giải, thuyết phục họ không vì một ít nước mà dẫn đến cảnh chém giết lẫn nhau. Cả hai bên nghe theo lời khuyên ấy và tạo lại mối quan hệ tốt đẹp như xưa.

Sự kiện thứ ba là việc Tỳ-lưu-ly đem quân chinh phạt dòng tộc Thích Ca. Vua Ba-tư-nặc vì muốn tạo sự giao hảo với dòng họ Thích Ca nên tỏ ý muốn cưới một người con gái trong hoàng tộc Thích Ca làm vợ. Vì cho rằng nhà vua vốn không phải xuất thân từ dòng họ cao quý nên những người Thích Ca đã đem một người nữ tì tên Vāsabhakhattiya gả cho vua. Về sau người nữ tì này sanh thái tử Tỳ-lưu-ly. Trong một chuyến về thăm Ca-tỳ-la-vệ, thái tử phát hiện ra sự việc này và rắp tâm sẽ trả thù dòng họ Thích Ca. Về sau thái tử soán ngôi vua cha và đã ba lần kéo quân đến Ca-tỳ-la-vệ. Theo kinh Tăng Nhất A Hàm (quyển 26), trong hai lần đầu đức Phật đã ngồi kiết già dưới một cội cây khô để đón đường Tỳ-lưu-ly. Tỳ-lưu-ly lấy làm ngạc nhiên và hỏi Ngài rằng vì sao nơi đây có nhiều tàng cây mát mẻ mà đức Phật lại ngồi dưới cây khô. Đức Phật đáp: “Bóng mát của thân tộc thù thắng hơn bóng mát người khác.” Tỳ-lưu-ly nghĩ rằng việc mình chinh phạt Ca-tỳ-la-vệ là một điều sai lầm. Đến lần thứ ba, tôn giả Mục-kiền-liên báo tin cho đức Phật và bạch với Ngài rằng mình sẽ dùng một lồng sắt để bao phủ và bảo vệ thành Ca-tỳ-la. Đức Phật đáp rằng nay túc duyên của dòng họ Thích Ca đã chín muồi và họ sẽ chịu quả báo. Kể từ cuộc chinh phạt đó của Tỳ-lưu-ly dòng họ Thích Ca hầu như không được sử sách nhắc đến nữa, ngoại trừ kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ Kinh).

Ngày nay, có hai địa điểm khảo cổ được xem là di tích thành Ca-tỳ-la, một tại Tilaura Kot (Nepal) và một tại Piprāhwā (Ấn Độ).

Tilaura Kot nằm tại thung lũng Terai, cách Lâm-tỳ-ni 24 km. Từ năm 1961, Bộ Khảo Cổ Ấn Độ đã tiến hành khai quật di tích này dưới sự chỉ đạo của tiến sĩ Mitra. Đến năm 1967, đại học Rissho (Nhật Bản) đã gởi một đoàn chuyên gia đến Nepal để tiếp tục khai quật khu di tích này. Công việc của họ kéo dài đến mười một năm. Các nhà khảo cổ Nhật cho rằng khu di tích tại Tilaura Kot đáng tin cậy hơn tại Piprāhwā vì lối kiến trúc thành quách và vị trí địa lý nơi đây rất hợp với những gì mà hai ngài Pháp Hiền và Huyền Trang đã mô tả trong các tác phẩm của họ.

Sau khi khu di tích tại Tilaura Kot được khai quật, Bộ Khảo Cổ Ấn Độ lại tiếp tục khai quật khu di tích tại Piprāhwā và đến năm 1976 họ tuyên bố rằng đây mới thật sự là di tích thành Ca-tỳ-la. Piprāhwā nằm cách Lâm-tỳ-ni khoảng 15 km. Nơi đây từng là điểm khảo cổ của W.C. Peppe và P.C. Mukherji vào năm 1898 và mãi đến những năm 1970 Ấn Độ mới tiếp tục khai quật. Tại cả hai nơi Piprāhwā và Tilaura Kot người ta tìm thấy nhiều di vật cổ xưa mà phần lớn được tạo từ thời Kuṣāṇa, nhưng tại Piprāhwā các nhà khảo cổ tìm được một số cổ vật quí là: một tráp đá đựng xá lợi của đức Phật, một cái lọ có khắc hàng chữ: “Tu viện này được Devaputra Kaniska xây cho chư Tăng thành Ca-tỳ-la”, và những con dấu có khắc những câu như: “Án (om) Chư tăng của tu viện Devaputra tại Ca-tỳ-la-vệ” và “Án! Chư tăng của đại thành Ca-tỳ-la.”

Theo suy luận của giáo sư Rhys Davids, sau khi thành Ca-tỳ-la tại Tilaura Kot bị Tỳ-lưu-ly chinh phạt, một số người trong dòng họ Thích Ca đã chạy đến khu vực thuộc Piprāhwā ngày nay và lập ra thành Ca-tỳ-la thứ hai. Điều này phần nào hợp lý vì cuộc chinh phạt của Tỳ-lưu-ly diễn ra vài năm trước khi đức Phật nhập diệt, và theo kinh Đại Bát Niết Bàn, khi hay tin đức Phật nhập diệt những người Thích Ca ở Ca-tỳ-la-vệ đã gởi sứ giả đến để nhận xá lợi của đức Phật về tôn thờ tại Ca-tỳ-la-vệ.

Một trong những di tích vô cùng quan trọng khác liên quan đến dòng họ Thích Ca là vườn Lâm-tỳ-ni, nơi đức Phật đản sinh. Trên đường về quê vua cha để sinh nở, hoàng hậu Māyā đã ghé vào thăm khu vườn này và đã sanh thái tử tại đây. Các bản kinh không nói nhiều về cuộc đời của hoàng hậu Māyā. Riêng các bản kinh Trường Bộ và Thần Thông Du Hý có nói đến phẩm hạnh hội đủ nơi hoàng hậu để Bồ-tát thọ thai. Khi đến thăm khu vườn này với sự hướng dẫn của tôn giả Ưu-ba-cúc-đa, vua A-dục đã cho xây một bảo tháp, dựng một trụ đá và khắc bia ký để đánh dấu Thánh tích này. Nhiều nhà hành hương nổi tiếng đã đến chiêm bái tại đây như ngài Pháp Hiển, ngài Huyền Trang, vua Ripu Malla… Năm 1896, A. Fuhrer đã khám phá được trụ đá của vua A-dục trong ngôi đền Rumindei tại làng Padariya thuộc tỉnh Basti và từ đó việc khai quật và trùng tu khu Thánh tích được thực hiện cho đến ngày nay.

Tháng 3-1928, các nhà khảo cổ lại tìm thấy một bia ký nói đến sự Đản sanh của đức Phật tại Kapileswara, một ngôi làng nằm cách thủ phủ bang Orissa khoảng một dặm Anh. Nội dung tấm bia này cũng giống như tấm bia tại Lâm-tỳ-ni. Kể từ đó nhiều nhà nghiên cứu đã trình bày những bảng tường trình về di tích này như H.C. Chakaldar (1928), S.B. Pati (1928), N. Mitra (1929), N.K. Sahu (1959), C. Mohapatra (1960), P.V. Mistra (1962), P. Parija (1968), M Nath Das (1969)… Năm 1977 C. Mohapatra đã xuất bản cuốn Nơi Đản Sinh Thật Của Đức Phật (The Real Birth Place of Buddha) để đưa ra những bằng chứng và lập luận nhằm chứng minh rằng đức Phật đã đản sinh tại Orissa chứ không phải tại Nepal. Theo suy luận của ông, vua A-dục đã dựng một trụ đá tại Kapileswara (Orissa) nhưng trụ đá này bị hư hoại và một số Phật tử đã đến Nepal để dựng trụ đá thứ hai. Song những lập luận cho rằng đức Phật đã từng đến Orissa khi Ngài còn tại thế, bia ký ở Orissa đáng tin cậy hơn, hoặc hiện nay ở Orissa có hai địa danh mang tên Lembai và Kapilewara có cách phát âm giống như Lumbini và Kapilavatthu… của C. Mohapatra không mấy thuyết phục cho lắm. Kinh điển Phật giáo chưa bao giờ nói đến việc đức Phật đã từng đến khu vực thuộc Orissa ngày nay và các ký sự của các ngài Pháp Hiển và Huyền Trang không đề cập đến di tích dòng họ Thích Ca ở nơi này. Vì thế Thánh tích Lâm-tỳ-ni vẫn là điểm đáng tin cậy hơn.

Theo sự biến dịch của cơn vô thường, dòng họ Thích Ca ngày nay hầu như không còn sự truyền thừa nữa. Dầu rằng một số người Tây Tạng sống trên dãy Hy-mã-lạp-sơn có nói rằng họ đã từng gặp một vài gia đình mang dòng họ Thích Ca và những gia đình này vẫn giữ những phong tục như xưa. Song vẫn chưa có một cuộc nghiên cứu nghiêm túc nào tìm về dấu ấn dòng họ Thích Ca trong cộng đồng người Nepal. Mặc dầu thời đại vàng son của dòng họ Thích Ca đã chôn vùi trong quá khứ, nhưng dòng họ này vẫn được các thế hệ sau nhắc đến với một niềm kính trọng vì đó là nơi xuất thân của đức Phật, một vị thầy tâm linh siêu tuyệt. Rất nhiều người trong dòng họ Thích Ca như Ananda, Mahanama, Nanda, Anuruddha, Rāhula, MahaPajāpatī, Tissā, Vipassī, Yaśodharā, Mitta, Sundharī Nandā… đã tiếp nối truyền thống của đức Phật, đã xuất gia, an trú trong Chánh pháp và trở thành những bậc hiền thánh khả kính. Cùng với đức Phật, họ đã làm rạng rỡ dòng họ, tổ tiên của mình.❑

Tài liệu tham khảo:
Trường A Hàm Kinh, T1n1.
Tăng Nhất A Hàm Kinh, T2n125.
Phật Bổn Hạnh Tập Kinh, T3n190.
Ngũ Phần Luật, T22n1421.
Tứ Phần Luật, T22n1428.
Phật Quang Đại Từ Điển.
Ahir, D.C.Buddhist Shrines in India, Delhi: B.R. Paperback, 2000.
Bechert, H, ed.When Did The Buddha Live, Delhi: Sri Satguru Publications, 1995.
Davids, T.W.R. Buddhist India, Delhi:Motilal Banarsidass Publishers, 1997.
Law, B.C. Ksatriya Clans in Buddhist India, Delhi: A.Sagar Book House, 1993.
Majumdar, R.C, ed. The History and Culture of The Indian People, Mumbai: BharatiyaVidya Bhavan, Vol II, 2001, p 465.
Mohapatra, C. The Real Birth Place of Buddha, Cuttack: Grantha Mandir, 1977.
Nakamura, H. Gotama Buddha, Tokyo: Kosei Publishing Co, 2000.
Radhakrishnan, S, ed. The Cultural Heritage of India, Calcutta: The Ramakrishna Mission Institute of Culture, Vol I, 1993, p 188.
Singh, R.P.B. Where The Buddha Walked, Varanasi: Indica Books, 2003.
Weeraratne, W.G. Encyclopadia of Buddhism, Vol. V (1990), Vol VI (1996) Ceylon: The Government Press.

Thích Đồng Thành. (hết)
[Tập san Pháp Luân - số 15, tr.35, 2005]